Tâm điểm
Hồ Quốc Tuấn

Kiếm tiền từ tín chỉ carbon: Thật và giả

Cách đây khoảng một tuần, trong hội thảo qua mạng về "Tài trợ cho chuyển đổi xanh" do BritCham Việt Nam (Phòng thương mại Anh tại Việt Nam), British University Vietnam, Đại học Bristol và Quỹ Dragon Capital tổ chức, Chris Jeffery, chủ tịch BritCham Việt Nam và người điều phối hội thảo, đã đặt câu hỏi cuối cùng mà ông gọi là câu hỏi tỷ đô: "Làm sao kiếm tiền từ tín chỉ carbon - chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính?".

Tôi và các diễn giả khác mỉm cười. Nhưng đây là một câu hỏi thực tế và là một góc nhìn rất thú vị kể từ khi tôi bắt đầu về Việt Nam tìm hiểu cách làm và quan điểm của doanh nghiệp cũng như nhà làm chính sách về tài chính xanh ở Việt Nam.

Trong góc nhìn của tôi, tài chính xanh, ở góc độ thực dụng nhất, là huy động nguồn tài chính để giúp chuyển đổi xanh diễn ra ở Việt Nam, mà mục tiêu tối thượng cuối cùng, là đóng góp vào tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Điều đó nghĩa là "phải làm ra tiền" là một thành phần không thể thiếu. Và do đó câu hỏi tỷ đô của Chris đã "gãi đúng chỗ ngứa" của rất nhiều người tham dự.

Kiếm tiền từ tín chỉ carbon: Thật và giả - 1

Chim hoang dã ở hồ Ba Bể, Bắc Kạn. (Ảnh: Tiến Tuấn)

Nhưng làm ra tiền lại là thứ không hề dễ trong quá trình chuyển đổi xanh và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không của Việt Nam. World Bank ước tính, từ 2022 đến 2040, chúng ta cần thêm nguồn tài trợ 368 tỷ đôla Mỹ - xấp xỉ 90% GDP của năm 2022 và tương đương 6,8% GDP mỗi năm từ nay cho đến năm 2040. Đây là một con số rất lớn trong bối cảnh Việt Nam còn rất nhiều áp lực chi tiêu về hạ tầng, giáo dục, chuyển đổi số, v.v. Làm ra tiền chưa thấy, mà dường như chúng ta sẽ tốn rất nhiều tiền.

Vì lý do đó, cần có những nguồn tài trợ khác nhau, từ hỗ trợ của nước ngoài, và huy động từ trong nước với các công cụ tài chính xanh. Các công cụ này ở Việt Nam đang hướng tới bao gồm tín chỉ carbon, tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Vốn cổ phần xanh, bao gồm cổ phiếu xanh và đầu tư mạo hiểm xanh, cũng là một hạng mục, nhưng chưa được quan tâm nhiều.

Trong quá trình tìm hiểu về các góc nhìn đối với chuyển đổi xanh và tài chính xanh tại Việt Nam, tôi nhận ra đây là một sân chơi vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi. Không ít người tin rằng chuyển đổi xanh là một cái "bẫy" do phương Tây tạo ra để ngăn cản các nước đang phát triển bắt kịp họ, làm các nước này nghèo đi, và giúp họ bán công nghệ.

Với quan điểm đó, họ không quan tâm đến lợi ích lâu dài là người dân được sống trong một môi trường ít ô nhiễm không khí hơn, ít ô nhiễm nguồn nước, và do đó ít bệnh tật hơn. Chuyển đổi xanh cũng được hi vọng sẽ giúp hạn chế tác động bất lợi của biến đổi khí hậu lên nền kinh tế. Cần lưu ý rằng, Việt Nam là một trong 10 nước bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong vòng 20 năm qua theo chỉ số Global Climate Risk Index.

Tác động rõ ràng về môi trường đang được cảm nhận khi tôi có dịp đi và nói chuyện với một số doanh nghiệp người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long về ngập mặn, thiếu nước ngọt, diện tích canh tác bị ngập, v.v.

Nhưng những gì họ thấy chỉ là bề nổi của những rủi ro lớn hơn nhiều, có thể tác động nghiêm trọng đến kinh tế và cả tài sản đang được tài trợ bằng nợ ngân hàng của khu vực này. Vì vậy, tài trợ chuyển đổi xanh không phải là cái gì viễn vông, mà chính là một giải pháp phòng ngừa rủi ro tài chính cho nền kinh tế. Và nó còn góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng đầu tư, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị và tạo việc làm mới - nếu được làm đúng cách.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt: làm thế nào kiếm tiền từ tín chỉ carbon, làm sao vay được tín dụng xanh? Họ xem đây là một cơ hội kiếm tiền nhanh thay vì thật sự quan tâm đến chuyển đổi xanh hay mục tiêu phát thải ròng bằng không của Chính phủ. Rất may là tôi cũng nhìn thấy nhiều ví dụ khác về những dự án làm chuyển đổi xanh thật với nhiều người rất nhiệt tình.

Nhưng, những người làm thật đó cũng chia sẻ một góc tối khác. Họ khó tiếp cận vốn để thực thi dự án chuyển đổi xanh. Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế trong khi phát hành trái phiếu xanh mới khoảng 1 tỷ USD. Con số này rất khiêm tốn so với nhu cầu 6,8% GDP mỗi năm tài trợ cần thiết.

Khi được hỏi tại sao nguồn vốn này lại khiêm tốn vậy, thì nhiều ý kiến cho rằng việc chậm trễ ban hành danh mục phân loại xanh và bộ tiêu chí đi kèm đang làm đình trệ sự phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở Việt Nam. Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên & Môi trường được giao làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng Danh mục phân loại xanh, trình Chính phủ ban hành trước 31/12/2022. Tuy nhiên, tới nay bộ tiêu chí này vẫn chưa được ban hành.

Ngoài chuyện bộ tiêu chí phân loại xanh, thì đâu là tổ chức có chức năng xác nhận dự án, mục tiêu phát hành đáp ứng tiêu chí xanh cũng là câu hỏi bỏ ngỏ. Tức là sân chơi đang thiếu vắng luật chơi. Người tạo luật chơi phải là Nhà nước chứ không ai khác được.

Nhà nước với vai trò của người tạo lập sân chơi và luật chơi, cũng như người giám sát thị trường tài chính xanh ở Việt Nam không chỉ đứng trước áp lực ra luật chơi, mà còn phải làm sao mà cho mối quan tâm "kiếm tiền" và "chuyển đổi xanh" nó có thể "hài hòa lợi ích" với nhau. Anh kiếm được tiền, tôi giúp được môi trường, trái đất và tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế, chính phủ đạt cam kết phát thải ròng bằng không với quốc tế. Đây là một cuộc chơi cùng thắng trên lý thuyết, nhưng khó thực hiện.

Tiến sĩ Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, có lần chia sẻ trong một hội thảo mà tôi có tham dự, chuyển đổi xanh hay hành trình đi đến phát thải ròng bằng không "phải thích hợp với điều kiện kinh tế xã hội". Nghĩa là những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta mong muốn về môi trường, con đường đi đến kinh tế xanh, tương thích với điều kiện áp dụng ở từng địa phương. Và tài chính xanh, chuyển đổi xanh, cũng phải tạo ra được lợi ích bằng tiền, thấy được cho người thực thi. Cái này cực kỳ khó.

Vì vậy, mới có những mối quan tâm như làm sao kiếm được tiền từ tín chỉ carbon như nêu trên. Và một số người nghĩ là nó dễ lắm. Thế nhưng, khi vào làm mới thấy nó khó. Thế là họ mới nghĩ ra cách "làm giả xanh, kiếm tiền thật".

Những khái niệm như "tẩy xanh" hay "rửa xanh" ra đời, nghĩa là doanh nghiệp hay tổ chức đưa ra những cam kết mơ hồ, những chỉ báo dẫn dắt sai lầm để người ta tưởng doanh nghiệp này làm những hoạt động có lợi cho môi trường trong khi thực tế có khi là ngược lại. Mục tiêu của họ là làm đối phó để huy động vốn, kiếm được tiền và sau đó phủi trách nhiệm.

Tệ hơn, có những dự án còn kiếm tiền từ tín chỉ carbon bằng cách cố tình khai khống, đếm nhiều lần những tác động môi trường để bán càng nhiều tín chỉ càng tốt. Vừa rồi ở Trung Quốc, có một dự án đã phát hành nhiều tín chỉ carbon trên một dự án đã dừng từ lâu, và trong số công ty tham gia giao dịch và hưởng lợi có một công ty niêm yết hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng của phương Tây.

Ví dụ này cho thấy có những người đang kiếm tiền từ tín chỉ carbon do những sự mù mờ, nhập nhằng và thiếu hiệu quả của thị trường này, chứ không phải nhờ vào mô hình kinh doanh bền vững thật sự.

Nói theo ngôn ngữ bóng đá, tài chính xanh đang được vẽ ra như một cái khung thành được kéo rộng ra 5 mét và các tiền đạo đang lao lên xem ai là người đầu tiên ghi bàn trước khi nó thu hẹp lại. Tuy nhiên đến khi đi vào thực tế rồi thì có thể người ta đột ngột nhận ra là thật ra khung thành đã bị thu nhỏ một cách bất ngờ, thay vì rộng ra. Thế là người ta lại dùng đủ loại tiểu xảo để tìm cách ghi bàn.

Đây là một rủi ro cần quan tâm đối với những người làm chính sách về tài chính xanh ở Việt Nam. Nhưng lại có một nghịch lý mà một người anh làm ngân hàng lâu năm hỏi tôi: "nếu lại sợ thêm những thứ như vậy thì làm sao cơ quan quản lý ra được các quy định nhanh đây?"

Một bài toán khó. Và đó chỉ mới ở khâu ra quy định. Thực thi còn là một chặng đường dài khác.

Chốt bài, câu trả lời cho câu hỏi "làm sao kiếm tiền từ tín chỉ carbon?" chính là "chờ cơ quan làm chính sách trả lời".

Tác giả: Ông Hồ Quốc Tuấn, tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, hiện là Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh. Trước đó ông là Kinh tế trưởng và chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt từ 2008 đến 2012. Ông Tuấn cũng từng công tác ở Khối Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng Eximbank Việt Nam và là giảng viên của Đại học Kinh Tế TPHCM.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!