Tâm điểm
Lưu Đình Long

Giỏ lễ xanh ở Côn Đảo

Như một lời hẹn, tháng 10 hàng năm, Tuấn - bạn tôi đang sống, làm việc ở Úc - lại cùng với người thân ở TPHCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) để du lịch, kết hợp viếng nghĩa trang Hàng Dương, thăm mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Cuối tháng 9, Tuấn nhắn tôi chuẩn bị đón "Việt kiều" và hẹn cà phê cùng nhau. Tôi hoan hỷ, vì đó là lời hẹn mỗi năm với người bạn thân.

Trong đợt đi du lịch và viếng cô Sáu (cách Tuấn và nhiều người gọi nữ anh hùng Võ Thị Sáu) hồi đầu tháng 10, Tuấn cho biết, "bất ngờ vì sự thay đổi của thói quen viếng mộ ở đây".

Giỏ lễ xanh ở Côn Đảo - 1

Toàn cảnh bãi biển ở Côn Đảo có màu xanh biếc, bờ biển vẫn còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ (Ảnh: DT).

Tôi tò mò, Tuấn kể, cả tuần đầu tháng 10, địa phương thực hiện mô hình "giỏ lễ xanh" trong sinh hoạt tín ngưỡng vốn rất nổi tiếng của vùng đất này. Người dân viếng nghĩa trang, thăm cô Sáu đã không phiền hà, lại rất ủng hộ.

Giỏ lễ xanh là chương trình trong khuôn khổ "Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện Côn Đảo" - góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự, chung tay xây dựng huyện ngày càng văn minh, xanh - sạch - đẹp.

Theo đó, giỏ cúng lễ chỉ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng vàng mã, sản phẩm nhựa dùng một lần như mút, xốp, túi nilon, chai nhựa. Kích thước giỏ lễ yêu cầu gọn gàng, trang trọng với mỗi chiều 50cm, được huyện Côn Đảo tổ chức vào thứ 7 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 6/7.

Nhà chức trách huyện đảo này thông tin rộng rãi với người dân rằng, giỏ lễ xanh góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án nghiên cứu và ứng dụng kinh tế tuần hoàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Côn Đảo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Dự kiến đến năm 2025 - giai đoạn 4 của chương trình giỏ lễ xanh sẽ được triển khai, thực hiện toàn bộ các ngày trong năm, ở tất cả các di tích trên toàn Côn Đảo.

"Khách sạn mình hay lưu trú khi đi Côn Đảo có dịch vụ mâm lễ cúng cô Sáu, giá từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng, đa phần là vàng mã, nay cũng bắt đầu làm giỏ lễ xanh", Tuấn chia sẻ.

Nhiều năm sống ở nước ngoài, khi tìm hiểu thêm về Phật pháp trong tinh thần chánh kiến, chánh tín theo lời dạy nguyên thủy của Đức Phật, Tuấn dần bỏ qua các hình thức, lễ nghi không phù hợp, đặc biệt là thói quen đốt vàng mã.

"Tớ đã khuyến cáo gia đình và thay đổi hoàn toàn thói quen đốt vàng mã được truyền từ nhiều đời", Tuấn nói. Do vậy, với chủ trương giỏ lễ xanh ở Côn Đảo, bạn bảo rất văn minh, hoàn toàn ủng hộ.

Giỏ lễ xanh ở Côn Đảo - 2

Thông báo không cúng đốt hàng mã ở Côn Đảo (Ảnh: hngan/ConDao)

Theo thông tin từ chính quyền huyện Côn Đảo, chương trình giỏ lễ xanh bắt đầu triển khai ngày 6/7, và trong ngày đầu tiên với 752 lượt người vào viếng nghĩa trang Hàng Dương thì tổng số mâm lễ, giỏ lễ, hoa dâng cúng là 322, trong đó, 290 giỏ lễ tuân thủ quy định, có 32 mâm lễ còn sử dụng hàng mã, mút xốp, lực lượng tình nguyện viên đã hỗ trợ khách thay thế, sắp lại giỏ lễ.

Tập tục đốt vàng mã là một thói quen đã thành nếp văn hóa khó thay đổi. Nhưng những nỗ lực như ở Côn Đảo và nhiều nơi khác đã và đang mang đến thay đổi tích cực. Nhiều địa phương khuyến cáo người dân không rải vàng mã khi đưa tang; nhiều nhà chùa khuyến khích khách thập phương không đốt vàng mã, để tiền đó làm từ thiện hoặc góp vào quỹ mua cây xanh phủ xanh đồi trọc, trao học bổng…

Là một cư sĩ, tôi hiểu rằng Phật giáo khuyến hóa môn đồ lấy giới, định, tuệ làm hương quý dâng cúng Tam bảo. Nghĩa là lấy sự thực tập chuyển hóa tự thân, trên ba phương diện ý-khẩu-thân trở nên chánh niệm, thiện lành để làm phẩm vật cúng dường. Đó là sự cúng dường tối thượng.

Phật giáo cũng chỉ rõ, những sự cúng kiếng hình thức chỉ là để thỏa mãn nhu cầu của người sống, chứ người khuất không yêu cầu và càng không có nhu cầu sử dụng vật phẩm ấy. Các vị giảng sư nhiều lần khẳng định, quần áo, tiền vàng bằng giấy, đốt đi thành tro, không thể sử dụng được. Không có chuyện trần sao âm vậy!

Sự thay đổi thói quen cần thời gian và sự quyết tâm cao, kỷ luật trong thực hiện là điều tiên quyết. Khi chính quyền và người dân cùng làm như câu chuyện giỏ lễ xanh ở Côn Đảo thì chắc chắn sẽ có thay đổi tích cực cả trong tâm thức cũng như kết quả thực tế.

Chương trình giỏ lễ xanh tại Côn Đảo đã bước qua giai đoạn 3 được một tháng, tiến tới dừng cúng vàng mã, đồ nhựa dùng một lần trong các hoạt động tưởng nhớ. Trong giai đoạn 3, chương trình sẽ thực hiện trong tuần đầu tiên của mỗi tháng, kéo dài từ tháng 10/2024 đến hết tháng 12/2024.

Côn Đảo có nhiều di tích, địa chỉ tâm linh như Miếu Cậu, Mộ 75 chiến sĩ, Miếu Thổ Địa, An Sơn Miếu, Miếu Ngũ Hành, nghĩa trang Hàng Dương… Thống kê của ngành du lịch cho biết, Côn Đảo là đường bay nhộn nhịp khách du lịch trong thời gian qua. Hơn 20 năm qua, 72.990 chuyến bay với hơn 4 triệu lượt khách đã được vận chuyển an toàn đến địa phương này. Ước tính, tổng lượng khách du lịch đến Côn Đảo khoảng 63.000 lượt mỗi tháng, trong đó khách quốc tế gần 3.000 lượt, tổng doanh thu du lịch trên 200 tỷ đồng.

Để phát huy tiềm năng du lịch ở Côn Đảo, ngoài các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, thì chủ trương xanh hóa huyện đảo từ câu chuyện giỏ lễ xanh là một cách làm thiết thực.

Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!