"Cơn sốt" Blackpink và giới trẻ
Ngày cuối tuần sân Mỹ Đình sôi động với hai đêm diễn của nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc Blackpink. Tôi quan sát thấy nhiều bạn trẻ yêu nhạc Hàn mà không có vé vào cửa để xem. Theo lẽ thường không có vé thì ở nhà. Nhưng những bạn trẻ này vẫn chạy xe đến Mỹ Đình, với hy vọng nghe được chút nhạc gì từ bên trong vọng ra, hay chí ít thì cũng là cái cảm giác được gần nhóm nhạc yêu mến của mình thêm chút.
Là một người cha, tôi mủi lòng khi thấy cảnh tượng đó. Chứ không à. Người cha nào mà không thấy lòng đau như cắt khi cô con gái bé bỏng của mình nhìn dán mắt vào hộp búp bê Barbie trong tủ kính nhưng con cũng sẽ ngoan ngoãn đi tiếp khi nghe thấy bố nhắc "đi thôi con", mà không mè nheo đòi mua. Vì con hiểu bố không có tiền. Chính cái vẻ hiểu chuyện của con làm cho mình đau lòng.
Có thể sau này bố có tiền, hoặc con lớn đã tự kiếm ra nhiều tiền, có thể mua được nhiều hộp Barbie, thì lúc này con nhìn hộp búp bê đó một cách dửng dưng, không còn ham thích gì nữa. Nhiều người lớn hay vin vào điều đó. "Ôi dào, trẻ con ấy mà, mau thích mau chán".
Nhưng tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi thấy tiếc cho những phút giây đã qua. Một khoảnh khắc của tuổi thơ của con đã qua, không bao giờ lấy lại được nữa. Cuộc đời là gì, nếu không phải là nhiều khoảnh khắc đó cộng lại. Cuộc đời này còn gì, nếu mọi niềm vui cứ bị từ chối, bằng hết lý do này đến lý do khác. Một trong những lý do tệ nhất đó là vì nghèo.
Ở tuổi trên 60, tôi hiểu rằng nhiều người lớn sẽ phê phán rằng "không hiểu sao lớp trẻ bây giờ có thể cuồng cái thứ nhạc vớ vẩn đó". Thậm chí có người còn lo cho tương lai của nước nhà khi lớp trẻ chạy theo thị hiếu âm nhạc như vậy.
Tôi hiểu những người có suy nghĩ như trên cũng vì lo cho lớp trẻ, nhưng dường như những người đó quên mất rằng "mỗi thời một khác" và không chịu ngồi xuống để lắng nghe các bạn trẻ.
Thực tế thì thị hiếu âm nhạc thay đổi theo thời gian. Mỗi thời có âm nhạc của thời đó. Vì thế âm nhạc mới có sức lay động đến thế. Khi giai điệu cất lên, ký ức ùa về, làm người nghe chìm đắm trong cảm xúc. Chính vì thế mà âm nhạc vừa rất đại chúng, lại vừa rất riêng tư. Vì cảm xúc của mỗi người mỗi khác. Nhưng đồng thời cũng có cảm xúc chung của thời đại. Nên chẳng thể nói nhạc nào hơn nhạc nào.
Kiến trúc và âm nhạc nằm trong số những vật chất định hình nên linh hồn của thời đại. Giả sử ta muốn làm phim về một thời nào đó, ta chỉ cần chiếu một công trình kiến trúc tiêu biểu của thời đó, rồi đồng thời mở một bản nhạc thịnh hành của thời ấy. Tự nhiên người xem sẽ như đi ngược thời gian, bằng cảm xúc, chứ không cần phải chạy chữ trên màn hình là vào năm nào.
Mà kiến trúc và âm nhạc là dấu vết của lịch sử đã qua. Ta có thể tìm hiểu, chứ không thể phán xét. Tôi có một lịch sử nghe nhạc khá tạp nham. Lúc bé toàn nghe nhạc đỏ qua đài Tiếng nói Việt Nam, mỗi ngày 30 phút lúc 19h30. Ngoài ra tôi còn được nghe một số bài nhạc Pháp, nhạc tiền chiến do bố tôi hát hoặc huýt sáo.
Những năm còn bé đi sơ tán bom Mỹ, sáng bố đèo tôi trên xe đạp trên con đường làng gồ ghề, xóc nảy người, bố lúc đó là một bác sĩ trẻ, thường vui vẻ huýt sáo những giai điệu nghe rất lạ nhưng rất hay. Lúc đó mới sau tiếp quản 1954 độ hơn chục năm, ảnh hưởng của văn hóa Pháp trong giới trí thức còn rất mạnh.
Khi tôi ở tuổi thanh niên thì hết chiến tranh, rồi mở cửa, các dòng âm nhạc từ từ tràn vào, tôi mới biết đến nhạc tiền chiến, nhạc vàng phía Nam, rồi Pop, Rock... Nghe ké ở nhà bạn, nghe ở tụ điểm ca nhạc, mãi sau này mới có tiền tự mua cho mình chiếc máy nghe băng cát xét đầu tiên.
Tôi và khá nhiều người cùng thế hệ đã bị mù âm nhạc do thời cuộc, do nghèo. Không biết có phải vì thế không, tôi thấy nhiều người khi bình luận về âm nhạc mà không có vốn cảm thụ âm nhạc, thì hay bình nhạc bằng thái độ chính trị, xã hội, đạo đức…
Các bạn trẻ thế hệ X, Z bây giờ có đủ điều kiện phát triển cả thể chất và tâm hồn. Ăn uống đủ dinh dưỡng nên bạn nào cũng cao lớn, xinh đẹp. Tiếp xúc internet, tiếng Anh từ bé nên tầm hiểu biết của các bạn ấy bây giờ là toàn cầu. Trao tương lai đất nước cho các bạn ấy là hợp quy luật.
Các con tôi trước giờ nghe đủ loại nhạc do tôi mở. Nhạc đỏ, nhạc Trịnh, tiền chiến, làn sóng xanh, nhạc Hoa, nhạc Âu Mỹ, các bài kinh điển của thập niên 80..., thế nhưng không hiểu sao các con lại mê nhạc Hàn. Mà từ trước giờ trong nhà tôi chưa từng mở một bài nhạc Hàn nào! Cứ như là nhạc Hàn thẩm thấu vào các con tôi qua không trung vậy. Thật ra thì chính xác, nhạc Hàn đã vào các con tôi qua bạn bè cùng trang lứa, qua tiếp xúc xã hội. Đấy là đặc trưng thế hệ của các con. Mình phải nhận ra và tôn trọng điều đó.
Từ lúc mới 10 tuổi, con gái lớn của tôi đã mê Big Bang. Rồi con em theo con chị. Những nét chữ đề tên nhóm nhạc viết đầy trong vở và viết lên cả bàn học, cả tường nhà. Tôi lúc đó cũng thiển cận cho rằng đó là thứ nhạc vớ vẩn, nên trong các câu chuyện hay lồng ý chê bai các nhóm nhạc Hàn. Đỉnh điểm là có hôm tôi đọc đâu đó tin một thành viên nhóm nhạc Big Bang bị bắt vì tội vi phạm luật giao thông. Tôi kể ngay tin này với vẻ hể hả. Không ngờ con gái tôi uất ức đến phát khóc lên vì bố đã xúc phạm thần tượng của nó.
Tôi chợt tỉnh ngộ ngay lúc đó. Tôi thấy mình là một người bố thật xấu xa, không biết tôn trọng con. Nếu yêu con thì nên tôn trọng các sở thích của con. Từ đó trở đi tôi không bao giờ bài bác các đam mê của các con nữa. Tôi tập nghe nhạc của con, thấy cũng vui.
Khi đi xe ô tô, tôi thường động viên các con mở list nhạc Hàn của mình để cả nhà cùng nghe. Nhưng chúng nó bây giờ mỗi đứa một cái headphone nghe riêng, không phiền đến ai. Thế là tôi vuột mất cơ hội để làm bạn cùng con.
Không phải khoe con, nhưng hai con gái tôi có một nền tảng giáo dục cũng khá đầy đủ. Lúc nhỏ học trường làng; Trung học thì đỗ vào trường chuyên loại tốt của Hà Nội; Đại học thì cũng là những trường top của cả nước. Các con tiếng Anh tốt, Ielt 8.0; nghe giảng xuyên quốc gia với các giáo sư nước ngoài. Xung quanh ta có thể quan sát thấy rất nhiều bạn trẻ như vậy. Đâu phải vì nghe loại nhạc nào mà các con quên đi nhiệm vụ học hành, quên đi thời cuộc.
Tôi cũng hiểu rằng sở thích của các con có thể thay đổi theo thời gian, theo quy luật tuổi tác; thủa nhỏ các con gắn với nhạc Hàn nhưng sau này các con sẽ nghe thêm nhạc dân tộc, nhạc Âu Mỹ… và biết đâu sẽ chọn cho mình những sở thích mới.
Không cần thiết phải đặt nặng vấn đề sở thích âm nhạc của các con, miễn sao các con có niềm vui với điều đó. Vấn đề đáng quan tâm hơn là "xem người mà ngẫm đến ta", là tự hỏi vì sao có làn sóng văn hóa Hàn Quốc và chúng ta có thể làm gì trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, thay vì chỉ săm soi phê phán giới trẻ.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!