Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Từ chuyện ngược đời "giải cứu phe vé Blackpink"

Sân vận động Mỹ Đình trước đêm nhạc Blackpink rộn ràng tiếng reo hò người hâm mộ. Lẫn trong những niềm vui rạng rỡ là khuôn mặt thất thần của nhiều phe vé khi vẫn còn ôm nguyên vài vé đến vài chục vé trong tay. Một phi vụ như vậy, lãi vài chục đến cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Nhưng nếu lỗ, con số ấy cũng bay biến. 

Những băng rôn, áp phích dựng trước cửa sân vận động hô hào "giải cứu" vé như giải cứu nông sản hay giải cứu hoa ngày 30 Tết. Tất nhiên, đó là sự so sánh khập khiễng. Một tấm vé được phe vé đầu cơ là cơ hội được xem show nhạc thần tượng đúng giá vé bị tước mất.

Trong khi người nông dân bỏ công sức cho một vụ mùa dài đằng đẵng, dân phe vé đôi khi chỉ mất vài chục phút ngồi trước máy tính và có ngay hàng chục tấm vé để bán kiếm lời. Giữa một bên "đầu cơ trục lợi để làm giàu" và một bên "mưu sinh", khán giả khó có thể "động lòng" để "giải cứu" những người phe vé, tưởng thức thời nhưng cuối cùng lại thất thời.

Tôi nghĩ rằng người cần giải cứu là khán giả ở Việt Nam. 

Từ chuyện ngược đời giải cứu phe vé Blackpink - 1

Một nhóm phe vé trước cửa sân vận động Mỹ Đình, ngày 29/7 (Ảnh: Toàn Vũ - Tiến Bùi)

Người dân Việt Nam đã quá quen, và đôi khi cám cảnh, trước cảnh phe vé đứng đầy trước cửa sân vận động, từ Mỹ Đình tới Hàng Đẫy hay quân khu 7 để giao bán vé, ồn ào láo nháo như một cái chợ, đôi khi không tránh khỏi xung đột, nhộn nhạo, vé thật vé giả lẫn lộn. Từ sự kiện thể thao cho đến văn hóa nghệ thuật, khi nào phe vé thôi ám ảnh khán giả?

Nói một cách công bằng, phe vé là hiện tượng có ở khắp các quốc gia. Sự kiện nào có thể mang về lợi nhuận là sự kiện đó có phe vé. Ngay cả tại Mỹ, khi tôi đi xem concert của Taylor Swift, lực lượng phe vé cũng hoạt động. Tuy nhiên, thay vì cầm băng rôn bán tháo ra trước sân vận động, họ chỉ hoạt động trên nền tảng online vì biết rằng nhu cầu sở hữu một tấm vé đi coi show Taylor Swift rất lớn. Nhiều phe vé ở Việt Nam nghĩ rằng show Blackpink sẽ sục sôi như Taylor Swift nên mạnh tay ôm hàng chục, hàng trăm vé. 

Trong câu chuyện phe vé, ý thức không phải vấn đề trọng tâm khi rõ ràng những người phe vé vẫn sẽ làm vì lợi nhuận. Quản lý các nền tảng bán vé là yếu tố sống còn để hạn chế vấn đề vé chợ đen.

Tôi nhớ trước đây vấn đề phe vé tàu hỏa cũng diễn ra ở Việt Nam cho đến khi hệ thống vé online trở nên phổ biến hơn, và có thêm các phương tiện giao thông khác thay vì chỉ tập trung vào ngành đường sắt. Việc thay đổi từ vé giấy sang những tấm vé điện tử là một bước tiến để hạn chế phe vé, nhưng vẫn chưa đủ với các sự kiện quy mô lớn và biên lợi nhuận cao.

Những người phe vé online có các công cụ (bot) để mua được vé số lượng lớn và rất nhanh. Khán giả xem kịch IDECAF tại TPHCM thường bức xúc vì điều này khi mở bán vé chỉ vài giây thì đã bán hết, sau đó tuồn ra ngoài chợ đen. Nhiều khán giả bực bội đổ lỗi cho bên bán vé thông đồng với phe vé nhưng trên thực tế, thời gian bạn thao tác mua một tấm vé thì lực lượng phe vé với công nghệ tiên tiến đã có thể mua hàng chục tấm vé. 

Để giải quyết vấn đề này, "verified fans" (xác nhận người hâm mộ) là một chiến lược được nhiều nền tảng bán vé uy tín sử dụng. Hiểu một cách đơn giản, bạn phải đăng ký là người hâm mộ và nền tảng bán vé sẽ lựa chọn người hâm mộ ngẫu nhiên và gửi code (mã số) để bạn có thể mua. Biện pháp này sẽ hạn chế phe vé khi phe vé cũng cần phải có code mới mua được.

Tất nhiên, phe vé vẫn có thể đăng ký nhiều tài khoản để tăng tỷ lệ được nhận code nhưng việc làm này mất nhiều thời gian hơn khi tài khoản cần xác nhận bằng cả số điện thoại lẫn email. Tour diễn của Blackpink tại Việt Nam không áp dụng hình thức này. Thực tế, số lượng vé chính thức trên website bán vé của show Blackpink vẫn còn khá nhiều. Hình thức trên áp dụng ở những show diễn có lượng khán giả quá đông, vượt ngoài sức chứa của sân vận động. Tưởng tượng một show của Taylor Swift có sức chứa 70.000 người nhưng có 2 triệu người muốn đăng ký mua vé.  

Theo trang website Ticketmaster - nền tảng bán vé lớn nhất nước Mỹ, khi sử dụng tính năng verified fan, lượng vé rơi vào tay thị trường phe vé chỉ vào khoảng 5%, trong khi con số này rơi vào khoảng 20-30% khi bán vé không giới hạn. Chưa từng có nghiên cứu về tỷ lệ vé chợ đen ở Việt Nam nhưng nhìn một cách tương đối, khán giả có thể hiểu vì sao lượng vé trên chợ đen Việt Nam lại lớn như vậy. 

Kiểm soát chặt các nền tảng bán vé là điều kiện tiên quyết để hạn chế tình trạng phe vé. Nền tảng nào cũng có kẽ hở hoặc các tình huống bất ngờ xảy ra nhưng sự phát triển công nghệ đã giúp hạn chế vấn đề phe vé rất nhiều.

Khi nhìn vào một bức tranh lớn hơn, công chúng cũng hiểu rằng để có thể tổ chức các sự kiện âm nhạc - thể thao tầm cỡ thế giới cần sự chuyên nghiệp trong nhiều khâu, đơn giản bắt đầu từ các nền tảng bán vé hay hạn chế tình trạng phe vé. Sẽ cần nhiều thời gian cho các nhà tổ chức trong nước để sẵn sàng đón các sao quốc tế về Việt Nam nhiều hơn. 

Với show Blackpink, câu chuyện phe vé cũng có nhiều điều dở khóc dở cười khi thay vì đội giá, những người phe vé đang phải chật vật hạ giá kịch sàn vì cung nhiều hơn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề nên lưu tâm với các nhà tổ chức. Chắc chắn, không nghệ sĩ nào muốn chứng kiến cảnh nhốn nháo trước sân vận động hay biết được những chiếc vé concert đang được bán tống bán tháo với giá rẻ "gần như cho" trong show của mình. Khi lượng vé concert tại một quốc gia không đủ lớn, nhiều nghệ sĩ sẽ dè dặt trong việc quay trở lại hoặc thậm chí hủy show. 

Trong marketing, kỹ thuật tạo sự khan hàng cũng là một chiến thuật để đẩy thu hút người mua. Sở dĩ các sự kiện âm nhạc - thể thao lớn tại Việt Nam có lượng phe vé nhiều cũng vì người hâm mộ "đói" các hoạt động giải trí tầm cỡ thế giới, đặc biệt sau giai đoạn Covid-19 khi mọi sự kiện đều đình trệ.

Phải nói rằng rất lâu rồi người hâm mộ Việt Nam mới được tham gia một concert của nhóm nhạc nữ K-pop đình đám thế giới ngay tại Hà Nội. Khi các sự kiện âm nhạc - thể thao trở nên phổ biến hơn và khán giả trong nước có nhiều lựa chọn hơn, khán giả sẽ không cảm giác FOMO (fear of missing out: Cảm giác bỏ lỡ một điều gì đó) khi không thể tham gia một sự kiện nào đó. Nhưng đây cũng là tình thế "tiến thoái lưỡng nan" với nhiều nhà tổ chức khi ít show còn không bán được vé thì làm sao để đảm bảo doanh thu khi nhiều show?

Khi nào thôi ám ảnh phe vé vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, đòi hỏi sự thay đổi trong nhiều khâu như quản lý sự kiện, công nghệ nền tảng bán vé, cân đối cung - cầu…. Nhưng chắc chắn một điều, sự kiện concert Blackpink đã để lại cho nhiều người phe vé một bài học khi không phải lúc nào đây cũng là một công việc hái ra tiền. Cộng đồng mạng sẵn sàng để những người phe vé phải "trả giá", chấp nhận mua từ website chính hãng dù dân phe vé có giảm sâu tới nhường nào. 

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!