Đằng sau sức mạnh mềm Hàn Quốc
Lớp học tiếng Hàn Quốc của Học viện Ngôn ngữ thuộc Đại học Kyunghee ở Seoul năm 2016 của tôi, có một học viên rất đặc biệt. Cô Kiyomi, người Nhật, đã ngoài lục tuần nhưng tình yêu tiếng Hàn Quốc với cô thì thật mãnh liệt.
Trong hay ngoài lớp học, bao giờ cô cũng chăm học và siêng nói tiếng Hàn Quốc hơn chúng tôi. Cô cho biết, khi còn là một công chức cô rất đam mê Bản tình ca mùa đông, một bộ phim Hàn Quốc đầy nước mắt từng chiếm sóng khắp châu Á. Phim được quay chính ở Chuncheon và Nami tỉnh Gangwon-do, hai địa danh trở nên nổi tiếng nhờ vào bộ phim vào năm 2002.
Thật ra, cô mê anh chàng Kang Joon-sang do Bae Yong-joon thủ vai chính nhiều hơn bộ phim. Vậy là, Nami và Chuncheon là những địa điểm du lịch cô cần phải đến và tiếng Hàn Quốc là mục tiêu học tập sau khi cô về hưu để bản thân cảm nhận được gần hơn với thần tượng.
Không riêng gì Nhật Bản, làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) lan mạnh ra Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và giờ là đến cả các nước bên kia bờ đại dương ở Nam Mỹ vốn sở hữu nhiều màu sắc trong đời sống văn hóa tinh thần.
Sức mạnh mềm của Hallyu với tính cởi mở đã chinh phục người dân sở tại và dần lấn át văn hóa bản địa. Người dân địa phương cũng dần quen thuộc, tin tưởng, yêu chuộng các hàng hóa đến từ Hàn Quốc.
Những nghiên cứu tại Việt Nam cũng khẳng định thành công của văn hóa Hàn Quốc bao gồm K-drama (phim truyền hình Hàn Quốc), K-music (âm nhạc Hàn Quốc), K-food (ẩm thực Hàn Quốc)… luôn song hành hai khía cạnh kinh tế và văn hóa, từ nhận thức đến hành vi tiêu dùng.
Vì vậy, không có gì quá khó hiểu khi mới đây Netflix ra thông báo, họ sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD vào ngành công nghiệp chiếu phim trực tuyến của Hàn Quốc. Điều này, sẽ giúp thêm một cánh tay, góp thêm một sức mạnh mới để người Hàn Quốc quảng bá văn hóa của họ ra bên ngoài trong giai đoạn đầy sự cạnh tranh về tầm ảnh hưởng văn hóa của các quốc gia với nhau.
Vì đâu Hàn Quốc lại có một quyền lực mềm đến như vậy? Họ đang gặt hái những thành công mà chính họ đã dốc sức dành một thời gian dài qua nhiều thập kỷ để đầu tư có lộ trình, theo chiến lược rõ ràng và bài bản. Đó là chiến lược phát triển kinh tế quốc gia đi lên và đi ra từ văn hóa, mà phim ảnh K-drama là điểm xuất phát để xuất khẩu những thứ khác như mỹ phẩm, âm nhạc, ẩm thực.
Tinh tế trong ăn uống như người Pháp còn phải chịu thua, bị thuần phục bởi K-food thì không gì là không thể với Hallyu.
Tại Việt Nam, khảo sát kỹ hơn từ năm 2010 đến nay, nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra nhiều kết luận cho thấy các bạn trẻ Hà Nội trong nhóm tuổi từ 15-30, sẵn sàng chi 125.000 đồng hàng tháng để mua ứng dụng "cày phim" bộ Hàn Quốc. Họ vui vẻ chi từ 300.000 đồng đến 5,5 triệu đồng tiền vé để xem một đêm diễn và đã tham gia cả 4 đêm biểu diễn âm nhạc lớn của các nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc (giai đoạn 2010 đến năm 2015), dù số tiền này chiếm tỷ lệ đáng kể trong thu nhập còn khiêm tốn của họ do mới đi làm, còn những bạn chưa đi làm thì dĩ nhiên phải xin tiền bố mẹ.
Với ẩm thực, trong số 240 người được phỏng vấn thì có 180 bạn nói rằng họ yêu thích ẩm thực Hàn Quốc và chi tiêu cho niềm đam mê này từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng; có bạn còn lên đến 10 triệu đồng, chiếm 1/8 thu nhập cả năm của họ. Ngoài ra họ còn chi tiêu cho mỹ phẩm và việc học tiếng Hàn Quốc với mức từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng mỗi năm.
Có nhiều tranh cãi về các mức chi tiêu này vì trong độ tuổi nói trên, nhiều bạn còn chưa có thu nhập ổn định mà vẫn "hào phóng" với Hallyu. Mặt tích cực và tiêu cực của làn sóng văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam còn đang được đề xuất để nghiên cứu thêm thì mới đây lại dậy sóng tiếp với đêm diễn dự kiến vào cuối tháng 7 này của nhóm Blackpink.
Tôi dõi theo các ý kiến trên mạng xã hội thì nhìn chung đều chào đón nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc, nhìn từ góc độ giao lưu văn hóa, giải trí và góp phần phát triển du lịch. Tuy nhiên mọi người phản đối đơn vị tổ chức đêm diễn vì đơn vị này liên quan đến bản đồ có "đường lưỡi bò". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng đã lên tiếng về sự việc và các cơ quan chức năng đang xác minh.
Vé show diễn của Blackpink đã bán rất nhanh dù không hề rẻ và tạo nên những giao dịch mua đi, bán lại sôi nổi, điều này phần nào cho thấy sức mạnh mềm của làn sóng Hallyu chưa bao giờ ngừng cuộn trào. Là một người Việt Nam, tôi phản đối bất cứ biểu hiện và yêu sách nào liên quan đến "đường lưỡi bò" và chắc chắn rằng các bạn cũng vậy. Vì các cơ quan chức năng đang làm việc như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã lên tiếng, nên ở đây tôi không bàn sâu về vấn đề này.
Trở lại với chủ đề của bài viết là làn sóng văn hóa Hàn Quốc, nó không "bỗng dưng xuất hiện" mà hình thành từ những bộ phim, những nhóm nhạc… được yêu thích.
Hãy nhìn vào hiệu ứng mà Blackpink đem lại ở các quốc gia nhóm nhạc này đã "càn quét" thời gian qua. Đêm diễn ở Tokyo (Nhật Bản) và Bangkok (Thái Lan) vào tháng 5 của nhóm nhạc này đã giúp cho các địa phương nơi họ lưu diễn bùng nổ doanh thu từ du lịch. Các fan "chính nghĩa" của Blackpink từ các quốc gia xung quanh bất chấp trở ngại không gian, thời gian, luôn trong tâm thế săn vé, đặt phòng để được "cháy" cùng với thần tượng trong một hay hai đêm nhạc.
Tokyo và Bangkok sẽ thu lại bao nhiêu cho đêm nhạc đó cần nghiên cứu sâu thêm, nhưng hình ảnh du lịch của các quốc gia đó vốn đã nổi tiếng thêm một lần tạo ấn tượng tốt trong tâm trí giới trẻ các nước xung quanh. Một số công ty du lịch Việt Nam mới đây cũng cho biết, với thông tin Blackpink đến Hà Nội thì các trang đặt phòng qua mạng, vé máy bay… cũng bắt đầu hoạt động sôi nổi hơn.
Du lịch âm nhạc là câu chuyện không mới ở các nước. Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan, họ đã thật sự gặt hái được trái ngọt từ du lịch âm nhạc lâu nay, nhờ các show có siêu sao ca nhạc như Blackpink, Taylor Swift…
Gần đây, nhiều người cho rằng Việt Nam cần chú ý đến du lịch âm nhạc trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước để thu hút du khách như hiện nay. Thậm chí, có người còn nói đùa Sea Games có thể cân nhắc tổ chức thêm bộ môn mới là chạy đua mua vé hòa nhạc Taylor Swift, sau khi Taylor Swift tuyên bố sẽ mang The Eras Tour tới Singapore. Chỉ trong một ngày mở vé, hơn 8 triệu người dân các quốc gia Đông Nam Á đã đăng ký mua vé, vượt qua cả dân số chính thức của Singapore, khiến ban tổ chức phải tăng gấp đôi số đêm diễn. Vậy mà, số vé bán ra cũng chỉ đáp ứng chưa tới 5% lượng fans khao khát xem nàng công chúa pop đương đại.
Dự đoán mới của Future Market Insights khẳng định rằng, thị trường du lịch âm nhạc toàn cầu có thể sẽ đạt giá trị 11,3 tỷ USD trong 10 năm tới. Còn các nhà kinh tế học từ đại học West Virginia - Mỹ cho rằng, các buổi hòa nhạc là động lực thúc đẩy kinh tế, thu hút không chỉ người trong nước mà còn người ở nước khác đến.
Gần đây, khi tôi đi taxi hay đi chơi với nhiều người bạn Hàn Quốc ở bên đấy, tôi thích thú khi nhóm người Hàn này mở See tình, một hit của Việt Nam để nghe. Hoặc anh bạn Trung Quốc cùng nghiên cứu tại học viện tôi đang theo học hay hỏi về cô ca sĩ Việt cover lại bài hát See tình này, vì quốc gia họ đang có chương trình truyền hình thực tế có tên "Đạp gió". Qua chuyện này, tôi ao ước một ngày nào đó, không chỉ riêng âm nhạc Việt Nam mà văn hóa Việt Nam nói chung sẽ có những show diễn ở Hàn Quốc như cái cách mà họ đang làm với chúng ta.
Nhìn vào thực tế thì với nền công nghiệp âm nhạc chưa hoàn thiện, có lẽ chúng ta cần nhiều thời gian để xây được các tượng đài xứng tầm quốc tế để làm "thỏi nam châm" hấp dẫn du khách. Nhưng hiện tại chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay với Hàn Quốc và các quốc gia khác để đem các siêu sao ca nhạc về tổ chức ở những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, không như bây giờ chỉ có Hà Nội hay TPHCM. Dĩ nhiên, cần phải sát sao với các đơn vị tổ chức để tránh những vấn đề như hiện có.
Các cơ quan làm chiến lược cần nghiên cứu kĩ cái cách mà "sức mạnh mềm" của Hàn Quốc đã làm trong nhiều thập niên qua. Chúng ta không thể chỉ đăng đàn "chém gió" hôm nay là ngày mai đi ra được với thế giới, mà cần có một lộ trình bài bản, thật sự có chiều sâu và sự phối hợp chặt chẽ theo hướng "hợp tác top-down" từ trên xuống cũng như từ dưới lên.
Người Việt đã mạnh tay tiêu thụ những sản phẩm văn hóa của bạn, thì cũng phải làm cho bạn sẵn sàng ủng hộ những sản phẩm văn hóa của chúng ta, lúc đó mới đúng là cuộc chơi của những đối tác mang tầm chiến lược và bền vững.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!