Bóng đá Việt Nam: Thắng Thái Lan, rồi sau đó?
Những ngày này, hàng triệu người hâm mộ bóng đá cả nước đang hân hoan vui mừng về thành tích của các "chiến binh sao vàng" vừa giành được tại ASEAN Cup 2024.
Trong suốt giải đấu, các tuyển thủ đã luôn là một tập thể đoàn kết và nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo. Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam ở cả hai trận chung kết lượt đi và lượt về trước Thái Lan là hoàn toàn xứng đáng, không chỉ người hâm mộ trong nước khen ngợi mà truyền thông quốc tế cũng đánh giá cao các tuyển thủ của chúng ta.
Thắng lợi vừa giành được dù là rất lớn và có ý nghĩa đặc biệt, nhưng tự nó không đảm bảo thành công cho giai đoạn tiếp theo. Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính khi thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng và trao các phần thưởng cao quý cho đội tuyển ngày 6/1 đã căn dặn: "Hương vị chiến thắng còn mãi, nhưng bóng đá Việt Nam phải vô địch châu Á và dự World Cup".
Còn nhớ trước đó, ông Park Hang-seo, vị huấn luyện viên (HLV) thành công nhất của bóng đá Việt Nam từ trước tới nay, sau khi chúc mừng đội tuyển cũng đã nói: "Tôi tin rằng đã đến lúc bóng đá Việt Nam vươn xa hơn các mục tiêu tại Đông Nam Á; hãy nhắm đến những cột mốc mới tại đấu trường châu lục; tôi tin các bạn sẽ làm được".
Việc không ngủ quên trên chiến thắng, và không thỏa mãn với những gì đã đạt được là điều vô cùng cần thiết để đội tuyển Việt Nam không ngừng tiến lên. Vì vậy, sau khi lần thứ 3 trở thành nhà vô địch của khu vực ASEAN, những người làm bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam hãy bắt tay ngay vào mục tiêu cao hơn với một chiến lược phù hợp và cụ thể, khả thi cho từng giai đoạn.
Bóng đá Việt Nam nếm trải những thất bại và bước thụt lùi đáng thất vọng dưới thời HLV Philippe Troussier, bởi đã quá lạc quan sau những thành công nhất định thời HLV Park Hang-seo. Chúng ta vội vã mong muốn "tiến vào" World Cup 2026. Quanh ta, nền bóng đá phát triển bậc nhất Đông Nam Á là Thái Lan cũng đã từng ảo tưởng về trình độ và đẳng cấp của mình, từ đó nóng vội đề ra mục tiêu đi World Cup từ cách đây cả chục năm và đã thất bại. Indonesia, ngôi sao mới nổi của bóng đá Đông Nam Á với chính sách nhập tịch ồ ạt, tưởng đã đạt tầm châu Á và sẽ chinh phục vé đi World Cup nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ thất bại, rất ít cơ hội đi tiếp sau những trận thua ở vòng loại thứ ba gần đây.
Muốn bóng đá Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và bền vững, chúng ta phải rút kinh nghiệm từ chính sai lầm của mình và tránh đi vào vết xe đổ của các nước trong khu vực.
Thứ nhất, việc xác định mục tiêu cho bóng đá Việt Nam trước mắt và lâu dài phải được tính toán rất kỹ càng và toàn diện, đồng thời phải xuất phát từ thực tế là bóng đá Việt Nam hiện vẫn chưa vượt được Thái Lan (nhìn toàn diện cả cấp độ đội tuyển, giải chuyên nghiệp trong nước và cá nhân cầu thủ). Có thể nói chúng ta chỉ đang ở trong nhóm 3 đội tuyển hàng đầu Đông Nam Á.
"Biết người, biết ta" thì mới đề ra được lộ trình phù hợp cho các mục tiêu cụ thể của bóng đá Việt Nam trước mắt, trung hạn và dài hạn; khi nào trở thành thế lực ở châu lục, khi nào xuất hiện ở sân chơi World Cup…
Một vấn đề quan trọng là lộ trình phải rất thực tế, có căn cứ rõ ràng, chứ không phải dựa trên mong muốn chủ quan.
Thứ hai, cần củng cố, kiện toàn cả về tổ chức, nhân sự, lề lối làm việc và cách thức hoạt động của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận mà VFF đã làm được trong những năm qua, không khó để thấy nếu không kịp thời cải tổ từ "thượng tầng", bóng đá Việt Nam có thể thiếu động lực để bứt phá trong thời gian tới.
Việc tiếp theo là "nâng cấp" giải vô địch bóng đá quốc gia V-League và các giải đấu do VFF quản lý; tăng cường công tác đào tạo trẻ bằng cả những biện pháp bắt buộc cũng như khuyến khích; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động của V-League và các câu lạc bộ thành viên.
Thứ ba, cần linh hoạt hơn trong việc phân vai cho đội tuyển quốc gia và đội U22. Theo đó mục tiêu của tuyển U22 không nhất thiết phải là vô địch Sea Games liên tục, mà trước tiên cần coi đó là cơ hội, môi trường tốt để các cầu thủ trẻ có triển vọng được trải nghiệm, trui rèn.
Thứ tư, tiếp tục chủ trương nhập tịch cầu thủ để tăng cường cho đội tuyển quốc gia một cách phù hợp. Sự tỏa sáng của cầu thủ Nguyễn Xuân Son tại ASEAN Cup vừa qua khẳng định sự đúng đắn của chủ trương nhập tịch những cầu thủ nước ngoài tài năng, sẵn sàng cống hiến hết mình cho đội tuyển Việt Nam. Ở giai đoạn trước mắt, chúng ta cần tiếp tục chủ trương này một cách có chọn lọc.
Cuối cùng, về việc chọn HLV ngoại cho đội tuyển quốc gia và mối quan hệ giữa HLV với VFF. Theo tôi đây là việc rất quan trọng. HLV là người chịu trách nhiệm chính và có tiếng nói cuối cùng về việc lựa chọn đội tuyển và lối chơi. VFF có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất để HLV làm việc, đồng thời tham gia "phản biện" một cách khách quan, khoa học để đảm bảo cân bằng giữa kế thừa và trẻ hóa, chứ không phó mặc hoàn toàn cho HLV.
Sau ASEAN Cup 2024, việc giành vé tham dự Asian Cup 2027 là đích đến gần nhất ở tầm châu lục của bóng đá Việt Nam. Thầy trò HLV Kim Sang-sik sẽ có 3 tháng để chuẩn bị trước khi vào đá vòng loại thứ ba. Tiếp đến là mục tiêu vô địch tại Sea Games 33 như chính HLV Kim Sang-sik đã phát biểu. Chúng ta cùng chúc cho đội tuyển quốc gia thành công trong những mục tiêu này; và trong tương lai là "vô địch châu Á, tham dự World Cup".
Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!