Bộ GD&ĐT có nên quay lại làm sách giáo khoa?

Mỹ Hà

(Dân trí) - Một số chuyên gia cho rằng, nếu có thêm một bộ SGK của Bộ GD&ĐT sẽ nhiều bất cập, Bộ GD&ĐT không thể "vừa đá bóng, vừa thổi còi", gây phản ứng tiêu cực từ xã hội.

Sau buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới đây, dư luận dấy lên nhiều tranh cãi.

Theo đó, đoàn giám sát yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức biên soạn một bộ SGK.

Hiện có 3 bộ sách giáo khoa được dùng trong chương trình phổ thông gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Ba bộ sách này thuộc các nhà xuất bản: Công ty Cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Đoàn giám sát mong muốn cần có một bộ SGK của Bộ GD&ĐT để giữ an toàn cho việc triển khai chương trình GDPT mới bởi giả sử các đơn vị xuất bản SGK gặp vấn đề gì, liệu cả nền giáo dục phổ thông của nước ta có dừng lại để chờ các nhà xuất bản khắc phục vấn đề của họ xong rồi làm tiếp?

Đề nghị trên đây đưa đến nhiều ý kiến trái chiều trong cuộc họp và dư luận.

Bộ GDĐT có nên quay lại làm sách giáo khoa? - 1

Nên cân nhắc hoặc bỏ yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Thêm bộ SGK của Bộ GD&ĐT gây phức tạp

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, vẫn cần phải có một bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn như quy định.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Quốc hội nên cân nhắc hoặc bỏ yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK như Nghị quyết số 122 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV: "Không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước".

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình GDPT, môn ngữ văn 2018 chỉ ra rằng, trước đây Bộ GD&ĐT từng được đề nghị biên soạn bộ SGK, thế nhưng việc Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức bộ sách trở nên bất khả thi do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết.

Trong khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD để biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, Bộ GD&ĐT báo cáo không thực hiện được việc này và phải trả lại 16 triệu USD cho Ngân hàng thế giới.

Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã kịp thời chuyển sang chỉ đạo việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước và trả lại cho Ngân hàng thế giới khoản tiền vay 16 triệu USD để làm bộ sách của Bộ.

Thế nhưng vài ngày gần đây, việc Bộ GD&ĐT phải làm một bộ SGK tiếp tục được dư luận "đào xới" trở lại.

Ông Thống cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục biên soạn một bộ SGK hoàn toàn không cần thiết, không khả thi và làm phức tạp thêm tình hình.

Thứ nhất các bộ sách đã có đầy đủ, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ.

Thứ hai Nghị quyết 122/2020/QH14 ngày 15/7/2020 của Quốc hội đã yêu cầu không cần biên soạn bộ sách sử dụng ngân sách Nhà nước nữa.

Đặc biệt trong số rất nhiều lý do có thể kể đến việc Bộ tiến hành biên soạn bộ SGK sẽ phải làm lại từ đầu, bắt đầu từ lớp 1.

Nếu việc biên soạn sách này được làm đồng loạt các cấp, ít nhất phải mất 5 năm, trong khi thực tế đã có đủ SGK cho tất cả các cấp…

Điều quan trọng nhất chuyên gia này chỉ ra, yêu cầu có một bộ SGK của Bộ GD&ĐT vừa khiến Bộ không làm đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, vừa tạo bất bình đẳng trong lựa chọn và sử dụng SGK, dễ quay trở lại việc độc quyền sách. 

Bộ GDĐT có nên quay lại làm sách giáo khoa? - 2

Nếu có thêm một bộ SGK nữa của Bộ GD&ĐT, sẽ có nhiều bất cập (Ảnh: Mỹ Hà).

Bộ GD&ĐT không thể "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Thầy Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình cũng đặt câu hỏi, liệu có cần thêm một bộ SGK của Bộ GD&ĐT vào thời điểm này nữa không?

Theo thầy giáo này, hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang dần đi vào ổn định.

Nếu có thêm một bộ SGK nữa do Bộ GD&ĐT thực hiện, sẽ có nhiều bất cập. Trước hết, Bộ GD&ĐT gặp khó khăn trong việc lựa chọn chủ biên, các tác giả biên soạn sách bởi hầu hết các nhà khoa học giáo dục hàng đầu đã tham gia biên soạn 3 bộ SGK đang sử dụng hiện nay.

Đặt giả thiết Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ SGK nữa, không biết bao giờ mới thực hiện đại trà, chưa kể việc biên soạn này tốn kinh phí rất lớn của Nhà nước.

"Việc xã hội hóa trong việc biên soạn SGK vừa phát huy trí tuệ, tài chính từ nguồn lực xã hội, vừa đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch hạn chế những tiêu cực trong việc độc quyền SGK là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế của thế giới", thầy Tình lý giải.

Trước câu hỏi đặt ra, việc Bộ GD&ĐT soạn thêm một bộ SGK gây hiệu ứng ra sao với xã hội? Thầy Tình cho rằng, điều đó khiến Bộ "vừa đá bóng, vừa thổi còi", gây phản ứng tiêu cực từ xã hội, trong đó có hàng triệu giáo viên trên cả nước.

Nếu Bộ GD&ĐT biên soạn SGK mới, nghĩa là những khiếm khuyết, bất cập của sách phần nào bị giấu kín, kiểu như chẳng ai "vạch áo cho người xem lưng".

Tình trạng không công bằng, dân chủ, tính cạnh tranh sẽ mất đi trong việc lựa chọn SGK bởi nhiều đơn vị sẽ chăm chăm chọn sách của Bộ.

Với vai trò là nhà quản lý và cũng là giáo viên, thầy giáo này cho rằng, việc Bộ "thoái thác" biên soạn thêm Bộ SGK thời điểm này hoàn toàn xác đáng, thể hiện được sự chỉ đạo thống nhất, không "đẽo cày giữa đường" theo dư luận.

"Tôi nghĩ sau lưng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là hàng triệu giáo viên đang ngày đêm quyết tâm thực hiện đổi mới giáo dục, cùng với sự ủng hộ của nhân dân, công cuộc đổi mới giáo dục sẽ thành công", thầy Tình chia sẻ.

"Giữa lúc việc đổi mới chương trình, SGK đang đi đến chặng cuối mà Bộ GD&ĐT đứng ra làm bộ SGK "của Bộ" là giải pháp không an toàn, vừa rối tình hình, vừa làm cho các nhà đầu tư giảm niềm tin vào một môi trường đầu tư thiếu ổn định.

Xã hội hóa biên soạn SGK không có nghĩa là Nhà nước buông bỏ vai trò quản lý, giao trách nhiệm phát triển chương trình GDPT cho các tổ chức, cá nhân làm SGK.

Trong lĩnh vực SGK, Nhà nước bảo đảm an toàn cho người dân và các nhà đầu tư bằng các biện pháp quản lý như ban hành chương trình làm căn cứ biên soạn SGK và thực hiện các hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá; thẩm định, phê duyệt SGK; quản lý giá SGK; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm,… theo quy định của pháp luật".

TS Tô Văn Trường