Ba đề xuất giải quyết "giật gấu vá vai" ở các bệnh viện công lập
Câu chuyện đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế đã được cải thiện phần nào trong thời gian qua, song vẫn chưa có hồi kết. Đơn cử ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, chúng tôi đã mua được hóa chất và thay bóng máy chụp CT Scanner..., và người bệnh cũng đã đến với bệnh viện đông hơn. Tuy nhiên nhìn chung các bệnh viện công lập vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong lĩnh vực này.
Muốn vượt qua giai đoạn khó khăn về đấu thầu cho các cơ sở y tế, theo tôi cần thực hiện 3 việc chính sau đây:
Thứ nhất, giao cho các Giám đốc Bệnh viện tự quyết về các gói mua sắm. Cơ quan quản lý nhà nước nên thực hiện chức năng giám sát và kiểm tra.
Nếu để Ủy ban nhân dân, Sở y tế tham gia trực tiếp mua trang thiết bị và vật tư y tế sẽ sinh ra vô số những chuyện dở khóc dở cười. Không có nhu cầu sát sườn, không có chuyên môn sâu, lại tắc trách vì không có quyền lợi,... những gói thầu được đưa lên đưa xuống rồi cuối cùng về lại vạch xuất phát.
Giao cho cơ sở chịu trách nhiệm sẽ giải quyết được mọi rườm rà của hệ thống. Có ý kiến cho rằng như vậy sẽ làm hư các Giám đốc, việc ấy đã có pháp luật xử lý. Ai sai thì người ấy chịu trách nhiệm, không thể để ảnh hưởng đến nhiều người ở các vị trí khác nhau như việc cả dàn lãnh đạo của nhiều địa phương vướng vào vòng lao lý như vừa qua.
Bệnh viện Bình Dương là ví dụ sau khi được quyền tự quyết dưới 5 tỷ đồng, hơn chục gói thầu được phát hành thành công.
Thứ hai, các Giám đốc Bệnh viện, đặc biệt tuyến huyện, luôn mất ngủ vào những ngày cuối tháng vì lo trả lương cho nhân viên của mình.
Tự chủ có mặt tốt để trao quyền điều hành, nhưng trong an sinh xã hội thúc ép kiềm tiền bằng mọi cách sẽ khiến nhiệm vụ chính bị xao lãng, thậm chí còn bị bóp méo. Lạm dụng chỉ định xét nghiệm và "quá tay" trong các phẫu thuật can thiệp là vấn đề nổi cộm hiện nay của cả công lẫn dân lập.
Tôi đề xuất các tỉnh khôi phục trả lương cho nhân viên y tế như trước đây. Họ vẫn là viên chức nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Thu nhập tăng thêm sẽ do đơn vị làm ra nhờ các dịch vụ nâng cao chất lượng điều trị và độ hài lòng của người bệnh.
Ban giám đốc không phải "vò đầu bứt tai" nghĩ cách kiếm tiền nuôi quân; và ở chiều ngược lại, nhân viên y tế có thể yên tâm cống hiến trong hệ thống công lập.
Thứ ba, bỏ cách xuất toán hiện nay. Khi mọi việc đã xong, tiền thuốc, vật tư tiêu hao, nhân lực, điện nước,… đã trả. Cuối quý, cuối năm xuất toán "một cục", bù lại chắc chắn phải làm gian dối đẩy vào các khoản chi phí khác.
Thay vì rà soát xuất toán thì chúng ta nên chuyển sang cơ chế phạt. Nếu đơn vị làm sai, Bảo hiểm phát hiện đưa lên Hội đồng y khoa độc lập xem xét kết luận khẳng định, trường hợp ấy không chỉ bị xuất toán mà cần phải phạt để làm gương. Chỉ như vậy mới có thể giảm tranh luận giữa cơ quan chi tiền (BHXH) và cơ quan sử dụng (các Bệnh viện), đồng thời việc lạm dụng chỉ định sẽ giảm xuống, các quy trình y khoa sẽ được tôn trọng, tai biến do thầy thuốc gây ra sẽ giảm đi rõ rệt.
Rất nhiều việc cần làm nhưng cứ xin cố gắng 3 việc nêu trên, tôi tin chắc hệ thống y tế công lập sẽ thay đổi hiện trạng giật gấu vá vai mà "tít mù lại chạy vòng quanh"!
Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!