An sinh để an dân
Hiến dâng trọn đời mình cho nước cho dân, ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong số 13 bộ đầu tiên của Chính phủ, có 2 bộ là Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội (tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày nay) để thực hiện nhiệm vụ giải quyết việc làm, xây dựng chế độ chính sách cho công chức và đặc biệt là phát động toàn dân tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo cho đồng bào nghèo, thực hiện cứu trợ xã hội cho các đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống do thiên tai, bão lụt, mất mùa, tàn tật do chiến tranh…
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù khó khăn đến mấy, "chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, dân rét, dân dốt, dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi". Trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách an sinh xã hội đã được Đảng, Nhà nước ta kế tục, phát huy, vận dụng sáng tạo, coi đây là một trong những vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những mục tiêu cao cả nhất của sự nghiệp xây dựng XHCN ở Việt Nam.
Với chủ trương và hành động nhất quán từ Trung ương đến địa phương, hệ thống an sinh xã hội của đất nước ngày càng hoàn thiện với diện bao phủ ngày càng mở rộng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em hoàn cảnh khó khăn…
Một trong những điểm sáng nổi bật về hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam là kết quả giảm nghèo. Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 80, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ giảm xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023".
Tính đến cuối năm 2023, 100% số đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng; 100% số người bị thiệt hại do thiên tai, thiếu đói được trợ giúp kịp thời; hơn 90% số người khuyết tật khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng; hơn 90% số người cao tuổi khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, cung cấp nước sạch, điện… trong phạm vi cả nước được triển khai với những kết quả tích cực.
Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến người có công, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, đều dành hơn 30.000 tỷ đồng trợ cấp, ưu đãi, chăm sóc sức khỏe, tặng quà…cho các đối tượng. Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng... nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn xã hội; bảo đảm mức sống của gia đình người có công luôn bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
Chúng ta đã tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2014; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 20 lần trong gần 40 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có gần 99% số người lớn biết đọc, biết viết; độ bao phủ BHYT đạt 93,35%; nhiều dịch bệnh phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023.
Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới" xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nước ta "Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững.
Đến năm 2030, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 100% gia đình chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định; bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp xã hội cho hộ nghèo...
Như đã nêu ở trên, ngày 28/8/1945 là dấu mốc lịch sử của một ngành được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 3 lĩnh vực lớn: lao động, người có công và xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin điểm vài nét về lĩnh vực an sinh xã hội. An sinh để an dân. Dân yên thì nước thịnh. Chúng ta hy vọng với hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho Nhân dân mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện, sẽ biến mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện, thuộc nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới trở thành hiện thực.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!