70 năm phát triển đô thị Hà Nội: Dấu ấn mở rộng và nâng chất
Ngày nay, Hà Nội, thủ đô thân yêu, vùng đất địa linh nhân kiệt, trái tim của cả nước đã có một diện mạo và tầm vóc khang trang, hiện đại, ngang tầm với nhiều đô thị phát triển trong khu vực và thế giới. Điều này có được là nhờ một tiến trình lịch sử lâu dài, trong đó có 70 năm xây dựng và phát triển thủ đô kể từ khi "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về".
Trong các giai đoạn trước, dù đã đóng vai trò là nơi định đô của các triều đại phong kiến với sự mở rộng khu Thăng Long kẻ chợ 36 phố phường, hay thời Pháp thuộc (trước năm 1954) với sự xuất hiện các khu phố cũ biểu hiện cho sự tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Tây, Hà Nội vẫn ở quy mô phát triển đô thị khá khiêm tốn. Lúc bấy giờ Hà Nội chủ yếu nằm bên trong đường vành đai 1 với diện tích năm 1945 khoảng 150km2 gồm 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành.
Giai đoạn từ sau 1954 đánh dấu bước chuyển mình lớn về mở rộng và nâng chất, để Hà Nội có được tầm vóc như hiện nay.
Cụ thể, từ 1954 - 1960, khi công cuộc xây dựng XHCN được đẩy mạnh ở miền Bắc, Hà Nội đã quy hoạch và phát triển thêm các khu nhà ở và khu công nghiệp mới, như khu tập thể Kim Liên, Nguyễn Công Trứ hay khu công nghiệp Thượng Đình, Minh Khai…
Năm 1954, Hà Nội có diện tích 152,2km2 gồm 36 phố nội thành và 4 quận ngoại thành, dân số là 436.624 người.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, Hà Nội đã có 7 lần lập và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng với 3 lần mở rộng địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978 và 2011.
3 lần điều chỉnh địa giới của Hà Nội lần lượt như sau:
Ngày 20/4/1961, Quốc hội khóa II kỳ họp thứ 2 đã ra nghị quyết phê chuẩn quy hoạch mở rộng Hà Nội với quy mô diện tích 586,13km2 gồm 4 khu nội thành và 4 huyện ngoại thành, dân số là 910.000 người, địa giới gấp gần 4 lần về diện tích và 1,5 lần về dân số so với năm 1960.
Tháng 12/1978, Hà Nội được quyết định mở rộng thêm về phía Bắc và phía Tây thông qua sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) và tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Ngoài 4 khu nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Nội còn có 12 huyện, thị xã ngoại thành với tổng diện tích 2.123km2, dân số là 2,5 triệu người.
Gần đây nhất vào năm 2011, Hà Nội được mở rộng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay là 3.344,6km2, dân số 6,7 triệu người.
Từ thời điểm này, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, bao gồm một đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, liên kết với nhau bởi hệ thống đường giao thông vành đai kết hợp mạng lưới các trục giao thông hướng tâm, có liên kết với mạng lưới giao thông khu vực và quốc gia.
Đô thị trung tâm phát triển cả phía Bắc và Nam sông Hồng, đưa dòng sông mẹ vào vị trí không gian trung tâm, trở thành trục cảnh quan, sinh thái thiết yếu tạo dựng bản sắc đô thị.
Các không gian cũ trong đô thị được gìn giữ và nâng cấp để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa. Nhiều khu đô thị mới hiện đại hình thành trên cơ sở có sự tham gia cả nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Các không gian công cộng, công viên cây xanh được đầu tư xây dựng, chỉnh trang ở nhiều quận, huyện. 5 tuyến phố đi bộ đã đi vào hoạt động, gồm: khu Hồ Gươm và vùng phụ cận, khu phố cổ Hà Nội, phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), khu thành cổ Sơn Tây, phố Trần Nhân Tông và phụ cận. Ngoài ra, 3 tuyến phố đi bộ dự kiến đưa vào hoạt động trong thời gian tới là: Hoàng Cầu - Hào Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hồ Ngọc Khánh. Cùng với đó, nhiều không gian công cộng như vườn hoa Hàng Đậu, vườn hoa công viên Hồ Thiền Quang... cũng được cải tạo khang trang, sạch đẹp hơn.
Đây cũng là giai đoạn hệ thống hạ tầng đô thị Hà Nội có sự phát triển vượt bậc. Hàng loạt tuyến đường bộ kết nối giữa các khu vực đô thị và giữa đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, giữa Hà Nội với các tỉnh, thành cả nước đã được đầu tư xây dựng, trong đó đường vành đai 2, vành đai 3 có hệ thống đường dưới thấp, đường trên cao, hầm chui và cầu vượt, đèn giao thông, camera… hiện đại.
Hay như trục cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch kết nối Hà Nội và cả khu vực phía Bắc với các tỉnh miền Trung, miền Nam. Trục giao thông Nhật Tân - Nội Bài và Nội Bài - Lào Cai kết nối đồng bộ Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.
Tuyến vành đai 4 kết nối đồng bộ Hà Nội với 9 tỉnh còn lại trong Vùng Thủ đô đang dần hình thành.
Hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô cũng đã có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận, tiêu biểu như hệ thống đường sắt đô thị với 2 tuyến là Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội (hiện đã hoạt động đến Cầu Giấy).
Thành phố cũng quan tâm đến việc cải tạo, xây mới hạ tầng thoát nước; tổ chức nạo vét, làm sạch các sông, hồ nội đô; đầu tư các nhà máy xử lý nước như Yên Sở, Yên Xá… giúp gia tăng khả năng tiêu thoát úng ngập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhà máy xử lý rác Thiên Ý tại khu xử lý rác Nam Sơn đã đi vào hoạt động với công suất xử lý đốt rác giai đoạn 1 là 1.000 tấn/ngày đêm, giúp tạo ra nguồn năng lượng điện 15 MW ở giai đoạn 1 phục vụ đời sống và sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề mà Hà Nội cần sớm giải quyết. Trước hết là tình trạng phát triển nóng ở đô thị lõi, dẫn đến một số khu vực xây dựng không phép, sai phép làm phá vỡ không gian kiến trúc cảnh quan.
Tiếp đến, chính là việc phát triển đô thị trong một số trường hợp còn chậm so với quy hoạch và kế hoạch đặt ra, dẫn đến nhà ở dù đã được xây dựng đầy đủ nhưng đường giao thông, công trình dịch vụ tiện ích bị "treo": việc cải tạo và xây mới nhà ở cũ và khu chung cư cũ đã xuống cấp còn rất chậm; số lượng điểm đen về tắc nghẽn giao thông và ngập úng trên phạm vi diện rộng là rất lớn; một số nơi thiếu trường học công lập; xuất hiện tình trạng thiếu nước sạch cục bộ…
Tình trạng nhà chung cư mật độ xây dựng cao "xen cấy" trong khu vực nội đô, thậm chí ở các quận trung tâm gây nên tình trạng quá tải hạ tầng.
Dù còn nhiều bộn bề, nhiều bài toán khó giải, song có thể thấy xu hướng chính của Hà Nội vẫn là phát triển, vươn tầm và dần sánh vai với các đô thị hiện đại nhất trong khu vực và trên thế giới. Tôi xin nêu một số động lực chính cho sự phát triển đô thị Hà Nội thời gian tới như sau:
Thứ nhất, trong năm 2024 này, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng với đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được báo cáo các cấp có thẩm quyền, dự kiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Đây sẽ là những khuôn khổ pháp lý và quy hoạch tạo điều kiện để Thủ đô tiếp tục chuyển mình phát triển trong giai đoạn tới. Để Hà Nội trong mắt ai cũng ngày càng đẹp hơn.
Thứ hai, các kế hoạch phát triển đô thị Hà Nội đang được triển khai bài bản và quyết liệt. Tiêu biểu như việc đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng đô thị thông minh, hướng đến phát triển đô thị theo mô hình thành phố trong thành phố với đô thị Bắc sông Hồng nằm trong đô thị Hà Nội; các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đang và sẽ trở thành quận nội đô trong các năm 2024, 2025; phát triển 2 đô thị vệ tinh như Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử - du lịch nghỉ dưỡng và Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa.
Với khu vực đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông như đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy; các trục tuyến đường sắt đô thị, phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 410,8km.
Thứ ba, hệ thống đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam có điểm đầu là thủ đô Hà Nội sẽ được Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm nay, càng là cơ hội để Hà Nội phát huy thế mạnh và vai trò của đô thị trung tâm với công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!