Tâm điểm
Trần Huy Ánh

Hà Nội ngày trở về

Mỗi khi tháng 10 tới, người Hà Nội có lẽ ai cũng xốn xang: "Không thể nói trời không trong hơn. Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy. Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường".

Tháng 10 Hà Nội với tôi thiêng liêng vô cùng. Là tháng 10 "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về" Hà Nội, và cũng là tháng 10 gắn với những kỷ niệm gia đình.

Năm 1938, cha tôi tốt nghiệp tú tài và vào làm tập sự tại Bưu điện Hà Nội; mẹ tôi ở nhà nuôi con, nội trợ. Cũng như bao người Hà Nội khác thủa đó, gia đình tôi đã được tham gia vào những sự kiện lịch sử của đất nước.

Tháng 8/1945, cha tôi trong dòng người mít tinh tại Nhà hát lớn, rồi bừng bừng khí thế đi tuần hành ủng hộ Việt Minh. Sáng 2/9/1945, cả nhà tôi hòa theo hàng vạn người Hà Nội  đến quảng trường Ba Đình, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hà Nội ngày trở về - 1

Biểu tượng chính thức kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô trên đường phố Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân)

Cha tôi ngày hai buổi đi làm trên Bưu điện Bờ Hồ, tối về phụ trách thiếu nhi cứu quốc khu phố Mai Hắc Đế - công việc do tổ chức (Việt Minh) phân công. Các đội viên nhi đồng khu phố Mai Hắc Đế ngày đi học, tối ra phố sinh hoạt, được cha tôi hướng dẫn tập đội ngũ, đi đều theo nhịp trống, tập hát các bài ca yêu nước.

Cuối năm 1946, không khí Hà Nội rất ngột ngạt, quân đội thực dân gia tăng khiêu khích, các phe nhóm phản động quậy phá. Mẹ tôi đưa chị tôi sơ tán lên Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), nơi bà nội kinh doanh buôn bán. Cha tôi tham gia Đội tự vệ Bưu Điện, ở lại Hà Nội.

Hà Nội ngày trở về - 2

Chiến lũy trên đường phố Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946 (ảnh trái). Các chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn đào hào công sự tại Bắc Bộ Phủ sát tường rào nhà Bưu Điện Hà Nội (Ảnh tư liệu tác giả cung cấp)

Sau ngày "Toàn quốc kháng chiến", cha tôi cùng các đồng đội lên chiến khu, để lại sau lưng Hà Nội rực hồng lửa cháy, trước mặt muôn vàn gian nan hiểm nguy … "Người ra đi đầu không ngoảnh lại / sau lưng thềm nắng lá rơi đầy".

Cha tôi làm việc tại Bưu Điện liên khu 10 (vùng Thanh Ba, Phú Thọ), cùng với bao chiến sĩ, đồng bào tham gia cuộc trường chinh "ba ngàn ngày không nghỉ" gian khổ, một lòng kiên trung theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tới ngày về ca khúc khải hoàn.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cha tôi được cấp trên giao nhiệm vụ trở về Hà Nội từ tháng 9/1954. Quyết định công tác ghi rõ được nhận mấy tháng lương bằng 40 kg gạo. Nhiệm vụ ấy cũng rất bí mật, chỉ mẹ tôi biết và không được nói với ai.

Sang tháng 10, từ Thanh Ba (Phú Thọ) mẹ tôi gói ghém đồ đạc cùng anh chị tôi tới bến đò Vú Ẻn, xuôi về Hà Nội hơn 130km cũng mất hơn 2 ngày.

Đò tới bến Chèm tối 9/10/1954, sau 9 năm ở vùng rừng núi, nhìn về Hà Nội rực rỡ ánh đèn, các chị tôi hỏi "mẹ ơi, ở chỗ kia có các vì sao đang rơi xuống đất?". Mẹ tôi lúc ấy đã nhòe nước mắt vì vui mừng. Giấc mơ của mẹ tôi lúc ấy giản dị như bao người Hà Nội khác: Mong mọi sự bình an, có mái nhà nương náu, có cơm ăn áo mặc… Những ước ao bé mọn bình lặng như sông Hồng chảy trôi.

Cha tôi tham gia công tác cấp trên giao bận rộn cả ngày 10/10/1954. Đến tối mới ra bến đò bên sông Hồng cùng với ông đạp xích lô. Mẹ tôi bế anh tôi (lúc ấy mới 2 tuổi), chị lớn 12 tuổi (chị sinh ở Hà Nội năm 1942) và chị thứ hai, lúc ấy 6 tuổi, lên xích lô cùng đồ đạc, còn cha tôi chạy bộ theo xe. Cả nhà đi từ bến đò vượt qua dốc Cầu Đất, qua Nhà hát lớn, rồi rẽ ra phố Hai Bà Trưng, chạy về nhà họ hàng ở cuối phố (gần chợ Cửa Nam). Cả nhà tôi trên chiếc xích lô đã băng qua phố phường Hà Nội trong ngày trở về như vậy.

Bảy mươi năm trôi qua, cha mẹ tôi đã đi xa, anh chị em chúng tôi đã trở thành lớp người cũ kỹ của Hà Nội. Chúng tôi nhiều lần rời xa Hà Nội để học tập, công tác, rồi lại trở về với Thủ đô, nhưng ngày trở về Hà Nội cách đây 70 năm mãi mãi là những kỷ niệm không quên của một gia đình người Hà Nội bình thường, những người may mắn có mặt tại Hà Nội vào những thời khắc lịch sử của đất nước.

Hà Nội hôm nay đã đổi thay nhiều, ấy là nhờ sự chung tay đóng góp của các thế hệ người Hà Nội và đồng bào cả nước. Sau 70 năm, Hà Nội đang bước vào giai đoạn phát triển mới, hy vọng với sức mạnh mới, trí tuệ mới, Hà Nội sẽ có những bước tiến mới: "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Tác giả: Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, là nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc và quy hoạch, xây dựng đô thị.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!