DNews

Toàn cảnh bức tranh DeepSeek làm thức tỉnh những gã khổng lồ công nghệ

Nam Đoàn Quang Huy

(Dân trí) - Mô hình AI DeepSeek của công ty Trung Quốc dựa trên kiến trúc mở và sử dụng chip rẻ tiền đã thách thức sự thống trị của những gã khổng lồ công nghệ như Nvidia và OpenAI.

Toàn cảnh bức tranh DeepSeek làm thức tỉnh những gã khổng lồ công nghệ

Nó đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của thị trường công nghệ và vai trò của các công ty châu Á trong cuộc đua đổi mới này.

DeepSeek cũng đã thổi một làn gió hoảng loạn đến thị trường chứng khoán thế giới.

Công ty trí tuệ nhân tạo DeepSeek được thành lập vào năm 2023 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Người sáng lập công ty này là Lương Văn Phong, sinh năm 1985, tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành kỹ thuật điện tử và thông tin tại Đại học Chiết Giang.

Giống các công ty khởi nghiệp AI khác, DeepSeek cũng đã phát triển và thử nghiệm nhiều mô hình AI khác nhau, nhưng không thực sự tạo được sự chú ý.

Chỉ đến khi ra mắt mô hình AI mang tên R1 vào cuối năm ngoái và chính thức phát hành đến người dùng từ ngày 20/1 vừa qua, DeepSeek mới tạo được tiếng vang và gây sốt trên toàn cầu nhờ vào trí thông minh và khả năng xử lý ấn tượng của nó.

Điểm khiến DeepSeek gây kinh ngạc nhất đó là mô hình AI này chỉ mất 5,6 triệu USD để xây dựng và vận hành, trong khi các hãng công nghệ của Mỹ đang chi ra hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đô la để phát triển và vận hành mô hình AI của riêng họ.

Một điểm khác khiến DeepSeek thu hút sự chú ý của giới công nghệ đó là công cụ AI này được ra đời và phát triển vào thời điểm chính phủ Mỹ đang áp dụng các lệnh trừng phạt, ngăn chặn nguồn cung cấp chip AI hiệu suất cao cho các công ty Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là DeepSeek được phát triển và hoạt động dựa trên các chip AI hiệu suất thấp, nhưng vẫn thể hiện được sức mạnh đáng nể.

Ứng dụng DeepSeek trên kho ứng dụng App Store dành cho các thiết bị iOS đã có sự nhảy vọt về số lượng tải, vượt qua ChatGPT khi trở thành ứng dụng AI được tải về nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Nhân tố đột phá mới trong thế giới AI

Mô hình trí tuệ nhân tạo này có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm chủ lực của các công ty dẫn đầu ngành như OpenAI, trong khi giảm thiểu rất nhiều về chi phí. 

Việc sử dụng các công nghệ nguồn mở khiến DeepSeek trở nên hấp dẫn đối với các nhà phát triển và doanh nghiệp muốn tích hợp các giải pháp AI vào cơ sở hạ tầng hiện có mà không phải đầu tư nhiều vào nguồn lực công nghệ thông tin đắt đỏ.

Thành công tiềm tàng của nó đặt ra những câu hỏi về chiến lược hiện tại của các công ty đang thống trị thị trường AI.

CEO Mark Andreessen, nhà đầu tư và đồng sáng lập của một số công ty công nghệ gọi sự đổi mới này là một trong những bước đột phá ấn tượng nhất, cho thấy sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.

Mặc dù công ty Trung Quốc có thể chưa phải là mối đe dọa trực tiếp đối với những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, nhưng mô hình đổi mới của nó minh họa xu hướng ngày càng mở rộng và giảm chi phí trong lĩnh vực AI.

Toàn cảnh bức tranh DeepSeek làm thức tỉnh những gã khổng lồ công nghệ - 1

Động lực này sẽ khuyến khích các công ty khác sẽ có những cách tiếp cận mới trong việc khám phá các giải pháp AI thay thế hiệu quả hơn về mặt chi phí.

Đáng chú ý, DeepSeek đã tìm cách vượt qua rào cản từ các lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc, bằng cách tận dụng các công nghệ nguồn mở và có sẵn rộng rãi.

Chiến lược này dự báo một sự căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khi các công ty cố gắng điều hướng môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp này.

Bước vào cuộc xung đột

Cuộc xung đột giữa OpenAI và công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc đã khơi lại cuộc tranh luận về sở hữu trí tuệ của trí tuệ nhân tạo, trong bối cảnh có những cáo buộc về chắt lọc và các vấn đề kinh tế lớn.

Tâm điểm của cuộc tranh chấp là OpenAI tuyên bố rằng, DeepSeek đã "chắt lọc" hoặc sao chép các mô hình AI của họ, từ đó đe dọa vị thế thống trị thị trường của công ty này.

Khái niệm chắt lọc trong trí tuệ nhân tạo không phải là mới. Kỹ thuật này liên quan đến việc đào tạo một mô hình nhỏ hơn dựa trên hành vi và quyết định của một mô hình lớn hơn, hiệu quả hơn. Nó giống như một học sinh đang học trực tiếp từ giáo viên của mình.

OpenAI cáo buộc DeepSeek đã sử dụng phương pháp này để sao chép một phần công nghệ tiên tiến của mình mà không có được bản quyền một cách hợp pháp.

Người phát ngôn của OpenAI chia sẻ: "Chúng tôi biết rằng các công ty có trụ sở tại Trung Quốc - và các nơi khác - đang không ngừng cố gắng chắt lọc các mô hình của chúng tôi".

Cố vấn trí tuệ nhân tạo cho Tổng thống Donald Trump, David Sacks cho biết DeepSeek đã thực hiện chắt lọc kiến thức rút ra từ các mô hình của OpenAI. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để chứng minh cho những cáo buộc này.

Khi OpenAI tiếp tục đưa ra những cáo buộc của mình, những tiếng nói bất đồng quan điểm đang được lắng nghe trong ngành công nghệ.

Toàn cảnh bức tranh DeepSeek làm thức tỉnh những gã khổng lồ công nghệ - 2

CEO Aravind Srinivas, công ty công nghệ Perplexity tin rằng, những tuyên bố này xuất phát từ sự hiểu biết một phần về các phương pháp đào tạo mô hình hiện tại, đây không chỉ là câu chuyện sao chép mà các công ty về AI còn phải điều chỉnh và liên tục cải tiến các mô hình hiện có của mình.

Giám đốc điều hành công ty Antropic, Dario Amodei cũng đã bày tỏ sự dè dặt về cách giải thích của OpenAI: "Đối với các công ty AI, những kỹ thuật mới đều bắt đầu từ những mô hình có sẵn và kỹ sư sẽ đào tạo bổ sung kỹ năng suy luận cho chúng thông qua quá trình được gọi là học tăng cường".

Thông báo về những nghi ngờ của OpenAI đã có tác động ngay lập tức đến thị trường chứng khoán.

Nvidia, công ty hàng đầu thế giới về bộ xử lý đồ họa dùng để đào tạo các mô hình AI, chứng kiến cổ phiếu của mình sụt giảm trong bối cảnh lo ngại rằng, DeepSeek đã thành công trong việc phát triển một mô hình cạnh tranh với ít tài nguyên hơn nhiều.

Toàn cảnh bức tranh DeepSeek làm thức tỉnh những gã khổng lồ công nghệ - 3

Công cụ này được quảng cáo là có cách tiếp cận nguồn mở và hiệu quả về chi phí, đã nhanh chóng trở thành một công ty lớn trên thị trường.

Chatbot của Trung Quốc thậm chí còn hoạt động tốt hơn ChatGPT khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và gây ra tổn thất lớn về giá trị thị trường tại một số công ty Mỹ chuyên về AI.

Đe dọa an ninh quốc gia Mỹ?

Những lo ngại không chỉ giới hạn ở khía cạnh cạnh tranh. Hải quân Mỹ gần đây đã cấm nhân viên của mình sử dụng ứng dụng DeepSeek, với lý do tiềm ẩn các rủi ro bảo mật và các vấn đề đạo đức liên quan đến nguồn gốc và việc sử dụng dữ liệu do công nghệ này thu thập.

Cơ quan này cáo buộc rằng, các máy chủ được DeepSeek sử dụng để lưu trữ dữ liệu người dùng được đặt tại Trung Quốc vốn nổi tiếng với các quy định nghiêm ngặt về an ninh mạng, yêu cầu các công ty phải chia sẻ dữ liệu của họ với chính phủ theo yêu cầu.

Điều khoản pháp lý này làm tăng thêm lo ngại của người dùng Mỹ về quyền riêng tư thông tin cá nhân của họ, làm tăng thêm sự phức tạp cho vấn đề.

Các chuyên gia cảnh báo về khả năng lưu trữ và khai thác dữ liệu nhạy cảm của các thực thể có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, có thể dẫn đến việc sử dụng cho mục đích xấu.

Không chỉ riêng tại Mỹ, nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu cũng đã đưa ra những tuyên bố về DeepSeek thu thập dữ liệu người dùng và có thể được cung cấp tới chính quyền Trung Quốc.

Tại Ý, ứng dụng này đã buộc phải gỡ khỏi kho ứng dụng trên Google Play và App Store.

Vấn đề nhức nhối về bản quyền

Những nghi ngờ xung quanh DeepSeek xuất hiện khi bản thân OpenAI phải đối mặt với nhiều cáo buộc về bản quyền.

Các nhà xuất bản tin tức trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và Ấn Độ, đang bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc sử dụng trái phép tài liệu có bản quyền để đào tạo trên các nền tảng ngôn ngữ lớn.

Vấn đề chính nằm ở cách những gã khổng lồ AI này truy cập và sử dụng dữ liệu có sẵn.

Chính vì thế, Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức kỹ thuật số đã cáo buộc OpenAI khai thác bất hợp pháp các tác phẩm có bản quyền trong quá trình đào tạo những công cụ AI của mình.

Tổ chức này cho biết, việc truy cập bất hợp pháp vào các tài liệu có bản quyền này chỉ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư OpenAI và gây bất lợi cho người sáng tạo nội dung.

Sự ra đời của DeepSeek đang thay đổi thị trường AI toàn cầu, làm thức tỉnh những gã khổng lồ công nghệ về giấc mơ thống trị của họ trên thế giới.