DNews

Mua hàng trên ứng dụng Temu của Trung Quốc - Coi chừng "tiền mất, tật mang"

T.Thủy

(Dân trí) - Sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc đang tiến vào thị trường Việt Nam một cách rầm rộ, nổi bật với những sản phẩm có mức giá rẻ. Tuy nhiên, người dùng cũng cần cẩn trọng khi mua hàng trên Temu.

Mua hàng trên ứng dụng Temu của Trung Quốc - Coi chừng "tiền mất, tật mang"

Temu là gì?

Trong những ngày gần đây, người dùng mạng xã hội như Facebook và Instagram không khỏi ngạc nhiên trước sự xuất hiện dày đặc của các quảng cáo về sàn thương mại điện tử Temu. Những hình ảnh về sản phẩm được yêu thích với mức giá rẻ bất ngờ đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Temu có thể là một cái tên mới mẻ với người dùng Việt Nam, nhưng lại rất quen thuộc với những ai yêu thích mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Mua hàng trên ứng dụng Temu của Trung Quốc - Coi chừng tiền mất, tật mang - 1

Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc), nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay.

Điểm nổi bật của Temu so với các sàn thương mại điện tử khác là giá sản phẩm rất rẻ, nhờ vào mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, loại bỏ các chi phí trung gian.

Hầu hết các sản phẩm của Temu đều đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc, nơi có chi phí sản xuất thấp và quy mô sản xuất lớn. Công ty mẹ của Temu, PDD Holdings, cũng có những chiến lược trợ giá, chấp nhận lợi nhuận thấp cho mỗi sản phẩm bán ra, giúp giảm giá thành sản phẩm.

Mặc dù mới được thành lập vào tháng 9/2022, Temu đã nhanh chóng mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Quốc, bao gồm cả những thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Canada, Úc, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Mua hàng trên ứng dụng Temu của Trung Quốc - Coi chừng tiền mất, tật mang - 2
Được thành lập từ năm 2022, Temu nhanh chóng "phủ sóng" hàng loạt quốc gia chỉ trong một thời gian ngắn (Ảnh: Prasenjit Sarkar).

Sự xuất hiện của Temu đã khiến chính phủ nhiều quốc gia lo ngại về khả năng cạnh tranh của các nhà bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ trong nước. Đầu tháng này, chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm Temu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước và ngăn chặn hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập quốc gia này.

Chính phủ Thái Lan cũng đang nghiên cứu các biện pháp đánh thuế với Temu để ngăn chặn các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường nước này.

Hiện Temu cũng bị chính phủ Mỹ chú ý vì lo ngại liên quan đến bảo mật dữ liệu người dùng và nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, chưa có lệnh cấm chính thức nào được đưa ra với ứng dụng này.

Temu "đổ bộ" thị trường Việt Nam

Từ tuần trước, Temu đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên Internet và các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram tại Việt Nam. Người dùng Internet trong nước dễ dàng bắt gặp các quảng cáo của Temu với lời mời cài đặt ứng dụng để mua hàng giá rẻ.

Mua hàng trên ứng dụng Temu của Trung Quốc - Coi chừng tiền mất, tật mang - 3
Ứng dụng Temu đã có giao diện tiếng Việt, mức giá tự quy đổi sang Việt Nam đồng (Ảnh: T.Thủy).

Khi truy cập vào trang web chính thức hoặc cài đặt ứng dụng Temu, người dùng sẽ thấy giao diện có tiếng Việt và mức giá sản phẩm được quy đổi sang Việt Nam đồng, cho thấy Temu đã phát triển trang web và ứng dụng dành riêng cho thị trường Việt Nam.

Việc Temu "đổ bộ" thị trường Việt Nam là một điều bất ngờ, khi công ty mẹ PDD Holdings chưa đưa ra bất kỳ thông báo hoặc bình luận nào về điều này.

Mua hàng giá rẻ trên Temu - Coi chừng "tiền mất, tật mang"

Nhân dịp Temu mở cửa tại thị trường mới, sàn thương mại điện tử này đang có nhiều chương trình giảm giá, miễn phí vận chuyển cho người dùng tại Việt Nam. Điều này đã khiến không ít người dùng Việt háo hức trải nghiệm mua hàng trên Temu.

Tuy nhiên, việc mua hàng giá rẻ trên Temu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện tại, Temu chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng, nghĩa là người dùng phải thanh toán ngay khi đặt hàng, sau đó mới nhận sản phẩm. Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, chưa hỗ trợ các loại ví điện tử phổ biến khác.

Mua hàng trên ứng dụng Temu của Trung Quốc - Coi chừng tiền mất, tật mang - 4
Một người dùng Việt có trải nghiệm không tốt khi mua hàng ở Temu (Ảnh chụp màn hình).

Chính vì không cho phép thanh toán khi nhận hàng, người dùng sẽ đối mặt với rủi ro mua hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng không đúng mô tả dù đã thanh toán từ trước.

Do lượng người bán và sản phẩm trên Temu rất lớn nên sàn thương mại điện tử này không kiểm soát được chất lượng của các sản phẩm bán ra. Một khảo sát của tổ chức chuyên đánh giá về uy tín của các doanh nghiệp trên toàn cầu TrustPilot cho thấy khoảng 15% người dùng Temu phàn nàn về chất lượng sản phẩm mà họ đã đặt mua.

Mua hàng trên ứng dụng Temu của Trung Quốc - Coi chừng tiền mất, tật mang - 5
Bán ốc vít, nhưng gian hàng lại đăng ảnh cả phần main máy tính, khiến nhiều người lầm tưởng về sản phẩm (Ảnh chụp màn hình).

Trên trang web và ứng dụng Temu tại Việt Nam, tên gọi và phần mô tả của nhiều sản phẩm vẫn hiển thị bằng tiếng Anh, dễ gây nhầm lẫn cho người dùng Việt. Dù vậy, phần đánh giá sản phẩm lại được Temu dịch đầy đủ ra tiếng Việt, điều này có thể khuyến khích người dùng đọc đánh giá và mua hàng, dù không hiểu rõ về sản phẩm cần mua.

Một "chiêu trò" được nhiều gian hàng trên Temu sử dụng là mô tả không chính xác về sản phẩm, hình ảnh mô tả khác với hình thực tế hoặc sử dụng hình ảnh đánh lừa người mua hàng.

Mua hàng trên ứng dụng Temu của Trung Quốc - Coi chừng tiền mất, tật mang - 6
Gian hàng bán bộ bảo vệ cánh quạt cho flycam, nhưng có thể khiến người dùng nhầm lẫn bán flycam với giá rẻ (Ảnh chụp màn hình).

Chẳng hạn sản phẩm bán ra chỉ là phần cánh quạt hoặc chân đế của một chiếc flycam, nhưng hình ảnh mô tả sản phẩm trên Temu là toàn bộ chiếc flycam đó, khiến nhiều người lầm tưởng flycam đang được bán với mức giá rẻ nên nhanh chóng đặt hàng, mà không nhận ra sản phẩm mình đang đặt mua chỉ là một phần linh kiện nhỏ.

Hàng giả hàng nhái cũng tràn ngập trên Temu, với nhiều mức giá khác nhau. Do vậy, người dùng hoàn toàn có thể mua nhầm hàng giả, kém chất lượng mà không hay biết.

Mua hàng trên ứng dụng Temu của Trung Quốc - Coi chừng tiền mất, tật mang - 7
Hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhiều khi tìm kiếm sản phẩm trên Temu, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ (Ảnh chụp màn hình).

Mặc dù Temu có chính sách đổi trả sản phẩm và hoàn tiền, nhưng do đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, với người bán đều từ Trung Quốc, nên quá trình đổi trả sản phẩm và hoàn tiền diễn ra không dễ dàng, mất nhiều thời gian.

Nhiều người dùng sau khi nhận ra mình mua hàng không đúng như mô tả, hàng giả, kém chất lượng, nhưng vì giá trị món hàng không quá lớn, lại ngại quá trình đổi trả hàng phức tạp nên đã chấp nhận mất tiền, thay vì tìm cách hoàn trả lại món hàng.

Dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng sự "đổ bộ" của Temu sẽ giúp người dùng tại Việt Nam có thêm một sự lựa chọn để mua hàng trực tuyến với mức giá cạnh tranh. Dù vậy, người dùng cũng cần phải thực sự tỉnh táo, lựa chọn sản phẩm phù hợp, đừng bị mức giá rẻ của các sản phẩm đánh lừa để cuối cùng "tiền mất, tật mang".