DMagazine

Vinmec: 13 năm đi "con đường khó" tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y

(Dân trí) - Từ những bước đi đầu tiên, Vinmec đã định hình và nỗ lực để cho công tác khám chữa bệnh thật sự chất lượng.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 1

Sáng 21/8, bé Trần Bảo Chi (4 tuổi, ở Hà Nội) được xuất viện sau hơn một tháng điều trị bệnh ung thư máu bạch cầu cấp dòng lympho bằng liệu pháp tế bào CAR-T.

Nhìn cô bé nhảy chân sáo, líu lo trò chuyện trong buổi chúc mừng ra viện, ít ai ngờ rằng chỉ một thời gian ngắn trước đó, Bảo Chi từng đứng trước lằn ranh sinh tử, sự sống tính bằng ngày vì căn bệnh ung thư quái ác.

Bé Chi được chuyển đến Vinmec với tia hy vọng cuối cùng.

"Với những trường hợp này, thời gian sống thêm ở nhiều nước trên thế giới khoảng 4 tháng, ở Việt Nam còn ít hơn. Vì thế, liệu pháp tế bào CAR-T là cơ hội sống cuối cùng của người bệnh", GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec chia sẻ.

Được truyền tế bào CAR-T, Bảo Chi trở thành bệnh nhân ung thư máu đầu tiên được chữa khỏi bằng liệu pháp tế bào tại Việt Nam.

Cuối tháng 11/2023, thiếu nữ 18 tuổi sống tại TPHCM sau 13 năm sống chung với căn bệnh động kinh quái ác, cũng đã thay đổi cuộc đời nhờ ca phẫu thuật não đặc biệt do các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park thực hiện.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 2

Nhằm giúp bệnh nhân bảo toàn được vùng vỏ não phụ trách chức năng ngôn ngữ, các chuyên gia tại Vinmec cho biết đã quyết định áp dụng kỹ thuật mới: Thực hiện phẫu thuật sọ não trong khi người bệnh vẫn ở trạng thái tỉnh táo và có thể giao tiếp với bác sĩ.

Đây là kỹ thuật chính xác hàng đầu hiện nay trong y khoa để xác định vùng ngôn ngữ ở vỏ não. Sau khi mở hộp sọ, thuốc mê sẽ được ngưng truyền để bệnh nhân tỉnh lại.

Trong thời gian này, bác sĩ sẽ vừa trò chuyện vừa dùng điện cực kích thích các vùng của vỏ não. Nếu kích thích vùng nào khiến bệnh nhân ngưng nói chuyện thì đó là vùng vỏ não phụ trách ngôn ngữ, bác sĩ sẽ đánh dấu để không tác động vào vùng đó khi thực hiện loại bỏ ổ động kinh.

Quá trình thực hiện kéo dài khoảng 30-45 phút. Cuối cùng khi đã xác định xong vùng ngôn ngữ, bệnh nhân sẽ được tiếp tục gây mê để các bác sĩ tiến hành lấy bỏ ổ động kinh và đóng hộp sọ.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 4

"Trước khi có cuộc phẫu thuật của bệnh nhân, tại Việt Nam chưa từng có phương pháp điều trị cho các trường hợp tương tự. Tất cả bệnh nhân có ổ động kinh liên quan đến vùng ngôn ngữ đều không thể phẫu thuật được và phải chịu cảnh sống chung với căn bệnh quái ác suốt đời", ThS.BS Trương Văn Trí, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Vinmec Central Park nhấn mạnh.

Theo TS.BS Phùng Nam Lâm, Phó Tổng Giám đốc Chuyên môn, Hệ thống Y tế Vinmec, những kỳ tích y khoa thay đổi cuộc đời người bệnh này là quả ngọt của một hành trình bền bỉ, được "ươm mầm" bằng sự nỗ lực và khát khao vươn đến đỉnh cao của cả hệ thống.

Hành trình này không phải tính bằng ngày, bằng tháng mà là nhiều năm trời không ngừng nghỉ.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 6

 Trong hơn 12 năm hình thành và phát triển, Vinmec luôn tiên phong và chú trọng đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao, liên tục học hỏi và cống hiến.

Hệ thống đã tạo rất nhiều các điều kiện, nguồn lực, đặc biệt là đầu tư vào nghiên cứu, phát triển các công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất để vừa phát triển cũng như thu hút nguồn nhân lực trình độ cao vừa mở ra được các cơ hội phục vụ người bệnh.

Hơn hết, Vinmec tập trung vào chất lượng điều trị, những gì đem lại chất lượng điều trị tốt nhất, cứu sống được người bệnh là Vinmec cố gắng làm.

Đầu tư vào xây dựng con người, đầu tư vào nghiên cứu kỹ thuật của tương lai với khát vọng đem lại chất lượng phục vụ và chăm sóc sức khỏe người bệnh được tốt nhất là một hành trình không hề dễ dàng, nhưng thật sự cần thiết mà Vinmec xác định là "cần phải đi".

Vinmec đi và mong muốn được đồng hành và lôi cuốn các cơ sở y tế khác cùng đi, tạo một sự chuyển biến đột phá trong năng lực cung ứng chất lượng y tế cho người dân.

Định vị lớn được đặt ra từ ngày đầu thành lập này luôn là kim chỉ Nam cho Vinmec trong hành trình hơn một thập kỷ qua.

Trên con đường đó, Vinmec dần đạt được những thành tựu đóng góp đáng kể vào chất lượng điều trị cũng như mở ra "cơ hội chữa khỏi" cho nhiều bệnh nhân nan y tại Việt Nam. 2023 được đánh giá là năm hội tụ của những "trái ngọt" này.

Về lĩnh vực tim mạch, với hơn 100 bệnh nhân được êkíp của GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch can thiệp, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Central Park hiện là cơ sở y tế thực hiện được nhiều ca thay van động mạch chủ qua da (TAVI) nhất tại Việt Nam.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 7

Trong đó, ekip đã điều trị thành công nhiều ca TAVI khó như thay van trong van, làm TAVI cho người bị hẹp sau mổ.

Bệnh viện Vinmec Central Park cũng là Trung tâm can thiệp tim mạch TAVI độc lập đầu tiên tại Việt Nam và GS Nhân là Người hướng dẫn (Prodoctor) duy nhất tại Việt Nam.

Tháng 5/2023, TS.BS Đoàn Đức Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Vinmec Times City, với sự hỗ trợ của công nghệ in 3D, đã thực hiện thành công kỹ thuật mở cửa sổ stent trong điều trị bệnh lý phình động mạch chủ.

Đáng chú ý, bệnh nhân bị xoắn quai động mạch chủ đặt ra thách thức rất lớn cho các bác sĩ trong việc đặt stent graft.

Theo TS.BS Đoàn Đức Dũng, thay vì chỉ sử dụng phim chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) động mạch chủ, cùng với mô hình hệ thống động mạch tổn thương 3 chiều của bệnh nhân, với công nghệ in 3D bằng vật liệu tương thích sinh học, bác sĩ sẽ có thể đo đạc, phân tích, tính toán kỹ lưỡng các thông số để can thiệp chính xác nhất.

Mỗi bệnh nhân là một bệnh cảnh khác nhau với hệ thống mạch máu có thể có biến thể đa dạng. Do đó, công cụ thế hệ mới này giúp bác sĩ có phương án điều trị tối ưu riêng cho từng bệnh nhân.

"Sự kết hợp hoàn hảo, đạt hiệu quả cao của bộ đôi công nghệ in 3D và tay nghề lâm sàng thành thục, óc sáng tạo của người bác sĩ đã mở ra một triển vọng đột phá trong điều trị can thiệp tim mạch tại Việt Nam hiện nay", TS Lâm nhấn mạnh.

"Chiến dịch" ngoạn mục giải cứu chàng trai 19 tuổi khỏi khối u xương khổng lồ lại là một minh chứng cho thành tựu trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của Vinmec. Theo GS.TS.BS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec, ngoài kích thước siêu lớn, trên 20 cm, và ở vị trí cực kỳ hiếm gặp, khối u còn lồi ra, giống như một bào thai trong ổ bụng nhưng thò một chân ra ngoài.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 9

Tra cứu y văn thế giới thì chưa từng có ca nào tương tự được ghi nhận.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định đây là một ca vô cùng khó, tỷ lệ rủi ro rất cao.

Khối u khổng lồ được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu lớn và phức tạp. Xung quanh khối u là các bộ phận quan trọng như hệ tiêu hóa, tiết niệu, cột sống, khung chậu, mạch máu…

Nếu không xác định rõ mối tương quan giữa khối u và các thành phần này thì trong quá trình phẫu thuật khối u có thể chảy máu dữ dội, không thể kiểm soát được", GS Dũng chỉ ra những thách thức.

Ông nhấn mạnh, in 3D có thể xem là "vũ khí" quyết định trong chiến thắng của "trận đánh" này. Khi khối u được in 3D theo đúng nguyên mẫu với tỷ lệ 1:1, các phẫu thuật viên đã có được cái nhìn trực quan toàn bộ chân dung cùng cách "bày binh bố trận" của khối u, từ đó lên được kế hoạch tác chiến đánh đâu trúng đó, hạn chế thiệt hại.  

Hành trình 6 năm với nhiều thử thách để làm chủ ghép gan cũng đem đến trái ngọt là hàng chục bệnh nhân được trao cơ hội sống thứ hai.

Theo TS Lâm, ghép gan là kỹ thuật ghép tạng khó hàng đầu, chỉ sau ghép phổi.

"Một ca ghép gan là cả một công trình, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của rất nhiều chuyên khoa: phẫu thuật gan mật, phẫu thuật mạch máu, nội gan mật, gây mê giảm đau, hồi sức, huyết học, xét nghiệm, điều dưỡng, dược lâm sàng… mới có thể thực hiện thành công", TS Lâm chỉ rõ.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 11

Nếu ghép gan đã là một thử thách lớn, thì ghép gan từ người cho sống lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Áp lực lên êkip như tăng gấp đôi khi cùng lúc phải đảm bảo sức khỏe của người cho và người nhận gan.

Hiện Vinmec là cơ sở y tế ngoài công lập duy nhất cả nước thực hiện ghép gan từ người cho sống. Riêng trong năm 2023 vừa qua, Vinmec cũng thực hiện thành công 5 ca ghép gan cấp cứu.

Mỗi ca ghép gan cấp cứu là một cuộc chạy đua đúng nghĩa khi toàn bộ quy trình ghép gan thường đòi hỏi sự chuẩn bị nhiều tuần liền phải "nén lại", thực hiện trong 24 tiếng, đặc biệt có ca từ lúc nhận về đến lúc ghép chỉ 10 tiếng.

Ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung mang ý nghĩa nhân đạo rất lớn. Đây cũng là lý do Vinmec quyết tâm dồn rất nhiều nguồn lực cho lĩnh vực ghép tạng, dù đây là lĩnh vực rất khó và hầu như thực sự là "phi lợi nhuận".

TS Lâm nói về hành trình khó khăn này: "Để có được thành tựu hiện tại về ghép gan là sự đầu tư tổng lực của Vinmec trong 6 năm qua. Chúng tôi đã cử nhiều kíp y bác sĩ đi học tập ở Đài Loan, Bệnh viện Việt Đức, sau đó mời cả kíp của Hàn Quốc và Nhật Bản sang đào tạo, đặc biệt là hợp tác chặt chẽ với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bên cạnh đó là sự đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất kỹ thuật như phòng ghép, trang thiết bị liên quan, chương trình hỗ trợ người bệnh ghép…".

Sau tất cả, hàng chục mảnh đời phải sống mòn, đối mặt với án tử lại một lần nữa được thắp lên sự sống nhờ những "chiến dịch" ghép gan của đội ngũ y bác sĩ Vinmec.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 13

Nhắc tới những ca cấp cứu nghẹt thở đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về hay những trường hợp bệnh khó, hiểm nghèo được điều trị thành công, TS Lâm cho biết, đó là minh chứng sống động cho sức mạnh từ sự phối hợp đa chuyên khoa, có gốc rễ từ tinh thần đồng đội và văn hóa "làm việc nhóm" được đặc biệt chú trọng tại Vinmec.

TS Lâm phân tích, mô hình làm việc nhóm được xây dựng dựa trên triết lý tiếp cận tổng thể, toàn diện "Lấy bệnh nhân làm trung tâm" với mục tiêu cuối cùng là đem lại lợi ích tối đa cho người bệnh.

"Một đội bóng không chỉ cần có nhiều ngôi sao, mà điều quan trọng hơn là phải biết phối hợp với nhau, để phát huy được sức mạnh tổng lực.

Để điều trị được cho một bệnh nhân không thể chỉ dựa vào tay nghề của một bác sĩ phẫu thuật hay bất kỳ cá nhân, chuyên khoa đơn lẻ nào mà là sự hợp tác, hiệp đồng đa chuyên khoa", TS Lâm mô tả.

Vinmec đã triển khai rộng khắp, thường quy các mô hình phối hợp đa chuyên khoa trong tất cả các lĩnh vực, từ bệnh lý ngoại khoa, nội khoa, tim mạch, ung bướu… cũng như trong các chương trình cấp cứu nội viện, chăm sóc điều dưỡng.

Ví dụ, triển khai điều trị mổ cho một bệnh nhân sẽ không phải chỉ cần có bác sĩ ngoại khoa mà còn cần nhiều chuyên khoa khác như: nội khoa, gây mê, giảm đau, hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng, tâm lý, điều dưỡng, phục hồi chức năng… cùng phối hợp.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 14

Khi có sự hiệp đồng của tất cả các đơn vị như vậy sẽ tạo ra chiến lược chăm sóc, điều trị toàn diện, tổng thể tối ưu nhất, từ đó giúp bệnh nhân điều trị bệnh triệt để, giảm đau tối đa, không bị suy dinh dưỡng hay rối loạn điện giải và đặc biệt là phục hồi sớm sau mổ.

"Để hình dung dễ nhất về mô hình phối hợp đa chuyên khoa, chúng tôi tự hào có Chương trình Phục hồi sớm sau mổ (ERAS)", TS Lâm chia sẻ.

"Để thực hiện ERAS, nhất thiết phải có sự phối hợp của rất nhiều chuyên khoa: Gây mê hồi sức, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng, Ngoại khoa, Chăm sóc điều dưỡng, với sự tham gia của đội ngũ hỗ trợ nhiều kinh nghiệm.

So với phương pháp chăm sóc truyền thống, ERAS khác biệt đến mức khó tin!", TS Lâm nhấn mạnh.

Đối với phẫu thuật điều trị ung thư đại trực tràng, bệnh nhân không cần phải nhịn ăn trước phẫu thuật, không cần phải thực hiện thụt tháo.

Trong khi mổ, không cần đặt dẫn lưu, hầu như không dùng morphin giảm đau, đối với kháng sinh chỉ dùng một liều duy nhất gọi là kháng sinh dự phòng. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tính toán để tối ưu dịch truyền tránh rối loạn nước - điện giải.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 16

Với những cuộc phẫu thuật lớn như cắt đại tràng, trước đây người bệnh thực hiện phương pháp truyền thống, phải nằm viện trung bình 10 ngày và người bệnh còn phải liên tục tiêm truyền kháng sinh, truyền dinh dưỡng tĩnh mạch hằng ngày, hệ thống dẫn lưu rất phức tạp.

Với ERAS, người bệnh có thể ăn uống, vận động ngay sau phẫu thuật và chỉ cần trung bình 5 ngày là được xuất viện, với tình trạng sức khỏe tốt.

"Bệnh nhân không chỉ là khách hàng mà còn là "hạt nhân" để đội ngũ nhân viên y tế của Vinmec gắn kết. Bởi với mỗi người làm nghề y, chúng tôi luôn mong muốn làm điều tốt nhất cho bệnh nhân.

Vinmec không chỉ có những cá nhân xuất sắc mà là cả một tập thể của những con người xuất sắc", TS Lâm nhấn mạnh.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 18

Thực hiện thành công hàng loạt ca phẫu thuật phức tạp, làm chủ nhiều kỹ thuật khó, luôn hướng đến chất lượng điều trị hàng đầu, công bố nghiên cứu y học có giá trị quốc tế trong nhiều lĩnh vực liệu pháp tế bào, công nghệ gen, cũng như đồng hành cùng cơ sở đào tạo y khoa CHS của VinUni... là đòn bẩy để Vinmec tiếp tục chuyển mình trở thành hệ thống y tế hàn lâm đẳng cấp quốc tế. 

Chia sẻ về định hướng này, Phó Tổng Giám đốc Chuyên môn Hệ thống Y tế Vinmec khẳng định, Vinmec lựa chọn mô hình phát triển trên cơ sở hướng theo những hệ thống y tế hàng đầu thế giới, với ba trụ cột: nghiên cứu - thực hành lâm sàng - đào tạo y khoa để tương hỗ, tạo ra sự phát triển đồng bộ, bền vững, tạo ra các giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Việt Nam còn nhiều chứng, bệnh nan y, đến nay các phương pháp kinh điển chưa giải quyết được. Mặt khác, điều trị các bệnh này đòi hỏi những công nghệ rất cao, chi phí cực tốn kém và không mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế.

Vinmec: 13 năm đi con đường khó tìm cửa sống cho bệnh nhân nan y - 19

Hướng tiếp cận hiện nay mà Vinmec đang quyết tâm hướng tới là phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh, chăm sóc sức khỏe từ khi chưa bị bệnh cũng như tập trung khoa học công nghệ, để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý được gọi là bệnh hiếm.

Đó là các bệnh lý tuy không hiếm nhưng rất khó chẩn đoán, khó chữa, không nhiều cơ sở y tế có thể đảm nhiệm được. Cả hai hướng tiếp cận này đều sẽ rất tốn công sức, nguồn lực, trí tuệ và đòi hỏi sự quyết tâm cao.

"Vinmec quyết tâm dấn thân và đóng góp vào đi tìm lời giải cho những căn bệnh chưa nơi nào giải quyết hoặc không thể giải quyết do thiếu năng lực khoa học, kinh phí, trang bị, con người…

Mục tiêu lớn nhất của Vinmec là thực hành lâm sàng chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất và trở thành một trong các cơ sở tiên phong chung tay cùng xây dựng và thúc đẩy hệ thống y tế Việt Nam vươn lên tầm đẳng cấp quốc tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân", TS Lâm nhấn mạnh.

Nội dung: Minh Nhật

Ảnh: Thành Đông

Thiết kế: Tuấn Huy