5 năm mất 3 đứa con, vợ chồng vỡ òa khi được làm cha mẹ sau 16 năm chờ đợi
(Dân trí) - Trong vòng 5 năm, đôi vợ chồng có 3 lần gánh chịu nỗi đau mất đi núm ruột của mình. Tưởng mọi thứ dần rơi vào bế tắc thì phép màu xuất hiện với họ sau 16 năm chờ đợi đằng đẵng.
Tháng 6/2021, vợ chồng anh T.T.Q. chào đón đứa con khỏe mạnh sau 16 năm tìm con đằng đẵng với nhiều nỗi đau và nước mắt.
Trước đó, năm 2011, vợ anh lần đầu mang thai và sinh con sau 6 năm lấy nhau. Nhưng chưa kịp cảm nhận hạnh phúc có con đầu lòng, bi kịch đầu tiên cũng đến với họ ngay sau đó khi mất em bé lúc 14 ngày tuổi. Em được các bác sĩ xác định bị xuất huyết não, do thiếu yếu tố đông máu số VII.
Lúc bấy giờ, y học tại Việt Nam chưa đủ điều kiện để tìm ra bất thường gen liên quan tới căn bệnh trên. Nhờ sự hỗ trợ từ Bệnh viện Từ Dũ, vợ chồng anh Q. được gửi mẫu gen sang Pháp để phân tích. Kết quả cho thấy, cả hai người đều mang đột biến dị hợp tử gen lặn thiếu yếu tố VII, với 25% khả năng di truyền cho con đột biến đồng hợp tử, khiến con sẽ không sống được sau sinh.
Đến năm 2013, vợ anh Q. có thai tự nhiên, mang theo niềm mong chờ kỳ tích sẽ xuất hiện. Nhưng khi người vợ được chọc ối lúc thai 16 tuần tuổi để chẩn đoán trước sinh, kết quả em bé trong bụng vẫn mang đột biến đồng hợp tử, khiến họ ngậm ngùi chấm dứt thai kỳ.
Năm 2015, vợ anh Q. mang thai lần thứ ba. Lúc này, dù cũng được xác định bé bị tình trạng đột biến tương tự 2 năm trước, đôi vợ chồng vẫn quyết tâm sinh bé và sẵn sàng chữa trị sau sinh. Nhưng dù nỗ lực mua yếu tố đông máu số VII từ nước ngoài về truyền cho bé, cũng như điều trị, thay huyết tương liên tục tại Bệnh viện Nhi đồng 2, con vẫn chỉ ở bên anh chị được 4 năm.
3 lần chồng chất nỗi đau, đến khi họ dường như không tìm thấy bất kỳ hy vọng nào thì bước ngoặt xảy ra, khi Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công trong kỹ thuật chẩn đoán di truyền trước làm tổ (PGD). Với kỹ thuật này, bác sĩ có thể đọc được các bất thường nhiễm sắc thể và bất thường gen của phôi, nhằm chọn ra những phôi khỏe mạnh để thực hiện chuyển phôi.
Cuối năm 2019, họ lần đầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được 5 phôi. Sau khi tầm soát, kết quả phát hiện đến 4 phôi bị bất thường nhiễm sắc thể, trong khi phôi còn lại mang gen đột biến dị hợp tử yếu tố VII cũng chuyển thất bại.
Đến năm 2020, lần thứ 2 họ thực hiện IVF được 8 phôi. Chẩn đoán di truyền trước làm tổ phát hiện 6 phôi bị bất thường nhiễm sắc thể, chỉ có 2 phôi đủ điều kiện chuyển phôi.
Cuối cùng, nỗ lực được đền đáp xứng đáng vào năm 2021, vợ chồng anh Q. hạnh phúc đón một bé trai khỏe mạnh sinh ra từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm với chẩn đoán di truyền trước làm tổ.
"Mỗi một em bé ra đời là một niềm hạnh phúc to lớn của gia đình, cũng như của đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm nỗ lực mang đến cho người bệnh việc chăm sóc và điều trị tốt nhất" - bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tâm sự, sau khi chia sẻ một trong những trường hợp tìm con đặc biệt mà ông cùng các đồng nghiệp nhớ mãi.
Theo bác sĩ Hải, cách đây 25 năm tại Bệnh viện Từ Dũ, 3 "em bé ống nghiệm" đầu tiên của Việt Nam đã được sinh ra. Ngày 30/4/1998 được xem là cột mốc lịch sử của ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam. Việc 3 em bé ra đời lành lặn và khỏe mạnh bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo mang lại hy vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng Việt hiếm muộn lúc bấy giờ.
Đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã chào đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Số lượt khám hiếm muộn mỗi năm khoảng 55.000-60.000 lượt. Tỷ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến hơn 45%.
Năm 2017, khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên trong hệ thống công lập đạt chứng nhận Quản lý chất lượng Quốc tế về Thụ tinh ống nghiệm (RTAC).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2022 ước tính trên toàn cầu có khoảng 1/6 người trưởng thành bị vô sinh ở một thời điểm trong đời. Khoảng 1 triệu cặp vợ chồng Việt Nam đang bị vô sinh. Tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng và trẻ hóa.
Y học phát triển đã mang đến nhiều hy vọng làm bố mẹ cho những cặp đôi trên hành trình chữa trị vô sinh hiếm muộn.