"Em bé ống nghiệm" đầu tiên tại Việt Nam: Tự hào vì đến được thế giới này

Hoàng Lê

(Dân trí) - Biết mình là trường hợp đầu tiên sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, em bé ngày nào vừa tự hào vì đã đến với cuộc đời theo cách đặc biệt, vừa hiểu nỗi vất vả của cha mẹ khi "cầu con".

Ngày 27/4, buổi kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của 3 trẻ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam đã diễn ra tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Tại đây, nhiều cuộc hội ngộ xúc động, những câu chuyện tìm con gian nan đã được các ông bố, bà mẹ nhắc nhớ lại sau thời gian dài gìn giữ trong ký ức.

Em bé ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam: Tự hào vì đến được thế giới này - 1

Mẹ con của em bé ống nghiệm Lưu Tuyết Trân (Ảnh: Hoàng Lê).

Tự hào là "em bé ống nghiệm"

Hơn hai thập kỷ lâm bồn và chứng kiến núm ruột của mình lớn lên từng ngày để lại cảm xúc thật sự khó tả cho cô Trần Thị Bạch Tuyết (58 tuổi, quê Tiền Giang).

Cô Tuyết kể, trước khi sinh con, cô cùng chồng đã có 5-6 năm đi chạy chữa căn bệnh hiếm muộn khắp nơi nhưng không hiệu quả. Rồi cơ duyên đến khi một người chị bên chồng của cô quen biết với giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ thời điểm ấy.

Kết quả nội soi xác định người phụ nữ bị tắc một bên vòi trứng. Những năm nửa cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước, việc thụ tinh nhân tạo vẫn còn là khái niệm mơ hồ với y học Việt Nam. Và cơ hội ấy lại bất ngờ đến với cô Tuyết, khi bác sĩ Phượng thông báo việc hai vợ chồng có thể đăng ký tham gia thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Em bé ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam: Tự hào vì đến được thế giới này - 2

Cô Bạch Tuyết những ngày mang thai sau khi thụ tinh trong ống nghiệm (Ảnh tư liệu).

Cô Tuyết biết phương pháp này chưa từng có ở Việt Nam, đồng thời cũng nghe bác sĩ nói rõ khi thực hiện việc chọc hút trứng có thể gây nhiều đau đớn, cũng có thể thất bại. "Tôi sẵn sàng đón nhận, lựa chọn điều đó, chỉ để được có con" - người mẹ chia sẻ.

Và niềm tin mãnh liệt của người mẹ đã được đền đáp khi việc thụ tinh thuận lợi, phôi đậu thành thai. Ngày 30/4/1998, "em bé ống nghiệm" Lưu Tuyết Trân chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của người mẹ mong con đến từng giờ, từng phút.

Em bé ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam: Tự hào vì đến được thế giới này - 3

"Em bé ống nghiệm" thời điểm mới sinh (Ảnh tư liệu).

Nhưng niềm vui đến không trọn vẹn, 2 năm sau, bạo bệnh đã cướp đi người chồng, người cha trụ cột gia đình. Kể từ ngày ấy, cô Tuyết trong cảnh mẹ đơn thân. Đôi lúc chạnh lòng, người mẹ chỉ biết lấy con gái làm động lực cuộc sống, dành trọn tình thương cho con.

Lưu Tuyết Trân kể, mẹ Tuyết thương mình đến nỗi không dám cho con đi Sài Gòn học đại học, sợ con ở xa không chăm sóc được. Mãi đến cuối những năm cấp 2, cô mới được mẹ tiết lộ mình là "em bé ống nghiệm". Ban đầu, cô sợ mọi người biết sẽ bàn tán, suy diễn nhiều.

Nhưng khi lớn lên, Tuyết Trân cảm thấy tự hào vì được sinh ra theo cách đặc biệt. Cô nhận thức được mình là chứng nhân cho bước ngoặt của ngành điều trị hiếm muộn tại Việt Nam.

Em bé ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam: Tự hào vì đến được thế giới này - 4

Hai "em bé ống nghiệm" Lưu Tuyết Trân, Mai Quốc Bảo (áo đen) và bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan (đứng, bìa phải) hội ngộ cùng nhau (Ảnh: Hoàng Lê).

Còn với Mai Quốc Bảo, ngày được biết mình là một trong 3 trường hợp đầu tiên sinh ra nhờ thụ tinh nhân tạo, cảm giác đầu tiên của chàng trai là sự bất ngờ. Nhưng khi biết được để sinh ra mình, cha mẹ đã có gần 20 năm gian nan, tìm đủ mọi cách "cầu con", Bảo càng thương kính họ hơn.

"Lúc có em ba đã 43 tuổi, còn mẹ cũng ngoài 40 tuổi. Từ khi được sinh ra, em rất khỏe, ít khi bị bệnh vặt. Em rất xúc động, vui vì được làm con của ba mẹ. Em cũng cảm ơn các bác sĩ đã giúp cho em được sống" - Quốc Bảo tâm sự.

"Người ta nói tôi… bị khùng khi tạo con"

Với bà mẹ Nguyễn Thị Minh Yến (51 tuổi, ngụ), hai con song sinh Đỗ Song Hồng Phúc và Đỗ Song Mai Hạnh (20 tuổi) là thành quả xứng đáng mà ông trời ban cho chị sau bao cố gắng tìm con.

Chị Yến kể, hơn một năm sau khi lập gia đình, hai vợ chồng chị để tự nhiên vẫn không có con. Đi khám, bác sĩ phát hiện tinh trùng của người chồng yếu. 4 năm chạy chữa khắp nơi, từ thuốc tây đến thuốc nam, thuốc bắc mà không có hiệu quả, 2 vợ chồng rất sợ phát sinh mâu thuẫn, khi gia đình không có sợi dây liên kết nào.

Em bé ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam: Tự hào vì đến được thế giới này - 5

Gia đình cô Nguyễn Thị Minh Yến cùng hai con thụ tinh trong ống nghiệm (Ảnh: Hoàng Lê).

Mãi đến khi đến Bệnh viện Từ Dũ và đậu thai, có con chỉ sau một lần thụ tinh trong ống nghiệm, cuộc sống gia đình họ mới dần êm ấm trở lại. 20 năm sau, con trai chị là sinh viên y khoa, còn con gái cũng đang học khoa Báo chí tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

"Là một đứa trẻ IVF, em tự hào vì đến được cuộc sống này, thấy thương ba mẹ nhiều hơn vì đã khó khăn để sinh ra mình. Bản thân của tụi em đã là bằng chứng cho thấy, dù sinh ra bằng phương pháp nào thì trẻ vẫn phát triển khỏe mạnh bình thường" - Đỗ Song Mai Hạnh chia sẻ.

Em bé ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam: Tự hào vì đến được thế giới này - 6

Những đứa trẻ sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm phát triển khỏe mạnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Chứng kiến những đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF lớn lên, trưởng thành, do mình là người đặt những nền móng đầu tiên, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vừa hạnh phúc, vừa bồi hồi khó tả.

"Hơn 20 năm trước, người ta nói tôi bị khùng. Vì thời điểm đó dân số Việt Nam và thế giới tăng nhanh, tôi không kế hoạch lại đi "tạo con". Nhưng là phụ nữ, tôi cũng như các chị em, rất mong mỏi được làm mẹ.

Khó hoặc không có con đã rất buồn, giai đoạn đó lại có nhiều quan niệm khắt khe với người phụ nữ, nhất là câu nói "gái độc không con". Chính vì vậy, dù khó khăn như thế nào, tôi cũng quyết tâm phải thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm", giáo sư Phượng nói.

Em bé ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam: Tự hào vì đến được thế giới này - 7

Một cặp vợ chồng có hai con kháu khỉnh sau khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (Ảnh: Hoàng Lê).

Thời gian trôi qua, giáo sư Phượng chứng kiến không biết bao nhiêu lần các cha mẹ xúc động, chắp tay cảm ơn bà sau khi có được con. Thấy họ hạnh phúc, bà cũng hạnh phúc theo. "Nhìn các con, các cháu khỏe mạnh, khôn lớn, không còn niềm vui nào hơn" - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ trải lòng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ cho biết, 25 năm trước, ông vinh dự là một trong những bác sĩ được chào đón em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Cảm xúc hôm nay khi gặp lại những đứa trẻ ngày ấy vẫn rất bồi hồi và xúc động với ông.

Kể từ ngày thành lập khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ đã chào đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Số lượt khám hiếm muộn mỗi năm khoảng 55.000-60.000 lượt. Tỷ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến hơn 45%.