(Dân trí) - Khi bước vào giai đoạn "gỡ dính" trái tim, TS.BS Đặng Quang Huy cùng bác sĩ phụ mổ tỉ mẩn dùng dụng cụ bóc gỡ từng chút một phần kết dính của trái tim với cơ quan khác.
Vào ngày thực hiện ca phẫu thuật, đúng 9h sáng, nữ bệnh nhân trẻ ở Nghệ An được đưa vào phòng mổ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để các bác sĩ chuẩn bị cho cuộc mổ.
Một ekip bác sĩ và điều dưỡng thực hiện gây mê cho người bệnh. Một góc khác, 2 điều dưỡng phòng mổ đang chuẩn bị, sắp xếp bàn vô khuẩn gồm các dụng cụ phẫu thuật, gạc và vật tư rồi cùng nhau kiểm đếm đối chiếu số lượng với âm thanh các số liên tục vang lên.
"Một ca đại phẫu như thế này, chúng tôi phải kiểm đến tổng lên đến vài trăm dụng cụ, hàng chục gạc hay kim chỉ phẫu thuật… Việc sắp xếp, kiểm đếm này là bắt buộc, đảm bảo số lượng trước, trong và sau phẫu thuật luôn phải khớp nhau để không bỏ sót, thất lạc bất cứ vật dụng nào.
Đó là trách nhiệm và sự phối hợp của cả ekip trong suốt quá trình phẫu thuật. Các dụng cụ, vật tư vô khuẩn được sắp xếp gọn gàng thuận tiện để dụng cụ viên có thể cung cấp cho kíp phẫu thuật một cách chủ động, nhanh và chuyên nghiệp", nữ điều dưỡng viên cho biết.
Sau khi hoàn tất quá trình gây mê, bệnh nhân được đặt vào tư thế phẫu thuật. Đội ngũ phẫu thuật viên tiến hành rửa tay, mặc áo, mang găng tay vô khuẩn, sát khuẩn vùng da cần can thiệp và trải toan, tạo nên một môi trường vô khuẩn tuyệt đối, cách ly hoàn toàn khu vực phẫu thuật khỏi các vùng xung quanh.
Những người không thuộc kíp vô khuẩn phải duy trì khoảng cách an toàn từ 30-50cm để đảm bảo môi trường vô trùng và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn.
"Quy trình vô khuẩn được giám sát chặt chẽ trong toàn ekip phẫu thuật, các điều dưỡng vòng trong và vòng ngoài kiểm soát di chuyển đi lại trong phòng mổ, nhắc ekip thay găng vô khuẩn khi đến giờ", nữ điều dưỡng giải thích.
Một góc khác, bác sĩ và kỹ thuật viên phụ trách máy tuần hoàn ngoài cơ thể đang kiểm tra máy móc, sử dụng dụng cụ gõ vào các dây nối, truyền để đuổi khí. "Nếu còn khí trong dây truyền, sẽ tăng nguy cơ tắc mạch", kỹ thuật viên giải thích.
Lúc này, hai bác sĩ phụ tiến hành sát khuẩn, phẫu tích động mạch đùi để chuẩn bị cho ca phẫu thuật.
Bệnh nhân là một người mẹ trẻ, vừa sinh con thứ hai được 2 năm. Bệnh nhân được thay van tim lần hai, chỉ sau gần 5 năm được thay van tim sinh học.
Chị được phát hiện bệnh lý van tim từ nhiều năm, sau khi đã sinh một bé gái. Khi bệnh nặng lên, buộc phải thay van tim, bệnh nhân lựa chọn thay van tim sinh học để có thể thuận lợi sinh con thứ hai, dù chị biết nguy cơ phải mổ lại sớm vì van sinh học khi thay ở độ tuổi này thường thoái hóa sớm.
Sau khi sinh thêm một con, dù theo dõi đều đặn, nhưng triệu chứng tim mạch của bệnh nhân tăng lên rõ rệt, thường xuyên bị mệt mỏi, khó thở, nhất là khi gắng sức. Bệnh nhân thường có cơn hồi hộp mệt, thỉnh thoảng có cảm giác tim bỏ nhịp.
Tại Bệnh viện Vinmec Times City Hà Nội, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị thoái hóa cả hai van tim sinh học, ngoài ra phát sinh thêm rung nhĩ.
Theo TS Huy, ca mổ đặt ra hai mục tiêu. Mục tiêu đầu tiên là thay lại van tim cơ học cho bệnh nhân. Với van cơ học, tuổi thọ lên đến 10-15 năm theo cơ địa từng người. Mục tiêu thứ hai là thay được van cỡ to hơn cho người bệnh. Lý do vì bác sĩ đánh giá vòng van của bệnh nhân nhỏ, cỡ van trước đây nhỏ là nguyên nhân van bị hẹp và thoái hóa sớm.
"Thay van tim lần hai sẽ phức tạp hơn lần mổ đầu, bởi bệnh nhân đã trải qua một lần mổ nên tim, màng tim bị dính, bác sĩ phải gỡ dính toàn bộ tim ra khỏi màng tim sau đó mới phẫu thuật thay lại van tim cho người bệnh", TS Huy nói.
Theo TS Huy, với các bệnh nhân thay nhiều van tim, mổ kinh điển (mổ mở) là bắt buộc. Bệnh nhân sẽ được cưa xương ức với đường cưa khoảng một gang tay.
Sau hơn 1 giờ hoàn thành các khâu chuẩn bị, TS Huy bắt đầu thực hiện ca đại phẫu, thay van tim cho người bệnh.
Các bước phẫu thuật cho bệnh nhân được thực hiện theo tuần tự, từ cưa xương ức, tiếp cận vùng tim, gỡ dính… đến khi kết nối máy tim phổi nhân tạo, cho trái tim "tạm ngủ" trong quá trình bác sĩ thực hiện can thiệp.
Khi TS Huy vừa nói "nối máy", máy tim phổi nhân tạo lập tức được kết nối. Máu được truyền từ cơ thể qua hệ thống máy làm nhiệm vụ thay cho quả tim và phổi của bệnh nhân, các bác sĩ, kỹ thuật viên điều tiết máu đi khắp cơ thể.
"Sau khi truyền dung dịch bảo vệ cơ tim, lúc này, trái tim được "tạm ngủ", hút hết máu, nằm yên và xẹp xuống như được hút chân không, các bác sĩ bắt đầu thao tác gỡ van sinh học trước đó, thực hiện thay thế van tim mới", kỹ thuật viên phụ trách máy tim phổi nhân tạo chia sẻ.
Đúng như tiên liệu từ trước mổ, van nhân tạo và vòng van của bệnh nhân nhỏ hơn so với tiêu chuẩn cần có của cơ thể (bác sĩ tính toán dựa trên các thông số về chiều cao và cân nặng của bệnh nhân).
TS Huy quyết định mở rộng vòng van động mạch chủ và vòng van hai lá. "Với việc mở rộng cả hai vòng van, cuộc mổ thêm kéo dài vì đây là kỹ thuật phức tạp", TS Huy nói.
Các bác sĩ cắt qua vòng van, sau đó mở rộng bằng vật liệu đặc biệt được làm từ màng tim bò.
"Trong trường hợp này, mở rộng vòng van là bắt buộc, vì phải thay van có kích thước phù hợp mới đủ cho dòng máu lưu thông. Trong trường hợp này chúng tôi mở rộng vòng van thêm khoảng 25% so với kích thước thật của người bệnh, đủ để đặt van phù hợp", TS Huy nói.
Sau khi tiến hành mở rộng vòng van động mạch chủ và van hai lá, van tim mới được đặt vừa vặn vào vị trí.
TS Huy cũng cho biết, vòng van nhỏ như trong tình huống này không phải hiếm gặp. Phẫu thuật viên hoặc là thay van nhỏ hoặc áp dụng kỹ thuật mở rộng vòng van để thay được van lớn hơn.
Nhìn chung các kỹ thuật này phức tạp và có nguy cơ chảy máu nhưng tối ưu về huyết động học sau mổ và chức năng tim. Kỹ thuật được áp dụng cho ca bệnh này là một trong số ít kỹ thuật như vậy, và chưa được thực hiện nhiều vì mở rộng cả hai vòng van.
Trong quá trình phẫu thuật, ekip bác sĩ nội khoa sử dụng máy siêu âm tim qua thực quản để đánh giá tình trạng van, chức năng tim trước mổ và sau mổ. "Khi siêu âm, nếu có vấn đề sẽ được phát hiện ngay lập tức để kịp thời xử lý, như phát hiện van hở, các vấn đề bất thường vận động thành tim sớm, đánh giá chức năng cơ tim, khí trong buồng tim… nhằm giúp cuộc phẫu thuật an toàn hơn.
Đây là hệ thống máy hiện đại, luôn có mặt trong các ca mổ tim tại Vinmec, mà không phải bệnh viện nào cũng thực hiện thường quy được", TS Huy thông tin.
Sau 3 tiếng phẫu thuật, TS Huy thông báo ngừng máy tim phổi nhân tạo, máu được đưa trở lại cơ thể. Trái tim được "đánh thức", đập trở lại, tiếp tục làm nhiệm vụ đẩy máu giàu oxy đi nuôi khắp cơ thể.
Sau ca mổ kéo dài gần 5 giờ, bác sĩ hoàn thành cuộc mổ, bước ra khỏi phòng mổ giải thích cho người nhà bệnh nhân.
Theo TS Huy, ca mổ phức tạp vì phải mở rộng van động mạch chủ, van hai lá, thời gian kéo dài hơn dự kiến, nhưng ca phẫu thuật thuận lợi và thành công.
Đến nay, sau hơn một tuần được phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể đi lại, ăn uống, trao đổi bình thường. Kết quả siêu âm tim cho thấy, các van tim đã hoạt động tốt, không còn tình trạng hẹp van do đã được thay van kích thước phù hợp.
TS Huy thông tin thêm, khi phải thay van tim, việc lựa chọn loại van nào là rất quan trọng, có nguyên tắc nhưng cũng cần cá thể hóa trên từng bệnh nhân.
Van tim sinh học làm từ màng tim bò hoặc lợn - là vật chất dị loài, khi đưa vào cơ thể sẽ có tình trạng đáp ứng miễn dịch mang tính đào thải, vôi hóa gây hỏng van. Phản ứng này mạnh, nhất là khi thay ở bệnh nhân trẻ tuổi. Thay van sinh học ở tuổi 65 trở lên, tuổi thọ van sinh học có thể đến 10-15 năm.