DMagazine

F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ "phần chìm của tảng băng"

(Dân trí) - Không ít người khi mắc Covid-19 tình trạng rất nhẹ. Tuy nhiên, một thời gian sau khi khỏi bệnh, họ lại bất ngờ diễn biến nặng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng vì hội chứng "hậu Covid-19".

Không ít người khi mắc Covid-19 tình trạng rất nhẹ. Tuy nhiên, một thời gian sau khi khỏi bệnh, họ lại bất ngờ diễn biến nặng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng vì hội chứng "hậu Covid-19".

F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ phần chìm của tảng băng - 1

28 Tết, bà N.H.X., 56 tuổi, được xác định dương tính SARS-CoV-2. Mặc dù tuổi cao nhưng diễn biến bệnh lại rất nhẹ.

"Khi tôi mắc Covid-19 lại không thấy có gì đáng sợ. Tôi không sốt cao, không khó thở. Trong quá trình tự cách ly trong phòng riêng tôi vẫn làm việc nhà bình thường. Sau khoảng một tuần uống thuốc thì khỏi bệnh", bà X. kể.

Những tưởng thành công vượt qua Covid-19 nhưng một tuần sau khi khỏi bệnh, bà X. dần cảm thấy đắng miệng, chán ăn. Vài ngày sau, khi đang đi trong nhà, bà X. bất ngờ choáng váng, đứng không vững phải ngồi sụp xuống.

F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ phần chìm của tảng băng - 2

Sau khi được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), bà X. được các bác sĩ thăm khám, lấy máu xét nghiệm, chụp chiếu và được xác định mắc hội chứng "hậu Covid-19".

"Thời điểm nhập viện, ý thức tôi giảm hẳn, khó thở, sức lực chỉ còn khoảng 20%. Các bác sĩ bảo tôi bị nặng về phổi, nếu vào chậm 2 ngày là đã không cứu được. Sau đó, tôi được truyền kháng sinh ngay trong đêm", người phụ nữ chia sẻ.

ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh, Phụ trách Phòng khám, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ, bệnh nhân X. có tiền sử huyết áp dao động. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng "hậu Covid-19", điển hình trên bệnh nhân này là tình trạng xơ phổi lan tỏa cả 2 phổi rất nguy hiểm.

F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ phần chìm của tảng băng - 4

Cùng phòng điều trị với bệnh nhân X. là bà N.T.L., 66 tuổi, địa chỉ tại Bắc Ninh. Bà L. cũng là một trường hợp diễn biến nhẹ trong thời kì là F0 nhưng bất ngờ chuyển nặng "hậu Covid-19". Hiện tại bà L. là một trong những bệnh nhân "hậu Covid-19" nặng nhất đang được điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị.

Tổn thương phổi chưa hồi phục hoàn toàn, bà L. nói từng câu đứt quãng: "Tôi được xác định mắc Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai, sau đó được chuyển sang điều trị ở bệnh viện dã chiến. Trong thời gian mắc Covid-19 rất nhẹ nhưng sau khi khỏi bệnh một tuần lại bị khó thở, hai chân bị phù".

Theo BS Kim Oanh, điển hình của tình trạng "hậu Covid-19" ở bệnh nhân L. là huyết khối mạch máu phổi, huyết khối nhĩ trái, rối loạn đông máu và rối loạn nhịp tim, rung nhĩ.

Các bác sĩ đã phải tiến hành điều trị tích cực, toàn diện cho bệnh nhân, bao gồm cả hồi sức tích cực, dinh dưỡng, tâm lý, tập phục hồi chức năng. Sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhân đã hồi phục hơn 80% sức khỏe và chức năng các tạng từng bị tổn thương.

"Mặc dù đã cải thiện hơn rất nhiều so với lúc mới vào viện, bệnh nhân có thể ngồi dậy nhưng nhìn chung tình trạng vẫn nặng và cần theo dõi chặt", BS Oanh phân tích.

F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ phần chìm của tảng băng - 6

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc Covid-19, nhưng có khoảng từ 10 đến 20% bị ảnh hưởng lâu dài, biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, được gọi là tình trạng "hậu Covid-19". Thường sau khoảng 4 tuần bị lây nhiễm, người bệnh sẽ có các triệu chứng hậu Covid-19. Tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở cả những người không triệu chứng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm. 

F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ phần chìm của tảng băng - 7

Các nghiên cứu và thực tế lâm sàng cho thấy nhiều di chứng "hậu Covid-19" xuất hiện ở những người từng là F0. Các chuyên gia cảnh báo, một số di chứng có thể âm thầm tiến triển và gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện được kịp thời.

Theo BS Oanh, F0 ngày càng tăng nhanh, kéo theo đó là người mắc di chứng "hậu Covid-19" ngày càng nhiều. Người dân cũng dần nhận thức rõ hơn về các di chứng "hậu Covid-19" và quan tâm hơn đến vấn đề này.

"Trước đây bệnh nhân chỉ cảm nhận mình mắc một số triệu chứng gì đó sau khi đã khỏi Covid-19. Tuy nhiên, đến gần đây, nhiều F0 khỏi bệnh đã ý thức được rằng đó là "Covid-19 kéo dài" và có thể gây nguy hiểm.

Theo BS Kim Oanh, kể từ khi Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị bắt đầu tiếp nhận thăm khám và điều trị tình trạng "hậu Covid-19", số lượng bệnh nhân tiếp nhận ngày càng đông.

F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ phần chìm của tảng băng - 9

Mỗi ngày, Phòng khám Hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cũng tiếp nhận và điều trị cho khoảng 15 người. Đa phần là những người cao tuổi, người có bệnh nền…

Đa số tới khám với các triệu chứng "hậu Covid-19" chủ yếu là liên quan đến hệ hô hấp (ho, khàn giọng, khó thở, hụt hơi, đau tức ngực), hoặc toàn thân (mệt mỏi, giảm năng lượng, sương mù não, khó tập trung), hoặc các triệu chứng tâm lý (lo âu, căng thẳng, stress, mất ngủ).

F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ phần chìm của tảng băng - 11

Các triệu chứng "hậu Covid-19", theo BS Oanh, rất đa dạng và có thể tác động mọi cơ quan trong cơ thể, từ nhẹ đến nặng. Trong đó, tình trạng nhẹ có thể kể đến như: mệt mỏi, mất ngủ, ho kéo dài; trường hợp nặng có thể bị khó thở, đau ngực, giảm SpO2, ý thức giảm đột ngột, yếu chân tay… Cụ thể:

- Hô hấp: Khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng có thể xuất hiện và kéo dài; ho kéo dài; đau ngực; giảm chức năng hô hấp (khả năng hít thở, khả năng gắng sức); có thể tiến triển sang tổn thương xơ phổi.

- Tim mạch: Tổn thương cơ tim (viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim); nhịp nhanh; hồi hộp đánh trống ngực; khó thở khi gắng sức.

- Tâm - Thần kinh: Tai biến mạch máu não; suy giảm nhận thức; trầm cảm; rối loạn lo âu; stress.

- Cơ - xương - khớp: Mệt mỏi, đau mỏi cơ, yếu cơ…

- Các cơ quan khác: Suy thận, rối loạn đông máu, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa, dinh dưỡng...

Tùy vào mức độ tổn thương và hệ cơ quan tổn thương, các bác sĩ sẽ có lộ trình điều trị phù hợp giúp người bệnh cải thiện tối đa tình trạng các biến chứng, di chứng do mắc Covid-19 để lại.

F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ phần chìm của tảng băng - 12
F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ phần chìm của tảng băng - 14

Theo BS Oanh, với những người đã từng mắc Covid-19 cần phải đặc biệt chú ý đến vấn đề sức khỏe sau khi đã khỏi bệnh.

Nếu sau khi khỏi bệnh 4 - 5 tuần, các triệu chứng cấp tính khi mắc bệnh vẫn không giảm hoặc tái phát, xuất hiện các biến chứng mới thì người dân cần đến bệnh viện để thăm khám ngay lập tức.

Trẻ em cũng có thể mắc các hội chứng "hậu Covid-19" như người lớn. Do đó, các vị phụ huynh cũng tuyệt đối không được chủ quan. Đặc biệt các biến chứng như sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm đa hệ thống có thể đe dọa tính mạng của trẻ.

"Triệu chứng ở các cháu nhỏ thường phát hiện chậm hơn ở người lớn vì trẻ em khó có thể mô tả chính xác về tình trạng của mình. Do đó, các vị phụ huynh khi thấy con mình có các triệu chứng cảnh báo như: mệt mỏi, chán ăn, ho kéo dài, ho đờm nhớt, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, giảm trí nhớ đặc biệt là các cháu học không tập trung được cần đưa đến cơ sở y tế".

Việc tự điều trị "hậu Covid-19" tại nhà theo các phương thuốc, biện pháp không rõ nguồn gốc sẽ ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

"Thứ nhất, tác dụng phụ của các thuốc không rõ nguồn gốc có thể tổn thương các tạng; thứ hai, các triệu chứng "hậu Covid-19" nếu không được phát hiện và điều trị đúng, kịp thời, người bệnh sẽ thường vào viện trong tình trạng nặng khiến việc điều trị khó khăn hơn", BS Oanh phân tích.

F0 nhẹ nguy kịch hậu Covid-19: Sự nguy hiểm từ phần chìm của tảng băng - 15

Còn theo BS Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, những F0 sau khi khỏi bệnh cần lưu ý vấn đề khám "hậu Covid-19" gồm: 

- Người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa...). 

- Người từ 60 tuổi trở lên bởi họ có nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát nhưng sau khi mắc Covid-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn. 

- Người phải nhập viện khi mắc Covid-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy, sốt cao phải nhập viện…).

Các chuyên gia cũng khuyến cáo các F0 đã khỏi bệnh và gia đình cần lưu ý 4 vấn đề sau trong quá trình phục hồi hậu Covid-19:

- Chú ý xem có xuất hiện các triệu chứng bất thường hay không.

- Kiểm soát bệnh nền (nếu có).

- Kiểm soát chế độ ăn uống sao cho cân bằng dinh dưỡng và đảm bảo khoa học.

- Đảm bảo các bài tập phục hồi chức năng, đặc biệt là chức năng hô hấp.

"Những việc này để có thể làm tốt, người bệnh rất cần có sự hỗ trợ từ người nhà", BS Oanh nhấn mạnh.

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Khương Hiền