DNews

Nước mắt ở phiên tòa tranh chấp di sản cố nghệ sĩ Vũ Linh

Xuân Duy

(Dân trí) - Suốt thời gian xét xử vụ án tranh chấp khối di sản của cố nghệ sĩ Vũ Linh, nguyên đơn, bị đơn, luật sư và nhiều người tham gia phiên tòa nhiều lần bật khóc.

Nước mắt ở phiên tòa tranh chấp di sản cố nghệ sĩ Vũ Linh

Chiều 7/1, TAND TPHCM đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Hồng Nhung (61 tuổi, em gái cố nghệ sĩ Vũ Linh) về việc: Hủy giấy giao nhận con nuôi do UBND quận Phú Nhuận cấp ngày 21/3/1992, giấy khai sinh cấp cùng ngày cho bà Võ Thị Hồng Loan (con gái cố nghệ sĩ Vũ Linh) cùng văn bản khai nhận tài sản thừa kế do bà Loan lập ngày 7/4/2023 tại văn phòng công chứng đối với tài sản của nghệ sĩ Vũ Linh.

Chia di sản của cố nghệ sĩ Vũ Linh cho con và em gái

HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, và một phần phản tố của bị đơn, tuyên bà Hồng Loan là hàng thừa kế thứ nhất và duy nhất của ông Võ Văn Ngoan (cố nghệ sĩ Vũ Linh).

Tuy nhiên, tòa nghi nhận bà Nhung có công sức đối với khối tài sản của nghệ sĩ Vũ Linh để lại. Vào những năm tháng ở đỉnh cao sự nghiệp, nam nghệ sĩ thường xuyên đi biểu diễn, bà Nhung là người chăm sóc mẹ để anh trai yên tâm đi diễn, tạo lập khối tài sản của gia đình. Do đó, tòa tuyên bà Nhung được hưởng 15%, bà Hồng Loan được 85% trong tổng giá trị di sản thừa kế.

Nước mắt ở phiên tòa tranh chấp di sản cố nghệ sĩ Vũ Linh - 1

Tòa tuyên bà Hồng Loan được hưởng 85% di sản của cố nghệ sĩ Vũ Linh (Ảnh: Xuân Duy).

Bà Hồng Loan đã làm thủ tục sang tên đối với căn nhà tại số 5 Đoàn Thị Điểm và một thửa đất tại TP Thủ Đức. Đối với thửa đất hơn 3.000m2 ở phường Linh Đông, TP Thủ Đức và chiếc ô tô do ông Ngoan để lại chưa được sang tên, nếu bà Hồng Loan không thực hiện nghĩa vụ chi trả 15% giá trị di sản cho bà Nhung thì sẽ dùng những tài sản này để phát mãi.

Theo HĐXX, các tài liệu trong hồ sơ có căn cứ xác định bà Hồng Loan được ông Ngoan nhận nuôi từ nhỏ, việc này được những người thân trong gia đình thừa nhận. Ông Ngoan với tư cách chủ hộ căn nhà số 5 Đoàn Thị Điểm, đã làm thủ tục nhập hộ khẩu cho Loan tại đây. Hiện nay, tài liệu này được lưu trữ tại công an phường cũng thể hiện bà Loan là con ông Ngoan.

Theo quy định, hàng thừa kế thứ nhất là: Cha mẹ, vợ chồng, con cái. Cha mẹ ông Ngoan đã chết, ông không có vợ; bà Loan có giấy chứng nhận là con nuôi nên thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Nguyên đơn cho rằng, hồ sơ nhận con nuôi và giấy khai sinh của Loan không đúng theo thủ tục, quy định của pháp luật, nhưng không đưa ra được chứng cứ, nên tòa không có cơ sở chấp nhận.

Phiên tòa đẫm nước mắt

Phiên tòa diễn ra liên tục khoảng 6 giờ, cả nguyên đơn, bị đơn, luật sư và một số người tham dự phiên tòa đã nhiều lần bật khóc.

Trong phần hỏi, luật sư của nguyên đơn đặt nhiều câu hỏi để xác định bà Võ Thị Hồng Loan là con nuôi hay con ruột của ông Võ Văn Ngoan.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bà Loan cho rằng, trong giấy khai sinh của bà chỉ xác định bà là con hợp pháp của ông Võ Văn Ngoan. Khi sinh sống, ông Ngoan chưa từng nói bà là con nuôi của ông. Khi bà Loan còn nhỏ, ông Ngoan là người chăm sóc bà. Giữa bà và ông Ngoan không có mâu thuẫn. Năm 17 tuổi, bà Loan lấy chồng, nhưng vẫn qua lại nhà ông Ngoan.

Nước mắt ở phiên tòa tranh chấp di sản cố nghệ sĩ Vũ Linh - 2

Bà Nhung liên tục khóc trong quá trình xét xử (Ảnh: Xuân Duy).

Tiếp đó, luật sư hỏi bà Võ Thị Hồng Nhung. Bà Nhung cho rằng, năm 1987, bà Loan được đem về cho gia đình bà nuôi. Sau khi mẹ bà mất, gia đình bà nuôi bà Loan.

Khi được hỏi về lý do khởi kiện, bà Nhung nghẹn giọng trả lời vì tất cả giấy tờ là không hợp pháp. Ông Ngoan không có hàng thừa kế thứ nhất nên bà và người anh là ông Võ Văn Nhiêu là hàng thừa kế thứ hai.

"Tôi và gia đình đã cưu mang bà Hồng Loan bao nhiêu năm, nhưng bà Hồng Loan cư xử rất tàn nhẫn, đuổi tôi ra khỏi nhà nên tôi phải nhờ pháp luật bảo vệ", bà Nhung khóc lớn.

Trong lúc bà Nhung trình bày quan điểm tranh luận, em gái cố nghệ sĩ Vũ Linh không kiềm chế được cảm xúc, bật khóc. Nghe những lời "gan ruột" của thân chủ, luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn cũng rơi nước mắt, phải tháo kính ra, liên tục dùng khăn lau nước mắt.

Không chỉ luật sư, khi nghe bà Nhung khóc lớn, không ít lần phải tạm dừng phần trình bày của mình để bình tĩnh, thì nhiều người có mặt tại phòng xử cũng rơi lệ.

Về phía Hồng Loan khi nghe luật sư bảo vệ cho mình trình bày các nội dung liên quan tới vụ án đã bật khóc thành tiếng.

Đừng làm mất hết nghĩa tình

Trong quá trình xét xử, thẩm phán Châu Thị Điệp, chủ tọa phiên tòa, đã có những câu hỏi và phát biểu sâu sắc, thấm đẫm lý tình khiến các đương sự lặng yên, mắt nhòe lệ sau những tranh cãi căng thẳng. 

Chính thẩm phán Điệp cũng không nén được xúc động khi nhắc đến cố NSƯT Vũ Linh - người nghệ sĩ cả một đời cống hiến vì nghệ thuật, gìn giữ danh tiếng bản thân và gia đình. Vậy mà khi ông vừa qua đời, sự việc gia đình ồn ào suốt 2 năm đến tận phiên tòa hôm nay.

Nước mắt ở phiên tòa tranh chấp di sản cố nghệ sĩ Vũ Linh - 3

Hàng trăm người đứng trước trụ sở TAND TPHCM (Ảnh: Xuân Duy).

"Vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế này kéo theo sự ồn ào trên mạng xã hội suốt thời gian qua. Và thậm chí, trong khi phiên tòa vẫn đang diễn ra thì bên ngoài trụ sở TAND TPHCM đã có rất đông người dân, YouTuber tụ tập. Lực lượng bảo vệ, công an... phải túc trực trước cổng tòa án để giữ trật tự", thẩm phán Châu Thị Điệp nói.

"Khi tiếp nhận hồ sơ vụ án này, chúng tôi đã rất đau lòng. Chúng tôi giải quyết hàng ngàn vụ án về tranh chấp di sản thừa kế; có những vụ việc còn quyết liệt hơn, mà không vụ nào như vụ này cả, ồn ào trên mạng xã hội ròng rã 2 năm trời", chủ tọa phiên tòa nói thêm.

Sau khi phân tích, chủ tọa cũng nói với bà Loan rằng, từ năm 1990 bà nội đã mất. Người phụ nữ duy nhất trong gia đình là cô Sáu (bà Võ Thị Hồng Nhung), yêu thương và trân trọng bà Loan, có những tin nhắn cô Sáu hỏi "con có muốn ăn gì không, cô Sáu nấu"… và rồi tất cả điều tốt đẹp bị lãng quên.

"Tranh chấp tài sản là một chuyện, tòa án sẽ quyết định, ai đúng ai sai sẽ căn cứ theo quy định pháp luật. Nhưng đừng làm cho mất hết nghĩa hết tình. Dù thế nào đi nữa, mình cũng đã ở trong gia đình của cô Sáu, cả gia đình yêu thương từ năm 1987. Dù có ghét cũng gọi một tiếng là cô. Hãy để cho ông Ngoan đi thanh thản, để người nghệ sĩ đó được yên nghỉ. Ông Ngoan chưa bao giờ nghĩ mình ngã xuống thì gia đình sẽ như thế này", thẩm phán Châu Thị Điệp nói.

"Khi phiên tòa diễn ra ở đây, nhiều người đứng bên ngoài chửi bên này, chửi bên kia. Họ không có tư cách gì để chửi cả. Ông Ngoan sẽ không cho phép họ xúc phạm những người ông yêu thương. Nếu các ông bà yêu thương ông Ngoan thì hãy làm những gì mà ông ấy muốn.

Tôi rất mong các ông bà hòa giải. Tuy nhiên, các ông bà chưa bao giờ ngồi lại để suy ngẫm về việc mình làm, không bao giờ muốn hòa giải, làm cho hai bên ngày càng có khoảng cách, buộc phải đưa nhau đến phiên tòa này. Những gì tôi nói hôm nay, rất mong ông bà suy nghĩ", chủ tọa nói.