DNews

Thu hút 100 tổng công trình sư: Nếu nhà khoa học gánh tư duy nhiệm kỳ?

Hằng Nguyễn

(Dân trí) - Gác sự nghiệp ở Canada, về Việt Nam năm 2004 theo lời mời của lãnh đạo TPHCM, TS Nguyễn Quốc Bình mơ dựng trung tâm công nghệ sinh học "20 năm sau vẫn mới", nhưng phải dừng khi tới tuổi hưu.

Thu hút 100 tổng công trình sư: Nếu nhà khoa học gánh tư duy nhiệm kỳ?

Thuyết phục nhà khoa học lớn cần một giấc mơ lớn

TS Nguyễn Quốc Bình, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chuyển nạp gene trên cây trồng tại Đại học Laval, TP Québec (Canada), gác lại sự nghiệp đang trên đà chín muồi, bán hết gia sản rồi cùng gia đình hồi hương năm 2004. 

"Khi đó, TPHCM quyết tâm xây dựng một Trung tâm Công nghệ Sinh học 20 năm sau không lạc hậu nhưng chưa có người làm. Đích thân Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố thời điểm đó là ông Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết lúc đó đã đứng ra đặt vấn đề. Sau khi hiểu được những mục tiêu lớn đó, tôi không chần chừ và quay trở về", TS Nguyễn Quốc Bình nhớ lại. 

Khi trao đổi với lãnh đạo thành phố, ông Bình đặt ra 3 điều kiện: Thứ nhất, dự án này phải đủ lớn, đủ tham vọng. Thứ hai, lương bổng cho nhà khoa học phải đủ sống ở Việt Nam. Và thứ 3, thành phố phải thành lập một ủy ban để giúp ông xây dựng Trung tâm với cơ chế đặc thù, không bị bó buộc bởi những rào cản hành chính.

Thu hút 100 tổng công trình sư: Nếu nhà khoa học gánh tư duy nhiệm kỳ? - 1
Thu hút 100 tổng công trình sư: Nếu nhà khoa học gánh tư duy nhiệm kỳ? - 2

Lãnh đạo TPHCM khi đó đồng ý với tất cả những điều kiện đó của ông Bình, bắt đầu hành trình xây dựng Trung tâm Công nghệ Sinh học đầu tiên tại TPHCM, hiện đại nhất nước, với tổng kinh phí đầu tư 100 triệu USD. Hàng loạt công trình phục vụ ngành nông nghiệp, thủy sản và sản xuất thuốc được nghiên cứu, đăng ký bản quyền như vaccine kháng bệnh gan thận mủ cho cá tra, lai tạo giống hoa lan, chế tạo thuốc chữa tiểu đường, viêm gan siêu vi… Trung tâm cũng xây dựng đội ngũ hàng trăm chuyên gia, kỹ sư giỏi ở nhiều lĩnh vực. 

Nhắc lại điều khiến cho công việc xây dựng Trung tâm hiện đại đó được thuận lợi, ông Bình cho rằng sự quyết tâm toàn diện của lãnh đạo thành phố chính là một trong những yếu tố then chốt. 

"Tôi và lãnh đạo thành phố đã thống nhất ngay từ đầu, đây là công việc lớn, để thực hiện một mục tiêu chung là hiện đại hóa nền sinh học, xây dựng trung tâm mang tầm quốc tế, không phải chuyện tôi đi xin để được làm. Lúc đó, thành phố thành lập một ủy ban giúp việc để xây dựng trung tâm. Mỗi Sở chuyên môn cử ra một phó giám đốc Sở tham gia vào ban điều hành xây dựng dự án. Gặp bất kỳ vấn đề, vướng mắc nào, lãnh đạo Sở sẽ trực tiếp xử lý. Nhờ đó, Trung tâm Công nghệ Sinh học mới thành hình hài", ông nói. 

Theo TS Nguyễn Quốc Bình, để thu hút được những nhà khoa học đầu ngành quay trở về đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước cần sự vào cuộc của cả một hệ thống chính trị, không đơn thuần là những dự án nhỏ lẻ. 

"Vì sao những nhà khoa học lớn thích làm việc ở nước ngoài? Vì ở đó có những dự án đủ lớn, đủ thử thách, đáng để họ tìm tòi và phát triển. Người làm khoa học sẽ không bao giờ muốn làm việc trong một môi trường đầy những giới hạn", ông Bình khẳng định. 

Thu hút 100 tổng công trình sư: Nếu nhà khoa học gánh tư duy nhiệm kỳ? - 3

TS Nguyễn Quốc Bình trở về với giấc mơ xây dựng một Trung tâm công nghệ sinh học hiện đại mà 20 năm sau không lạc hậu (Ảnh: NVCC).

Đề án thu hút nhân tài… chưa bao giờ đủ

Theo TS Nguyễn Quốc Bình, những nhà khoa học lớn cần sự nghiêm túc một cách toàn diện, từ chính sách đến thể chế để làm việc. 

"Hiện nay chính sách của ta còn nhiều điểm nghẽn, khiến cho người tài, có năng lực ngại trở về, nhất là những nhà khoa học đầu ngành. Chúng ta cần một cuộc cách mạng toàn diện", ông nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đề án thu hút nhân tài từ nước ngoài trở về xưa nay không hiếm. Tuy nhiên, tất cả những đề án đó mới dừng lại ở chính sách thu hút nhân tài, chứ chưa xây dựng được một thể chế phát triển nhân tài.

"Nhiều địa phương, đặc biệt là TPHCM, đã rất nỗ lực trong việc ban hành các chương trình trọng dụng người tài. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở các ưu đãi về lương, thưởng hay điều kiện làm việc mà không đặt họ vào trung tâm của hệ sinh thái đổi mới, không trao quyền để họ kiến tạo và chịu trách nhiệm về kết quả thì đó chưa thể gọi là cách mạng.

Vấn đề cốt lõi không nằm ở chế độ, mà nằm ở thể chế. Một thể chế trọng dụng nhân tài đích thực là thể chế đáp ứng được 3 tiêu chí. Thứ nhất là phải trao quyền cho người có năng lực thực sự; thứ hai, trao cơ chế linh hoạt để họ được thử, được sai và được sửa; thứ ba, trao niềm tin để họ dám dấn thân và vượt qua sự trì trệ, kìm hãm", ông Dũng nói.

Thu hút 100 tổng công trình sư: Nếu nhà khoa học gánh tư duy nhiệm kỳ? - 4

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng các đề án trước đây mới dừng lại ở chính sách thu hút nhân tài, chứ chưa xây dựng được một thể chế phát triển nhân tài (Ảnh: Hồng Phong).

 TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng nếu nhân tài vẫn bị trói buộc bởi các quy trình cứng nhắc, nếu quyết định của họ luôn phải "xin ý kiến tập thể" và nếu họ không được bảo vệ khỏi những rủi ro thể chế khi đổi mới thì chẳng có lý do gì để họ ở lại hoặc cống hiến hết mình.

"Nói cách khác, để có được bước đột phá, chúng ta cần cải cách toàn diện về thể chế nhân sự công, không chỉ là đãi ngộ mà là một triết lý tổ chức lại quyền lực, trách nhiệm và không gian sáng tạo.

Cần coi nhân tài là "nhà đầu tư chiến lược cho tương lai quốc gia". Họ không đến chỉ vì tiền, mà vì cơ hội tạo ra giá trị, vì khát vọng được dẫn dắt sự thay đổi và vì niềm tin rằng cống hiến của họ sẽ được lắng nghe, được tôn trọng, và được tiếp sức.

Cải cách thể chế nhân tài phải là một phần trong cải cách thể chế quốc gia. Nếu không có tư duy chiến lược và quyết tâm thể chế như vậy thì mọi chương trình dù tốt đến mấy cũng chỉ là "vá víu", không thể tạo nên bước ngoặt thật sự", TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích. 

"Làm khoa học mà bị giới hạn bởi nhiệm kỳ thì không bao giờ phát triển"

Khi Trung tâm công nghệ sinh học đang trên đà phát triển, đến năm 2014, ông Bình bước sang tuổi 60 và phải về hưu theo luật. 

"Điều đó thực sự đáng tiếc. Đó mới là độ tuổi chín muồi trong khoa học nhưng cơ chế buộc tôi phải gác lại giấc mơ mà tôi và những người gây dựng nó mới thực hiện được một nửa. Xây dựng Trung tâm thành hình hài chỉ là một phần của chặng đường, phát triển nó mới là mục tiêu lâu dài", ông nói. 

Sau hơn 10 năm nghỉ hưu và làm công việc của một nhà tư vấn khoa học tự do, TS Bình cho biết Trung tâm có ngỏ lời mời ông quay lại làm tư vấn. Tuy nhiên, ông kỳ vọng vào sự nghiêm túc thực sự từ những người lãnh đạo thành phố trong việc tái thiết và phát triển Trung tâm, nơi đã tiêu tốn rất nhiều kinh phí để xây dựng. 

"Nếu không làm đến nơi đến chốn, mục đích lớn lao mà thành phố và bản thân tôi đặt ra trong những ngày đầu sẽ không thực hiện được và sẽ lãng phí nguồn lực rất lớn.

Nhiều năm qua, tôi vẫn nghiên cứu và có các phương án để xây dựng, tái thiết, phát triển Trung tâm Công nghệ Sinh học. Nhưng nếu các nhà khoa học như tôi và lãnh đạo thành phố không thể ngồi lại được với nhau, thống nhất về tầm nhìn thì rất khó có được sự phát triển đột phá và bền bỉ", TS Bình nói. 

Khi trở về cùng một giấc mơ lớn, ông Bình cho biết chưa tính đến việc "sau khi người mời mình về không còn làm ở vị trí đó thì sẽ như thế nào". Mục tiêu xây dựng một nền khoa học hiện đại, theo ông, không phải là chuyện của một vài nhiệm kỳ. 

"Lãnh đạo kế nhiệm nếu không biết đến sự tồn tại của một Trung tâm Công nghệ Sinh học hiện đại, từng tốn rất nhiều tiền của thì làm sao phát triển được? Nhìn rộng ra, chúng ta phải tìm cách để xóa bỏ rào cản trong tư duy nhiệm kỳ. Bởi tư duy này sẽ bóp nghẹt sự phát triển của khoa học chân chính", ông nói. 

Theo nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà năng lực đổi mới sáng tạo, trí tuệ, tư duy phản biện và tinh thần khởi xướng là những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, nếu thể chế vẫn vận hành theo hướng "quản lý hành chính", chú trọng vào bằng cấp, quy trình, sự phục tùng, thì nhân tài không thể phát huy được vai trò chiến lược của họ. 

"Điểm nghẽn lớn nhất không chỉ nằm ở chỗ thiếu nhân tài, mà nằm ở cách thể chế đối xử với nhân tài: chưa coi họ là những người có thể kiến tạo tương lai, mà vẫn xem họ là những người cần được "quản lý tốt".

Khi nhân tài không được giải phóng, tầm nhìn không được lắng nghe, sáng kiến không được trao quyền thì mọi chiến lược phát triển đều dễ rơi vào tình trạng "có mục tiêu mà thiếu động lực".

Muốn bứt phá, không có con đường nào khác ngoài việc nâng nhân tài lên đúng vị thế của họ - từ người thực thi thành người kiến tạo. Đó mới là chuyển đổi mang tính nền tảng và là chìa khóa để mở ra kỷ nguyên phát triển mới", ông đúc kết.