DNews

Lần đầu thí điểm "đề án hạnh phúc" với cán bộ một Sở

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Cán bộ Sở LĐ-TB&XH TPHCM được áp dụng chế độ làm việc linh hoạt thời gian, có thể làm tại nhà, đánh giá trên kết quả để cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình, hướng đến cuộc sống hạnh phúc.

Lần đầu thí điểm "đề án hạnh phúc" với cán bộ một Sở

Sở "vì người lao động hạnh phúc"

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, vừa ký quyết định số 23000/QĐ-SLĐTBXH phê duyệt đề án thí điểm "Hỗ trợ công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH cân bằng giữa công việc - trách nhiệm gia đình, hướng tới gia đình hạnh phúc giai đoạn đến năm 2030".

Mục tiêu tổng quát của đề án là vận dụng các chính sách và nguồn lực, dịch vụ sẵn có của ngành để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trợ giúp kịp thời cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ có hoàn cảnh khó khăn để họ yên tâm công tác. Đề án kỳ vọng sẽ thúc đẩy cán bộ toàn Sở hành động trên tinh thần hỗ trợ, tương thân, tương ái vì đồng nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu trên, Sở đặt ra 5 chỉ tiêu phải thực hiện và giao việc cụ thể cho từng phòng, ban chuyên môn xúc tiến thực hiện ngay sau khi đề án được phê duyệt.

Lần đầu thí điểm đề án hạnh phúc với cán bộ một Sở - 1

Chỉ tiêu đầu tiên được đặt ra là chế độ làm việc dựa vào kết quả theo thời gian biểu linh hoạt. Đây là bước đột phá táo bạo của một đơn vị với quy mô hơn 3.300 lao động, đặc biệt lại là một cơ quan nhà nước với nhiều đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo chỉ tiêu này, người lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH có thể làm việc không trọn thời gian tại công sở, được giao việc làm tại nhà và tại cơ quan theo tỷ lệ phù hợp… Đặc biệt, kế hoạch phân bổ thời gian làm việc của từng đơn vị được thiết kế tính đến cả trường hợp cán bộ có hoàn cảnh khó khăn.

Chỉ tiêu này được đặt ra nhằm giúp người lao động cân bằng giữa công việc với trách nhiệm gia đình, hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc.

Sở LĐ-TB&XH TPHCM quyết tâm phấn đấu đến năm 2026, triển khai các hoạt động thí điểm đối với các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở làm việc theo giờ hành chính. Đến năm 2030, áp dụng đối với tất cả các đơn vị trực thuộc Sở.

Lần đầu thí điểm đề án hạnh phúc với cán bộ một Sở - 3

Thời gian làm việc của cán bộ được bố trí linh hoạt, đánh giá theo hiệu quả công việc (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).

Đề án còn đặt ra nhiều chỉ tiêu nhằm xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc cho người lao động. Công sở có phòng đa chức năng tại cơ quan hỗ trợ cho cán bộ nữ, cán bộ có con nhỏ, cán bộ nữ mang thai. Sở giao các đoàn thể giám sát để kịp thời phát hiện và can thiệp khi nhân viên có dấu hiệu bị bạo lực gia đình…

Ngoài ra, đề án còn đặt ra chỉ tiêu giúp đỡ người lao động khó khăn nâng cao chất lượng sống như: Hỗ trợ khẩn cấp cho cán bộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; kết nối dịch vụ cho cán bộ có nhu cầu vay vốn tạo lập nhà ở...

Người chăm sóc cũng cần được chăm sóc

Để xây dựng đề án này, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã thành lập tổ nghiên cứu từ năm 2022, tổ chức nhiều cuộc họp, thống kê số liệu cụ thể để đánh giá xã hội học…

Các đơn vị trực thuộc tổ chức lấy ý kiến toàn thể người lao động tại đơn vị, Sở tổng hợp ý kiến và tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng gia đình hạnh phúc của người lao động toàn Sở vào ngày 22/12/2023.

Tại hội thảo, nhiều cán bộ chủ chốt trình bày khó khăn của cán bộ, người lao động trong ngành như công việc kéo dài 24/24; áp lực, căng thẳng khi phải liên tục tiếp xúc với những đối tượng như tâm thần, nghiện ngập… Đến giám đốc trung tâm cũng chỉ có thể về nhà 2 đêm mỗi tuần.

Lần đầu thí điểm đề án hạnh phúc với cán bộ một Sở - 4

Cán bộ ngành LĐ-TB&XH phải chăm sóc nhiều đối tượng đặc biệt như bệnh nhân AIDS, người tâm thần... (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Các chuyên gia tâm lý tham dự hội thảo cũng đánh giá, môi trường làm việc của cán bộ ngành LĐ-TB&XH có nhiều áp lực, nhiều người mắc bệnh tâm lý.

Bà Ngô Thị Oanh, Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, phân viện TPHCM, kể từng có học viên là cán bộ của Sở gọi điện tâm sự với bà lúc nửa đêm. Lúc đó, bà đang rất buồn vì cha bệnh nặng ở quê mà không về chăm được vì bản thân phải thức đêm chăm sóc bệnh nhân tâm thần.

Kết quả khảo sát 3.314 cán bộ của Sở cho thấy: 45,2% cán bộ có thu nhập thấp (rơi vào tiêu chí nghèo thu nhập); 49,3% khó khăn về kinh tế; 42,5% chưa có nhà, phải thuê nhà trọ; 45,2% thu nhập không đủ trang trải chi phí gia đình và cuộc sống bản thân; 11,9% cán bộ hiện có trách nhiệm chăm sóc cha/mẹ già, vợ/chồng/người thân ốm đau…

Lần đầu thí điểm đề án hạnh phúc với cán bộ một Sở - 5

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cán bộ ngành LĐ-TB&XH là "người chăm sóc" cho các đối tượng yếu thế như người nghèo, trẻ mồ côi, người khuyết tật, bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân AIDS…

Đáng lẽ ra, "người chăm sóc" phải là những người có cuộc sống đảm bảo cơ bản về kinh tế, sức khỏe tâm thần tốt để thực hiện sứ mệnh của ngành.

Tuy nhiên, thực tế là nhiều cán bộ rơi vào hoàn cảnh tương đồng với nhóm đối tượng mà họ đang phục vụ, người chăm sóc còn yếu thế hơn đối tượng phục vụ.

Từ khó khăn nội tại của cá nhân, nếu không được trợ giúp kịp thời, họ sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng trong các mối quan hệ như: Xung đột với người thân, sống cô đơn, xung đột với đồng nghiệp, xao nhãng nhiệm vụ, thiếu tự tin và khắt khe trong giao tiếp…

Thậm chí, tình trạng kéo dài có thể dẫn đến những mối hiểm nguy trong quá trình thực thi nhiệm vụ như: có hành vi bạo lực, xâm hại với đối tượng đang chăm sóc; lợi dụng vị trí việc làm để trục lợi chính sách…

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, khẳng định, lãnh đạo Sở nhận thấy việc xây dựng nơi làm việc hạnh phúc, người lao động hạnh phúc, giúp gia đình người lao động hạnh phúc là rất cần thiết. Đề án đã ra đời trên cơ sở đó.

Theo ông Lê Văn Thinh, đề án xây dựng những quy chế, tiêu chí phù hợp với đặc thù ngành; có thể đo đếm, đánh giá được hiệu quả tác động đến đời sống người lao động.

Cơ chế làm việc linh hoạt nhằm giúp người lao động giảm áp lực, căng thẳng và tạo sự thoải mái giúp họ làm việc thuận lợi hơn. Điều đó không có nghĩa là bỏ bê công việc mà là xây dựng kế hoạch làm việc khoa học để người lao động chủ động sắp xếp.

Ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh: "Tránh giao việc bị động làm cho người lao động phải làm ngày làm đêm; hạn chế tối đa những công việc bất ngờ, gấp gáp…".

Lần đầu thí điểm đề án hạnh phúc với cán bộ một Sở - 7

Quan điểm của tập thể lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM thể hiện rất rõ trong đề án: "Các nội dung, chỉ tiêu thực hiện thí điểm để có cơ sở đề xuất thành phố ban hành "Chính sách đãi ngộ cho cán bộ toàn ngành", tạo nền tảng xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, an toàn, hạnh phúc, lạc quan".

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, môi trường làm việc hạnh phúc sẽ thúc đẩy hiệu suất và lợi thế của mỗi cá nhân người lao động, giúp họ đảm bảo hài hòa các mối quan hệ bên trong gia đình đến mối quan hệ bên ngoài xã hội.

Ảnh: Hữu Khoa, Trịnh Nguyễn, Hoàng Lê