Dân văn phòng "nấu một lần, ăn cả tuần" để không phải nghĩ hôm nay ăn gì
(Dân trí) - Những người lao động bận rộn ở Trung Quốc chọn cách mỗi tuần nấu ăn một lần, trữ đông thức ăn trong hộp cho từng ngày để không phải nghĩ "hôm nay ăn gì".
"Nấu một lần, ăn cả tuần"
Mỗi tối chủ nhật, Chen Jiamin (sống tại thành phố Thâm Quyến) biến căn bếp của mình thành một dây chuyền sản xuất thực phẩm thu nhỏ. Cô mở banh túi thực phẩm cồng kềnh, gồm thịt gà, thịt bò, cá, các loại rau củ như khoai lang, cà rốt.
Chen khéo léo sơ chế, rửa sạch nguyên liệu, cắt thành các phần có kích thước phù hợp để ướp gia vị và nước sốt. Cô bật bếp và bắt đầu nấu theo từng đợt, áp chảo hoặc nướng thịt cho đến khi thịt mềm và cẩn thận xào rau để chúng giữ được chất dinh dưỡng và màu sắc.
Nấu xong, cô chia thức ăn thành 5 phần bằng nhau, đóng hộp kín rồi cất vào tủ đông.
"Việc nấu nướng mất vài giờ ngày cuối tuần nhưng giúp tôi không phải mất công nghĩ xem nên ăn gì vào bữa trưa ở công ty trong tuần sau đó", Chen, 25 tuổi, làm việc tại một công ty luật, nói. Nữ nhân viên văn phòng thích nấu ăn, nhưng chưa từng nghĩ sẽ nấu với số lượng lớn như thế.

Cô gái được mệnh danh là "thánh ăn công sở" ở Trung Quốc chế biến thực phẩm ngay trên bàn làm việc (Ảnh: Daily Mail).
Chen là một trong số những người lao động thành thị theo đuổi lối sống "dongmen" nhằm giải thoát bản thân khỏi gánh nặng phải chuẩn bị bữa ăn hàng ngày.
Thuật ngữ "dongmen" kết hợp giữa từ "đông lạnh" chỉ việc bảo quản thực phẩm và "cửa" thể hiện việc hướng đến lối sống dễ dàng hơn. Những người theo đuổi lối sống này chỉ nấu ăn một lần mỗi tuần, sau đó cấp đông thực phẩm và hâm nóng lại khi ăn, tránh phải làm công việc nấu nướng vất vả hàng ngày.
Đây cũng là một lựa chọn lành mạnh hơn so với đồ ăn mua sẵn, tiêu thụ đồ ăn nhanh, đặc biệt với những người có lịch trình bận rộn.
Tu Hongyu, bà mẹ đơn thân sống ở thành phố Trùng Khánh, đã áp dụng phương pháp "dongmen" 6 năm trước vì nhận thấy con gái kén ăn, không thích đồ ăn sẵn và thường yêu cầu các món như sườn chua ngọt hoặc thịt bò cà ri.
"Sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi không còn sức lực để nấu ăn cho con mỗi tối", cô cho biết.
Tu thích nấu ăn, nhưng không thể cân bằng giữa công việc trong lĩnh vực truyền thông và nuôi dạy con gái. Cô chọn cách nấu hàng loạt và đông lạnh toàn bộ các món sườn, thịt bò.
"Thật dễ dàng và nhanh chóng. Tôi chỉ mất 15 phút để hâm nóng bữa ăn, trông không khác gì món ăn mới chế biến", cô cho hay thậm chí còn đông lạnh bánh ngọt và các món tráng miệng khác.
Đến nay, tủ đông của cô chứa hầu như mọi món ăn phục vụ nhu cầu của hai mẹ con, từ các món ăn chế biến sẵn đến đồ ăn nhẹ, thức uống.

Nhiều người lao động chọn cách "nấu một lần, ăn cả tuần" để tiết kiệm thời gian và chi phí (Ảnh minh họa: Flickr).
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Trên một nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, có khoảng 3,7 triệu bài đăng về xu hướng "nấu một lần, ăn cả tuần".
Một số chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo thực phẩm càng để lâu trong tủ lạnh càng mất nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiều người lao động thành thị bỏ qua vấn đề này vì ưu tiên sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí.
Chen từng chi khoảng 20 đến 25 nhân dân tệ (từ 70.000 đến 88.000 đồng) cho một bữa trưa mua mang về. Tuy nhiên, các loại đồ ăn mua sẵn này thường nhiều dầu mỡ, thiếu rau và thịt, hoặc có món ăn kèm mà cô không thích.
"Nếu chọn những bữa ăn chất lượng hơn, hợp khẩu vị thì sẽ tốn nhiều chi phí", Chen nói, thừa nhận tiền là lý do lớn khiến cô quyết định "nấu một lần, ăn cả tuần".
Mới đi làm được vài năm và phải đối mặt với nhiều chi phí khác, Chen bắt đầu chuẩn bị bữa trưa mỗi ngày. Nhưng cô sớm nhận ra việc này chiếm quá nhiều thời gian và năng lượng.
"Tôi phải chuẩn bị vào đêm hôm trước, mỗi lần đều phải chế biến thực phẩm và rửa bát đĩa", cô nhớ lại.
Nữ nhân viên nhận thấy thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nên quyết định tự chuẩn bị thức ăn ở nhà.
"Từ đó, tôi tiết kiệm được tiền và có nhiều thời gian để tập trung vào những thứ quan trọng như sức khỏe và thể lực", cô nói thêm.
Cô chỉ tốn 10 nhân dân tệ (khoảng 35.000 đồng) để nấu một bữa trưa "thịnh soạn", cân bằng dinh dưỡng với các loại thực phẩm như thịt gà và cá, kết hợp rau và ngũ cốc nguyên hạt.
Chen cũng nhận thấy nhiều kết quả tích cực từ lối sống mới, tràn đầy năng lượng và cải thiện vóc dáng.

Nhiều nhân viên tranh thủ chợp mắt tại văn phòng. Họ quá bận rộn để tự nấu ăn hàng ngày (Ảnh minh họa: NYT).
Hồi tháng 9 năm ngoái, Tu Hongyu đã chia sẻ lối sống mới lên mạng xã hội, hướng dẫn cách hâm nóng đồ ăn trữ đông. Trong vài giờ, đoạn video được lan truyền rộng rãi, thu hút 1,38 triệu lượt xem và 22.000 lượt thích.
Từ đó, cô chia sẻ các công thức nấu ăn, mẹo chuẩn bị bữa ăn và cách trữ đông hiệu quả. Cô nói các loại rau củ như khoai lang, khoai mỡ, cà rốt và ngô đều có thể bảo quản đông lạnh.
Tu khuyên mọi người nên sử dụng túi đựng thực phẩm an toàn, chịu nhiệt và chịu lạnh tốt. Cô cũng nêu rõ lượng thực phẩm và thời gian tối ưu để cấp đông được tốt nhất.
Cô nhận ra những phụ nữ ngoài 30 tuổi, sống tại thành phố lớn hầu hết có lịch trình công việc bận rộn, thường chọn cách "nấu một lần, ăn cả tuần".
Sau hai năm theo đuổi lối sống "dongmen", Chen đã trở thành "siêu đầu bếp" thực thụ. Cô cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm các công thức nấu ăn mới để đa dạng hóa thực đơn, đảm bảo chất dinh dưỡng.
"Điểm tuyệt vời của phương pháp này là luôn thay đổi, luôn có một món ăn mới để thử, một cách mới để tiết kiệm thời gian hoặc một nguyên liệu mới để khám phá", cô nói.