2 yếu tố khiến người lao động dễ nảy sinh tâm trạng tiêu cực, ly hôn
(Dân trí) - Công việc áp lực và thu nhập không tương xứng làm người lao động dễ nảy sinh tâm trạng tiêu cực, cuộc sống khó khăn dẫn đến xung đột gia đình, khó có hạnh phúc.
Làm việc không có thời gian về nhà
Ngày 21/12, Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức Hội thảo thực trạng, nguyên nhân và giải pháp xây dựng gia đình hạnh phúc trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ).
Tại hội thảo, ông Võ Sĩ, Phó Bí thư Đảng ủy Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết: "Những năm gần đây, trước sự tác động của quá trình hội nhập quốc tế và những mặt trái cơ chế thị trường, gia đình Việt đang đứng trước nhiều thách thức, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn, không ít gia đình bị lung lay, tan vỡ".
Khảo sát trong nội bộ hơn 3.000 gia đình cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ của Sở cho thấy có 91% gia đình hạnh phúc nhưng cũng có đến 9% gia đình trả lời không hạnh phúc.
Theo ông Võ Sĩ, nguyên nhân chính làm cho NLĐ không thấy hạnh phúc chủ yếu là do khó khăn về kinh tế vì thu nhập thấp, áp lực công việc nên không có thời gian chăm lo cho gia đình. Hai yếu tố này dẫn đến gia đình bất hòa, tình trạng ly hôn, ly thân chiếm đến 9,8% tổng số gia đình.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP, cho biết: "35 trung tâm thuộc sở có rất nhiều đơn vị đặc thù chăm sóc người già, trẻ em bại liệt, người tâm thần… Họ phải làm việc 24/24, ít khi được về nhà".
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp, chia sẻ: "Đặc thù công việc nên anh em ở đơn vị nhiều hơn ở nhà, hầu như 24/24. Ngay bản thân tôi mỗi tuần cũng chỉ về nhà được 2 đêm".
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, cho biết: "Nhiều lao động không có nhà ở, ở thuê, với đồng lương này thì làm sao hạnh phúc được? Nhiều người không hạnh phúc cũng không dám ly hôn vì không có chỗ ở. Ly hôn rồi, với đồng lương này mà còn đi thuê nhà thì có khi cũng mất quyền nuôi con".
Bà Ngô Thị Oanh, Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phân viện TPHCM, kể từng có học viên là cán bộ của sở gọi điện chia sẻ với bà lúc nửa đêm. Lúc đó, chị buồn vì cha bệnh nặng ở quê mà chị không về chăm được vì bản thân phải thức đêm chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Nhung, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam phân viện TPHCM, cho rằng: "Ngành LĐ-TB&XH đặc thù, có nhiều người phải làm theo ca, làm thêm nhiều giờ dẫn đến áp lực vì cường độ công việc quá cao, ảnh hưởng đến thời gian chăm lo gia đình".
Đặc biệt, những lao động làm ở những vị trí thường xuyên đối diện, giải quyết những sự vụ xã hội phức tạp như chăm sóc người tâm thần, nghiện ngập… rất dễ có tâm trạng tiêu cực. Khi họ mang tâm trạng tiêu cực về nhà sẽ ảnh hưởng đến hành vi ứng xử với người thân và dẫn đến lục đục, gia đình không hạnh phúc.
Tạo sự thoải mái tại nơi làm việc
Trước thực tế trên, các đại biểu tham dự hội nghị đề xuất có những cơ chế thiết thực hỗ trợ NLĐ cải thiện đời sống vật chất, có đãi ngộ xứng đáng với thời gian làm việc ngoài giờ, tạo điều kiện linh động về thời gian làm việc để có thời gian chăm lo cho gia đình…
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, nói: "Chúng tôi rất mong sở làm thí điểm, làm sao để NLĐ đến nơi làm việc được hạnh phúc. Người lao động hạnh phúc thì cơ quan hạnh phúc, về nhà vui vẻ thì góp phần cho gia đình hạnh phúc".
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, khẳng định lãnh đạo sở nhận thấy việc xây dựng nơi làm việc hạnh phúc, NLĐ hạnh phúc, giúp gia đình NLĐ hạnh phúc là rất cần thiết. Do đó, sở đã lập tổ công tác nghiên cứu từ năm ngoái, đến nay mới tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện đề án hạnh phúc gia đình của sở.
Ông Lê Văn Thinh cho biết, đề án sẽ xây dựng những quy chế, tiêu chí phù hợp với đặc thù ngành; đặc biệt là phải khả thi và có thể đo đếm, đánh giá được hiệu quả tác động đến đời sống NLĐ chứ không mang tính hình thức, phong trào.
Khi có hiệu quả, thực tế giúp NLĐ hạnh phúc hơn trong môi trường làm việc thì mỗi cá nhân mới tự nguyện, tích cực tham gia thực hiện đề án.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị phải thực sự lưu tâm đến việc này vì sở sẽ đưa kết quả triển khai đề án vào tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động hàng tháng.
Ông yêu cầu các đơn vị phải nghiên cứu cơ chế làm việc giảm áp lực, căng thẳng cho NLĐ trong cơ quan mình, tạo sự thoải mái cho NLĐ làm việc thuận lợi hơn.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho rằng: "Nói như vậy không có nghĩa là bỏ bê công việc mà phải xây dựng kế hoạch làm việc khoa học để NLĐ chủ động sắp xếp công việc, tránh giao việc bị động làm cho NLĐ phải làm ngày làm đêm, hạn chế tối đa những công việc bất ngờ, gấp gáp…".
Đồng thời, những giải pháp linh động thời gian làm việc phù hợp với đặc thù công việc của đơn vị phải được nghiên cứu đưa vào quy chế, thỏa ước lao động tập thể rõ ràng, không nói suông.
Theo Nghiên cứu về "Các yếu tố ảnh hưởng đến sự gắn bó với tổ chức của nhân viên làm việc bán thời gian tại các cửa hàng tiện lợi" của trường đại học công nghệ TPHCM, tính đến năm 2022, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 2.600 cửa hàng tiện lợi (Dữ liệu được lấy từ Q&Me năm 2022).
Qua khảo sát 317 sinh viên đang làm thêm tại chuỗi cửa hàng tiện lợi ở TPHCM, nhóm nghiên cứu thu thập được kết quả khảo sát và nhận thấy được 3 yếu tố tác động nhiều nhất đến sự gắn bó của nhân viên đối với cửa hàng gồm: nhân viên được trợ cấp tiền ăn trưa, tiền xăng, tiền gửi xe và được thưởng xứng đáng với công sức mình bỏ ra; nhân viên được tự chủ động trong công việc của mình và không có quá nhiều áp lực; quản lý luôn đối xử công bằng, không phân biệt giữa tất cả nhân viên trong cửa hàng.