DNews

Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Bỏ nhà đi từ nhỏ, những đứa trẻ lang thang chưa có giấy tờ tùy thân, không nhớ đường về nhà. Hành trình tìm lại thân phận, người thân cho những đứa trẻ không hề đơn giản.

Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang

Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện đau lòng

5 tuổi, Khanh (tên nhân vật đã thay đổi, SN 2008) cùng cha mẹ từ An Giang lên Bình Dương làm thuê. 2 năm sau, cha mẹ ly tán, Khanh sống với mẹ vài tháng thì về ở với cha ruột vì bị cha dượng đánh đập.

"Con đi làm khi 8 tuổi, trải qua chừng chục nghề. Nghề đầu tiên là bưng bê hủ tiếu cho quán đầu hẻm nhà con ở trọ. Sau đó làm thợ sơn, phụ xưởng mộc, phụ hồ, bảo vệ…", Khanh cho hay.

Ở với cha được vài tháng, cha có vợ mới. Vậy là Khanh có mẹ kế và 1 người em (con riêng của mẹ kế).

Khi có xung đột giữa 2 đứa trẻ, mẹ kế bênh con riêng, kể xấu Khanh với cha. Mỗi lần như vậy, Khanh được một trận đòn. Không biết tìm ai che chở, cậu bé bỏ nhà đi bụi khi 10 tuổi.

Khanh kể: "Lúc nhỏ, con bỏ nhà đi vài ngày là về. Cứ đi cho đến khi đói thì xin ăn. Không ai cho, đói quá thì tìm đường về nhà, có khi được công an đưa về".

Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 1

14 tuổi, Hải đã làm cả chục nghề để mưu sinh và nhiều lần bỏ nhà "đi bụi".

Đầu năm 2022, Khanh bắt đầu chuyến trốn chạy dài nhất. Cậu nhóc 14 tuổi lang thang từ Bình Dương đến tận quận 6 (TPHCM) xin vào làm tại một tiệm hủ tiếu gõ.

Khanh làm từ 17h chiều đến 23h đêm, mỗi tối được 120.000 đồng. Đêm về, Khanh đến quán cà phê võng gọi 1 ly nước, ngủ suốt đêm hết 30.000 đồng. Sáng dậy đi lang thang khắp phố, chiều lại tới chỗ bán hủ tiếu.

Trong 1 buổi lang thang, Khanh được một chú xe ôm giới thiệu công việc đi tàu câu mực, bao ăn ở, 1 chuyến kéo dài 3-4 tháng thì chủ cho 12 triệu đồng. Khanh xin đi thì được người này chở ra Vũng Tàu giao cho chủ tàu. Từ đó, Khanh bắt đầu hành trình khổ sai trên biển, không làm thì bị chủ tàu đánh đập.

"Đi gần 4 tháng, tàu ghé vào gần bờ rồi chủ tàu kêu con ôm 1 can nhựa ra đứng ở thành tàu, chủ tàu đẩy con xuống biển rồi tàu chạy đi. Nhờ có can nhựa nên con bơi được vào bờ, được cô bác ở đó cho tiền mua vé xe về lại TPHCM", Khanh kể.

Đến thành phố, Khanh tìm về tiệm hủ tiếu gõ ngày xưa xin làm lại nhưng tiệm đã nghỉ. Khanh lang thang đến công viên Phú Lâm (quận 6), vừa đói vừa mệt nên nằm ngủ trên ghế đá thì được công an địa phương phát hiện, đưa về trung tâm bảo trợ xã hội.

Cũng như Khanh, Hải (tên nhân vật đã thay đổi, cũng SN 2008) bỏ nhà đi bụi từ năm 2020, khi mới 12 tuổi, vì bị cha dượng đánh đập tàn nhẫn. Hải kể, có lần bị cha dượng dùng hung khí đánh vỡ đầu.

Mẹ Hải là người Campuchia gốc Việt. Khi cha Hải mất, mẹ đưa cậu về huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) sinh sống. Bà tái giá với một người đàn ông lớn tuổi.

Từ nhỏ, Hải mắc nhiều bệnh, cha mẹ không chăm nên hay đi lang thang xin ăn. Hải thường chầu chực ở quán cơm, chờ khách ăn xong thì đến xin đồ ăn thừa.

Ni sư Thích Nữ Diệu Tịnh, trụ trì tịnh xá Ngọc Tân (Tân Biên, Tây Ninh) thương tình nên nhận Hải về nuôi, cho ăn uống, chữa bệnh, làm khai sinh, nhập hộ khẩu về tịnh xá…

Đến khi Hải đi học, để tiện việc đi lại, ni sư Diệu Tịnh cho Hải về ở nhà cha dượng, nhờ mẹ Hải đưa đón hằng ngày, mọi chi phí ni sư lo.

Không ngờ ở nhà, cậu bé thường bị cha dượng đánh, bắt đi lượm ve chai, nhặt hạt điều. Sau một trận đòn đau, Hải bắt xe khách bỏ nhà đi.

Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 2

Ni sư không ngờ mình đã cung cấp chi phí để nuôi Hải mà còn bị cha dượng hành hạ, bắt đi làm đến nỗi đứa trẻ bỏ nhà đi.

Hải đến Bà Rịa - Vũng Tàu, xin cơm và nhặt cá của các tàu đánh cá vứt bỏ để nướng ăn, tối đến thì tìm hiên nhà trống ngủ. Cứ thế, Hải đi bộ đến tận TPHCM. Có những đêm ngủ gầm cầu, vỉa hè bị bắt nạt, đánh nhau, không ít vết sẹo hằn sâu trên mặt cậu nhóc.

Trong đợt giãn cách xã hội cuối năm 2020, Hải được lực lượng chức năng thu gom, đưa về Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM (viết tắt là Trung tâm CTXH-GDDN thiếu niên TPHCM) nuôi dưỡng.

Theo chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH-GDDN thiếu niên TPHCM, hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 56 trẻ lang thang như Khanh và Hải.

Chị Dương chia sẻ: "Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện đau lòng. Không đứa nhỏ nào tự dưng mà bỏ nhà đi, sống lang thang khổ cực trên đường phố, trong công viên".

Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 3

Tìm cho trẻ chốn nương thân

Cuối năm 2023, Khanh và Hải sắp tròn 16 tuổi. Theo quy định, Trung tâm CTXH-GDDN thiếu niên TPHCM chỉ nuôi dưỡng trẻ đến 16 tuổi là phải cho hồi gia.

Chị Dương cho hay: "Hồi gia không phải là đẩy đứa trẻ ra khỏi trung tâm rồi mặc kệ. Nuôi dưỡng tụi nhỏ bao năm, ít nhiều cũng có tình cảm, phải biết tụi nhỏ đi đâu, về đâu, làm gì, về nhà sống ra sao chứ…".

Trước khi mỗi đứa trẻ hồi gia, Trung tâm CTXH-GDDN thiếu niên TPHCM đều tổ chức các đoàn vãng gia, tìm hiểu gia cảnh và xung đột gia đình dẫn đến việc trẻ bỏ nhà đi, tìm hướng giải quyết để đảm bảo khi trở về nhà, trẻ có tương lai tốt hơn.

Cuối năm 2023, Trung tâm CTXH-GDDN thiếu niên TPHCM tổ chức đoàn vãng gia đi tìm nhà cho Khanh và Hải.

7h sáng, xe xuất phát từ trung tâm về hướng Bình Dương. Khanh háo hức kể tên từng con đường, ngã tư mà mình còn nhớ. Khanh chỉ đoàn về nơi cha làm việc là một xưởng cơ khí nhỏ ở phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, Bình Dương.

Tại đây, ai cũng nhận ra Khanh là "thằng bé hay bỏ nhà đi bụi". Nhưng hỏi quanh, chẳng ai biết cha Khanh giờ ở đâu, chỉ biết là đã đến quận 9 (TPHCM) làm việc.

Ông chủ xưởng, bà chủ xưởng, công nhân (là anh họ của Khanh) rà danh bạ điện thoại, gọi vào các số mà cha Khanh từng dùng nhưng đều không liên lạc được.

Đoàn tiếp tục chạy về khu trọ ngày xưa Khanh ở cùng cha. Chú Chín của Khanh vẫn còn ở đây nhưng cha Khanh đã dời đi mấy tháng nay. Khanh nhờ chú gọi điện thoại cho cha cũng không được.

Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 4
Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 5
Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 6

Hàng xóm cho hay: "Ổng có quan hệ phức tạp, hay đổi số điện thoại nên khó liên lạc lắm. Có khi ổng còn dùng số đó mà không bắt máy vì sợ bồ cũ, chủ nợ gọi".

Sợ trễ hành trình, đoàn để lại số liên lạc rồi đi Tân Biên (Tây Ninh) để tìm nhà của Hải.

Tịnh xá Ngọc Tân tọa lạc tại một xã vùng biên ít người nên khá dễ tìm. Về đến tịnh xá, Hải xúc động khi gặp lại ni sư Diệu Tịnh và chị hai, người chị không cùng huyết thống nhưng sống cùng Hải từ nhỏ.

Sau gần 4 năm xa cách, hai chị em trò truyện cả tiếng đồng hồ. Hải được chị dẫn đi thắp nhang cho mẹ. Mẹ Hải đã mất trong thời gian cậu bé bỏ nhà đi lang thang…

Điều kiện tịnh xá khang trang, ni sư Diệu Tịnh hết lòng lo lắng cho Hải nên đoàn vãng gia của Trung tâm CTXH-GDDN thiếu niên TPHCM yên tâm với việc để Hải hồi gia khi đủ tuổi.

Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 7
Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 8
Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 9

Theo chị Dương, tìm nhà không chỉ là tìm một dòng địa chỉ. Tìm nhà là tìm chốn nương thân tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ kém may mắn. Do đó, cuộc vãng gia cho thấy gia cảnh của đứa trẻ không tốt, trung tâm sẽ cố gắng giữ trẻ lại, tìm hướng đi khác cho trẻ.

Chị Dương cho hay: "Hiện trung tâm liên kết với nhiều cơ sở sản xuất để dạy nghề cho trẻ. Sau 16 tuổi, trung tâm sẽ gửi đứa trẻ đến cơ sở vừa học, vừa làm để tụi nhỏ có nơi ăn ở đàng hoàng, sau này có nghề để mưu sinh".

Trên đường từ Tây Ninh về TPHCM, đoàn lại nhận được tin vui khi cha Khanh chủ động gọi đến số điện thoại của trung tâm để lại. Nhận cuộc gọi của cha, Khanh bật khóc: "Cha hả cha? Chừng nào cha đến đón con về hả cha?".

Cha Khanh vừa bị tai nạn, ông một mình nằm viện cả tuần nay, mẹ kế đã bỏ cha về quê. Ông hứa sau khi khỏe sẽ đến trung tâm thăm Khanh.

Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 10

Khanh xúc động, khóc nức nở khi liên lạc được với cha, biết tin cha đang nằm viện.

Anh Nguyễn Hữu Tuyến, chuyên viên Trung tâm CTXH-GDDN Thiếu niên TPHCM, cho hay, những trẻ lớn như Khanh và Hải nhớ đường về nhà còn dễ tìm. Những em bỏ nhà đi từ nhỏ chỉ nhớ những thông tin mơ hồ như ở huyện, tỉnh nào đó thì rất khó tìm ra.

"Có những ca chúng tôi chở các em đến địa phương mà các em nhớ được rồi chạy vòng vòng cả ngày để các em xem có cảnh vật nào quen thuộc hay không cũng không tìm ra", anh Tuyến kể.

Chị Thùy Dương tâm sự: "Nhiều người nghĩ mấy đứa nhỏ hư hỏng mới bị gom vô đây. Thực ra thì tụi nhỏ đều hiền lành, chỉ mong được sống tốt nhưng hoàn cảnh đưa đẩy chứ bọn trẻ đâu muốn đi bụi, sống cảnh không nhà, không gia đình vậy đâu".

"Có những đứa trẻ bị chính cha mẹ của mình chăn dắt. Họ bảo lãnh đứa nhỏ về để lại bắt con đi bán vé số, ra phố ngậm dầu thổi lửa để xin tiền", Phó Giám đốc Trung tâm CTXH-GDDN Thiếu niên TPHCM thở dài.

Chị Dương nhớ mãi bé Vy có khuôn mặt xinh xắn, ai nhìn cũng yêu. Bé được người nhà bảo lãnh về rồi lại bắt đi phun lửa xin tiền.

"Có lần con bé phun dầu hôi không kịp, lửa bùng cháy nám đen hết cả mặt. Không bỏng đến lột da mà sạm đen hết vùng da quanh môi, hư hết mặt mày!", chị Dương bức xúc.

Tìm nhà cho những đứa trẻ lang thang - 11

Chính vì vậy, mỗi đứa trẻ trước khi hồi gia, cán bộ trung tâm đều phải tìm hiểu gia cảnh thật kỹ, tìm cách để giúp trẻ có cuộc sống tốt hơn.

Thế nhưng, cũng có lúc thầy cô ở trung tâm lực bất tòng tâm. Bởi không phải mỗi ca đều có thể đi vãng gia, tìm được nhà cho từng đứa trẻ, không phải đứa trẻ nào cũng có được cái nghề kiếm sống khi hồi gia...

Năm 2023, kinh tế khó khăn nên các nguồn lực xã hội hỗ trợ trung tâm cũng hạn chế. Tuy nhiên, chị Dương cho hay: "Chúng tôi cố gắng hết sức có thể, lo cho tụi nhỏ tốt chừng nào hay chừng đó. Chứ để tụi nhỏ ra xã hội đối mặt bao rủi ro, cạm bẫy, nhất là để bọn chăn dắt hành hạ sao đành lòng…".

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Trịnh Nguyễn

Ảnh: Trịnh Nguyễn