DNews

Đi làm xa thì nhớ con, về quê lại thất nghiệp!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Nhiều người giằng xé giữa bài toán thu nhập và việc chăm sóc, dạy bảo con cái. Không ít lao động phải chấp nhận cảnh gia đình chia lìa, con cái phó mặc cho bố mẹ già hay người thân ở quê.

Đi làm xa thì nhớ con, về quê lại thất nghiệp!

Đi không nỡ, về không xong

Một ngày tháng 10, tôi gặp Và Bá Cha (SN 1993, trú bản Piêng Cọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) khi anh đang đưa bố xuống thành phố Vinh điều trị căn bệnh ung thư.

"Trừ tôi và một người em đang học cấp 2 thì 5 em trai còn lại đã vào miền Nam làm thuê. Giờ việc chăm sóc bố, việc của bản, việc nhà, mình tôi lo cả", anh Cha nói.

Chàng trai hiện là Phó bản Piêng Cọc cho biết, không riêng gì gia đình anh, nhiều hộ trong bản cũng chỉ còn người già, trẻ em, bởi hầu hết người trẻ, có sức khỏe đều đi làm ăn xa. Anh buồn rầu chia sẻ, vừa qua xã cho 40 tấn xi măng để làm đường giao thông nội bản nhưng "kiếm không ra người" vận chuyển, 4 người trong ban quản lý bản làm không nổi, đành phải bỏ lỡ cơ hội.

Đi làm xa thì nhớ con, về quê lại thất nghiệp! - 1

Theo anh Cha, người trẻ rời quê hương đi làm ăn xa khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ cần huy động sức lao động (Ảnh: Hoàng Lam).

Trong số 5 người em trai đi làm ăn xa của anh Cha có 3 người đã lập gia đình, sinh con. Hai người có con nhỏ mang vào cùng, còn vợ chồng Và Bá Xênh (SN 1995), con đã đi học, phải gửi ở nhà. Ngoài nuôi 3 con của mình và chăm người bố bệnh tật, vợ chồng anh Cha phải chăm lo cho 2 người cháu.

Anh Và Bá Xênh từng là cán bộ văn hóa truyền thanh kiêm Phó Chủ tịch mặt trận xã Mai Sơn. Khoản phụ cấp của 2 chức danh này được 2,5 triệu đồng/tháng, không đủ để chi tiêu trong gia đình, nhất là giai đoạn người con lớn của Xênh bị ốm, phải đi viện. Năm 2019, khi nghỉ cán bộ truyền thanh, Xênh chỉ còn 1,9 triệu đồng phụ cấp Phó Chủ tịch mặt trận xã.

"Tôi cũng muốn ở nhà, gần con cái, gần bố mẹ nhưng khoản phụ cấp chưa đầy 2 triệu đồng mỗi tháng không đủ trang trải cuộc sống. Sau nhiều đêm đắn đo, suy nghĩ, tôi và vợ quyết định gửi con ở nhà, vào tỉnh Lâm Đồng làm cao su. Thời điểm đó cháu lớn mới 5 tuổi, cháu bé 3 tuổi, đi thì nhớ con, thương con, nhưng ở nhà biết làm gì?", người bố trẻ trải lòng.

Đi làm xa thì nhớ con, về quê lại thất nghiệp! - 2

Nhiều lao động miền núi Nghệ An chấp nhận gửi con cái ở quê để vào làm việc trong các rừng cao su tại Bình Phước (Ảnh: Cát Cát).

Vợ chồng anh Xênh, cùng 6 người em trai, em dâu xin vào làm việc tại một rừng cao su tại huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng). Mùa cạo mủ cao su kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12 hàng năm, mỗi tháng, anh em Xênh kiếm được 12-13 triệu đồng/người. Ăn uống tiết kiệm hết mức, mỗi người để dành khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhà nào có con nhỏ, phải thuê người trông nom hoặc gửi trẻ tích lũy được ít hơn.

Số tiền này, so với hồi ở nhà, đối với anh Xênh là cả một mơ ước. Bởi vậy, vợ chồng anh Xênh chấp nhận đánh đổi việc xa con, chấp nhận nỗi nhớ thương cồn cào ruột gan mỗi ngày. Không dưới một lần, anh Xênh bàn với vợ trở về, nhưng về thì biết làm gì?. Quẩn quanh bên rẫy lúa, rẫy ngô, liệu có đủ ăn không?.

"Phải xa con rồi, vợ chồng đi đâu phải có nhau thôi. Về Nghệ An, xin vào làm việc ở các nhà máy thì vợ tôi không biết chữ, họ không nhận", anh Xênh tâm sự. 

Ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tương Dương, cho hay trong những năm qua, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động lao động đi làm ăn xa trở về quê. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng việc làm tại huyện gần như không có, trong khi đó, các chính sách hỗ trợ người lao động của các doanh nghiệp nội tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn, mức lương tối thiểu vùng còn thấp... là những rào cản đối với quyết định "hồi hương" của người lao động. 

Về quê là thất nghiệp

Năm 2020, anh Vừ Bá Sơn (24 tuổi, bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cùng người vợ kém 1 tuổi Mùa Y Nu ra Hà Nội làm thuê. Vài tháng sau, nghe tin ở tỉnh Bình Dương dễ làm ăn hơn, vợ chồng anh Sơn lại dắt díu nhau vào.

Hai vợ chồng anh Sơn xin vào làm việc cho một sơ sở sản xuất bàn ghế sô pha, thu nhập mỗi tháng trừ ăn, uống được 10 triệu đồng. Nhưng cũng chỉ được mấy tháng, làm không nổi, vợ chồng kéo nhau về quê.

Đi làm xa thì nhớ con, về quê lại thất nghiệp! - 3

Sau thời gian "ra Bắc, vào Nam", Vừ Bá Sơn quyết định đưa vợ con về quê (Ảnh: Hoàng Lam).

Quanh quẩn ở nhà chẳng kiếm ra tiền, năm 2021, anh Sơn và vợ vào tỉnh Bình Phước làm cao su. Thời điểm đó, những người trẻ như anh Sơn vào đây nhiều lắm. Thu nhập khá, trừ ăn ở, chi tiêu, vợ chồng còn mua được cả xe máy. Bởi vậy, khi chị Mua Y Nu mang bầu, về quê sinh con, con cứng cáp một chút, cả nhà lại vào Bình Phước, tiếp tục đời "phu cao su".

"Mỗi tháng vợ chồng kiếm được 15-16 triệu đồng, nhưng nhà có con nhỏ, bao nhiêu thứ phải chi tiêu nên cố lắm mới đủ. Năm 2023, vợ chồng tôi sinh cháu thứ 2, tính tới tính lui, quyết định đưa nhau về quê. Nói về thì về vậy thôi, chứ về làm rẫy hay làm gì để sống thì chưa tính đến", chị Mùa Y Nu thật thà nói.

Bố anh Sơn có chiếc xe tải nhỏ, giao cho cậu con út chạy, còn chị Nu thì ở nhà, vừa chăm 2 con, vừa phụ mẹ chồng cơm nước, giặt giũ cho 8 đứa cháu. Các cháu là con của 4 anh chị của Sơn đang làm thuê trong miền Nam.

Đi làm xa thì nhớ con, về quê lại thất nghiệp! - 4

Nhiều gia đình trẻ từ Nghệ An bồng bế nhau vào Bình Phước làm cao su, khi con đến tuổi đi học thì gửi về quê cho ông bà trông (Ảnh: Cát Cát).

Thu nhập của anh Sơn từ công việc chạy xe tải phập phù. Tháng Tết khách kêu nhiều, anh kiếm được khoảng 10 triệu đồng, những tháng còn lại, trừ dầu máy cũng chỉ được khoảng 2-3 triệu đồng, góp vào với bố mẹ nuôi các cháu.

Thống kê của ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), có khoảng 500 lao động là công dân địa phương hiện đi làm ăn xa. Xã cũng đang phải đối mặt với tình trạng trẻ em thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, trong khi đó, người già đáng lẽ ở cái tuổi phải được nghỉ ngơi lại phải gồng sức thay con chăm cháu.

"Người trẻ ở nhà không biết làm gì cho ra tiền, mà đi xa thì không đưa được con cái theo, chúng còn phải đi học mà. Ở nhà với ông bà cũng yên tâm đấy, nhưng ông bà già rồi, có phải việc gì cũng thay bố mẹ được đâu. Giá có nhà máy lên đây, bà con có việc để làm, có thu nhập ổn định, không có cảnh con cái xa cha mẹ, ông bà còng lưng chăm cháu", ông Lầu Bá Chày trăn trở.

Đưa nhà máy lên núi, có lẽ không phải là ước mơ của riêng vị chủ tịch xã biên giới này...

Đi làm xa thì nhớ con, về quê lại thất nghiệp! - 5

Một bộ phận lao động trẻ các huyện miền núi Nghệ An làm việc tại các cánh rừng cao su xa xôi do hạn chế về trình độ văn hóa và kỹ năng lao động (Ảnh minh họa: Cát Cát).

(Còn nữa)