DNews

Con đi làm xa, vợ chồng U70 gồng mình chăm 9 cháu

Hoàng Lam

(Dân trí) - 6 con trai, con dâu của ông Lầu Nhia Chò đều rời nhà đi làm công ty, để lại cho vợ chồng ông 9 người cháu lít nhít. Ở cái tuổi 70, vợ chồng ông Chò lại quần quật lo từng bữa cho đoàn cháu.

Con đi làm xa, vợ chồng U70 gồng mình chăm 9 cháu

Trẻ nuôi con, già chăm cháu

Ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, có gần 10.000 người trong độ tuổi lao động của địa phương đang đi làm ăn xa. Phần lớn lao động rời quê đi làm ở các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, nên phải gửi lại con cái cho ông bà, người thân chăm sóc.

"Trên địa bàn huyện chỉ có cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, sử dụng 5-7 lao động. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp chỉ đủ ăn, do vậy, nhiều lao động buộc phải rời địa phương đi làm ăn xa. Đây là cách nâng cao thu nhập, giúp người dân thoát nghèo nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề chăm sóc sức khỏe người già và trẻ em", ông Toản phân tích.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tương Dương nhận định đây là tình trạng chung của các huyện miền núi tỉnh Nghệ An, như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông... 

Theo ông Xã Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, thời điểm này, toàn huyện Kỳ Sơn có hơn 21.800 lao động đi làm ăn xa, chiếm tới 41% số người trong độ tuổi lao động ở địa phương. Trong đó, lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc qua kênh kết nối của ngành LĐ-TB&XH, chính quyền các địa phương chiếm tỉ lệ thấp. 

Con đi làm xa, vợ chồng U70 gồng mình chăm 9 cháu - 1

Nhiều cặp vợ chồng người Mông huyện Kỳ Sơn vào Bình Phước cạo mủ cao su, để lại con nhỏ cho bố mẹ già chăm sóc (Ảnh: Cát Cát).

Dẫn đầu các địa phương có lao động đi làm ăn xa của huyện Kỳ Sơn là xã biên giới Na Ngoi. Thống kê cho thấy, toàn xã có 4.490 người trong độ tuổi lao động (15 tuổi trở lên) nhưng có tới 2.715 lao động đi làm ăn xa, chiếm hơn 60%. Lao động chủ yếu làm việc tại các cơ sở khai thác, chế biến cao su ở Bình Phước hay các xưởng sản xuất gỗ, giày dép ở Đồng Nai và TPHCM. Hầu hết lao động đi theo cặp vợ chồng, để lại con cái cho bố mẹ già chăm sóc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi cho biết, với mức tiền lương trung bình 7-10 triệu đồng/tháng, mỗi năm, một cặp vợ chồng đi làm ăn xa có thể tích lũy khoảng 100 triệu đồng. Nếu ở nhà, các công dân khó đạt được mức thu nhập này. 

Theo chân cán bộ xã biên giới Na Ngoi, Kỳ Sơn, chúng tôi đến thăm nhà ông Lầu Nhia Chò và vợ là bà Vừ Y Rùa (trú bản Kèo Bắc). Khi chúng tôi có mặt, bà Rùa đang hối thúc mấy đứa cháu lớn dọn dẹp bát đũa khi bữa cơm trưa vừa kết thúc.

"Đến bữa ăn là mệt lắm. 9 đứa cháu, phải xới từng bát, phát cho mỗi đứa, không để chúng tự xới, lại tranh giành nhau", vị cán bộ xã dịch lại lời bà Y Rùa nói bằng tiếng Mông cho tôi.

9 cháu nội của ông Chò, lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất mới 2 tuổi, mặt mũi lem nhem, tóc tai bù xù, đứa có dép, đứa đi chân đất. Gặp những người lạ, mấy đứa trẻ len lén nhìn rồi rúc rích cười với nhau.

Con đi làm xa, vợ chồng U70 gồng mình chăm 9 cháu - 2

Vợ chồng ông Chò và đoàn cháu nhỏ (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông Chò chỉ từng đứa, giới thiệu với chúng tôi: "2 đứa này là con của Lầu Chống Cá và Xồng Y Lỳ, 3 đứa này là con Lầu Bá Chồng và Hạ Y Va, còn 4 đứa này là con của Lầu Bá Đà và Xồng Y Nênh. Bố mẹ chúng đi làm công ty ở miền Nam từ hồi sau Tết. Các cháu còn phải đi học nên để ở nhà cho vợ chồng tôi", ông Chò nói bằng tiếng phổ thông. Với ông Chò và phần lớn người dân ở đây, đi làm ăn xa nghĩa là "đi công ty", bất kể đó là công việc gì.

Khi các con của ông Chò rời quê đi làm việc, có để lại gần chục triệu đồng và một kho thóc cho bố mẹ nuôi các cháu. Theo ông Chò, thời điểm mới vào miền Nam, cả 6 người con của ông bà đều không tìm được việc làm. Sang tháng 3, cả đoàn kéo nhau lên Bình Phước, làm việc cho một công ty cao su. Công việc không rõ thế nào nhưng khi ông giục gửi tiền, các con mới gửi về một ít.

"Hôm nào có tiền thì mua thức ăn, không có tiền, các cháu ăn cơm với rau rừng hoặc canh mì tôm. Bọn trẻ không kén ăn, chỉ cần no cái bụng là được", ông Chò nói.

Ông Chò sức khỏe yếu, lâu nay không làm được việc nặng. Sức khỏe bà Rùa tốt hơn một chút. Hôm nào khỏe, bà lão 70 tuổi vẫn leo lên rẫy, mót những củ gừng còn sót lại về bán để mua thức ăn cho các cháu. Vụ gừng năm ngoái giá rẻ quá, ông bà bỏ rẫy, không thu hoạch nên nay vẫn còn.

Con đi làm xa, vợ chồng U70 gồng mình chăm 9 cháu - 3

Ông Lầu Nhia Chò thay gia đình 3 con trai chăm sóc 9 cháu (Ảnh: Hoàng Lam).

Mót được nhiều gừng thì mừng, có tiền mua con cá, lạng thịt cho các cháu, nhưng bế được từ trên núi xuống cũng khiến bà Rùa xây xẩm mặt mày. Bởi vậy, cứ đi rẫy được một hôm, bà phải nghỉ 3-4 hôm mới lại sức. Bà Rùa bảo, còn gắng được thì phải gắng thôi, các con đi làm công ty nhưng cũng không có tiền gửi về, ông bà lại không thể để các cháu bị đói.

Cảnh trẻ nuôi con, già chăm cháu như vợ chồng ông Chò không phải hiếm ở xã Na Ngoi, mà rộng hơn nữa là ở huyện Kỳ Sơn và các huyện miền núi cao của Nghệ An. 

Những đứa trẻ suốt ngày "ôm" điện thoại

Rời Na Ngoi, chúng tôi có mặt tại xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương hiện có trên 500 lao động đi làm ăn xa, chủ yếu làm công nhân các công ty ở Bình Dương, Đồng Nai hoặc làm cao su ở Bình Phước.

Lao động rời quê đi làm ăn xa có thu nhập cao hơn nhiều lần so với bám trụ trên các nương rẫy. Tuy nhiên, theo ông Lầu Bá Chày, việc lao động, chủ yếu trong độ tuổi 20-40 rời quê hương đã để lại nhiều vấn đề cần phải lưu tâm, như: thiếu nguồn nhân lực để triển khai các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, tuyển chọn người tham gia các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, đặc biệt ở địa bàn biên giới hay công tác chăm sóc người già và trẻ em...

Con đi làm xa, vợ chồng U70 gồng mình chăm 9 cháu - 4

Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông Lầu Bá Chày dẫn chúng tôi đến nhà ông Vừ Nhìa Pó (51 tuổi, trú bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn). Nhà ông Pó sát quốc lộ 7, lên nhà phải leo con dốc khá cao. Trong nhà, một đám trẻ đang cãi nhau chí chóe, còn một cháu bé tầm 10 tuổi tay ôm khư khư điện thoại đang nói chuyện.

"Con trai của Vừ Y Pay đó, đang nói chuyện với mẹ làm công nhân cao su ở Bình Phước. Mấy đứa nhỏ ngoài giờ đi học ở trường và ngủ thì chúng nó cứ ôm cái điện thoại suốt thôi", ông Pó nói.

Phải lớn tiếng để "vãn hồi trật tự" đám cháu, ông Pó mới quay lại trò chuyện với khách. "11 đứa, cả nội lẫn ngoại, trong đó trừ 2 đứa con nhà Sơn (Vừ Bá Sơn, 24 tuổi) có bố mẹ ở nhà, 9 đứa còn lại là con của 4 nhà. Bố mẹ chúng đi làm xa chỉ Tết mới về nhà, đi lúc con bé này mới gần 1 tuổi", ông Pó chỉ vào bé gái với cánh tay đang bó bột trắng toát, nói.

Con đi làm xa, vợ chồng U70 gồng mình chăm 9 cháu - 5

Vợ chồng ông Phó và đoàn cháu nhỏ của mình (Ảnh: Hoàng Lam).

4 người con của ông, gồm 2 con trai Vừ Bá Hồng (28 tuổi), Vừ Bá Lý (27 tuổi), 2 con gái Vừ Y Pay (29 tuổi), Vừ Y Hòa (25 tuổi) cùng các con dâu, con rể kéo nhau vào Bình Phước làm cao su, để lại cho vợ chồng ông Pó đoàn cháu lít nhít. Tháng nào làm ăn được, các con ông Pó gửi về 1-2 triệu đồng cho bố mẹ nuôi cháu, còn không thì thôi. Thành thử, vợ chồng ông Pó "cân" hết.

"Ui cha, mệt lắm đấy. Tính ra một tháng phải mất 10 triệu đồng mua thức ăn với 2 bao gạo", ông Pó nói.

Vợ chồng ông Pó mới ngoài 50 tuổi, ông có cái xe tải nhỏ, để cho con trai út đi chở hàng thuê nên cũng có đồng ra, đồng vào. Cái ăn chưa thể nói là ngon, nhưng để các cháu ăn no, ông bảo có thể lo được.

Điều khiến ông Pó "mệt đầu" nhất là lũ trẻ cứ như chợ vỡ, ồn ã suốt ngày. Vả lại, nhà gần quốc lộ, sợ các cháu chạy ra đường, ông phải làm rào chắn. Ấy thế mà không ít khi, cả vợ chồng tất tả đi tìm đoàn cháu, về phải điểm danh từng đứa vì... sợ sót.

Con đi làm xa, vợ chồng U70 gồng mình chăm 9 cháu - 6

Điện thoại là thứ duy nhất kết nối những đứa trẻ với bố mẹ đang đi làm ăn ở xa (Ảnh: Hoàng Lam).

Mấy người con của ông Pó đi làm ăn xa, Tết mới về, ở được 10 bữa, nửa tháng lại đi. Việc chăm sóc, học hành của các con cứ phó mặc cho ông bà. Mà ông bà cũng chẳng có thời gian mà hỏi đến chuyện học hành của các cháu, cứ "khoán thẳng" cho thầy cô.

"Mệt lắm, đẻ con thì nuôi con, con lớn thì nuôi cháu", ông Pó thở dài, chia sẻ.

"Sao không bảo các con về quê, còn trông nom, dạy dỗ các cháu?", tôi hỏi. Ông Pó thở dài, chia sẻ: "Nói các con về thì chúng bảo về không biết làm gì cho ra tiền, phải đi công ty thôi. Ông bà đang có sức phải giúp con trông cháu chứ biết làm thế nào khác được".

(Còn nữa)