PhotoStory

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: "Chậm chân là... chết!"

Thực hiện: Hoài Sơn

(Dân trí) - Có vất vả theo chân những người hái rong trên gành đá trơn tuột, quần áo ướt sũng vì sóng và những cú ngã dúi dụi mới thực sự cảm nhận được câu nói "sinh nghề tử nghiệp" của những người săn mứt Nam Ô.

Dậy từ sáng sớm, đội sóng, leo vách đá hái rong mứt (Video: Hoài Sơn).

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 1

Khoảng 4h sáng, bà Huỳnh Thị Thà (55 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã í ới gọi "bạn mứt" chuẩn bị dụng cụ, tiến về gành đá để bắt đầu một ngày hái rong với đầy hy vọng.

Người cầm vợt, kẻ rọi đèn rồi kéo nhau băng qua con đường mòn nằm cạnh vách núi. Chưa đầy 20 phút, họ đã đặt chân tới vị trí khai thác.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 2

Trong màn đêm nhìn chưa rõ mặt người, ánh đèn pin đan chéo nhau thành vệt sáng. Họ loay hoay buộc chiếc túi vào lưng rồi lom khom, mò mẫm theo từng khối đá ra biển.

Thời tiết đầu Đông khiến thủy triều rút sớm làm bãi đá lộ ra và đó cũng là lúc "mỏ vàng" xuất hiện cho người dân Nam Ô khai thác.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 3

Khoảng 6h sáng, nước biển bắt đầu rút ra xa, lộ rõ các bãi đá chông chênh, sắc nhọn. Bỗng từ trên bờ có tiếng cười nói: "Hôm nay được mứt nhiều không mà đi sớm quá bà con ơi!".

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 4

Từ trong rừng già, hàng chục người làng Nam Ô tiến ra gành để kiếm mứt. Không biết từ bao giờ, hái thứ "lộc biển" đen xì ấy lại trở thành cái nghề mưu sinh của những con người nơi đây.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 5
Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 6
Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 7

Dụng cụ thu hoạch vô cùng đơn giản, gồm vợt, túi đựng, đèn pin và miếng nhôm. Đặc biệt, đôi găng tay của người thợ được cải tiến thêm một miếng cao su ở giữa ngón cái và ngón trỏ để tránh bị miếng nhôm cắt vào da.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 8

Khi trèo lên các vách đá hái mứt, người thợ phải mặc áo quần bó chặt cơ thể, đầu đội mũ trùm kín để chống lại giá rét, sương sớm của biển.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 9

"Rột, rột, rột", âm thanh đồng loạt vang lên át cả tiếng sóng. Đó là tiếng nhôm trượt trên các tảng đá dưới bàn tay của người đi hái rong, mứt biển.

Khi rong khô và nhăn lại trông như những mẩu nhựa bám vào kẽ đá, bà con phải dùng miếng nhôm tự chế hình dạng giống chiếc đĩa để cạo vào mặt đá.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 10

Mùa rong mứt bắt đầu từ tháng 10 đến cuối tháng 12 dương lịch. Theo người dân, nhiều vùng biển trên cả nước cũng có món này. Tuy nhiên, ở vùng Nam Ô (Đà Nẵng) mứt được cho là ngon nhất bởi từng được dùng làm món quà tiến vua.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 11
Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 12

Khoảng 7h sáng, nhiều người đu mình qua những khối đá lớn để mưu sinh. Bà con đi hái rong, mứt biển cho biết, do nước triều lên xuống rất nhanh nên tranh thủ thu hoạch trong thời gian từ tảng sáng tới giữa buổi.

Sau thời gian này, đa số chỉ còn lại người già, trẻ con bám trụ để cạo rong khô sót lại nằm gần mép bờ.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 13

Mứt biển thường mọc trên những gành đá cheo leo. Những bãi đá này rất trơn, lởm chởm, gồ ghề nên người hái phải dùng mọi cách như nằm, bò, trườn để có thể bám mình trên đá.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 14

Trong không gian tĩnh mịch, bỗng một tiếng ầm vang lên. Cơn sóng lớn bất ngờ xô mạnh vào gành, bà Cao Thị Xanh (52 tuổi) vội bám vào vách đá, dùng hết sức trườn người lên để thoát ra khỏi cơn sóng dữ đang muốn nhấn chìm mình vào biển nước.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 15

Sóng tan, quần áo bà ướt sũng, gương mặt tái nhợt khi không tin mình vừa thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Nhưng rồi không để cho tinh thần hoảng loạn, bà tiếp tục đứng trên mép đá mưu sinh.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 16

Lúc hái "lộc biển" này, người thợ phải trụ vững, chân bấu chặt gành đá, tay cậy mứt mà mắt phải dõi ra biển canh sóng. Nếu sơ sẩy, gặp sóng lớn bất ngờ sẽ trượt chân, ngã xuống biển ngay.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 17

"Chạy sóng, chạy sóng chị Thư ơi!", một người phụ nữ hét to khi thấy chị gái còn đứng dưới ghềnh, ngoài khơi cơn sóng lớn đang ập vào. Rất may, nghe tiếng hét, người phụ nữ kịp chạy né cơn sóng dữ.

"Cái nghề này khắc nghiệt lắm, nhanh chân thì sống, chậm chân thì... chết. Không cẩn thận là bị sóng lôi xuống biển, mất mạng như chơi", bà Bùi Thị Tám nói.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 18

Hơn 10 năm gắn bó với cái nghề mà ông Nguyễn Văn Hà (45 tuổi) gọi là "bán bát máu, ăn bát cơm", ông không nhớ nổi bao nhiêu lần đã bị sóng đánh ngã dúi dụi, bị hàu cứa trầy lưng.

Trong những lần như thế ông thấy mình thật may mắn khi không phải bỏ mạng nơi vách đá chênh vênh.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 19

Nhìn về phía xa, nơi có những thanh niên đang đứng chênh vênh và sắp rơi xuống biển. Anh Lê Văn Sinh (40 tuổi) bộc bạch: "Người làm nghề như tôi thì sinh - tử chỉ cách nhau một bước chân sai lầm".

"Vì miếng cơm, manh áo, biết nguy hiểm nhưng vẫn phải làm. Đã không ít người bị gãy chân, tay hay phải mang thương tật vì trượt chân té gành, sóng quật vào đá rồi", anh Sinh thở dài, nói.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 20

Vừa dứt lời, anh Sinh bị sóng tràn qua, hất rơi xuống nước. "Sinh ơi, mi đâu rồi?", người phụ nữ bên cạnh hoảng hốt. "Tôi đây, tôi đây!", anh Sinh đáp lại khi vừa ngoi lên mặt nước để người gọi yên lòng.

"Nghề này sống chết không biết được, đi làm phải trông chừng, nhắc nhở lẫn nhau. Đừng ham việc mà quên đi tính mạng mình", anh Sinh cười, rồi nói như để phân bua.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 21

Là người may mắn thoát chết trong một lần trượt chân té xuống biển, bà Lê Thị Hưởng (80 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam) vẫn còn rùng mình mỗi khi nhớ lại.

Bà Hưởng kể, khi còn trẻ, bà thường cùng với những người trong làng đi thuyền ra gành đá ở Cù Lao Chàm (TP Hội An) hái mứt.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 22

Cũng như mọi hôm, bà bu gành đá để có cho mình một chỗ hái an toàn. Nhưng hôm đó bất ngờ có một cơn sóng lớn ập vào, kéo bà xuống biển trong sự hốt hoảng của mọi người.

"Khi rớt xuống biển, tôi cố gắng ngóc lên nhưng sóng cứ nhấn chìm tôi. Lúc đó cứ tưởng là chết rồi, nhưng không bỏ cuộc, tôi cứ cố gắng ngụp lặn rồi bám vào được gành đá và mọi người kéo lên", bà Hưởng nhớ lại.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 23

Quả thật, ở xóm mứt những người treo mình trên vách đá thật can trường, dẫu công việc của họ vượt quá sức, quá vất vả nhưng niềm vui và động lực chính là các con được có cái ăn, ấm cái mặc và không phải thất học.

Mứt biển là quà tặng trời cho những người con luôn trung thành với biển, giúp họ có kế sinh nhai khi không thể vươn khơi.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 24
Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 25

Rong sau khi được hái về sẽ rửa qua một lần nước biển. Rong tươi có giá 120.000-150.000 đồng/kg. Trung bình, một ngày, mỗi người có thể kiếm được 500.000 đồng từ việc hái rong mứt.

Chuyện sinh - tử trên gành đá Nam Ô: Chậm chân là... chết! - 26

Đúng 10h trưa, trời đổ mưa, gió và sóng mỗi lúc một lớn, nhóm người hái mứt vượt qua chỏm đá cheo leo để về nhà. Vẫn còn kịp phiên chợ sáng để bán mớ rong vừa hái được.

Sau lưng họ, những con sóng vẫn vỗ vào đá, tung bọt trắng xóa!