Đà Nẵng:

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề "lơ ngơ là lên bàn thờ"

Hoài Sơn

(Dân trí) - Để có được những con ốc, ghẹ… tươi ngon, người lặn bắt phải "trầy vi tróc vảy" ở các ghềnh đá. Trực tiếp chứng kiến, thực hành chuyện "cắm đầu xuống biển", mới thấm thía công việc cực khổ nơi đây.

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 1

Theo lịch hẹn trước, khoảng 16h, chúng tôi có mặt ở làng chài Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để theo chân anh Nguyễn Văn Vũ (37 tuổi) một người đi lặn tìm "lộc biển" gần bờ.

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 2

Cầm trên tay chiếc kính lặn cùng một chiếc túi, anh Vũ tiến về phía biển. Tới ghềnh đá, tưởng như bất ngờ, trời bắt đầu nổi gió, sóng mạnh tới tấp dồn bờ. Anh Vũ nhìn trời rồi quyết định: "Hôm nay chỉ lặn gần bờ thôi chứ sóng lớn như này ra xa có khi một đi không trở lại đấy".

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 3

Câu chuyện chưa dứt, anh Vũ đã nhảy xuống biển, mò mẫm dưới các rạn đá, cần mẫn tìm hải sản. Dưới làn nước trong vắt có thể thấy rõ từng động tác của anh. Sau ít phút lùng sục, anh trồi lên mặt nước, bỏ mấy con ốc vào túi rồi lại lặn xuống…

Người đội sóng, ngụp lặn săn "lộc biển" dưới ghềnh đá

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 4

Theo anh Vũ, nghề lặn biển rất nguy hiểm. Nghề được mọi người nói vui "lơ ngơ là lên bàn thờ" vì không ít người vùng này đã bỏ mạng với nghề, đa số là người vừa tập lặn chưa có kinh nghiệm, nhưng cũng có những thợ lặn lâu năm vẫn bị sức ép của sóng đánh cho tơi tả.

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 5

"Tôi chỉ lặn gần bờ thôi. Có nhiều người lặn ở những vùng nước sâu hàng chục mét thì nguy hiểm lắm. Nhiều người ngạt khí, bị nước ép khiến tai ù, tay chân mất cảm giác…là chuyện bình thường", anh Vũ nói.

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 6

Công việc của nhiều người lặn biển như anh thường bắt đầu khi thủy triều xuống đến khi nước lên, sóng lớn là lên bờ. Hằng ngày, bằng kinh nghiệm của mình, anh nhìn nước, hướng gió, cứ thấy nước trong sóng lặng là đi "săn".

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 7

Nghề lặn "có đồng ra, đồng vào" nhưng công việc rất vất vả, muốn có thu nhập cao họ phải có sức khỏe, độ bền tốt để ngâm mình hàng giờ liền dưới nước và chống chọi lại những đợt sóng dữ đánh úp.

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 8

Bên cạnh đó, muốn bắt được hải sản, thợ lặn phải tinh mắt quan sát, có khi mất nhiều sức. Mỗi lần ngoi lên, người thợ phải ráng sức hít, lấy nhiều hơi để lặn, sau đó dùng tay, dụng cụ hỗ trợ để cạy lấy hàu, ốc hoặc móc ghẹ đang lẩn trốn dưới những hốc đá.

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 9

Trời dần tối, sóng cũng bắt đầu mạnh hơn, anh Vũ vừa ngoi lên thì bất ngờ một cơn sóng lớn ập vào. Anh cố gắng gồng tay bám vào tảng đá gần đó trước khi con sóng cuộn trở lại biển. Khi nguy hiểm qua đi, nhìn lại cánh tay vừa dính một vết cứa, nói: "Cơn sóng làm trầy vi tróc vẩy hết rồi chú ơi".

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 10

Hải sản thu được sau mỗi chuyến ngụp lặn dưới biển chủ yếu là ốc, ghẹ, hàu… Tất cả được anh Vũ dồn vào một chiếc túi.

Theo chân ngư dân đội sóng, ngụp lặn làm nghề lơ ngơ là lên bàn thờ - 11

"Ngày may mắn, tôi có thể bắt được vài ký ghẹ, ốc, bán cũng được vài trăm nghìn đồng. Nhưng nay được ít quá, tầm 2kg thôi nên để lại cho gia đình thưởng thức chứ bán cũng uổng", anh Vũ nói và giơ cao túi "chiến lợi phẩm".