EU phản bác Mỹ: Châu Âu nhỉnh hơn Washington về hỗ trợ cho Ukraine
(Dân trí) - Quan chức EU cho rằng, châu Âu hỗ trợ cho Kiev nhiều hơn Mỹ trong cuộc chiến giữa Ukraine với Nga.

Ông Andrius Kubilius, Ủy viên Quốc phòng EU (Ảnh: Kyiv Independent).
Sự trở lại của ông Donald Trump tại Nhà Trắng đã khiến Kiev và châu Âu đặt ra một câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine nếu Mỹ rút lui?
Trong những ngày gần đây, ông Trump đã chỉ trích châu Âu về việc thiếu đóng góp cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng lục địa này không thể tiếp tục dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh.
"Châu Âu đã cung cấp ít hơn nhiều so với Mỹ. Tôi nghĩ Châu Âu đã cung cấp 100 tỷ USD, và chúng tôi đã cung cấp hơn 300 tỷ USD. Điều đó (việc viện trợ cho Ukraine) quan trọng với họ hơn là với chúng tôi. Chúng tôi cách Ukraine cả một đại dương ở giữa, còn họ thì không", ông Trump nói.
Ông Andrius Kubilius, Ủy viên Quốc phòng EU, đã bác bỏ cáo buộc từ Mỹ khi trả lời phỏng vấn Kyiv Independent.
Theo ông Kubilius, tổng hỗ trợ của EU cho Ukraine, bao gồm viện trợ quân sự, ngân sách và nhân đạo, đã lên tới 134 tỷ euro (140 tỷ USD), cao hơn khoảng 30% so với mức hỗ trợ từ Mỹ (100 tỷ USD). Hiện không rõ ông Kubilius dựa vào đâu để đưa ra con số 100 tỷ USD này.
Trong lĩnh vực quân sự, Mỹ đã cung cấp khoảng 60 tỷ USD, trong khi châu Âu hỗ trợ khoảng 48 tỷ euro (50 tỷ USD).
Ông Kubilius khẳng định rằng EU đã làm rất nhiều để hỗ trợ Ukraine, không chỉ về quân sự mà còn về tài chính và nhân đạo.
Ông cũng phản bác chỉ trích từ Mỹ rằng châu Âu chưa làm đủ, nhấn mạnh rằng EU thực sự đã đóng góp lớn hơn so với Washington. Thay vì chỉ trích lẫn nhau về việc ai phải hỗ trợ nhiều hơn, ông Kubilius kêu gọi cả hai bên hợp tác để đưa ra một kế hoạch rõ ràng nhằm củng cố sức mạnh của Ukraine và châu Âu trước các thách thức an ninh sắp tới.
Tuy nhiên, ông Kubilius nhấn mạnh rằng cả Mỹ và EU đều chưa chi hơn 0,1% GDP của mình để hỗ trợ Ukraine, và con số này cần phải tăng lên. Theo ông, mục tiêu của phương Tây là đạt được "hòa bình thông qua sức mạnh", và để làm được điều đó, châu Âu cần tăng cường viện trợ quân sự hơn nữa.
Một đề xuất từ phía Mỹ gần đây cho rằng châu Âu có thể mua vũ khí của Mỹ để cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Kubilius cho rằng phương án tối ưu là đầu tư vào sản xuất quốc phòng của Ukraine. Điều này có thể giúp tăng gấp đôi số lượng vũ khí cung cấp cho Kiev mà không cần tăng ngân sách.
Một trong những vấn đề lớn nhất đối với EU là sự chậm trễ trong việc bàn giao vũ khí, điển hình là 1 triệu quả đạn pháo mà châu Âu cam kết viện trợ cho Ukraine nhưng bị trì hoãn đáng kể.
Theo ông Kubilius, cuộc chiến ở Ukraine đã phơi bày những điểm yếu nghiêm trọng trong năng lực quốc phòng của EU.
Vào năm 2022, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chỉ có khả năng sản xuất khoảng 300.000 quả đạn pháo mỗi năm. Sau khi nhận ra vấn đề này, EU đã triển khai chương trình ASAP để tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng. Nhờ đó, dự kiến đến cuối năm 2025, châu Âu có thể sản xuất khoảng 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm, tức là gấp 8 lần so với trước đây.
Dù vậy, ông Kubilius cảnh báo rằng Nga vẫn đang có lợi thế nhờ vào cỗ máy quân sự mạnh mẽ và sự hỗ trợ từ các đồng minh. Ông cho rằng EU cần tiếp tục mở rộng sản xuất vũ khí trong tất cả các lĩnh vực nhằm đối phó với thách thức này.
Một đề xuất đáng chú ý của ông Trump là yêu cầu các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, cao hơn nhiều so với mức 2% hiện tại.
Tuy nhiên, ngay cả Mỹ cũng chỉ đang chi khoảng 3,5% GDP cho quốc phòng. Một số quốc gia EU như Ba Lan đã nâng chi tiêu lên 4,5%, trong khi các nước vùng Baltic dự kiến sẽ tăng lên 5-6%.
Ông Kubilius nhấn mạnh rằng quyết định tăng cường chi tiêu quốc phòng của châu Âu không phải vì ông Trump yêu cầu, mà vì mối đe dọa từ Nga. Ông cảnh báo rằng nếu EU không sẵn sàng tăng cường năng lực phòng thủ ngay từ bây giờ, châu Âu có thể đối mặt với một thách thức thực sự trong tương lai gần.