DMagazine

Chủ tịch Quốc hội: Đặc biệt quan tâm phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng

(Dân trí) - “Tuổi các mẹ càng nhiều, sức các mẹ ngày càng yếu. Chính bởi vậy, các ngành, các cấp phải quan tâm đặc biệt đến việc phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng…”.

Chủ tịch Quốc hội: Đặc biệt quan tâm phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng

“Tuổi các mẹ càng nhiều, sức các mẹ ngày càng yếu. Chính bởi vậy, các ngành, các cấp phải quan tâm đặc biệt đến việc phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng…”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân phát biểu tại Lễ gặp mặt 300 đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Chủ tịch Quốc hội: Đặc biệt quan tâm phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 1

Chiều 24/7, tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã trang trọng tổ chức buổi gặp mặt 300 đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

"Cần đặc biệt quan tâm phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng"

Những điều trân quý

Dự buổi gặp mặt còn có Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga. 

Chủ tịch Quốc hội: Đặc biệt quan tâm phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 2

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ niềm vinh dự, xúc động được đón các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Nhà Quốc hội.

“Đây là điều trân quý. Các mẹ đã tuổi cao sức yếu, trong đó có hơn 100 Mẹ trên 90 tuổi, nhưng vẫn có sức khỏe để về dự cuộc Gặp mặt Bà Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 rất trang trọng và ý nghĩa này”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói. 

Giới thiệu về Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Các mẹ đang ngồi tại Hội trường Diên Hồng. Đây là vị trí trung tâm của Nhà Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tại đây mỗi năm, Quốc hội tổ chức 2 kỳ họp để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến tổ chức Lễ gặp mặt Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu của Bộ LĐ-TB&XH để có dịp thể hiện lòng biết sơn sâu sắc đến các mẹ.

“Những hy sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả và thiêng liêng của các Mẹ đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Các Mẹ là những minh chứng sống về tấm gương của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động nói.

Chủ tịch Quốc hội: Đặc biệt quan tâm phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 3

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trò chuyện cùng Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Ngày “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái”

Nhắc lại truyền thống đền ơn đáp nghĩa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, 73 năm đã qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị chọn ngày 27 tháng 7 hằng năm là Ngày “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.

“Người căn dặn “Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy", ... Chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến việc ban hành các chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng và có kế hoạch trong Ngân sách nhà nước để thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trong thời gian tới, các ngành, các cấp, các địa phương, nhất là Bộ LĐ-TB&XH cần làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người có công và thân nhân người có công, đặc biệt là chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sau 25 năm triển khai Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, Nhà nước đã phong tặng, truy tặng gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chủ tịch Quốc hội: Đặc biệt quan tâm phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 4

Trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng nhiều nhất là 15.261 mẹ.

Từ khi Pháp lệnh được ban hành đến nay, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, Nhân dân cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực, tri ân các mẹ. Đến nay còn 4962 mẹ còn sống và đang được chăm sóc, phụng dưỡng. 

Lan toả hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, toàn xã hội cũng luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, thông qua việc thực hiện sâu rộng các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

“Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng xã hội, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.