DNews

Muốn thành công xưởng toàn cầu, Ấn Độ gặp khó chỉ vì... cái tủ lạnh

Phương Liên

(Dân trí) - Ấn Độ đang muốn trở thành công xưởng mới của thế giới với cuộc đua khẳng định vị thế trong ngành công nghệ vũ trụ, bán dẫn... nhưng lại đang có điểm yếu "chí mạng".

Muốn thành công xưởng toàn cầu, Ấn Độ gặp khó chỉ vì... cái tủ lạnh

Nghịch lý "cái tủ lạnh"

Tháng 8 năm ngoái, Ấn Độ đã đưa Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống Mặt trăng. Hàng loạt tin tức tích cực về ngành vũ trụ hàng không đã khẳng định được vị thế của Ấn Độ trong ngành công nghệ. Thậm chí, việc nước này tích cực chạy đua xây nhà máy bán dẫn, phát triển công nghệ chip cũng được đánh giá là đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có điểm yếu "chí mạng" là cơ sở hạ tầng còn yếu và mất cân bằng giữa các khu vực. Điều này khiến quốc gia này thiếu trầm trọng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm và gây thất thoát nhiều lương thực.

Báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc (UN) cho thấy Ấn Độ đang bỏ phí 78,2 triệu tấn lương thực mỗi năm, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc trong bối cảnh chính Ấn Độ cũng đang nằm trong nhóm những nước thiếu lương thực trầm trọng.

Nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ cơ sở hạ tầng kém khiến Ấn Độ không có đủ thiết bị đông lạnh dự trữ lương thực sau thu hoạch. Điều này khiến lượng lớn thực phẩm bị hỏng dưới thời tiết nắng nóng kỷ lục trong mùa hè tại Ấn Độ. Cũng theo báo cáo của UN, bình quân mỗi người dân Ấn Độ bỏ phí 55kg lương thực mỗi năm.

Muốn thành công xưởng toàn cầu, Ấn Độ gặp khó chỉ vì... cái tủ lạnh - 1

Người bán kiểm tra xem những buồng chuối có dấu hiệu hư hỏng hay không tại thành phố Bhubaneswar, Ấn Độ (Ảnh: Bloomberg).

Việc thiếu cơ sở hạ tầng bảo quản thực phẩm này khiến 15% số hoa quả và rau xanh thu hoạch được bị hỏng. Người nông dân nước này không có đủ điều kiện để đầu tư hệ thống thiết bị bảo quản lạnh cũng như chi phí vận chuyển giữ đông. Hậu quả là dưới thời tiết nắng nóng kỷ lục, phần lớn nông sản thu hoạch đều bị ảnh hưởng.

Bình quân, Ấn Độ thiệt hại khoảng 18,4 tỷ USD tổng giá trị lương thực trong năm tài khóa 2020-2021 vì cơ sở hạ tầng yếu kém. Tổng công suất kho lạnh ở Ấn Độ chỉ vào khoảng 30 triệu tấn nhưng chủ yếu nằm trong tay các lái buôn, trong khi người nông dân không có đủ tiền mua thiết bị và cũng chẳng có đủ xe chuyên dụng bảo quản nông sản.

Bởi vậy, khi một xe nông sản tốn 24 tiếng đồng hồ vận chuyển từ trang trại đến nhà kho lái buôn trong thời tiết nắng nóng, lượng lớn sản phẩm đã bị hỏng.

Tuy nhiên, câu chuyện này cũng liên quan đến cơ sở hạ tầng từ hệ thống giao thông nối liền nông trại đến các cơ sở phân phối, hệ thống phát điện, chuỗi cung ứng sản phẩm, thiết bị kỹ thuật...

Tham vọng soán ngôi thành công xưởng toàn cầu

Ấn Độ đã đón các "đại bàng" Apple, Samsung, Airbus... trong nỗ lực thành công xưởng thế giới. Nước này cũng là thị trường điện thoại di động lớn đứng thứ 2 toàn cầu chỉ sau Trung Quốc.

Ngày nay, iPhone 15 của Apple, Pixel 8 Google và Galaxy S24 Samsung được sản xuất tại Ấn Độ. Thậm chí, Elon Musk cũng đang cân nhắc thành lập nhà máy sản xuất xe điện ở nước này

Không những vậy, tại Ấn Độ, nhiều người thường nói vui rằng trong bất kỳ lĩnh vực công nghệ nào họ cũng có thể tìm được một chuyên gia xứng tầm thế giới. Với dân số 1,4 tỷ người, hàng năm Ấn Độ cung ứng hàng trăm nghìn kỹ sư và chuyên gia phần mềm cho phương Tây.

Hàng loạt ngành như đóng tàu, công nghệ vật liệu, sinh học... tại Ấn Độ đều đang phát triển mạnh mẽ. Thị trường tiêu dùng nước này đứng thứ 11 thế giới và dự kiến tăng lên vị trí thứ 5 vào năm 2030.

Muốn thành công xưởng toàn cầu, Ấn Độ gặp khó chỉ vì... cái tủ lạnh - 2

Tim Cook, CEO Apple, trong lễ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ (Ảnh: The New York Times).

Đáng chú ý, Apple là một trong những tên tuổi đi đầu mở cơ hội cho Ấn Độ thành công xưởng thế giới. Le Monde còn từng gọi quyết định đầu tư vào quốc gia Nam Á này năm 2017 của táo khuyết là "canh bạc". Khi ấy, họ bắt đầu bằng việc lắp ráp các mẫu iPhone giá rẻ rồi sau đó mới mở rộng quy mô.

Thế nhưng, chỉ 5 năm sau, Apple đã tăng tốc và bắt đầu sản xuất các mẫu điện thoại mới nhất tại đây, đầu tiên là iPhone 14, sau đó đến iPhone 15. Hiện khoảng 12-14% số điện thoại Apple bán ra trên thế giới được sản xuất tại Ấn Độ và con số này có thể tăng lên 25% vào cuối năm nay.

Sự xuất hiện của "gã khổng lồ" này khiến nhiều người Ấn Độ trở nên vui vẻ và hào hứng. Ông Anand Mahindra, Chủ tịch Tập đoàn sản xuất ô tô Mahindra & Mahindra, chia sẻ niềm vui trên mạng xã hội X: "Gần đây tôi đến một cửa hàng ở Mỹ để mua sim và tự hào nói với nhân viên bán hàng rằng iPhone 15 của tôi được sản xuất tại Ấn Độ".

"Make in India"

Để hiện thực hóa tham vọng trở thành công xưởng mới của thế giới, quốc gia Nam Á này đã đưa ra sáng kiến "Make in India" nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, vốn chỉ chiếm 17% GDP. Chiến lược này gồm tăng thuế nhập khẩu để khuyến khích sản xuất nội địa.

Năm 2020, họ đưa ra hình thức trợ cấp xuất khẩu thông qua việc rót gần 22 tỷ USD cho 14 lĩnh vực chính, như sản xuất điện thoại thông minh, sản phẩm y tế và linh kiện ô tô.

Tăng trưởng kinh tế cao và dân số đông nhất thế giới cũng là những lợi thế giúp quốc gia Nam Á thu hút các tập đoàn muốn tiếp cận thị trường đang bùng nổ này. Ông Vivien Massot, CEO Công ty phân tích rủi ro kinh tế Tac Economics, cho hay nhiều doanh nghiệp Pháp đến sản xuất tại đây để tiếp cận thị trường nội địa, hơn là xuất khẩu.

Muốn thành công xưởng toàn cầu, Ấn Độ gặp khó chỉ vì... cái tủ lạnh - 3

Chuyên gia cho rằng Ấn Độ chưa có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế hướng đến cột mốc thu nhập cao hơn (Ảnh: WSJ).

Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện chiếm 30% giá trị gia tăng toàn cầu trong sản xuất hàng hóa và con số này gấp 10 lần Ấn Độ. Vì vậy, lĩnh vực sản xuất cần có tốc độ tăng trưởng cực nhanh trong 20 năm để bắt kịp.

Ấn Độ ghi nhận 71 tỷ USD vốn FDI trong năm tài chính 2022-2023. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ấn Độ chia sẻ rằng nước này đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mỗi năm trong giai đoạn tới.

Để đạt được điều đó, Ấn Độ sẽ cải thiện 4 động lực, gồm cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống tầng lớp thu nhập thấp nhất, thúc đẩy sản xuất và đơn giản hóa các quy trình thủ tục.

Ấn Độ cho biết họ sẽ cho phép 100% vốn FDI trong sản xuất vệ tinh và nới lỏng các quy định sản xuất tên lửa, nhằm gia tăng thị phần trên thị trường vũ trụ toàn cầu. Điều này sẽ mở ra cơ hội dễ dàng hơn cho các "ông lớn" trong ngành như SpaceX, Maxar, Intelsat, Airbus... Theo các chuyên gia, việc thương mại hóa lĩnh vực sản xuất vệ tinh sẽ mang lại mức sinh lời cao và có nhiều mối quan hệ hợp tác khả thi.

Giấc mơ liệu có xa vời?

Những số liệu "khủng" trên khiến nhiều người cho rằng Ấn Độ phải là một nền kinh tế phát triển rực rỡ chẳng kém Trung Quốc, nhất là với tham vọng soán ngôi công xưởng toàn cầu.

Thế nhưng, hệ thống đường sá, giao thông, viễn thông của Ấn Độ đã xuống cấp nghiêm trọng và không được đầu tư. Wall Street Journal thậm chí đã miêu tả thành phố Mumbai (Ấn Độ) có những con đường 3 làn nhưng thường xuyên bị tắc nghẽn bởi 5 làn xe cộ bấm còi inh ỏi. 

Muốn thành công xưởng toàn cầu, Ấn Độ gặp khó chỉ vì... cái tủ lạnh - 4

Một gian hàng bán hoa quả tại khu chợ thành phố Vizianagaram, Ấn Độ (Ảnh: Bloomberg).

Quốc gia Nam Á này vẫn còn chặng đường dài để có thể thay thế được Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại toàn cầu. Nhìn vào chuỗi giá trị toàn cầu, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ không cùng phân khúc với Trung Quốc vì vẫn còn nằm khá nhiều ở hạ nguồn.

Ngoài ra, gã khổng lồ Nam Á phải đối mặt với rất nhiều thách thức khác nếu muốn trở thành một công xưởng thế giới mới. Cơ sở hạ tầng kém phát triển khiến việc cung cấp điện trong nước thiếu ổn định.

Về nhân lực, dù các kỹ sư hàng đầu Ấn Độ ghi nhận nhiều thành tựu trên khắp thế giới nhưng nước này cũng đối mặt với tình trạng thiếu lao động tay nghề cao. Khoảng 350 triệu người không biết đọc hoặc viết và chỉ một phần nhỏ dân số được đào tạo chuyên môn.

Theo công ty phân tích Oxford Economics, Ấn Độ chưa có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế hướng đến cột mốc thu nhập cao hơn. Thậm chí nước này vẫn đi sau Trung Quốc, nền kinh tế vốn đã dành nhiều thập kỷ đầu tư số tiền khổng lồ vào cơ sở hạ tầng để củng cố vị thế là công xưởng của thế giới.

"Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ có tốt hơn không? Câu trả lời là có. Liệu có đủ tốt để đáp ứng các tham vọng kinh tế của Ấn Độ không? Câu trả lời là không. Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện", ông Arup Raha, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics, nhận định với WSJ.