Chủ tịch VCCI nói về "cơ hội lịch sử" của giới doanh nhân Việt

Phương Liên

(Dân trí) - Chia sẻ về mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 66, chủ tịch VCCI cho biết chưa bao giờ Việt Nam ta có cơ hội lớn để nâng lên, đuổi kịp các nước như bây giờ. Cơ hội này không chỉ dành cho doanh nhân.

Việt Nam cần có đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh

Chính phủ mới đây ban hành Nghị quyết 66 nhằm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Trong đó, ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, mục tiêu được đặt ra là có ít nhất 10 doanh nhân vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Chủ tịch VCCI nói về cơ hội lịch sử của giới doanh nhân Việt - 1

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (Ảnh: HT).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã chia sẻ về nhiều điểm nhấn trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. 

Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu có 10 tỷ phú, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này và chúng ta cần làm gì để cụ thể hóa mục tiêu?

- Tôi không kỳ vọng Nghị quyết 41 là "cây đũa thần" lập tức tạo đột phá cho môi trường kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng là doanh nghiệp phải tạo ra giá trị cho xã hội.

Việt Nam cần có đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh. Để nâng tầm vị thế doanh nhân Việt Nam, điểm mới mà Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết 41 là đào tạo đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Muốn doanh nghiệp mạnh, đội ngũ doanh nhân cần được đào tạo mạnh hơn nữa, điều này trước đây chưa thực hiện được.

Nghị quyết 41 yêu cầu phải xây dựng một chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia. Các ngành, các địa phương cũng phải có chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân. Như vậy chúng ta mới xây dựng được đội ngũ doanh nhân một cách bài bản. 

Chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội lớn như bây giờ

Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng đâu đó vẫn còn tâm lý doanh nghiệp không muốn lớn? Đâu sẽ là những vấn đề sống còn của doanh nghiệp Việt Nam?

- Tôi cho rằng khát vọng phát triển, kinh doanh của người Việt rất lớn, vấn đề là kiến tạo môi trường ra sao. Trong đó, môi trường pháp lý cần bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng doanh nghiệp "sợ" lớn, không muốn lớn. Nguyên nhân có thể đến từ 2 góc độ là môi trường kinh doanh và đội ngũ doanh nhân.

Trong đó, môi trường kinh doanh là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh là nước, doanh nghiệp là cá. Nước tốt, cá mới sống khỏe và lớn được; ngược lại, nước không tốt, thậm chí ô nhiễm thì cá bơi đi, còn nếu ở lại sẽ chết hoặc còi cọc mãi không lớn.

Do đó, Nghị quyết 41 yêu cầu ở tầm cao mới, cao hơn rất nhiều. Trước đây là môi trường kinh doanh thuận lợi, bây giờ là thuận lợi - an toàn - bình đẳng. Chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn xuất hiện nếu đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng.

Chủ tịch VCCI nói về cơ hội lịch sử của giới doanh nhân Việt - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân trong buổi gặp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (Ảnh: VGP).

Thời gian qua, kinh tế trong nước đã chịu tác động mạnh từ bất ổn về địa chính trị và kinh tế thế giới. Trong hoàn cảnh như vậy, ông đánh giá thế nào về những thách thức cũng như cơ hội của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam?

- Chưa bao giờ Việt Nam ta có cơ hội lớn để nâng lên, đuổi kịp các nước trên thế giới như bây giờ. Cơ hội này không chỉ dành cho doanh nhân mà còn là cơ hội lịch sử cho Việt Nam, nếu trôi qua thì không biết bao giờ có lại.

Hậu Covid-19, xung đột địa chính trị khiến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xuất hiện nhu cầu sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Trong quá trình sắp xếp này, Việt Nam là một trong những "tâm điểm" chú ý của thế giới.

Hơn lúc nào hết, đây là lúc cần phải đào tạo, thúc đẩy, nâng tầm đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam để trở thành đối tác xứng tầm với các doanh nghiệp nước ngoài.

Muốn chơi được với thế giới, chúng ta phải hiểu thế giới. Doanh nhân phải có tư duy hội nhập, hiểu được văn hóa kinh doanh quốc tế, từ đó mới lãnh đạo, hoàn thiện doanh nghiệp để hòa đồng với văn hóa quốc tế.

Xin cảm ơn ông!