(Dân trí) - Dragon Capital nhận định năm 2025 sẽ là bước đệm quan trọng cho chu kỳ tăng trưởng mới 2026 - 2030, mở ra nhiều triển vọng tích cực cho môi trường đầu tư trung và dài hạn dựa trên chính vị thế và nội lực mạnh mẽ của Việt Nam.
Năm 2024, Việt Nam đạt 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, vượt qua các thách thức chung về địa chính trị và suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2024 tăng trưởng 7,09%, vượt xa mục tiêu đề ra là 6-6,5% và dự báo của nhiều tổ chức quốc tế là 6-6,7%. Nhờ 2 động lực chính từ dịch vụ (đóng góp 49,46%) và sản xuất công nghiệp (đóng góp 45,17%) vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cũng được đánh giá là "nhân tố bất ngờ" với kim ngạch xuất - nhập khẩu xác lập kỷ lục 786,29 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 17/20 nền kinh tế đạt quy mô thương mại lớn nhất thế giới, theo Bộ Công Thương. Riêng xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD - tăng 14,3% so với năm 2023 và gấp gần 2,5 lần chỉ tiêu đề ra là 6%, đồng thời tạo thặng dư xuất siêu gần 25 tỷ USD giúp nâng cao dự trữ ngoại hối cho quốc gia. Điện tử, máy tính và linh kiện dẫn đầu về giá trị xuất khẩu 72,6 tỷ USD - tăng trưởng 26,6%, còn cho thấy cơ cấu hàng hóa đang chuyển dịch hiệu quả từ sản phẩm thô sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Bộ Khoa học và Công nghệ tổng kết vốn giải ngân của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 25,35 tỷ USD trong năm 2024 - tăng 9,4% so với năm trước và cao nhất từ trước đến nay. Trong 42.002 dự án FDI hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Những kết quả này góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, từng bước chuyển mình từ "quốc gia gia công" sang vai trò "trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển" quan trọng của các tập đoàn lớn như Apple, Nvidia, Samsung…
"Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" là thông điệp vĩ mô được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây, thể hiện niềm tin sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã tiến đến thời điểm có thể thực hiện cú phát triển nhảy vọt.
Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, tăng trưởng kinh tế trên 8% hoặc cao hơn nếu thuận lợi. Để trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển thu nhập cao đến năm 2045 theo mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần trải qua chu kỳ tăng trưởng nhanh và bền vững, trung bình 10% mỗi năm kéo dài trên 10 năm.
Tại Tọa đàm Investor Day 2025 với chủ đề "Tăng trưởng cùng Rồng", các chuyên gia tài chính của Dragon Capital đã đưa ra nhận định lạc quan về mục tiêu tăng trưởng 8% GDP giữa bối cảnh kinh tế nhiều điểm sáng lẫn thử thách.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối Đầu tư của Dragon Capital nhấn mạnh, tiêu dùng nội địa (chiếm hơn 60%) và đầu tư xã hội (hơn 30%) sẽ tiếp tục là 2 động lực chính trong cơ cấu tăng trưởng năm nay.
Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, Chính phủ đã phân bổ hơn 27 tỷ USD để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ năm 2025, cũng như đặt mục tiêu tăng lượng khách du lịch trong nước và quốc tế lên trên 10%... Về đầu tư xã hội trong năm nay, nhiều chính sách tài khóa được đẩy mạnh nhằm khai thác và phát huy mọi nguồn lực trong nền kinh tế, bao gồm cả nhà nước, tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia Dragon Capital đặt nhiều kỳ vọng vào động lực đầu tư công cả về quy mô vốn lẫn độ hiệu quả, bởi 1 đồng vốn công được giải ngân sẽ thu hút đầu tư tư nhân và kéo theo nhiều đồng vốn cho xã hội.
Dựa trên dữ liệu của các giai đoạn tăng trưởng cao trong lịch sử cũng như bài học từ các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc - nơi chỉ số ICOR (hiệu quả vốn đầu tư) dao động 3-4, ông Lê Anh Tuấn cho hay, đầu tư cần phải đi đôi với chỉ số ICOR nằm trong ngưỡng 2-4 để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Trong năm cuối của kế hoạch trung hạn 2021-2025, mức đầu tư công ghi nhận kỷ lục lên đến 32 tỷ USD (hơn 6% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Mặt khác, Chính phủ đã tra soát 57 dự án trọng điểm dang dở nhiều năm qua để xử lý lãng phí vốn nhà nước; đồng thời chọn lọc các dự án chiến lược tập trung vào 2 lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng, đặt tốc độ hoàn thành làm ưu tiên hàng đầu để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Đối với vốn đầu tư tư nhân, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều, song chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả.
Theo thống kê của Dragon Capital đối với thị trường chứng khoán - kênh dẫn vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, vốn đầu tư dài hạn của các công ty niêm yết từng đạt mức tăng trưởng kép 14%/năm trong giai đoạn 2015-2018, song từ 2021 đến 2023 lại tăng trưởng âm. Điều này có nghĩa là, thay vì mở rộng sản xuất hoặc kinh doanh, các công ty đang cắt giảm đầu tư vào phát triển dài hạn, do các hạn chế về môi trường kinh doanh.
Để có giải pháp tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn vốn hiệu quả và phát triển thị trường vốn, các nhà điều hành đã ban hành hàng loạt sửa đổi của Luật Chứng khoán, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đầu tư công… có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đồng thời, các chính sách tài khóa về thuế và tiền tệ hiệu quả nhiều năm qua tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc lâu dài cho nền kinh tế.
Tại Investor Day, các chuyên gia nhận định một chu kỳ đầu tư mạnh mẽ đang dần hiện hữu, đồng pha cùng Việt Nam tiến bước vào "Kỷ nguyên vươn mình" của tăng trưởng kinh tế và đổi mới chính trị.
Dragon Capital cũng công bố bảng đánh giá hiệu suất của các kênh đầu tư, trong đó cổ phiếu và bất động sản được đánh giá cao về hiệu suất đầu tư, cùng đạt mức 3,5 - 4 điểm. Với mức điểm 3, trái phiếu được đánh giá là kênh đầu tư tốt hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng, song cần chú ý rủi ro và thanh khoản.
Dành cho các nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm lợi nhuận dài hạn ổn định, ông Lê Anh Tuấn nhận định năm 2025, thị trường chứng khoán sẽ mang đến cơ hội tốt để đầu tư nhờ vào sự kết hợp giữa tiềm năng tăng trưởng với mức định giá hấp dẫn. Hiện tại các chỉ số định giá như P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) và P/B (hệ số giá trên giá trị sổ sách) đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Mặc dù thị trường có thể chịu tác động ngắn hạn từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu, song tiềm năng tăng giá (upside) trung hạn cao, có thể kỳ vọng lợi nhuận 15 - 17%/năm tương đương tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư mới có thể nắm bắt những cơ hội mới, khi thị trường được kỳ vọng sẽ chịu tác động tích cực từ hai yếu tố quan trọng, có tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Yếu tố đầu tiên là khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Theo ông Lê Anh Tuấn, có thể kỳ vọng vào việc nâng hạng với xác suất khoảng 70% vào tháng 3/2025. Thị trường hiện đã thỏa đạt nhiều tiêu chí và đang tích cực thực hiện 2 tiêu chí còn lại gồm: Thanh toán bù trừ - Chi phí liên quan đến giao dịch thất bại và Chu kỳ thanh toán (DvP).
Hệ thống công nghệ thông tin KRX, đang được Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) phối hợp triển khai và dự kiến sẽ đi vào vận hành trong năm nay, được xem là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Thứ hai là làn sóng phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) sẽ diễn ra mạnh mẽ từ năm 2026, lặp lại chu kỳ quá khứ của năm 2016. Theo đó, 2025 sẽ là năm bản lề cho cơn sóng IPO tiếp theo, với quy mô niêm yết của các công ty có thể lên đến 47,5 tỷ USD trong 3 năm tới. Dẫn đầu là các doanh nghiệp chuyển sàn từ UPCOM lên HNX ước đạt 20,3 tỷ USD và theo sau là IPO các nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ (12,8 tỷ USD), tài chính (5 tỷ USD), công nghệ (4,7 tỷ USD), khách sạn (2 tỷ USD) hay chăm sóc sức khỏe (1,9 tỷ USD)…
Ngay từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam, với phương châm "Đầu tư vào đất nước và con người Việt Nam", Dragon Capital đã chọn con đường đồng hành và đóng góp cho sự phát triển của thị trường vốn bằng việc tiên phong cho ra mắt các sản phẩm đầu tư hiện đại, đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước cũng như quốc tế.
Bà Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Quản lý Tài sản, Khối Trong nước của Dragon Capital nhận định, bên cạnh bất động sản, chứng khoán là kênh mang lại lợi nhuận cao hơn 10% trong suốt hơn 20 năm qua. Và với triển vọng trung hạn từ thị trường, Dragon Capital sẽ tối ưu cơ hội để tiếp nối hiệu suất đầu tư vượt trội so với thị trường của năm 2024 trong thời gian tới.
Quỹ mở DCDS (Quỹ Đầu Tư Chứng Khoán Năng Động DC) tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ cổ phiếu, mang lại tiềm năng lợi nhuận vượt trội cho những nhà đầu tư chấp nhận biến động thị trường trong ngắn hạn. Năm 2024, DCDS ghi nhận tăng trưởng 23,9% - vượt trội hơn 11,8% so với VN-Index, nhờ phân bổ tài sản vào các nhóm ngành tăng trưởng mạnh như ngân hàng, phần mềm, bán lẻ…
Với lợi nhuận kép trung bình trong 10 năm đạt 14,6%/năm, DCDS cho hiệu suất đầu tư thuộc top dẫn đầu suốt thập kỷ và trở thành lựa chọn số 1 của 7 trên 10 nhà đầu tư mới tại Dragon Capital. Cùng với gần 35.000 nhà đầu tư đang đồng hành, DCDS hiện cũng dẫn đầu về số lượng nhà đầu tư trên thị trường.
Riêng với quỹ DCDE (Quỹ đầu tư cổ phiếu tập trung cổ tức), nhà đầu tư sẽ nhận dòng tiền cổ tức hằng năm từ việc đầu tư các công ty có hoạt động ổn định, song song đó vẫn có được tăng trưởng từ giá cổ phiếu trong dài hạn.
DCDE cũng chứng kiến mức tăng trưởng 17,5% - vượt 5,4% so với VN-Index trong năm 2024. Quỹ này phân bổ danh mục theo 2 chiến lược: nhóm cổ phiếu có cổ tức đều đặn (~65% tổng giá trị ) và nhóm cổ phiếu có cổ tức tăng trưởng (~35%). Đây cũng là quỹ duy nhất chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm qua với tỷ lệ cổ tức 5,1% trên giá trị tài sản ròng NAV.
Các quỹ mở như DCIP (Quỹ đầu tư trái phiếu gia tăng thu nhập cố định) và DCBF (Quỹ đầu tư trái phiếu) được thiết kế theo hai khung thời gian đầu tư dưới 6 tháng và trên 6 tháng, phù hợp với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro vừa phải, mong muốn tích lũy với lợi suất cao hơn tiết kiệm và có rủi ro thấp.
DCIP với đặc điểm sinh lời không kỳ hạn là quỹ được các nhà đầu tư ưa thích dùng như 1 ví dự phòng sinh lợi. DCIP dẫn đầu về thanh khoản tại Dragon Capital với 300.000 giao dịch có khối lượng lên đến 16.000 tỷ đồng từ nhà đầu tư trong năm qua.
Trong khi đó, DCBF là quỹ đầu tư vào trái phiếu nhằm mang lại tăng trưởng ổn định. Quỹ mang về lợi nhuận kép trung bình đạt 8,6%/năm suốt 10 năm qua cho nhà đầu tư, cao hơn nhiều so với mức lãi suất tiết kiệm, nên đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và quy mô quỹ đã tăng trưởng lên đến 265% trong năm 2024.
Năm 2025, bà Mỹ Hạnh cho rằng, các nhà đầu tư trung và dài hạn nên cân nhắc duy trì chiến lược đầu tư đều đặn, tối ưu hóa việc sử dụng tiền nhàn rỗi ngắn hạn cũng như lựa chọn sản phẩm quỹ mở phù hợp với khẩu vị và mục tiêu tài chính cá nhân. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể linh hoạt chuyển đổi giữa các quỹ DC mà không phát sinh chi phí, chủ động điều chỉnh danh mục theo từng giai đoạn của thị trường nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.
Thiết kế: Hải An