DNews

Khoảnh khắc rắn hổ mang cực độc xuất hiện trước cửa nhà tại Quảng Trị

T.Thủy

(Dân trí) - Đoạn video ghi lại khoảnh khắc một con rắn hổ mang cỡ lớn xuất hiện trước cửa một ngôi nhà ở tỉnh Quảng Trị, khiến nhiều người chứng kiến phải rùng mình.

Khoảnh khắc rắn hổ mang cực độc xuất hiện trước cửa nhà tại Quảng Trị

Clip rắn hổ mang cỡ lớn xuất hiện trước cửa nhà khiến người xem rùng mình

Đoạn video được ghi lại tại một ngôi nhà ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), cho thấy một con rắn hổ mang cỡ lớn, dài khoảng chừng 2m, xuất hiện trước thềm nhà. Con rắn phình mang, ngóc cao đầu và tìm cách bò vào trong nhà, nhưng lúc này cửa đã bị khóa.

Clip rắn hổ mang cỡ lớn xuất hiện trước cửa nhà khiến người xem rùng mình (Video: Trường Sinh).

Theo tác giả của đoạn clip, do không ai trong khu vực có kinh nghiệm xử lý rắn độc nên những người trong gia đình đã chọn giải pháp tiêu diệt con rắn, đề phòng trường hợp có người bị cắn.

Dựa vào màu sắc, kích thước và hoa văn trên phần mang của con rắn, nhiều khả năng đây là một cá thể rắn hổ đất, còn có tên gọi hổ mang một mắt kính, hổ phì… có tên khoa học Naja kaouthia. Loài rắn này được phân bố từ Ấn Độ, Bangladesh đến một phần nhỏ phía Tây Nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Việt Nam…

Tại Việt Nam, rắn hổ đất được phân bố tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh thành ở phía Nam.

Rắn hổ đất có thể sống ở nhiều môi trường khác nhau, bao gồm cả rừng ngập mặn, ruộng lúa, đầm lầy, đồng cỏ… Rắn hổ đất cũng có thể bắt gặp ở những khu vực con người sinh sống, bao gồm cả ở những thành phố lớn, tại những bãi đất trống bỏ hoang cây cỏ rậm rạp…

Rắn hổ đất có kích thước lớn, thường dài từ 1,3 đến 1,5m và có thể dài đến hơn 2m, dù hiếm gặp. Màu sắc da của rắn hổ đất thường đậm, đôi khi có màu đen tuyền toàn thân.

Khoảnh khắc rắn hổ mang cực độc xuất hiện trước cửa nhà tại Quảng Trị - 1

Hổ đất, còn có tên gọi hổ mang một mắt kính, là một trong 4 loài thuộc chi hổ mang thực sự (Naja) được phân bố tại Việt Nam. 3 loài còn lại là hổ mang Trung Quốc, hổ mang Xiêm và hổ mang Phục Hy (Ảnh: iNaturalist).

Khi tự vệ hoặc bị đe dọa, rắn hổ đất thường ngóc cao đầu và phình rộng mang. Phía sau của phần mang có thể quan sát thấy một hoa văn hình tròn giống như mắt kính. Loài rắn này có khả năng phát ra âm thanh để đe dọa kẻ thù, do vậy nó còn được gọi là rắn hổ phì.

Thức ăn của loài rắn này bao gồm động vật gặm nhấm, cá, ếch và cả một số loài rắn khác…

Rắn hổ đất độc đến mức nào?

Khoảnh khắc rắn hổ mang cực độc xuất hiện trước cửa nhà tại Quảng Trị - 2

Rắn hổ đất nổi bật với hoa văn hình tròn phía sau mang, nhưng hoa văn này cũng có thể thay đổi tùy từng cá thể (Ảnh: AZAnimal).

Giống các loài khác thuộc họ rắn hổ, rắn hổ đất sở hữu nọc độc thần kinh. Nếu nạn nhân bị cắn và không được cấp cứu kịp thời, nọc độc của rắn hổ đất sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng sa mí mắt, đau tức ngực, đau nhức toàn thân, tay chân yếu, mất giọng nói, khó thở… và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Cần làm gì nếu rắn độc trườn vào nhà?

Rắn hổ đất nói riêng và loài hổ mang nói chung (kể cả hổ chúa) đều có đặc điểm dễ nhận dạng vì chúng thường phình mang và ngóc cao đầu để tự vệ hoặc đe dọa kẻ thù. Do vậy nếu mọi người bắt gặp loài rắn này ngoài tự nhiên, hãy tìm cách tránh xa chúng để tránh bị cắn.

Trong trường hợp rắn độc trườn vào nhà, bạn cần phải hết sức bình tĩnh, giữ khoảng cách an toàn với rắn, sử dụng điện thoại để gọi cho những người có chuyên môn về rắn hoặc lực lượng cứu hộ địa phương để nhờ giúp đỡ.

Khoảnh khắc rắn hổ mang cực độc xuất hiện trước cửa nhà tại Quảng Trị - 3

Cần giữ bình tĩnh khi phát hiện rắn trườn vào nhà để chọn cách xử lý phù hợp. Tuyệt đối không cố gắng bắt giữ rắn khi chúng bò vào nhà vì điều này có thể dẫn đến tai nạn bị rắn cắn (Ảnh: SIFASV).

Trong khi chờ lực lượng cứu hộ hoặc nhóm giải cứu rắn đến hiện trường, bạn cần phải luôn để mắt đến rắn, tránh để con vật chạy khỏi tầm mắt và lẩn trốn vào những góc khuất trong nhà.

Nếu không thể liên lạc với lực lượng cứu hộ hoặc các chuyên gia bò sát, bạn có thể sử dụng sào, cán chổi dài… và một cái thùng để đựng rắn. Sau đó, sử dụng sào hoặc cán chổi để lùa hoặc móc rắn cho vào thùng, đậy nắp chặt để tránh con vật trốn thoát.

Nếu không thể bắt giữ hoặc di dời rắn đi nơi khác, bạn có thể chọn giải pháp cuối cùng đó là tìm cách tiêu diệt con vật để đảm bảo an toàn cho tính mạng của bản thân và gia đình.

Trong trường hợp không may bị rắn cắn, cần trấn an nạn nhân bình tĩnh, tránh vận động nhiều khiến tim đập nhanh, đặt vị trí vết cắn thấp hơn tim để tránh nọc độc lan truyền nhanh hơn, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Những biện pháp như rạch vết thương, hút chất độc, đắp lá thuốc… có thể khiến tình trạng nạn nhân càng thêm nghiêm trọng.