(Dân trí) - “Tôi luôn có một niềm tin rằng các gam màu sáng sẽ len lỏi chiếu vào cuộc sống của tôi”, cô giáo Nông Thị Tuyến nói khi đang chống lại căn bệnh ung thư vú nhưng vẫn ngày ngày lên lớp dạy học.
Nuôi con mắc bệnh từ thuở lọt lòng và phát hiện bản thân bị ung thư vú
Cô giáo Nông Thị Tuyến (sinh năm 1984) nuôi quyết tâm theo nghề giáo từ khi còn nhỏ. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cô Tuyến đã cố gắng để thi đỗ trường Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang, trở thành giáo viên dạy thể chất bậc tiểu học.
Ra trường, cô Tuyến công tác tại trường Tiểu học Thiện Kế, thành phố Tuyên Quang (năm 2009). Cô luôn tâm niệm: “Hãy đem không gian lành mạnh đến cho trẻ bằng việc tập luyện thể dục thể thao. Không đơn thuần là học các môn văn hóa, chúng cần được vận động thoải mái để phát huy trí tuệ”.
Năm 2008, cô Tuyến lập gia đình. Cô lần lượt đón hai con chào đời vào năm 2009 và 2012. Sinh em bé đầu, cô Tuyến được bác sĩ báo tin đứa con bé bỏng bị teo thực quản và câm điếc bẩm sinh, kèm theo vàng da sơ sinh. Sau 2 lần đưa con đi phẫu thuật, trái tim của người mẹ, người cha dường như chết lặng.
Tình mẫu tử khiến cô Tuyến kiên trì theo con đi khắp các bệnh viện, tới mức nhân viên y tế nhiều người đã quen mặt mẹ con cô giáo. Cùng con nếm trải đủ các phương pháp điều trị khác nhau, cô Tuyến kể: “Còn nước còn tát. Tôi được các cụ khuyên bảo "có đầu có đuôi nuôi lâu khắc lớn". Mấy năm nay, vợ chồng tôi kiên trì theo con, kiếm được bao nhiêu tiền thì lo chạy chữa cho con hết”.
Trong thời gian ấy, cô Tuyến vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ công tác. Ngày ngày cô vẫn chăm chỉ đi dạy cách nhà 50km.
Chồng cô Tuyến lại thường xuyên xa nhà do đang học đào tạo nâng cao ngành bác sĩ chuyên về chẩn đoán hình ảnh tại Hà Nội. Thương vợ khi phải gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, chăm con nên chồng cô giáo giúp xin chuyển công tác cho cô về trường Tiểu học Minh Cầm cách nhà 10km (năm 2011).
Nỗi đau con bệnh chưa vơi, bất hạnh khác lại đến với gia đình và bản thân cô Tuyến. Năm 2015, cô phát hiện mình bị u ở ngực trái khi đang học liên thông ở Đại học Tân Trào năm cuối.
Cô đi khám thì được báo tin mắc căn bệnh ung thư vú. Khó khăn, sự tuyệt vọng thêm một lần nữa xoáy vào cuộc đời của cô giáo sinh năm 1984.
“Lúc đó, chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc khóa học, tôi quyết định cố học cho xong rồi mới điều trị. Hai vợ chồng đều đang trọ học nâng cao ở Hà Nội nên cuộc sống gia đình có nhiều vất vả, khó khăn chồng chất khó khăn”, cô Tuyến tâm sự.
Luôn lạc quan, quyết tâm gắn bó với nghề giáo
Để chồng chuyên tâm học tập, mọi công việc trong gia đình từ chăm sóc bản thân bệnh tật đến con cái đều do cô Tuyến gánh vác. Đến thời điểm hiện tại, con cô Tuyến đã tăng cân và phát triển khỏe mạnh hơn nhưng em không biết nói, chỉ biết ra ký hiệu cho bố mẹ hiểu.
Ngày cô giáo thi tốt nghiệp liên thông đại học cũng là ngày trong đợt truyền hóa chất trị ung thư, cô Thủy vẫn đi thi bình thường và không để bị ảnh hưởng vào kết quả bài thi. Đến ngày nhận bằng, cô ngậm ngùi đội tóc giả để che đi mái đầu đã nhẵn thín...
Từ một người khỏe mạnh, sau 6 đợt truyền hóa chất, cô Tuyến từ 51kg xuống còn 44kg. Da xanh xao, ốm yếu, cô Tuyến vẫn phải cố gắng để tự chăm sóc cho bản thân và cho hai con.
Cô tâm sự: “Dù có đau như thế nào thì tôi vẫn sẽ cố, tôi sẽ kiên trì theo phác đồ điều trị của bác sĩ để có kết quả lạc quan nhất”.
Đến nay đã được 5 năm chiến đấu với ung thư vú, nhiều lúc tưởng chừng như đã bất lực, nhưng trong cô giáo trẻ vẫn nuôi hoài bão và sự lạc quan vượt qua tất cả.
Một thời gian dài, học sinh và phụ huynh đều tò mò, thắc mắc bởi cô lúc nào cũng đội mũ. Lí do là vì tóc cô mọc quá ngắn hoặc không có tóc. Sự tò mò ấy được thốt lên qua những câu hỏi thơ ngây của học sinh: “Cô ơi sao đầu cô lại bị trọc", "Cô ơi sao tóc cô mọc ngắn thế", "Sao cô cứ đội mũ suốt vậy?”...
Phụ huynh có người còn hiểu lầm, bàn tán: “Sao có cô giáo để đầu như con trai, chắc ăn chơi lắm?”.
Dù rằng cơn đau thường xuyên hành hạ và sức khỏe giảm sút rõ rệt do hóa trị, cô Tuyến vẫn chưa từng có ý định từ bỏ công việc của mình. Mỗi ngày ra sân thể dục nhìn thấy nụ cười của học trò, cô Tuyến lại có thêm năng lượng để tiếp tục cống hiến.
“Tôi đã và đang không ngừng sáng tạo thêm các bài tập mới để các em không bị nhàm chán mỗi khi đến giờ thể dục. Hơn hết là để các em có một không gian vận động lành mạnh trong môi trường giáo dục. Từ đó nâng cao kỹ năng sống cho học sinh mỗi ngày.
Mỗi con người sinh ra đều có hoàn cảnh và số phận không giống nhau. Đâu đó còn nhiều người khó khăn như tôi, thậm chí khủng khiếp hơn. Tôi hy vọng, dù rơi vào hoàn cảnh như thế nào, chúng ta hãy lạc quan chấp nhận và cải thiện nó”, cô giáo Nông Thị Tuyến chia sẻ.