Du khách nước ngoài hủy vé máy bay, chờ ngày được tham quan Cột cờ Hà Nội
(Dân trí) - Từ ngày 1/1, Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách tham quan. Nhiều du khách trong nước và quốc tế vô cùng thích thú, thậm chí có người còn... hủy vé máy bay để chờ ngày được vào thăm di tích.
Bắt đầu mở cửa đón khách tham quan từ 1/1, Cột cờ Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Giá vé tham từ 100.000 đồng/người. Khung giờ mở cửa tham quan Cột cờ Hà Nội 8h-17h các ngày trong tuần.
Được xây dựng từ năm 1805 dưới triều Nguyễn, Cột cờ Hà Nội là chứng nhân hơn hai thế kỷ lịch sử, nằm kiêu hãnh giữa lòng Thủ đô. Trước đây, Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhưng hiện tại đã trở thành một phần của Hoàng thành Thăng Long.
Các máy bay trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, dưới chân Cột cờ, đã được di dời đến địa điểm mới.
Cặp đôi Matteo và Aurelia (du khách người Ý) bày tỏ sự thích thú khi tham quan Cột cờ Hà Nội. "Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi đã tìm hiểu về lịch sử của Cột cờ Hà Nội và vô cùng xúc động khi tận mắt thấy di tích này", Aurelia chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Sebastien Bracq (du khách người Pháp) kể, mình đã dời lịch bay về nước khi biết thông tin Cột cờ Hà Nội sẽ mở cửa đón khách du lịch.
"Tôi đã đến Hà Nội 10 năm trước, nhưng vì lịch trình gấp nên chưa thể ghé thăm Cột cờ Hà Nội. Sau khi về nước, tôi tìm hiểu lịch sử của di tích này và vô cùng tò mò. Khi biết tin du khách có thể tham quan di tích, tôi đã hủy vé máy bay, quyết tâm kéo dài chuyến du lịch để ghé thăm biểu tượng của Hà Nội", anh Sebastien cho biết.
Trong chuyến du lịch đầu tiên tại Việt Nam, anh George Hill, du khách người Anh bày tỏ ấn tượng, xúc động khi được chiêm ngưỡng Cột cờ Hà Nội. "Tôi yêu lịch sử Việt Nam, được tận mắt những di tích lịch sử, tôi càng tò mò, muốn khám phá thêm. Bạn gái là hướng dẫn viên du lịch của tôi vì đây là lần thứ hai cô ấy tới Hà Nội, chúng tôi đều rất hào hứng", anh George Hill chia sẻ.
Xuân Mỹ (18 tuổi, Hải Phòng) cho biết, cô quyết định lựa chọn trang phục kĩ càng, trang điểm thật đẹp để chụp ảnh kỷ niệm trong lần đầu tham quan Cột cờ Hà Nội.
"Mọi góc ở trong khuôn viên tại di tích đều rất đẹp, mang đậm dấu ấn lịch sử. Tuy nhiên, tôi hơi hụt hẫng vì không được lên các tầng trên của Cột cờ", Xuân Mỹ bộc bạch.
Thông tin về Cột cờ Hà Nội được dịch nhiều thứ tiếng, giúp du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận và hiểu thêm về bề dày lịch sử của Việt Nam.
Lối lên tầng hai của Cột cờ Hà Nội, du khách sẽ bước qua những bậc cầu thang lát gạch cũ kỹ. Chiếc cầu thang đủ rộng cho hai người cùng đi, dẫn lối qua những mái vòm đầy hoài niệm. Tại 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của Cột cờ đều bố trí 4 lối lên khác nhau.
Trên cửa phía Đông, hai chữ Hán đắp nổi "Nghênh húc" mang ý nghĩa đón ánh sáng ban mai. Cửa vòm phía Tây được khắc chữ "Hồi quang", thể hiện hình ảnh ánh sáng phản chiếu. Trong khi đó, cửa vòm phía Nam mang dòng chữ "Hướng minh", tượng trưng cho sự hướng về nơi sáng rõ. Riêng cửa phía Bắc không có chữ khắc.
Sân thượng tầng 3 được bao quanh bởi lan can, thân Cột cờ thẳng đứng với những họa tiết tường hoa đan lồng hình lục giác, trông như mạng nhện. Từ vọng gác Kỳ đài, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát khu thành cổ Thăng Long xưa, chiêm ngưỡng Đoan Môn, Cửa Bắc, Lăng Hồ Chí Minh và Hồ Gươm.
Trên thân Cột cờ, du khách có thể thấy nhiều mảng tường bong tróc, in đậm dấu ấn thời gian.
Từ cổng vào, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ Kỳ đài vừa vững chãi vừa thanh thoát. Công trình cao 33m, tính cả trụ treo cờ là 44m, gồm ba tầng đế hình chóp vuông cụt xếp chồng nhỏ dần và một tòa tháp vươn cao.
Trong những ngày đầu mở cửa, mỗi ngày Cột cờ đón hơn 10.000 lượt khách đến tham quan. Chị Nguyễn Minh Thu (Trưởng phòng hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội) cho biết, Trung tâm sẽ sử dụng thêm công nghệ trình chiếu, ánh sáng để tôn vinh thêm giá trị của Di tích vào năm nay.
"Cột cờ Hà Nội sẽ trở thành cầu nối lịch sử và văn hóa, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc. Việc mở cửa đón khách tham quan không chỉ nhằm bảo tồn di sản mà còn là cơ hội để lan tỏa giá trị văn hóa của Thủ đô", chị Thu cho biết.