(Dân trí) - Dịch Covid-19 như một cơn bão tràn qua TPHCM khiến nhiều người gặp khó khăn. Ở tâm dịch Gò Vấp, người lao động nghèo đang phải chật vật kiếm cơm từng bữa và mong đợi ngày kết thúc giãn cách xã hội.
Những phận nghèo "leo lắt" giữa tâm bão Covid-19 ở Gò Vấp
Dịch Covid-19 như một cơn bão lớn tràn qua TPHCM khiến nhiều người gặp khó khăn. Ở tâm dịch Gò Vấp, người lao động nghèo đang phải chật vật kiếm cơm từng bữa và mong đợi ngày thành phố kết thúc giãn cách xã hội.
"Khi nào thì người ta gửi đồ tới cho vậy cô Mây?" - anh Thành ngó qua cửa rồi hỏi vọng vào phòng bác hàng xóm bên cạnh.
"Tui cũng đang chờ từ sáng giờ đây, hy vọng là người ta thương, gửi sớm thì còn có cái mà ăn tạm ít ngày. Nghe đâu họ cho gạo, cho mì tôm nữa chú ạ" - bà Mây nói với vẻ phấn khởi.
Sống lay lắt qua ngày
Sau hơn 10 ngày Gò Vấp bị cách ly theo chỉ thị 16 của chính phủ vì dịch Covid-19, những người lao động nghèo ở con hẻm 474 Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp, TPHCM) phải sống "leo lắt" qua ngày vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Từ sáng sớm, anh Ngô Công Thành (46 tuổi, quê Phú Yên) cùng bà Nguyễn Thị Mây (75 tuổi, quê Bắc Ninh) đã ra trước cửa phòng ngồi, ánh mắt hướng về phía đầu hẻm như đang chờ đợi điều gì đó.
Bà Mây cho biết, cả xóm trọ có 9 phòng, đa số là làm nghề thu lượm ve chai, phụ hồ, nhưng hai tuần nay đều sống chật vật vì dịch. "Người lượm ve chai thì không kiếm được bao nhiêu vì quán xá, nhà dân đóng cửa nên không có gì để nhặt. Người phụ hồ thì ở nhà vì các công trường tạm ngừng hoạt động. Vậy là chết đói hơn chục ngày nay", bà Mây kể.
"Tối hôm qua có một cô ở quận 7, không biết sao lại có số điện thoại của tôi rồi gọi tới, nói là biết cả xóm đang khó khăn, không thể đi làm vì dịch Covid-19 nên gửi một ít đồ cho bà con chống đói tạm. Tôi vui quá, sáng giờ ngồi chờ để nhận đây", bà Mây hớn hở nói.
Ngồi chờ trước cửa phòng, ánh mắt hai người đầy hy vọng.
"Không biết người ta cho gì bà nhỉ, họ nói cho gạo hả cô?", anh Thành hỏi. Bà Mây cũng gật gật rồi liên tục ngó nghiêng khi thấy có xe máy người lạ đi ngang hẻm.
Đến gần trưa, một anh xe ôm công nghệ chở tới hai bao tải đồ, anh Thành cùng bà Mây vội vàng ra giúp khiêng xuống. "Hình như là gạo với mì tôm, cả gia vị nữa cô ạ. Vậy là không lo đói nữa rồi, từng này đồ đem chia cho các phòng, chắc cũng ăn được cả tuần chứ không ít", anh Thành vui mừng.
Sau khi nhận được quà tặng từ nhà hảo tâm, bà Mây chia đều ra từng phần rồi mang sang những phòng trọ trong hẻm. Phòng nào không có ai ở nhà thì đặt trước cửa. Mỗi phòng được vài cân gạo, chục gói mỳ tôm, trứng cùng dầu ăn, gia vị...
Bà Mây kể, lúc trước khi có dịch hàng ngày bà đều dạy từ 6h sáng đi lượm ve chai, có khi đi tới tối mới về, cũng kiếm được ngày 50-70 nghìn đồng, đủ mua thức ăn, tích góp một chút thì vừa đủ trả tiền phòng trọ 1,8 triệu/tháng. Nhưng hơn 2 tuần nay, Gò Vấp bị phong tỏa, đường phố vắng vẻ, hàng quán đóng hết nên có ngày đi từ sáng tới chiều cũng chỉ kiếm được vài cân giấy vụn, ít chai nhựa, bán hơn chục nghìn đồng, chỉ đủ mua ít rau ăn qua ngày.
"Khổ nỗi giờ tôi còn bị tiểu đường, phải tiêm thuốc hàng ngày, một tháng cũng mấy trăm ngàn tiền thuốc, rồi tiền nhà trọ nữa, không biết tới đây lấy gì để trả đây. Giờ ăn còn không đủ thì nói gì dư giả để lo việc khác", bà Mây ngậm ngùi nói. Bữa cơm trưa của bà Mây chỉ có bát canh rau ăn cho dễ nuốt chứ không có chút đồ mặn nào khác.
"Khi nào ba má về? 1 năm rưỡi rồi hổng gặp ba má", Bích Vân (8 tuổi) nhõng nhẽo nói với anh Thành qua điện thoại.
"Chỗ ba má phong tỏa. Dịch bệnh quá. Đợt này chắc ba má hổng về được", anh Thành vừa dứt câu, giọng của bé Vân trong điện thoại như nghẹn lại, rồi im lặng hẳn đi.
Anh Thành cho biết, hai vợ chồng từ Phú Yên vào Sài Gòn mưu sinh đã 6 năm nay, anh làm phụ hồ, vợ làm giúp việc. Nhưng hơn 2 tuần qua dịch Covid-19 phức tạp nên công trình anh làm tạm dừng, vậy là mất việc, chỉ loanh quanh ở phòng trọ. Gánh nặng tiền bạc đè lên vai vợ anh khi phải lo tiền ăn ở hàng ngày, vừa lo tiền gửi về cho ông bà nuôi hai con nhỏ ở quê.
"Không biết khi nào dịch mới hết, chứ kéo dài thế này thì tôi không biết làm sao cả. Phong tỏa khắp nơi, muốn ra đường chạy xe ôm kiếm tạm vài đồng cũng không có khách, khổ lắm", anh Thành buồn rầu nói.
Cũng cùng cảnh ngộ với những người khác trong xóm, bà Nguyễn Thị Hòa (59 tuổi, quê Vĩnh Phúc) mừng rỡ khi nhận được gạo và thực phẩm nhà hảo tâm tặng. Bà Hòa cũng mưu sinh bằng nghề lượm ve chai, suốt hai tuần qua cũng trong cảnh bữa no bữa đói.
"May quá người ta cho gạo, cho mì tôm, còn có cả trứng nữa, vậy là không phải lo tiền mua đồ ăn tuần này rồi. Giờ chỉ lo kiếm tiền phòng trọ thôi", bà Hòa nói.
Bà Hòa cho biết những ngày này đi ra ngoài cũng lo lắm, nhưng mà vẫn phải kiếm sống. "Dịch thì cũng sợ thật, Gò Vấp đang là tâm dịch nữa, nhưng chịu khó bịt khẩu trang kín, tránh xa chỗ đông người ra thì cũng yên tâm hơn".
Chín căn phòng trọ, gần 20 con người, đàn ông khỏe mạnh cũng có, xe gắn máy cũng có nhưng nhiều người khó lòng dùng sức lao động để kiếm sống trong hoàn cảnh phong tỏa như hiện nay được. Họ chỉ còn biết chờ đợi cho qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn, Gò Vấp gỡ phong tỏa để có thể đi làm lại như bình thường.
Mưu sinh giữa tâm dịch
Sau lệnh phong tỏa từ ngày 31/5, quận Gò Vấp nóng hơn bao giờ hết sau khi đây được xác định là tâm dịch của TPHCM, hàng trăm ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện khắp nơi trong khu vực.
Những ngày này, đường phố Gò Vấp vắng vẻ lạ kỳ, xe cộ ít qua lại, hàng quán đóng cửa, nhà dân cũng "cửa đóng then cài". Những phận nghèo mưu sinh càng trở nên khó khăn hơn.
Sau cơn mưa lớn, bà Hòa vẫn như thường lệ, đẩy chiếc xe thu gom phế liệu cũ của mình đi dọc các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Thái Sơn... để thu lượm ve chai.
Giãn cách xã hội nên đường vắng, chả còn hàng quán nào mở cửa, phế liệu, ve chai cũng chẳng còn mà nhặt nữa, chỉ có nghề ve chai là còn làm tự do, nên đôi khi người đi lượm lại nhiều hơn người cho, bán.
"Có khi đi cả sáng không có thu mua, lượm nhặt được gì, đành về không, hoặc phải gắng đi xa hơn để kiếm cho được hơn chục nghìn đủ mua bó rau về ăn cho qua bữa", bà Hòa ngao ngán nói.
Cũng làm nghề thu gom phế liệu ở Gò Vấp, bà Nguyễn Thị Thoa (62 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đẩy chiếc xe đạp cũ ra khỏi con hẻm nhỏ từ sớm để mưu sinh giữa những ngày giãn cách xã hội.
Bà Thoa kể rằng đã vào Sài Gòn lượm ve chai được 4 năm nay, hồi đầu chưa có dịch thì cũng có ngày kiếm được trên 100 nghìn đồng, hôm nào may mắn người ta cho nhiều thì cũng được 200 nghìn, nhưng hai tuần qua thì gần như không đủ ăn.
"Những lúc khó khăn như thế này cũng muốn về quê lắm, ở quê cũng có con cái, người thân, nhưng tiền đâu mà về, còn phải cách ly nữa. Chẳng may về lây bệnh cho gia đình thì khổ, bây giờ ăn còn không đủ thì lấy tiền đâu về quê. Thôi thì gắng bám trụ lại được ngày nào hay ngày đó", bà Thoa trăn trở.
Sau hơn hai giờ đồng hồ đi khắp các con đường khu vực trung tâm Gò Vấp, không thu lượm được mẻ phế liệu nào, đang trên đường quay về trọ thì may mắn được một chủ nhà kho gọi vào cho giấy bìa, phế nhựa thải.
Bà Thoa mừng rỡ, gọi thêm người "đồng nghiệp" của mình là bà Hòa tới giúp chở đi bán.
Những người "đồng nghiệp" vui vẻ giúp đỡ nhau thu gom từng tấm các-tông thừa, chai lọ, giấy vụn lên xe đi bán. Hành động này cũng chính là việc họ giúp nhau những bữa cơm chỉ có rau với muối, chống chọi với cái đói giữa mùa Covid-19 ở tâm dịch Gò Vấp những ngày khó khăn này.
TPHCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội và chưa xác định ngày kết thúc, đặc biệt là ở tâm dịch Gò Vấp. Những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là lao động tự do nghèo sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn, phải chạy ăn từng bữa để duy trì cuộc sống, mong chờ đến ngày kết thúc dịch bệnh.