Nhiều người ở Hà Nội chi tiền đập phá đồ... trút giận, xả stress cuối năm
(Dân trí) - Đối mặt với nhiều áp lực từ học tập, kỳ vọng của bố mẹ, Minh Trang tìm đến phòng trút giận để giải tỏa căng thẳng bằng cách đập phá đồ đạc.
Ngày cuối năm, Minh Trang (22 tuổi) và Phúc An (19 tuổi), cùng nhau đến phòng trút giận trên đường Giáp Nhất (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để xả hơi sau những ngày học tập và làm việc căng thẳng. Hai bạn trẻ lựa chọn gói dịch vụ giá 400.000 đồng, bao gồm 20 chai thủy tinh, một số đồ điện tử và hơn chục chiếc bát sứ để đập phá.
Phúc An, người bạn quen qua mạng xã hội của Trang, cũng bày tỏ sự hào hứng khi được trải nghiệm đập phá đồ. An cho biết, trước đây, cậu thường tự tay đập vỡ viên gạch để giải tỏa căng thẳng, khi nghe Trang nhắc đến dịch vụ đập đồ đã ngay lập tức ngỏ ý muốn đi cùng.
Khi đến đây, Trang và An được cung cấp trang phục bảo hộ gồm: Quần áo, mũ, và giày. Họ lựa chọn các vật dụng đập phá phù hợp với sức mạnh của mình để đảm bảo an toàn tối đa trong quá trình trút giận.
Phòng trút giận được thiết kế với các đồ đạc được chuẩn bị sẵn, tạo điều kiện cho khách hàng có thể thoải mái đập phá mà không lo lắng về hư hỏng tài sản cá nhân.
Minh Trang chia sẻ: "Tôi biết đến dịch vụ này qua một người bạn giới thiệu. Cuối tuần được nghỉ, tôi muốn tìm một cách mới để giải tỏa áp lực thay vì thường lệ lên các quán rượu nhỏ ở phố cổ. Ở đó, tôi chỉ có thể trò chuyện với các nhân viên pha chế, nhưng không thực sự thoải mái để chia sẻ mọi cảm xúc của mình".
Nguyễn Hồng Thanh (26 tuổi, bên phải), chủ cơ sở dịch vụ, cho biết: "Chúng tôi mua những đồ vật dùng để đập phá ở các bãi phế liệu với giá rẻ. Điều này giúp duy trì giá dịch vụ ở mức hợp lý, từ 300.000 đến 600.000 đồng cho một lần sử dụng không giới hạn thời gian".
Khi cửa phòng đóng lại và âm nhạc vang lên, Trang và An bắt đầu đập phá các vật dụng như máy tính, chai thủy tinh và bát sứ.
Hơn một giờ trút giận, Trang và An bước ra khỏi phòng với nụ cười rạng rỡ. Minh Trang chia sẻ: "Trước đây, tôi luôn cảm thấy áp lực khi phải đối mặt với kỳ vọng của gia đình và những ước mơ cá nhân. Việc đến phòng trút giận giúp tôi cảm thấy được chữa lành và thư giãn. Đây thực sự là một cách hiệu quả để xả stress mà không cần phải nói ra với ai".
Ý tưởng về phòng trút giận (Rage Room) bắt nguồn từ Nhật Bản vào năm 2008. Mô hình này được thiết kế để cung cấp một không gian an toàn cho khách hàng có thể giải tỏa cảm xúc tiêu cực, thông qua việc đập phá các đồ vật cũ kỹ hoặc hỏng hóc.
"Khi biết đến mô hình này, tôi thấy nó rất phù hợp với xu hướng hiện đại, đặc biệt là đối với giới trẻ đang sống trong môi trường áp lực cao. Tại Hà Nội, nhu cầu về các dịch vụ giải tỏa stress ngày càng tăng, và phòng trút giận chính là giải pháp mà nhiều người đang tìm kiếm", Hồng Thanh nói.
Cơ sở trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như găng tay, mũ bảo hiểm và bộ sơ cứu y tế để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Ngoài ra, camera giám sát được lắp đặt trong phòng để theo dõi hoạt động và đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
Theo thống kê, khách hàng đến phòng trút giận đa phần thuộc độ tuổi từ 18 đến 32, chủ yếu là sinh viên, nhân viên văn phòng và những người đang đối mặt với áp lực từ công việc, học tập, tình cảm hoặc gia đình.
Tùy từng gói dịch vụ, khách sẽ lựa chọn các thiết bị bảo hộ và dụng cụ đập phá đi kèm. Ngày cuối năm, cơ sở này ghi nhận khá đông khách do lượng người có nhu cầu xả stress tăng cao.