Người đàn ông chi 1,5 tỷ đồng xây nhà trú bão cho gia đình và hàng xóm
(Dân trí) - Nhà trú bão có thiết kế khác biệt so với các ngôi nhà ở địa phương. Anh Truyền đã lấy ý tưởng từ hình tượng một boong tàu vững chãi trước bão táp mưa sa.
Sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, nên từ nhỏ, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền đã cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung, hết nắng nóng gay gắt đến bão lũ triền miên.
Các trận bão lớn đã cuốn phăng đi rất nhiều tài sản, nhà cửa. Những ngôi nhà có kết cấu không bền vững thường chỉ còn là một đống ngổn ngang sau bão.
"Nhiều người dân quê tôi khi đến mùa lũ, mùa mưa bão phải tìm đến trường học, ủy ban nhân dân - những công trình có kết cấu bê tông cốt thép vững chãi - để trú ẩn, đợi đến khi cơn bão qua đi mới dám trở về ngôi nhà của mình", anh Truyền nhớ lại.
Chính vì vậy, anh đã quyết định thiết kế một ngôi nhà đặc biệt, ngay chính trên mảnh đất xây ngôi nhà cũ của gia đình. Ngôi nhà được xây hoàn thiện với tổng diện tích 148m2, mục đích là làm nơi trú bão an toàn cho gia đình và bà con, hàng xóm láng giềng...
Anh Truyền tính toán kỹ các hướng nắng mùa hè, các hướng gió chính của bão để gia cường, khắc chế những điều bất lợi do thời tiết.
Với cách bố trí mặt bằng theo lối kiến trúc Đông Dương, hiên nhà được thiết kế rộng 3m chạy xung quanh không gian lõi chính của ngôi nhà.
Lõi công năng bố trí nằm giữa, xung quanh có không gian đệm bao bọc khiến căn nhà luôn ấm về mùa đông, mát vào mùa hè, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài.
Phần hiên nhà có thể mở rộng diện tích trú ẩn trong trường hợp số lượng người trú bão quá đông, phòng ngủ chính không đáp ứng đủ.
Tường hướng Tây có thêm một lớp đệm cầu thang kết hợp với tường dày 20cm tránh cho lõi nhà chịu tác động trực tiếp của nắng nóng, nhất là vào mùa hè.
Toàn bộ kết cấu công trình được xây bằng tường chịu lực dày 20cm, sàn mái bê tông cốt thép 2 lớp có tác dụng chống nóng và cách nhiệt.
Gió bão miền Trung thường thổi từ hướng Bắc và hướng Đông nên tất cả hệ cửa sổ ở hướng Bắc, anh Truyền dùng cửa lùa, hạn chế va đập với tường và vật dụng xung quanh.
Nhược điểm của cửa lùa là có nhiều khe hở tạo tiếng rít, tiếng hú. Để khắc phục điểm này, anh Truyền sử dụng những đệm cao su chèn chặt và trám kín các khe hở.
Phần lõi chính của khu nhà là khu vực bếp ăn và phòng ngủ. Các không gian như khu giặt phơi, vệ sinh, kho... vừa có thể phục vụ nhu cầu trú bão vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng hàng ngày.
Phòng ngủ chung được mô phỏng theo cấu trúc boong tàu, tối ưu không gian với 8 giường tầng và có thể ngủ được cùng lúc 16 người.
Phòng vệ sinh được chia làm 2 khu, khu trong nhà và khu bên ngoài để đáp ứng số lượng lớn người đến trú bão.
Xung quanh nhà được trồng nhiều cây xanh, vừa có tác dụng cải thiện vi khí hậu, giảm nhiệt độ không gian sống về mùa hè, đồng thời cũng giúp chắn gió và giảm áp lực gió trực tiếp lên ngôi nhà.
Nhà trú bão có thiết kế khác biệt so với các ngôi nhà ở địa phương. Màu sắc chủ đạo là trắng với hình khối đơn giản, cửa sơn màu xanh. Bề mặt phẳng phiu và bo tròn các góc cạnh. Anh Truyền lấy ý tưởng từ hình tượng một boong tàu vững chãi trước bão táp mưa sa.
Công trình có mức kinh phí 1,5 tỷ đồng. Kể từ khi hoàn thiện đến nay, công trình đã phát huy tốt công năng mỗi mùa mưa bão đến.
Ảnh: NVCC