"Đo lường" bạo lực gia đình
Thật khó để tìm thấy nụ cười trên khuôn mặt Mai (26 tuổi). Cô là thành viên của câu lạc bộ Sức sống mới - câu lạc bộ dành cho những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình thuộc một dự án phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai tại Nghệ An. Mai là "nạn nhân" thứ 3 của thói bạo hành từ ông chồng, bởi hai người vợ trước của anh ta không chịu đựng nổi, đã ly hôn. Mai đến đây để được tư vấn tâm lý, cũng như được trang bị kỹ năng để bảo vệ bản thân trước hành vi bạo lực của chồng. Đáng buồn hơn, em gái của Mai, đang mang thai, cũng là thành viên của câu lạc bộ này.
Theo một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một lần bị bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ tình trạng này. Còn theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong số các vụ bạo lực gia đình bị phát hiện, có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em.
Tuy nhiên, đây chỉ là "tầng nổi của tảng băng chìm", bởi không phải người phụ nữ nào cũng có thể chia sẻ bi kịch của mình với mọi người. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, phần lớn nạn nhân bạo lực gia đình có xu hướng giấu giếm, bởi "xấu chàng thì hổ ai", và nguyên nhân không kém phần quan trọng là sợ đàm tiếu, dị nghị, sợ bị chồng trả thù... Trong khi đó, hậu quả của bạo lực gia đình không dừng lại sau cánh cửa mỗi gia đình. Theo số liệu từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019, các vụ bạo lực gia đình gây tổng thiệt hại khoảng 1,8% GDP mỗi năm.
Qua tiếp xúc những ông chồng trong câu lạc bộ "Người đàn ông trách nhiệm" - câu lạc bộ của những người gây bạo hành gia đình, cũng thuộc dự án phòng, chống bạo lực nói trên, tôi nhận thấy một sự thật là phần lớn họ không cho rằng việc đánh vợ là sai. Với họ, việc cho vợ vài cái bạt tai hay thượng cẳng tay, hạ cẳng chân là "đặc quyền" làm chồng và là cách "dạy dỗ" vợ nếu cho rằng vợ chưa đủ "ngoan". Một người chồng từng đánh vợ gãy xương sườn, từng cầm dao đuổi vợ khắp vườn, từng bắt vợ ra ruộng nhặt những hạt phân đạm lên, điềm nhiên cho rằng "đấm vài đấm, đá vài đá cho hay", chứ không thừa nhận mình là người bạo hành vợ hay nhận thức được rằng, hành vi của mình vi phạm pháp luật và đáng bị lên án.
Tại diễn đàn Quốc hội hồi tháng 5, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phải "gia cố" nhiều hơn nữa các biện pháp "phòng" và mối quan hệ giữa "phòng" với "chống" để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình.
Các ý kiến thảo luận cho rằng, nhiều quy định trước đây đã không theo kịp diễn biến và bao quát được tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực về tinh thần, tình dục và kinh tế. Bởi vậy, việc nhận diện các hành vi bạo lực là điều cần thiết và có ý nghĩa tiên quyết trong giải quyết các vụ bạo lực gia đình. Tức là phải "đo lường", "lượng hóa" biểu hiện bạo lực rõ ràng hơn nữa để quy định cụ thể về các hành vi, từ đó mới có thể đưa ra chế tài, hình thức xử lý phù hợp.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trình kỳ họp Quốc hội vừa qua đã đưa ra 18 hành vi bạo lực gia đình, như: Bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó… Tuy nhiên, nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng như giới chuyên gia đã khuyến nghị nên bổ sung về hành vi sao cho cụ thể hơn, nhất là các hành vi "phi truyền thống" như bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực về kinh tế.
Tất nhiên, có những hành vi hiếm khi được các nạn nhân nói ra, ví như bạo hành tình dục, nhưng ít nhất những người làm luật cũng có thể dự báo và lượng hóa được các hành vi này. Bên cạnh đó, cũng cần thiết xây dựng cơ chế bảo vệ, khuyến khích nạn nhân bạo hành chia sẻ tình trạng của mình; đồng thời với hỗ trợ họ về tinh thần và phát triển kinh tế, nhất là với những người yếu thế để họ có thể tự chủ trong cuộc sống.
Từ thực tiễn tìm hiểu và phản ánh về tình trạng bạo lực gia đình, tôi cho rằng việc lượng hóa, cụ thể hóa hành vi trước hết để những ai có xu hướng bạo lực nhận thức được các hành vi bị nghiêm cấm, hiểu rõ giới hạn của "lời nói, việc làm" trong quan hệ gia đình. Đồng thời, các nạn nhân của bạo lực gia đình cũng dễ dàng nắm bắt được quyền và nghĩa vụ của mình, bao gồm việc tố cáo hành vi và yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.
Bên cạnh bạo lực với phụ nữ, cũng cần chú ý vấn đề "đo lường" bạo lực với trẻ em, người già là nhóm yếu thế không thể tự bảo vệ mình, bạo lực gây hậu quả nặng nề và lâu dài với họ.
Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình là một quá trình cần nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó không thể coi đây là chuyện riêng của mỗi nhà. Chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, gia đình và dòng họ trong việc sớm phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình. Và càng lượng hóa, cụ thể hóa rõ ràng hơn các hành vi bị nghiêm cấm thì quá trình này sẽ càng được thúc đẩy tốt hơn.
Tác giả: Hoàng Lam là phóng viên báo Dân Trí, thường trú khu vực Bắc miền Trung từ năm 2012. Chị gắn bó với mục Blog hai năm nay và thường viết về các đề tài xã hội.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!