Tâm điểm
Trương Chí Hùng

Cần dẹp bỏ vấn nạn hát hò "tra tấn" âm thanh

Tuần rồi, tôi có đi dự một tiệc cưới ở nhà hàng. Tôi ngồi chung bàn với mấy người quen mà lâu rồi mới có dịp gặp lại. Dĩ nhiên, chúng tôi đều rất hân hoan, vui vẻ. Thế nhưng, sau nghi thức lễ cưới của hai họ, nhà hàng liền cho mở nhạc rất to và mời thực khách lên góp vui. Chương trình văn nghệ bắt đầu cũng là lúc cả bàn tôi chỉ biết ngồi ăn uống và nhìn nhau, chớ không thể trò chuyện được vì âm thanh quá lớn. Niềm hân hoan của chúng tôi dần dần thay thế bằng sự khó chịu, bực dọc.

Vấn nạn âm thanh công suất lớn gây ảnh hưởng đến cộng đồng bắt đầu nở rộ ở miền Tây cách đây khoảng mười năm. Khi đó, một vài đám cưới ở quê đã thuê dàn âm thanh khủng, với hàng chục thùng loa cỡ bự, vừa phục vụ cho phần nghi lễ vừa để khách mời hát hò. Thường là đêm nhóm họ (đêm trước lễ cưới), người ta đã bắt đầu nhậu nhẹt hát hò cho đến tận khuya. Ngày đãi khách cũng hát từ sáng đến chiều. Càng uống say thì thực khách càng hát dữ, thậm chí còn nhảy múa, "gào thét" chát chúa. Những hộ dân nào ở gần đám cưới thì đương nhiên là mất ăn mất ngủ trong suốt mấy ngày vui của hai họ. Đến nỗi, nhiều lúc hay tin một nhà nào đó sắp có hỉ sự, thay vì vui mừng, nhiều người hàng xóm lại tỏ ra ngao ngán vì biết chắc rằng mình lại phải đương đầu với việc bị "tra tấn" bằng âm thanh mấy ngày liền.

Trước đây, người ta thường cảm thông vì cho rằng một đời người đám cưới có một lần, thôi thì cứ cam chịu để bà con hai họ được vui, được hát hò thỏa thích. Nhưng rồi, không chỉ đám cưới người ta mới thuê âm thanh "khủng" về hát, kể cả đám hỏi, đám thôi nôi, đầy tháng, đám giỗ, đám tân gia, sinh nhật... đám nào người ta cũng đem âm thanh công suất lớn về "tra tấn" xóm giếng. Thậm chí hiện giờ, chỉ một tiệc nhậu ngẫu nhiên dăm ba người cũng thuê dàn âm thanh về hát. Có gia đình còn sắm hẳn dàn karaoke, rồi ngày nào như ngày nấy, buồn cũng như vui, đều mở lên hát cho cả xóm cùng nghe. Bà con chỉ còn biết cắn răng chịu đựng. Góp ý thì mất lòng nhau, sứt mẻ tình làng nghĩa xóm, không góp ý thì bực bội khó chịu. Cũng có những trường hợp vì góp ý chuyện hát hò của hàng xóm mà dẫn đến cãi cọ, thậm chí đâm chém nhau gây ra những cái chết thương tâm. Ai cũng nghĩ cái chuyện hát hò quá đỗi bình thường, nhưng tác động và hệ lụy của nó vô cùng lớn.

Cần dẹp bỏ vấn nạn hát hò tra tấn âm thanh - 1

Loại hình karaoke và loa kẹo kéo đang trở thành nỗi ám ảnh vì âm thanh công suất lớn "tra tấn" người nghe bất đắc dĩ. (Đồ họa: Ngọc Diệp)

Thông thường, đám tiệc là dịp để những người thân quý cùng ngồi lại với nhau, cùng thăm hỏi nhau sau một thời gian dài không có dịp hội ngộ. Thế nhưng hiện nay, đi dự đám tiệc hầu như chúng ta không có cơ hội trò chuyện. Hoặc nếu có, thì chỉ là tranh thủ nói với nhau vài lời khi buổi tiệc mới bắt đầu. Bởi lẽ, chỉ dăm phút sau thôi, dàn âm thanh với những giọng ca "cây nhà lá vườn" sẽ cất lên. Thế là, phần lớn quan khách phải ngồi đó chịu đựng, âm thầm ăn uống. Nhiều người đi dự đám tiệc chỉ ngồi chiếu lệ cho đẹp lòng với gia chủ, sau đó tìm cách rút lui sớm.

Và không chỉ các sự kiện ma chay hiếu hỉ, mà những sinh hoạt đời thường như ngồi quán ăn, quán nhậu ở miền Tây, bây giờ chẳng lúc nào được yên. Cứ chốc chốc lại có một thùng loa di động kéo tới, đặt ngay trước quán quay vào thực khách. Rồi các anh chị tự mệnh danh là "nghệ sĩ hát rong" bắt đầu mở nhạc nền từ chiếc điện thoại có kết nối với loa, hát say sưa bất chấp thái độ của những người trong quán như thế nào. Nhiều khi đi ăn với một nhóm bạn mà suốt buổi nói chuyện với nhau chẳng được mấy câu, bởi vừa nói một chút thì có một thùng loa kéo lại hát. Thùng loa ấy vừa kéo đi thì thùng loa khác đến thế chỗ. Có khi các "nghệ sĩ hát rong" hát xong, tưởng chừng như được "giải thoát" khỏi mớ âm thanh ồn ã kia rồi, thì một bàn nào đó trong quán lại đăng ký hát. Không phải một người hát, mà một nhóm người, hết người này đến người kia chuyền nhau. Cả quán phải trở thành khán thính giả bất đắc dĩ cho những giọng ca nhừa nhựa trong cơn say. Nghe họ hát xong thì chuyện ăn uống cũng hết còn hứng thú.

Có người cho rằng nghề hát rong bằng thùng loa kẹo kéo là sự mưu sinh của một nhóm người khó khăn bất hạnh, ta nên ủng hộ chứ không nên phản đối. Đành là như thế, nhưng tôi quan sát thấy, thường thì người ta mua mấy thanh kẹo kéo, mấy cây bánh ngọt của những người hát rong này không phải vì họ hát hay, mà có thể vì cảm thông với cảnh ngộ khó khăn của họ hoặc mua cho xong chuyện. Như vậy, nếu không cần hát mà chỉ đi bán mấy mặt hàng đó tại quán ăn quán nhậu, thì chắc họ vẫn được mua ủng hộ như thường. Trong thực tế, nhiều người đi bán hàng rong không cần loa kẹo kéo vẫn bán được sản phẩm, vẫn mưu sinh mà không phải phiền đến mọi người.

Nếu cứ thương cảm cho nghề hát rong bằng thùng loa kẹo kéo, thì ai sẽ thương cảm cho các thực khách và những hộ gia đình ở gần quán nhậu, năm này qua tháng nọ phải chịu sự "khủng bố" âm thanh?.

Cuộc sống ngày càng phát triển thì nếp sống văn minh càng phải được coi trọng. Tình trạng sử dụng những dàn âm thanh công suất lớn ca hát vô tội vạ tại các đám tiệc, quán ăn quán nhậu, hay chỉ là những phút cao hứng ca hát tại các hộ gia đình, đã gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của những người xung quanh. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không thể "làm ngơ" với trào lưu tệ hại này. Những thành tích được báo cáo lên cấp trên về xây dựng "nếp sống văn minh, gia đình văn hóa" ở cơ sở liệu có còn ý nghĩa, khi trong cuộc sống hàng ngày đa số người dân vẫn bị "tra tấn" âm thanh?.  

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các nghị định, thông tư liên quan đã nêu rõ hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là vi phạm pháp luật và phải chịu xử phạt. Tuy nhiên, trong khi vấn nạn âm thanh công suất lớn diễn ra tràn lan thì rất hiếm khi một hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn nào đó được xử lý theo quy định pháp luật. Đã đến lúc cơ quan quản lý cần có giải pháp mạnh cho tình trạng kể trên. Đừng để niềm vui của số ít người thích ca hát trở thành nỗi buồn của đa số người khác.

Sự quan tâm và chế tài nghiêm từ cơ quan quản lý sẽ là động lực cho những hộ gia đình "nạn nhân" của ô nhiễm tiếng ồn làm đơn khiếu nại, kèm theo chứng cứ, gửi đến chính quyền địa phương. Khi cả xã hội tẩy chay, hy vọng vấn nạn "tra tấn" âm thanh sẽ dần được dẹp bỏ.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!