Người dân Thủ đô ám ảnh ô nhiễm tiếng ồn: Khổ hơn... "tra tấn"!
(Dân trí) - Người dân Hà Nội đang phải sống chung với ô nhiễm tiếng ồn khi hàng ngày chịu đựng tiếng loa kéo quảng cáo công suất lớn, tiếng quán xá hò hét, tiếng khoan cắt, trộn bê tông, tiếng còi xe inh ỏi…
Bán nhà vội vì khốn khổ với tiếng ồn trạm trộn bê tông
Sau gần 10 năm dành dụm, tiết kiệm, vợ chồng anh Nguyễn Văn T. (35 tuổi) cũng mua được một căn hộ ở chung cư E. D trên đường Nguyễn Xiển, Hà Nội. Vì tài chính không mấy dư dả nên anh T. chỉ mua được căn hộ ở tầng thấp. Tuy nhiên, chuyển về đây ở một thời gian, anh T. bất đắc dĩ phải tính đến phương án bán nhà.
Anh T. chia sẻ, do ở tầng thấp, nên gia đình anh phải hứng chịu toàn bộ tiếng ồn từ trạm trộn bê tông chỉ cách khu chung cư một con đường nhỏ. Trạm trộn bê tông hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian nghỉ ngơi của gia đình.
Anh T. cùng các thành viên rất khó để có một giấc ngủ ngon. Vợ chồng anh có con nhỏ, cháu thường xuyên bị thức giấc, quấy khóc giữa đêm khiến cả gia đình mệt mỏi. Không chịu nổi cảnh ngày đi làm, đêm thức bế con, vợ chồng anh T. bàn nhau chuyển chỗ ở.
Anh T. chỉ là một trong vô số "nạn nhân" đang phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại Hà Nội.
Những ngày qua, PV Dân trí đã khảo sát nhiều tuyến phố, ghi nhận ý kiến của nhiều người dân về tình trạng này.
Hình ảnh đường phố kẹt cứng vào giờ đi làm và tan tầm không còn quá xa lạ ở Hà Nội. Không chỉ mệt mỏi vì phải di chuyển chậm rãi từng chút một, người dân còn bị tra tấn bởi màn hợp âm từ tiếng nổ của động cơ xe máy, ô tô, tiếng còi của các phương tiện.
Nhiều người sốt ruột không thể di chuyển được lại liên tục bấm còi inh ỏi khiến tiếng ồn ở các điểm ùn tắc càng lớn và chói tai. Bà Bùi Thị T. (50 tuổi) mở một quán bán nước khu vực cầu vượt Thái Hà (quận Đống Đa). Ngày qua ngày, bà T. phải chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông ở khu vực này.
"Ngày nào cũng thế, cứ đến giờ tan tầm là đoạn này ùn ùn xe cộ. Xe máy, ô tô dồn lại một chỗ, tiếng máy nổ kèm theo tiếng còi xe nghe rất khó chịu", bà T. cho hay.
Cách đây ít lâu, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã khảo sát tiếng ồn tại 12 đường và nút giao thông chính tại nội thành Hà Nội. Kết quả thu được cho thấy, tiếng ồn tại các khu vực này đều vượt mức cho phép.
Cụ thể, vào ban ngày (từ 6h-18h), tiếng ồn tại mặt đường trung bình là 77,8dBA (đơn vị đo âm thanh), vượt tiêu chuẩn cho phép 2,8dBA; tiếng ồn tại các nút giao thông trung bình là 78,1dBA, vượt tiêu chuẩn 3,1dBA.
Vào buổi chiều tối và tối (từ 18-22h) tiếng ồn tại mặt đường trung bình là 76,5dBA vượt tiêu chuẩn cho phép 6,5dBA; tiếng ồn tại các nút giao thông trung bình là 76,3dBA, vượt tiêu chuẩn cho phép 6,3dBA.
Vào buổi đêm và sáng sớm (từ 22-6h), tiếng ồn tại mặt đường và tại các nút giao thông cũng vượt mức cho phép.
Các tuyến phố của Hà Nội ngoài thường xuyên bị kẹt xe còn tập trung rất nhiều quán nhậu, nhà hàng bia hơi…
Đây là những nơi tập trung đông người và rất ồn ào. Một người dân sinh sống ở ngõ 72 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho hay, hơn 4 năm nay, cuộc sống của khoảng chục hộ dân trong ngõ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi một quán nhậu gần đó.
Họ thường xuyên phải nghe những tiếng hò zô, chúc tụng, tiếng quạt, máy lạnh công suất lớn lắp ngay đầu quán, tiếng cãi chửi nhau nhiều khi đến 1h đêm. Trẻ em, người già ở gần đây thường xuyên bị đau đầu, mất ngủ, trẻ nhỏ không thể tập trung học tập…
Loa lớn, loa bé đua nhau mở hết công suất
Ngoài tiếng ồn của xe cộ giờ cao điểm, của các quán xá tập trung đông người, âm thanh từ chiếc loa của những người bán hàng rong cũng gây không ít phiền toái cho người dân Thủ đô.
Đã hết rồi thời của những tiếng rao khô khốc, người bán hàng rong giờ đây đã cập nhật "công nghệ" để hỗ trợ cho việc bán hàng của mình. Họ thu âm giọng nói, gắn loa vào xe đạp, sau đó đạp xe thong thả trên những cung đường để tiếng loa "dội" vào tai người nghe.
Theo khảo sát của PV Dân trí, tình trạng trên diễn ra nhiều năm nay ở khu vực Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm). Cứ vào mỗi buổi sáng, xế chiều, thậm chí là vào giờ nghỉ trưa, những người bán hàng rong đạp xe đi khắp nơi, mở loa phát thanh để mời chào khách mua hàng.
Chị Đỗ Thu H. (ở Mỹ Đình 1) chia sẻ: "Tôi đang trong thời gian nghỉ thai sản, chăm con nhỏ nhưng chẳng ngày nào được yên. Cả ngày tôi phải nghe những người mua đồng nát, bán bánh, xôi, mua đồ điện cũ… phát loa to tiếng. Tôi thường xuyên bị thức giấc bởi những âm thanh khó chịu ấy".
Trên vỉa hè nhiều tuyến phố, PV Dân trí quan sát thấy có rất nhiều cửa hàng bố trí những chiếc loa kéo đủ kích cỡ phía trước cửa. Những chiếc loa này liên tục hoạt động với âm lượng ở mức cực đại.
Đại diện một cửa hàng ở quận Cầu Giấy cho biết: "Phát nhạc vừa để nghe, vừa làm điểm nhấn cho cửa hàng, khiến khách chú ý đến hơn. Ngoài ca nhạc, chúng tôi thường mở những bài thu âm sẵn về các chương trình giảm giá, quảng cáo những mặt hàng mới. Chúng tôi nhận thấy cách làm này khá hiệu quả nên áp dụng được một thời gian rồi".
Loa kéo không chỉ được sử dụng ở những cửa hàng có mặt bằng cố định mà còn được những người bán hàng vỉa hè tận dụng một cách triệt để. Chỉ cần một chiếc loa nhỏ, một bình ắc-quy đi kèm là người bán có thể mặc sức "ra rả" về "ưu điểm" vượt trội của sản phẩm, giá thành, công năng, màu sắc…
Nguyễn Thu Cúc, sinh viên một trường đại học trên đường Xuân Thủy chia sẻ: "Đi qua những chiếc loa này tôi thường đi nhanh hơn để tránh bị chói tai".
Tại khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng giao cắt với Nguyễn Chí Thanh, người dân đứng chờ đèn đỏ cũng thường xuyên bị "tra tấn" bởi âm thanh quảng cáo từ một cửa hàng bán điện thoại di động gần đó. Âm thanh công suất lớn dội vào tai người nghe giữa thời tiết nắng nóng khiến ai nấy đi qua đây đều cảm thấy ngán ngẩm.
Không biết, hiệu quả chiêu trò này như thế nào nhưng việc "nhà nhà, người người" đua nhau "chạy quảng cáo" bằng loa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân khu vực này.
Không chỉ bị làm phiền bởi tiếng ồn từ việc quảng cáo của vô số cửa hàng kinh doanh, người dân Thủ đô còn bị tiếng hát của các "ca sĩ bất đắc dĩ" tại các quán karaoke vỉa hè gây ám ảnh.
Quanh sân vận động Mỹ Đình nhiều năm nay tập trung rất đông quán nước tự phát.
Ngoài bán nước, chủ quán còn trang bị hệ thống máy chiếu, micro, loa bluetooth… để phục vụ các vị khách có nhu cầu ca hát. Người người đua nhau hát, các "phòng hát" không có vách ngăn cứ thế lan tỏa âm thanh ra xung quanh biến nơi đây thành một "sàn chiến" của các giọng ca.
Anh Vũ Văn Bách, một người dân sống ở khu vực này chia sẻ, trước đây anh thường ra gần sân vận động Mỹ Đình chạy bộ. Tuy nhiên, từ khi nở rộ dịch vụ hát karaoke đi kèm quán nước, anh không còn dám ra đó chạy bộ nữa.
"Tôi muốn chạy bộ trong một không gian thoáng đãng, yên tĩnh nhưng lại bị ảnh hưởng bởi mớ âm thanh hỗn độn từ tiếng hát của nhiều người lẫn tiếng xe cộ. Sau đó, tôi đành phải mua máy chạy bộ ở nhà tập luyện cho đỡ đau đầu", anh Bách nói.
Ô nhiễm tiếng ồn thực sự đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, nhưng người dân ở nhiều khu vực của Thủ đô vẫn đang phải âm thầm chịu đựng tình trạng này mỗi ngày.