Ngắm căn hộ 54 m2 của cô nàng độc thân: Rộng bất ngờ nhờ mẹo làm nội thất
(Dân trí) - Thiết kế nội thất chung cư với diện tích nhỏ sẽ khó hơn căn hộ lớn. Tuy nhiên, căn hộ bé vẫn có thể trông thoáng đãng, "ăn gian" diện tích đến bất ngờ nếu gia chủ biết cách lựa chọn thiết kế phù hợp.
Để tạo cảm giác thoáng đãng nhưng không kém phần phong cách, Trần Hà (30 tuổi, Hà Nội) lựa chọn tông màu trắng sáng kết hợp với các vật dụng có màu trung tính cho căn hộ 54 m2 của mình.
"Nhiều người bước chân vào ngôi nhà không nghĩ nó chỉ rộng có 54 m2" - Hà chia sẻ. Để căn hộ không bị cảm giác bức bí và cũng vì sống độc thân nên cô không có nhiều nhu cầu, Hà lựa chọn đồ nội thất dựa trên các tiêu chí: Nhỏ gọn, đủ dùng nhưng đẹp, trang nhã.
Tổng chi phí nội thất căn hộ (chưa bao gồm đồ điện tử) cho căn hộ là 170 triệu đồng. Hầu hết các vật dụng đều có màu trắng kết hợp với gỗ tạo cảm giác ấm cúng. Hà cho biết căn hộ của mình là sự pha trộn giữa 2 phong cách Scandinavian và Wabi Sabi.
Căn hộ được chia làm 2 khu vực chính là phòng khách, bếp và khu vực phòng ngủ (chính, phụ). Từ phòng khách bếp vào khu vực ngủ được phân chia bằng các vòm cong, là đường nét đặc biệt của phong cách Wabi sabi và cũng nhằm tạo sự mềm mại cho không gian.
Mỗi không gian đều có những điểm nhấn riêng, nhưng điểm chung của gia chủ và bên thiết kế đều muốn hướng đến sự mới lạ. Ở phòng khách là mảng tường được bả rối và bức tranh handmade sau lưng sofa.
"Ngay cả chiếc gối tựa sofa tôi cũng phải cố gắng chọn sao cho ton sur ton với nội thất toàn bộ căn hộ" - Hà nói và cho biết bản thân khá tỉ mỉ trong việc chọn đồ, dù mất thời gian nhưng điều này hoàn toàn xứng đáng bởi sẽ làm cho căn nhà trở nên tinh tế.
Không gian phòng ngủ được nới rộng ra bằng cách phá dỡ bức tường ngăn cách giữa phòng ngủ, hành lang và thu hẹp khu vực hành lang. Phòng được thiết kế với đầy đủ các công năng. Có thể làm việc, nghỉ ngơi thoải mái, "check in" sống ảo hay ngồi thư giãn đọc sách ngắm hoàng hôn.
Các đồ đạc ở trong phòng ngủ cũng được gia chủ chọn lựa rất kỹ với bên thiết kế thi công từ màu sắc, chất liệu, kiểu dáng, đặc biệt là bộ đèn ngủ cũng là ý tưởng gia chủ và đội ngũ thiết kế dành riêng cho căn phòng.
Bộ đèn được làm thủ công 100%, ban đầu được nặn tay khuôn bằng đất sét để tạo ra được bề mặt thô ráp, rồi sau đó mới đổ ra khuôn nhựa composite để tạo thành phẩm. Nó là điểm nhấn cho mảng tường về mặt trang trí, nhưng về mặt công năng cũng có ánh sáng nhẹ để có thể thay thế đèn ngủ vào buổi tối.
Nhìn lại căn hộ sau gần một tháng thi công, Hà cho biết điểm chưa ưng ý đó là chưa xử lý bức tường bả rối trong phòng khách có hai hộc để đồ. Nếu bỏ đi thay thế bằng đợt gỗ, Hà nghĩ ngôi nhà sẽ còn rộng rãi hơn nữa. Ngoài ra một số chi tiết nhỏ khác như một số đôn và chân bàn bị làm bị sai màu gỗ nên nếu ai tinh tế sẽ phát hiện sự lệch tông.
"Màu bị lệch một chút là do tôi thuê xưởng khác nhau. Kinh nghiệm là khi mình thiết kế nên chọn một xưởng thôi để tránh lệch màu nội thất" - Hà chia sẻ.
Thực tế, khi bạn lên ý tưởng nội thất cho căn chung cư của mình có rất nhiều thứ gia chủ cần chú ý đến, từ tủ, bàn ghế, đèn đến các vật dụng trang trí và màu sắc cho căn chung cư.
Một kiến trúc sư lâu năm trong nghề cho biết, màu trắng là gam màu đang rất được ưa chuộng trong thiết kế nội thất hiện nay, đặc biệt rất được các căn hộ chung cư sử dụng.
Với gam màu trắng, ngôi nhà sẽ khoác lên mình vẻ thanh lịch, tinh tế và không kém phần sang trọng. Tuy nhiên, để sắc trắng không đơn điệu, tẻ nhạt các nhà thiết kế khuyên gia chủ nên kết hợp với chất liệu khác để tạo nên điểm nhấn độc đáo, trong đó chất liệu gỗ được nhiều người lựa chọn vì tạo cảm giác ấm cúng.
Chia sẻ về bí quyết thiết kế nội thất căn hộ, Hà cho biết nên tìm hiểu trước về phong cách, hoặc tìm trước về các hình ảnh mô phỏng các không gian mình thích để có thể giải thích được dễ hơn với thiết kế. Từ đó, quá trình làm việc sẽ hiểu nhau hơn và rút ngắn thời gian làm việc hơn. Khi hai bên thống nhất xong mới bắt tay vào thiết kế.
Trước khi thi công, Hà cho rằng nên làm rõ tất cả các hạng mục với bên đơn vị thi công, để trong quá trình thi công mình có thể theo dõi và biết được công trình của mình đang đến giai đoạn nào, có bám sát với thiết kế hay không.
"Nên chọn một đơn vị thi công, hoặc nếu kết hợp nhiều đơn vị thì nên để các bạn thiết kế đứng ra làm việc với các đội thầu thi công thay cho mình, để sản phẩm cuối cùng được đồng nhất với nhau và để các bạn thiết kế có thể giám sát quyền thiết kế, đảm bảo thiết kế giữa 3D và thực tế không có nhiều sự khác biệt" - Hà chia sẻ thêm về kinh nghiệm.