DNews

"Cuộc chiến" đẩy lùi hôn nhân cận huyết của tộc người tưởng như tuyệt chủng

Dương Nguyên

(Dân trí) - Thế kỷ trước, một tộc người tưởng như tuyệt chủng được phát hiện trong hang hốc, lùm cây. Hàng chục năm qua, họ bước ra "ánh sáng", nhận thức được bình đẳng giới, hôn nhân cận huyết cũng không còn.

"Cuộc chiến" đẩy lùi hôn nhân cận huyết của tộc người tưởng như tuyệt chủng

Tổ công tác "3 cùng"

Những năm 1960, 18 người Chứt của tỉnh Quảng Bình băng rừng, lội suối đến sinh sống trong những lùm cây, hang hốc trên các dãy núi của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Họ sống bằng nghề săn bắt, hái lượm, dùng lá cây kết lại che thân.

Trong những chuyến tuần tra biên giới, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện nhóm người "lạ" nên vận động họ rời núi rừng về định cư ở bản Giàng, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê. Vốn dĩ quen với cuộc sống hoang dã nên chẳng bao lâu họ lại bỏ bản vào rừng.

Đến những năm 1990, tỉnh Hà Tĩnh quyết định thành lập bản Rào Tre dưới chân núi Ka Đay (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) để đưa người Chứt ra sinh sống. Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thành lập tổ công tác "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) về đóng quân trên địa bàn để khai trí cho tộc người tưởng như tuyệt chủng, giúp họ hòa vào thế giới văn minh.

Cuộc chiến đẩy lùi hôn nhân cận huyết của tộc người tưởng như tuyệt chủng - 1

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp bà con dân tộc Chứt xây dựng nhà ở, công trình phụ (Ảnh: Văn Nguyễn).

Sau hơn 30 năm, cuộc sống của người Chứt nơi vùng đất này đã thực sự hồi sinh. Bản làng này hiện có 46 hộ với 158 nhân khẩu. Họ sống trong hàng chục căn nhà khang trang, được dạy tiếng nói, con chữ và biết làm ra hạt lúa, củ khoai, chăn nuôi trâu bò. Các em nhỏ được thầy cô giáo đến từng nhà vận động đi học.

Tổ công tác bản Rào Tre - Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cũng giúp họ đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, trong đó, việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xóa dần hôn nhân cận huyết thống được xem là nhiệm vụ cấp bách.

Theo Trung tá Phan Trọng Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng, để thực hiện nhiệm vụ đó, những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn đã bố trí 2 tổ công tác gồm 8 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống bản Rào Tre cùng ăn, cùng ở với bà con.

"Để thay đổi suy nghĩ, sinh hoạt đã bao đời ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào là việc rất khó, phải tính toán kỹ, xác định làm việc gì phải cụ thể để đồng bào dễ thấy, dễ biết, dễ học và làm theo. Từ suy nghĩ đó, việc đầu tiên chúng tôi tiến hành đó là tiếp cận, làm quen, tạo sự gần gũi, thông qua những việc làm cụ thể như hướng dẫn, giúp bà con làm đường giao thông trong bản, làm nhà ở; làm vệ sinh môi trường, chăm sóc, tắm rửa cho các cháu nhỏ, khám chữa bệnh cho bà con...", Trung tá Nam chia sẻ

Cuộc chiến đẩy lùi hôn nhân cận huyết của tộc người tưởng như tuyệt chủng - 2

Việc làm thay đổi suy nghĩ, sinh hoạt đã bao đời ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào là việc rất khó, lực lượng biên phòng phải tính toán kỹ lưỡng (Ảnh: Văn Nguyễn).

Bên cạnh đó, đơn vị tham mưu phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai học tập nghị quyết nhằm quán triệt một cách đầy đủ, sâu sắc quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồn cũng phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ, Ban Tuyên giáo xây dựng tài liệu, tuyên truyền phổ biến nghị quyết, luật bình đẳng giới, luật bạo hành trong gia đình; đổi mới tuyên truyền giáo dục về bình đẳng giới, chính sách về bình đẳng giới trong cán bộ hội viên.

Ngoài ra, lực lượng biên phòng thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực, tạo điều kiện để phụ nữ trong bản phát huy vai trò nòng cốt, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng người phụ nữ có sức khỏe, có trí tuệ, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu.

"Ông tơ, bà nguyệt" áo xanh

Ngoài vấn đề bình đẳng giới, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng cũng chỉ đạo Tổ công tác biên phòng bản Rào Tre tổ chức tuyên truyền cho phụ nữ dân tộc Chứt về vấn đề phòng, chống hôn nhân cận huyết thống, xây dựng gia đình hạnh phúc, xóa bỏ các phong tục lạc hậu.

Trước đây, theo khảo sát vào năm 1998, bản Rào Tre có 24 hộ/109 khẩu, diện tích 3ha, tỷ lệ hộ nghèo 100%. Trình độ dân trí lạc hậu, đời sống văn hóa, tinh thần thiếu thốn, cơ sở hạ tầng thấp kém.

Cuộc chiến đẩy lùi hôn nhân cận huyết của tộc người tưởng như tuyệt chủng - 3

Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh luôn tích cực tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho bà con dân tộc Chứt (Ảnh: Văn Nguyễn).

Những năm đầu, bà con dân tộc Chứt sống khép kín, hôn nhân cũng quẩn quanh trong bản dẫn đến tình trạng con anh lấy con em, họ hàng lấy nhau.  

Số liệu khảo sát thời điểm đó cho thấy, kết hôn 3-4 đời có 13 cặp/38 khẩu; kết hôn 2-3 đời có 6 cặp/20 khẩu. Các cặp kết hôn cận huyết thống sinh con dẫn đến kém phát triển về trí tuệ, trưởng thành chậm, sức đề kháng yếu, dễ nảy sinh bệnh tật, nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết.

Vì vậy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tổ chức khảo sát và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai xây dựng đề án bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt và xây dựng bản Rào Tre.

"Để chống hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi vừa làm công tác tuyên truyền, giải thích tác hại của hôn nhân cận huyết, vừa trực tiếp làm ông tơ, bà nguyệt mối mai, xe duyên. Chúng tôi tổ chức cưới hỏi cho nam, nữ người Chứt lấy người Kinh và người dân tộc các tỉnh lân cận", Trung tá Phan Trọng Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng, nhớ lại.

Đến nay, đơn vị đã tổ chức được 8 đám cưới cho người Chứt lấy người ngoài bản Rào Tre; tổ chức giao lưu văn hóa giữa đồng bào dân tộc Chứt (Hà Tĩnh) và dân tộc Rục (Quảng Bình).

Cuộc chiến đẩy lùi hôn nhân cận huyết của tộc người tưởng như tuyệt chủng - 4

Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh hỗ trợ bữa ăn cháo dinh dưỡng cho học sinh mầm non điểm trường bản Rào Tre (Ảnh: Dương Nguyên).

Đồn biên phòng cũng xây dựng quỹ "se duyên" để tặng quà cưới cho các cặp đôi nam nữ của 2 dân tộc Chứt và Rục cưới nhau và dân tộc Kinh cưới dân tộc Chứt nhằm khắc phục tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Đơn vị cũng hỗ trợ đưa thanh niên dân tộc Chứt đi học bổ túc, chương trình đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm để phát triển kinh tế, xã hội...

Đến thời điểm này, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Chứt cơ bản được chấm dứt, đã có nhiều thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của họ để chất lượng giống nòi được cải thiện.

Những con số "biết nói"

Ngoài giúp đồng bào dân tộc Chứt đẩy lùi hôn nhân cận huyết, những năm qua, công tác xây dựng hệ thống chính trị nơi đây cũng luôn được chú trọng; kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển; đời sống, thu nhập, văn hóa của họ được cải thiện.

Cuộc chiến đẩy lùi hôn nhân cận huyết của tộc người tưởng như tuyệt chủng - 5

Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh hỗ trợ hội viên phụ nữ bản Rào Tre trồng 20 cây giống để xây dựng vườn mẫu (Ảnh: Văn Nguyễn).

Cụ thể, lực lượng biên phòng đã phối hợp với các ngành tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào như Tết Lấp Lỗ, Tết Chăm Chơ Bới…; khôi phục nhạc cụ truyền thống và các vật dụng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Chứt như Kèn Môi, đàn Chắc Chư pun; trang phục của đồng bào. Qua đó, bản sắc văn hóa dân tộc Chứt được bảo tồn và phát huy.

Đồn Biên phòng Bản Giàng còn hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, nhất là hướng dẫn tổ chức trồng cấy lúa nước; làm vườn, trồng cỏ chăn nuôi bò; phát triển kinh tế vườn đồi; chỉnh trang vườn hộ, sắp xếp đồ đạc trong nhà.

Đến nay, về hệ thống chính trị, ở các bản đều được thành lập chi bộ. Chi bộ bản Rào Tre có 9 đảng viên là người dân tộc Chứt, chi bộ Bản Giàng II có 4 đảng viên, trong đó đơn vị phân công 9 đảng viên tham gia sinh hoạt các chi bộ bản; các chi hội, chi đoàn hoạt động có chất lượng, hiệu quả.

Cuộc chiến đẩy lùi hôn nhân cận huyết của tộc người tưởng như tuyệt chủng - 6

Hiện nay, 100% trẻ em ở bản Rào Tre đều được đến trường học con chữ (Ảnh: Dương Nguyên).

Về kinh tế, đời sống, đến nay đường giao thông các bản đã được bê tông hóa, ruộng lúa nước được quy hoạch, làm hàng rào bán kiên cố, 61 hộ nghèo nay còn 31 hộ nghèo, đã tự cung lương thực được 50%, có 3 mô hình chăn nuôi bò, 3 hộ đăng ký mô hình "nhà sạch, vườn đẹp"; 5 hộ có thu nhập 200 triệu đồng trở lên/năm, 2 hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm.

Về văn hóa, giáo dục và y tế, bản Rào Tre đạt 100% con em ở các độ tuổi được đến trường (7 học sinh đang theo học THPT, 14 học sinh THCS, 33 cháu tiểu học và 15 cháu mầm non).

Trong đó, lực lượng biên phòng đã hỗ trợ theo chương trình "Nâng bước em tới trường", "Con nuôi đồn biên phòng" 19 cháu; 100% phụ nữ mang thai và trẻ em được tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng; các hủ tục lạc hậu, nhất là cúng cầu xin Giàng (Trời) khi ốm, đau được bãi bỏ...