Pont De Long Bien: Điểm đến văn hóa, đánh thức giá trị truyền thống tết Việt
(Dân trí) - Những chương trình đón Tết vui xuân đặc sắc được tổ chức miễn phí tại phố đi bộ Pont De Long Bien không chỉ mang tới không khí ấm áp cho người dân mà còn kiến tạo Mailand Hanoi City trở thành khu đô thị đáng sống bậc nhất phía Tây thủ đô.
Ra mắt từ năm 2022, phố đi bộ Pont de Long Bien được lấy cảm hứng từ cây cầu Long Biên lịch sử với 24 vòm cầu cạn, biểu trưng khung cảnh khu phố nghệ thuật tại Paris và 15 gian hàng cổ mang đặc trưng của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Thiết kế như một sự kết nối quá khứ hiện tại và tương lai, kết nối những giá trị văn hóa bản sắc của Hà Nội với tinh thần sáng tạo đổi mới không ngừng.
Năm nay, Lễ hội Home Hanoi Xuan 2025 được tổ chức tại khu đô thị Mailand Hanoi City đã thu hút hàng nghìn người dân tới du xuân, chụp ảnh từ ngày 16/1. Đặc biệt, các hoạt động, sự kiện tại Phố đi bộ Pont de Long Bien được phối hợp tổ chức cùng UNESCO, Bộ Ngoại giao, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức… đã trở thành điểm đến đa trải nghiệm hấp dẫn của Hà Nội.
Ngay trong ngày khai mạc 16/1, cùng với đường hoa Home Hanoi Xuan, Phố đi bộ Pont de Long Bien đã tiếp đón 150 đại biểu, các nữ đại sứ, phu nhân đại sứ, các nhà ngoại giao nữ thuộc chương trình Ngoại giao văn hóa với chủ đề "Bản hòa ca Tết Việt" do Bộ Ngoại giao tổ chức. Tại đây, các đại biểu, nữ đại sứ, phu nhân đại sứ, các nhà ngoại giao nữ đã có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc tôn vinh văn hóa Tết cổ truyền của Việt Nam như: gói bánh chưng, nghe quan họ, nhảy sạp…
Ngoài ra, nhiều cư dân, du khách có mặt tại tuyến phố đi bộ, hòa mình vào không khí náo nức dịp Tết đến, xuân về. Những trò chơi tưởng chừng đã biến mất một lần nữa lại được tái hiện sinh động ngay tại con phố này, như ô ăn quan, kéo co, đi cà kheo, nhảy bao bố, in tranh Đông Hồ, làm kẹo kéo…
Vẻ đẹp của phố đi bộ Pont De Long Bien cũng thu hút nhiều bạn trẻ, gia đình diện áo dài rực rỡ du xuân, check-in (chụp ảnh), lưu lại những kỷ niệm đẹp.
Nhiều du khách coi đây là nơi giúp họ sống lại những ký ức tuổi thơ, là dịp nhắn nhủ con cái về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Biết đến sự kiện qua mạng xã hội, vợ chồng chị Hoàng Yến (quận Đống Đa) dành thời gian đưa các con đi chơi. "Sau khi dạo đường hoa xuân, cả nhà tôi đi dạo trên phố đi bộ này. Nơi đây tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi dân gian hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi của các con tôi", chị Yến nói.
Các loại hình nghệ thuật dân gian xuất hiện tại phố đi bộ Pont de Long Bien như trưng bày các sản phẩm làng nghề Sơn Đồng, làng nghề tranh đỏ Kim Hoàng, biểu diễn âm nhạc truyền thống ca trù, xẩm, quan họ…
Ngoài ra, không gian văn hóa - nghệ thuật huyện Hoài Đức tại Pont de Long Bien với câu chuyện về nhân nghĩa, đạo làm con, tinh thần hiếu học từ thời xa xưa… được tái hiện chân thực. "Đến đây tôi có thể nghe, nhìn, tự tay trải nghiệm và cảm nhận văn hóa không ở đâu xa xôi. Đó là những thứ tôi đã nghe qua lời mẹ ru, lời bà kể từ thơ ấu. Đến lễ hội này, tôi chạm vào ký ức đó một lần nữa, càng yêu quê hương", Đình Tùng (Cầu Giấy), cảm nhận.
Cùng với tuyến phố Văn Hiến, phố đi bộ Pont De Long Biên có tới 50 gian hàng bao gồm ăn uống, thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm, hàng nông sản, hàng hóa Tết… phục vụ du khách từ nay đến hết ngày 3/2.
Năm nay, người dân tại phía Tây Hà Nội còn được thưởng thức vở diễn Múa rối nước của đoàn múa rối nước Luy Lâu, xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh cùng nghệ thuật hát chèo cổ của nghệ sĩ chèo Kim Tuyến. Buổi diễn vào chiều ngày 19/1 với 18 tiết mục rối nước cổ đã thu hút hàng trăm khán giả, mang đến những tiếng cười, niềm hạnh phúc cho nhiều em nhỏ.
Ngoài các hoạt động mở cửa tự do cho du khách thập phương, chương trình "Ngày hội gói bánh chưng Tết" cũng là một trong những sự kiện chính nằm trong Lễ hội Home Hanoi Xuan 2025 dành riêng cho cư dân của khu đô thị. Sáng ngày 18/1, hàng trăm người dân, từ trẻ đến già, đã cùng tụ tập bên bếp lửa gói bánh chưng tại sân chính của phố đi bộ Pont De Long Bien.
"Đã 7 năm tôi mới lại được gói bánh chưng như thời còn ở nhà cũ, nên rất vui với chương trình này của chủ đầu tư. Ban Quản lý khu đô thị Mailand Hanoi City không chỉ quan tâm đến đời sống tâm tư của những cư dân sống tại đây vào dịp Tết, mà còn góp phần khôi phục lại truyền thống cổ truyền của người dân Việt, điều đó rất đáng quý. 22h tối, bánh sẽ được vớt, mọi người đều chờ đợi để nhận bánh về nhà, đưa lên thắp hương bàn thờ tổ tiên", bác Nguyễn Thị Thúy, cư dân sống tại phân khu Splendora, chia sẻ.
Sở hữu không gian cộng đồng phong phú, luôn tràn ngập bầu không khí sôi động khi thường xuyên được lựa chọn là điểm đến của các chương trình văn hóa, lễ hội như hội chợ Tết truyền thống, hội chợ Giáng sinh, lễ hội văn hóa Nhật Bản - Yosakoi Festival, giải nhảy "Nhịp điệu trẻ", Ngày hội thể thao…, Mailand Hanoi City cũng là một trong những điểm trình diễn văn nghệ, pháo hoa đêm giao thừa của Hà Nội có sự tham gia của hàng chục nghìn người.
Với nhiều người người, Mailand Hanoi City không chỉ là điểm đến lễ hội mà còn là hiện thực của mong ước về một tổ ấm đúng nghĩa.
"Tôi đã đón giao thừa tại Mailand Hanoi City được 5 năm, cảm xúc lúc nào cũng đong đầy như lần đầu tiên. Ở đây, chúng tôi được thưởng lãm đường hoa sáng tạo bậc nhất thành phố, được truyền cảm hứng từ cây cầu Long Biên lịch sử, đi giữa những biểu trưng khung cảnh khu phố nghệ thuật tại Paris và 15 gian hàng cổ của mảnh đất Thăng Long, cảm nhận quá khứ, hiện tại và tương lai, tận hưởng một cuộc đời đáng sống", anh Hoàng Công Huy, một cư dân của Mailand Hanoi City, chia sẻ.
Lễ hội đường hoa Home Hanoi Xuan 2025 với chủ đề "Bản hòa ca Tết Việt" do Công ty Phú Long chủ trì tổ chức, với sự ủng hộ và tham gia của UNESCO, Bộ Ngoại giao, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức, Tập đoàn Sovico, HD Bank, Vietjet, Vikki, Địa ốc Phúc Thịnh, Công ty Kiến trúc Tư vấn Quản lý Đông Dương, L'Alya Ninh Vân Bay, Tui Blue Nha Trang, Công ty Quảng cáo Unique, Công ty Thiên Hy Long Việt Nam.