DNews

Nhiều người gặp nạn vì chó mèo thả rông ở TPHCM

An Huy Q.Huy

(Dân trí) - "Chó hoặc mèo đã được chích ngừa, nếu không may bị chúng cắn cũng phải tiêm phòng vì không ai dám đùa với sinh mạng của mình", chủ một shop thời trang ở quận Gò Vấp (TPHCM) từng bị mèo cào chia sẻ.

Nhiều người gặp nạn vì chó mèo thả rông ở TPHCM

Ngoài việc nuôi chó mèo tự phát, thả rông trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, nhiều người còn bị các con vật này tấn công phải tốn tiền tiêm phòng dại. Có trường hợp người cha vì muốn bảo vệ con, dùng chân đẩy con chó chạy rông, không rọ mõm tại khu chung cư ở quận 7 ra xa đã bị chủ con vật tấn công trọng thương, nhập viện cấp cứu.

Thú cưng cắn là phải chích ngừa

Hơn 1 năm trước, chị Nguyễn Thị Uyên (29 tuổi, quê Đắk Lắk), chủ một cửa hàng thời trang trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), phát hiện con mèo đen khoảng 3 tháng tuổi đi lạc vào nhà.

Thấy con mèo đáng thương, chị Uyên dùng thực phẩm cho ăn rồi đem con vật bỏ ra ngoài đường. Tuy nhiên, con mèo hoang không rời đi mà tiếp tục vào lại cửa hàng. Thương con vật, chị Uyên nhận nuôi nó và đặt tên "Mun".

Nhiều người gặp nạn vì chó mèo thả rông ở TPHCM - 1

Con mèo tên "Mun" từng khiến chị Uyên phải đi chích ngừa bệnh dại (Ảnh: Nguyễn Uyên).

Cách nay không lâu, trong lúc cho mèo ăn, chị Uyên dùng tay vuốt ve liền bị con vật cào vào tay chảy máu. Sợ lây bệnh dại, chị phải đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM chích ngừa vào ngày hôm sau hết gần 1 triệu đồng.

"Sau hôm đó, tôi cũng bồng con mèo đến bác sĩ thú y chích ngừa phòng bệnh dại cho an toàn. Đến nay, con mèo đã lớn và nặng hơn 2kg. Mỗi khi có khách đến mua hàng, tôi khuyên mọi người không nên bồng để tránh nguy hiểm. Chó hoặc mèo đã được chích ngừa, nếu bị chúng cắn cũng phải tiêm phòng vì không ai dám đùa với sinh mạng của mình", chị Uyên nói.

Mới đây, sáng 28/3, bé H.V.A.K. (8 tuổi, ngụ quận Bình Tân) được người nhà vội vã chở đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tiêm phòng dại với dấu răng chó chi chít ở bàn tay, ngực.

Người nhà cho biết, một ngày trước, trong lúc chơi đùa với chó đang nuôi, K. bị con vật tấn công. Khi người nhà phát hiện, con vật đã gây nhiều vết thương cho bé.

"Con chó đã được tiêm phòng trước Tết, tuy nhiên gia đình vẫn phải tiêm phòng lại để hạn chế rủi ro. Theo phác đồ, K. còn phải tiêm 4 mũi nữa để phòng bệnh dại. Con chó cũng được nhốt lại để theo dõi", người nhà K. nói.

Tối 2/2/2023, anh Nguyễn Hoàng Dũng (34 tuổi) dẫn con trai vào sảnh tầng 1 chung cư Saigon Riverside, đường Đào Trí, phường Phú Thuận (quận 7) đợi thang máy.

Lúc này, một con chó không có người dắt, không dây xích, không rọ mõm liên tục tiến lại gần con anh Dũng.

Nhiều người gặp nạn vì chó mèo thả rông ở TPHCM - 2

Khoảnh khắc anh Dũng bị chủ chó lao đến hành hung tại chung cư (Ảnh: Minh Huy).

Thấy vậy, anh Dũng dùng chân đẩy con chó ra liền bị chủ con chó lao đến hành hung, rồi có lời lẽ đe dọa. Sau đó, nạn nhân đã đến Công an phường Phú Thuận trình báo rồi đi cấp cứu tại Bệnh viện FV.

Tại bệnh viện, anh Dũng bị sưng bầm và trầy xước gò má trái, rách mí mắt trái phải khâu 5 mũi, vỡ mảnh răng cửa hàm dưới, ngực trái có vết sưng. Cơ quan chức năng phường Phú Thuận sau đó đã gửi giấy mời chủ con vật đến trụ sở lập hồ sơ làm rõ vụ việc.

Đây là một số vụ điển hình xảy ra tại TPHCM vừa qua liên quan đến chó mèo cắn, cào người bị thương và mâu thuẫn dẫn đến xô xát vì bảo vệ thú cưng.

Bất lực vì thiếu luật

Không chỉ sống trong khu dân cư phập phồng lo sợ bị chó chạy rông, mèo hoang tấn công, nhiều người còn đang khốn khổ khi sống bên cạnh những nhà nuôi nhiều chó, điển hình là hộ ở 190 Hoàng Diệu, phường 9, quận 4.

Hàng chục hộ dân sống liền kề nhà 190 Hoàng Diệu phải cam chịu 8 năm qua. Họ bị ảnh hưởng bởi mùi hôi, tiếng ồn cả ngày lẫn đêm, trong khi luật nước ta chưa quy định cụ thể mỗi gia đình chỉ được nuôi bao nhiêu con chó.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Cao Thắng, Tổ trưởng tổ dân phố phường 9 (quận 4) cho biết, hộ 190 Hoàng Diệu nuôi khoảng 100 con chó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu dân cư nhưng chính quyền địa phương chưa có cách gì xử lý triệt để.

Theo ông Thắng, tình trạng rác thải bốc mùi, thả chó chạy rông ra trước cửa nhà ở hộ trên diễn ra mỗi ngày. Người dân xung quanh phơi đồ cũng bị ám mùi phân chó.

Các hộ dân nơi đây sống trong cảnh bất lực, họ bị ô nhiễm tiếng ồn, môi trường, muốn cho thuê nhà cũng không có khách, buôn bán ế ẩm.

Nhiều người gặp nạn vì chó mèo thả rông ở TPHCM - 3

Khoảng 100 con chó đang được nuôi trong nhà số 190 Hoàng Diệu, ảnh hưởng người dân xung quanh (Ảnh: An Huy).

Nước ta chưa có quy định ở thành thị được nuôi bao nhiêu con chó. Trước đây chỉ có quy định cấm nuôi heo, gà trong đô thị chứ không đề cập đến chó. Muốn xử lý hộ nuôi chó ô nhiễm cũng phải tuân theo quy định pháp luật. 

Trước đó, UBND phường 9 cũng ra quyết định xử phạt hộ nuôi chó này 64 triệu đồng. Tuy nhiên, quyết định xử phạt được thu hồi vì pháp lý chưa đủ chặt chẽ.

"Vừa qua, UBND phường 9 có mời chủ hộ nuôi chó 190 Hoàng Diệu lên làm việc. Lực lượng thú y kiểm tra phát hiện các con chó đã được tiêm phòng đầy đủ. Địa phương rất muốn hỗ trợ người dân sống kế bên hộ nuôi hơn 100 con chó này, nhưng không có luật để thi hành. Địa phương chỉ có thể đi tuyên truyền giúp họ", ông Thắng chia sẻ.

Các nước quản lý chó mèo thế nào?

Năm 2013, vụ chó dữ tấn công khiến một cậu bé 4 tuổi ở Bucharest (Romania) thiệt mạng đã gây rúng động dư luận nước này. 

Thời điểm đó, Ionut cùng anh trai Andrei (6 tuổi) được bà đưa đi chơi tại công viên ở khu Tei. Tuy nhiên, trong lúc người bà không để ý, cả hai chạy ra ngoài và chơi trên khu đất bỏ hoang gần đó.

"Bà ơi, lũ chó cắn Ionut", Andrei hoảng hốt chạy về chỗ bà kêu cứu. Lũ chó chỉ cắn vào chân cậu bé, nhưng em trai cậu không may mắn như vậy.

Cảnh sát sau đó tìm thấy Ionut trong bụi rậm. Các chuyên gia pháp y xác định cậu bé đã bị cắn hàng trăm lần và chảy máu đến chết do vết thương bên ngoài.

10 năm sau, thảm kịch liên quan đến chó hoang tấn công lại tiếp diễn ở ngoại ô Bucharest. Ngày 21/1/2023, Ana Oros (43 tuổi) - nhà hoạt động môi trường và yêu động vật - đã qua đời sau khi bị 8 con chó tấn công trong lúc chạy bộ.

Những vụ việc trên làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi không chỉ ở Romania mà trên khắp thế giới về một vấn đề đã tồn tại nhiều năm: Cách để xử lý chó hoang, chó thả rông.

Nhiều người gặp nạn vì chó mèo thả rông ở TPHCM - 4

Cán bộ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức đang bắt một con chó chạy rông trên đường (Ảnh: An Huy).

Tổ chức Y tế Thế giới WHO ước tính có khoảng 200 triệu chó hoang rơi vào cảnh không nhà cửa, đặc biệt là tại các nước châu Phi, châu Á cùng khu vực Đông Âu.

"Hơn 55.000 nạn nhân đã tử vong do chó dại cắn mỗi năm, đồng thời khoảng 15 triệu người khác cũng phải tiêm chủng nhằm đề phòng phơi nhiễm căn bệnh nguy hiểm này sau khi bị tấn công", đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết.

Để giảm thiểu số lượng động vật đi lạc, các quốc gia châu Âu đã triển khai chiến lược đa dạng, từ áp đặt hình phạt nghiêm khắc, tăng cường khả năng tiếp nhận của trạm cứu hộ, đến bắt buộc triệt sản, gắn chip cho chó mèo và thậm chí là đào tạo chủ vật nuôi.

Tại Anh, mọi chú chó bất kể tuổi tác, nòi giống… đều phải được chủ trang bị vòng cổ và thẻ ID khi ra nơi công cộng, trong đó ghi chi tiết thông tin cá nhân như tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của chủ nuôi.

Không chỉ vậy, từ năm 2016, chính phủ Anh chính thức ban hành đạo luật, yêu cầu chủ nuôi phải mang chó đến các cơ sở để gắn microchip khi được 8 tuần tuổi. Thông tin chi tiết về chủ sở hữu cũng phải được đăng ký và cập nhật trên hệ thống chính phủ.

Những trường hợp không gắn chip cho chó hoặc cập nhật dữ liệu như thông tin địa chỉ mới có thể bị phạt tới 500 bảng Anh.

"Gắn chip vào chó không chỉ giúp chủ nuôi tìm được chó bị thất lạc mà còn giảm thiểu tình trạng chó đi lang thang ngoài đường, giảm gánh nặng cho những tổ chức từ thiện bảo vệ động vật cũng như nhà chức trách địa phương", George Eustice, cựu Bộ trưởng Môi trường Anh, cho biết.

Trước "xứ sở sương mù", Bỉ đã yêu cầu gắn chip điện tử cho chó kể từ năm 1998 và Thụy Điển từ năm 2001, theo Anadolu.

Việc trang bị dây dắt chó khi ra ngoài cũng được quy định ở nhiều nơi. Cụ thể, ở bang Alabama (Mỹ), chó phải được buộc dây xích khi ra khỏi nhà. Người vi phạm có thể bị phạt từ 2 đến 50 USD.

Trong khi đó, theo luật của bang Connecticut, nếu để chó dữ chạy rông cắn người khác, chủ nuôi có thể bị phạt đến 1.000 USD và phạt tù 6 tháng.

Các quốc gia như Canada, Australia cũng yêu cầu buộc dây xích cho chó mọi lúc tại nơi công cộng như công viên hay bãi biển, và chỉ được thả rông ở khu vực chỉ định. Người vi phạm có thể bị phạt hàng trăm USD.

Tương tự, Pháp - nơi có khoảng 80 triệu thú cưng - bắt buộc sử dụng dây xích đối với giống chó "có khả năng gây nguy hiểm" như chó pitbull ở khu vực công cộng. Đồng thời, nước này nghiêm cấm việc bỏ rơi thú cưng trên đường phố, áp dụng hình phạt 3 năm tù và phạt 45.000 euro.

Bên cạnh đó, để hạn chế trường hợp chó dữ tấn công người, Đức đã áp đặt thuế sở hữu chó và đưa ra quy định cụ thể với những giống chó hung dữ.