Người thi sát hạch giấy phép lái xe ở TPHCM than khó hơn thi đại học
(Dân trí) - "Thi bằng lái giai đoạn này khó hơn thi đại học. Tôi nghĩ nên đổi thang điểm phần mô phỏng từ 1 đến 5 thay vì 5 xuống 1; thời gian chấm điểm cũng cần kéo dài chút", một học viên thi trượt chia sẻ.
Sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 và gián đoạn để phục vụ công tác kiểm tra phòng chống tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ theo Chỉ thị 05/CT-BGTVT ngày 8/4, những tháng cuối năm 2023, hàng trăm nghìn người bắt đầu khẩn trương đăng ký học sát hạch lái ô tô.
Tại TPHCM, lượng người đăng ký đào tạo lái xe tăng đột biến. Các trung tâm sát hạch phải tăng cường mở nhiều khóa thi mỗi tháng để đáp ứng nhu cầu có bằng lái ô tô của người dân. Tuy nhiên, có đến gần 120.000 người rớt sát hạch lái xe chỉ trong 11 tháng.
Việc Cục Đường bộ Việt Nam áp dụng đưa 120 câu mô phỏng tình huống giao thông vào đào tạo và thi. Nhiều người cho rằng để sở hữu được bằng lái ô tô trong giai đoạn này cũng tương đối khó.
Ôn kỹ vẫn rớt mô phỏng
Ngày 27/12, anh C.T. (35 tuổi, ngụ quận 6) thức dậy từ 4h30 để chạy xe máy hơn 30km từ nhà đến Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi, xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi) để chuẩn bị thi sát hạch hạng B2.
Trải qua phần thi lý thuyết, anh T. đạt điểm gần tuyệt đối (34/35 câu). Tuy nhiên, phần thi mô phỏng trên máy tính, anh chỉ được 27/50 điểm (35 điểm là đậu). Chưa kịp thi sa hình, anh đành đăng ký thi lại vào khoảng 1 tháng sau và đành ra về.
Không chỉ anh T. mà hàng chục trường hợp khác cũng rớt bài thi mô phỏng vào sáng cùng ngày tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh T. cho biết, 3 tháng trước, anh đăng ký học lái xe ở một trung tâm ở quận Tân Phú. Anh tham gia các buổi học lý thuyết, mô phỏng ở cơ sở đào tạo một cách nghiêm túc.
Trong kỳ thi tốt nghiệp lái xe trước đó, anh đạt điểm khá cao và tự tin vào kỳ thi sát hạch của mình. Tuy nhiên, việc rớt phần thi mô phỏng khiến anh bất ngờ. "Những ngày trước khi thi, tôi ôn bài rất kỹ và thực hiện tốt các đề thi thử. Khi hoàn thành bài thi mô phỏng, tôi không ngờ mình rớt", anh T. nói.
Theo nam học viên, phần thi mô phỏng khó hơn các phần khác. Trong mỗi tình huống giao thông, nếu người thi phát hiện chướng ngại vật… chỉ cần bấm trước 0,01 giây thì mất điểm, bấm trễ thì ít điểm. Phần thi này anh nhận thấy cũng không sát với thực tiễn.
"Vốn dĩ tôi đã ôn bài kỹ lắm rồi mà bị rớt nên cũng hụt hẫng. Tôi sẽ tiếp tục ôn và thi lại sau, hy vọng gặp may mắn", anh T. nói.
Bên cạnh đó, anh Lương Ý (33 tuổi, ngụ quận 5) cho biết, đang theo học hạng B2 tại cơ sở đào tạo lái xe T.C. ở huyện Nhà Bè. Anh ôn rất kỹ phần 120 câu mô phỏng nhưng phải chịu cảnh rớt ở kỳ thi tốt nghiệp. Đến lần thi lại thứ hai, anh mới đậu.
Theo anh Ý, tại buổi thi tốt nghiệp, máy tính bị đơ nên khi anh bấm gắn cờ các tình huống bị trật nên rớt.
"Tôi ôn rất kỹ các tình huống mô phỏng ở nhà trên laptop. Tuy nhiên, khi thi tốt nghiệp thì máy tính có hiện tượng bị đơ nên khi bấm tình huống, đáng lẽ các câu được 4-5 điểm thì bị tụt xuống 1-2 điểm hoặc mất điểm. Tôi nghĩ phần thi mô phỏng cũng không khó, vấn đề là máy tính phải hoạt động ổn định", anh Ý nói.
Đề xuất hoán đổi thang điểm
Ông Long (50 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) sau khi rớt sát hạch giấy phép lái xe ở phần thi mô phỏng có nhìn nhận rằng các tình huống giao thông như đánh đố người thi.
Theo ông Long, nếu tài xế lái xe ra đường phát hiện tình huống giao thông họ sẽ rà thắng sớm một chút để đảm bảo an toàn. Trong khi các tình huống mô phỏng, nếu thí sinh nhấn sớm một chút thì được 0 điểm, nhấn trễ chỉ được 1-2 điểm, dẫn đến rớt.
Có những tình huống mô phỏng, đoạn chấm điểm rất ngắn giống như thách đố người thi. Chẳng hạn tình huống lái xe trên đường đèo có sương mù dày đặc, nếu tài xế lái xe thực tế ở địa hình này họ cũng đã rà thắng đi chậm.
Thực tế, trong tình huống trên, người học phải bấm thật nhanh khi vừa thấy mờ mờ xe đi ở hướng ngược lại. Nếu thấy rõ xe mới bấm chỉ được 1-2 điểm.
"Tôi có bằng kỹ sư trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM. Khi thi bằng lái xe trong giai đoạn này, tôi thấy khó hơn thi đại học. Tôi nghĩ nên đổi thang điểm, bắt đầu chấm từ 1 đến 5, không nên chấm từ 5 xuống 1 như hiện nay. Thời gian chấm điểm nên kéo dài một chút sẽ hợp lý hơn", ông Long nói.
Cũng theo nam học viên, trong quá trình thi thử mô phỏng, ông thấy có những máy tính chạy chậm, phần hình bị treo nhưng thời gian cứ chạy nên học viên không thể xác định tình huống để bấm. Bàn phím nhiều khi bị liệt khiến học viên bấm không dính.
Phần thi có 10 tình huống chạy theo dạng cuốn chiếu, một số học viên rơi vào tình trạng trên đều rớt. "Tình trạng này có xảy ra tại cơ sở tôi học và tôi chứng kiến", ông Long khẳng định.
Một giáo viên dạy lái xe một trường ở TP Thủ Đức cũng nhìn nhận 120 câu hỏi tình huống giao thông thực sự là phần thi khó cho học viên. Muốn hoàn thành tốt phần này, đòi hỏi học viên phải nhanh nhẹn, phản ứng tốt mới bấm được điểm cao.
Học viên thi lấy bằng có đủ mọi lứa tuổi. Người trẻ thi mô phỏng thường có xác suất đậu cao hơn những người lớn tuổi, điều này đã được chứng minh tại các trung tâm đào tạo lái xe.
Theo vị giáo viên, nên đưa phần mô phỏng vào chương trình giảng dạy để học viên biết chứ không nên thi vì không sát với thực tế. Trường hợp vẫn áp dụng thi có thể thực hiện chấm điểm theo thứ tự tăng dần, để giải bài toán người học phán đoán tình huống sớm vẫn có điểm.
"Việc tổ chức thi tốt nghiệp cho học viên trước khi thi sát hạch tôi cho rằng cũng hợp lý. Bởi vì, khi cho thi tốt nghiệp, trung tâm đào tạo cũng nắm được giáo viên nào dạy tốt, dạy yếu để có điều chỉnh phù hợp trước khi cho học viên thi sát hạch.
Học viên thi lái xe cũng như học sinh trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học như trước đây vậy", vị này nói.
Theo Sở GTVT TPHCM, tính đến hết tháng 11, đơn vị này đã tổ chức 2.150 kỳ thi sát hạch cho 394.557 thí sinh (đạt 60,12% so với năm trước). Tuy nhiên, chỉ có 274.813 thí sinh thi đậu sát hạch được cấp bằng lái (gồm 194.925 thí sinh đậu bằng lái xe máy, 79.888 đậu bằng lái ô tô).
Như vậy, có đến 119.744 thí sinh thi rớt sát hạch lái xe trong 11 tháng. Nguyên nhân thí sinh rớt sát hạch do có thêm nội dung thi lái xe trên phần mềm mô phỏng tình huống giao thông.
Ngày 22/4/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có một số điểm mới.
Theo đó, học viên học bằng lái ô tô hạng B1, B2 và C, thời gian học lái xe trên cabin mô phỏng là 3-4 giờ/khóa học. Học viên học nâng hạng bằng lái ô tô sẽ học lái xe trên cabin mô phỏng 1 giờ. Đồng thời, học viên sẽ phải học 120 tình huống mô phỏng giao thông và thi mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính.
Đối với hạng B1, học viên phải lái xe đạt tối thiểu 710km (đáp ứng đủ lái xe tối thiểu 12 giờ, trong đó có 4 giờ lái xe vào ban đêm); với hạng B2, học viên phải hoàn thành tối thiểu quãng đường 810km (lái xe tối thiểu 20 giờ, trong đó có 4 giờ vào ban đêm và 3,2 giờ trên xe số tự động).
Với hạng C, học viên phải hoàn thành tối thiếu 825km, (đáp ứng 24 giờ lái xe tối thiểu, 4 giờ lái xe ban đêm và 3,2 giờ giờ học trên xe số tự động).