1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người liệt sĩ cùng đoàn quân tiến vào Sài Gòn...

Không chiến thắng nào không có những mất mát, hy sinh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống cho hòa bình của đất nước. Sự hy sinh nào cũng khiến đồng đội đau lòng và tiếc thương.

Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Thọ Mạc ngay cửa ngõ Sài Gòn, đến hôm nay vẫn còn khắc ghi trong trái tim những người lính đã cùng anh sát cánh chiến đấu trên cầu Vĩnh Bình.

 

Trong thời khắc kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trường Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải), Sư đoàn 320B của Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng), đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đầy xúc động ấy…

 

Bức ảnh liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc tại nhà lưu niệm Trung đoàn 202.

Bức ảnh liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc tại nhà lưu niệm Trung đoàn 202.

 

Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Thọ Mạc ngay cửa ngõ Sài Gòn, đến hôm nay vẫn còn khắc ghi trong trái tim những người lính đã cùng anh sát cánh chiến đấu trên cầu Vĩnh Bình.

 

Trong thời khắc kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trường Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải), Sư đoàn 320B của Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng), đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đầy xúc động ấy…

 

Sáng 30/4, Trung đoàn 27 và Trung đoàn bộ binh cơ giới 202 cùng theo hướng cầu Vĩnh Bình tiến vào Sài Gòn. Lúc đó, tất cả các lực lượng đã hợp thành một, riêng bộ binh là 2.000 người, còn tính cả xe tăng, pháo binh, phòng không thì gần 3.000 người.

 

Trên đường đi, đâu đâu cũng thấy lính nguỵ, xe tăng, “Vua chiến trường” của chúng ngổn ngang, dồn về tử thủ Sài Gòn. Ta vừa đi vừa đánh mở đường. Tới 9 giờ 30 phút, thì đoàn quân đã đến cầu Vĩnh Bình, cách Sài Gòn 10 cây số. Dọc đường, đã bắn cháy 3 xe tăng của địch, phía ta cũng bị địch bắn cháy 1 xe tăng.

 

Tại cầu Vĩnh Bình, địch đang co cụm lại, xe tăng của địch nhiều vô kể, quân ta phải dùng pháo 37 ly đánh kìm đầu địch. Lúc đó, xe thiết giáp 454 do đồng chí Hoàng Thọ Mạc, Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn bộ binh cơ giới 66 - Trung đoàn bộ binh cơ giới 202) chỉ huy, đã liên tiếp bắn cháy 5 xe tăng của địch. Khí thế đang hừng hực thì xe bị hỏng. Lợi dụng thời gian hỏa lực địch bị chế áp, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc lao từ trên xe xuống mặt cầu, rút khẩu súng K54 anh luôn mang theo mình ra để chỉ huy tổ B40 và B41 chiến đấu, bắn cháy thêm 3 xe nữa. Khẩu súng hiện vẫn được lưu lại tại Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp (Hà Nội).

 

Khẩu súng K54 liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc đã dùng để chỉ huy tại cầu Vĩnh Bình, trước khi anh hy sinh.

Khẩu súng K54 liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc đã dùng để chỉ huy tại cầu Vĩnh Bình, trước khi anh hy sinh.

 

Trong lúc đang chỉ huy chiến đấu, một mảnh đạn M79 của địch găm đã vào ngực Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc, máu tuôn ra ướt đẫm cả áo… Nén đau, anh tự băng bó cho mình, rồi tiếp tục hô anh em xông lên chiến đấu đánh bật địch ra khỏi cầu. Ngay lúc ấy, một chiến sỹ trẻ lao lên tiếp cận mục tiêu nhưng bị địch phát hiện và tập trung hỏa lực bắn xối xả. Một quả đạn M79 khác bay tới nổ, mảnh đạn văng khắp nơi, trong khoảnh khắc ấy Hoàng Thọ Mạc đã lao vọt tới, xô người chiến sĩ ngã xuống và lấy thân mình nằm đè lên, che đạn cho đồng đội, cứu sống người chiến sĩ trẻ ấy. Còn anh đã anh dũng hy sinh.

 

Chứng kiến hành động dũng cảm ấy, tất cả đồng đội của anh đều bật dậy, lao về phía quân thù. Ngọn lửa căm thù rực cháy tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ xe tăng và bộ binh ào qua cầu Vĩnh Bình như cơn lốc, đè bẹp sự kháng cự của địch, cùng các cánh quân khác tiến vào giải phóng Sài Gòn.

“Lúc đó đã gần 10 giờ sáng ngày 30/4, tôi đã quyết định đưa đồng chí Hoàng Thọ Mạc lên xe, chở đồng chí cùng đoàn quân tiến vào Sài Gòn”, tướng Hiệu bùi ngùi kể.

 

Đường đã thông, đoàn quân ào ào tiến tới. Nhiệm vụ của đơn vị Trung đoàn trưởng Hiệu là đánh chiếm Bộ Tư lệnh thiết giáp của quân Ngụy và Lục quân Công xưởng ở Gò Vấp. Lục quân Công xưởng gồm 13 căn cứ, trong đó căn cứ 25, 26 là căn cứ truyền tin, căn cứ 30 là căn cứ hậu cần (có đủ cả xăng, quần áo, quân nhu…). Sau khi chiếm được những căn cứ này, thì đoàn quân tiến về tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa vào lúc 10 giờ 30 phút sáng.

 

“Tổng y viện Cộng hòa lúc đó có 400 người, từ bác sĩ tới nhân viên phục vụ, cùng vài trăm thương binh của quân ngụy. Khi tiếp cận, người đầu tiên chúng tôi gặp là Chuẩn tướng ngụy Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Cục Quân y của quân ngụy Sài Gòn, người Nam Định. Khi nghe tôi nói, ông ta nhận ra tôi cũng là người Nam Định, nên nói: ‘Thưa quý ông, tôi cũng là người Nam Định, tôi xin bàn giao bệnh viện này’. Tôi trả lời ông ta: ‘Không, các ông thua trận, các ông phải đầu hàng vô điều kiện và quân giải phóng sẽ tiếp quản bệnh viện này, nhưng yêu cầu ông phải để nguyên đội hình bác sĩ, cả ông cũng phải ở lại’. Vì nhân đạo, chúng tôi cho phép các gia đình của lính ngụy được đến đưa con em của mình tới các bệnh viện khác, còn bệnh viện này từ nay là dành cho quân giải phóng”, tướng Hiệu kể lại.

 

Mọi yêu cầu đều được Chuẩn tướng ngụy Phạm Hà Thanh tuân theo. Và để đảm bảo sức khỏe cho thương binh của ta, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã yêu cầu hai điều với ông Phạm Hà Thanh: Phải cho thương binh hưởng chế độ chăm sóc cao nhất từ trước tới nay; phải đảm bảo không để thương binh nào chết, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm. “Nghe tới từ trách nhiệm thì ông ta rất lo sợ, ông ta trình bày: ‘Thưa quý ông, chết có nhiều nguyên nhân, nên quý ông phải có 1 hội đồng của các ông và chúng tôi để xem xét xem nguyên nhân nào dẫn đến cái chết’. Tôi đồng ý, thế là ông ta bắt đầu tháo quân hàm ngụy và làm nhiệm vụ của mình, với sự giám sát của những bác sĩ phía ta”, tướng Hiệu nhớ lại.

 

Sau khi đơn vị của Trung đoàn trưởng Hiệu đã chiếm xong Lục quân công xưởng thì cũng là lúc các đoàn quân tiến vào, chấm dứt những giây phút cuối cùng của quân ngụy tại Sài Gòn. “Theo kế hoạch phối hợp hiệp đồng, một bộ phận đơn vị chúng tôi đã cùng với các đơn vị bạn tiến đánh các mục tiêu còn lại, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, tướng Hiệu kể.

 

Chiều 30/4, ngay sau khi trận chiến kết thúc, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã đi tìm chiếc quan tài đẹp nhất để an táng Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc. Sự mất mát trong giờ phút chiến thắng, khiến ai cũng thấy bùi ngùi…

 

“Sau trận đánh, Hoàng Thọ Mạc được truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba. Và với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong suốt thời gian tham gia chiến đấu, ngày 12/9/1975, Nhà nước đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc. Liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc là người duy nhất thuộc cánh quân của chúng tôi được phong Anh hùng lực lượng vũ trang”, tướng Hiệu xúc động kể.

 

39 năm rồi nhưng có lẽ mỗi năm vẫn như “ngày năm ấy” với tướng Hiệu khi ngày 30/4 tới. Bởi ông vẫn nhớ như in cái cảm giác khi đoàn quân tiến vào Sài Gòn, trùng trùng, điệp điệp; cảm giác khi người dân Sài Gòn đổ ra đường, chật kín cả hai bên đường để đón chào đoàn quân; cảm giác khi ông đứng trước cả ngàn quân ngụy để giải thích cho họ về chính sách khoan hồng của ta, rồi cho họ trở về với gia đình để đoàn tụ trong giờ phút đất nước thống nhất…

 

Hoàng Thọ Mạc sinh năm 1947, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, thuộc xã Xuân Trường (Xuân Thủy, Nam Định). Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình và nhất là người cha thân yêu là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, năm 1965, Hoàng Thọ Mạc đã tình nguyện tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Tháng 6/1967, anh được chuyển sang bộ đội chủ lực và năm 1972 được điều về Trung đoàn bộ binh cơ giới 202. Với tinh thần tích cực học tập, rèn luyện, anh đã nhanh chóng làm chủ nhiều loại vũ khí, trang bị và trở thành một sĩ quan chỉ huy mẫu mực. Thiếu úy Hoàng Thọ Mạc được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 3 - Tiểu đoàn bộ binh cơ giới 66 - Trung đoàn bộ binh cơ giới 202 và trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường. Khẩu súng K54 anh luôn mang theo để chiến đấu và tham gia 5 chiến dịch lớn, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị anh phối thuộc với Sư đoàn 320B tiến công trên hướng Bắc Sài Gòn, có nhiệm vụ: Đánh chiếm Chi khu Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình và nhanh chóng tiến về Sài Gòn. 18 giờ ngày 25 tháng 4 năm 1975, tại vị trí tập kết chiến đấu, trong lễ tuyên thệ xuất quân, Hoàng Thọ Mạc đã thay mặt cho cán bộ, chiến sỹ trong Đại đội hứa quyết tâm: “Được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một vinh dự lớn, là khát vọng cháy bỏng của tôi. Dù phải hy sinh, tôi cũng kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ”. Anh ngã xuống cách Sài Gòn 5 km và trước giờ toàn thắng chỉ hơn 1 giờ.

 

Theo Tuyết Anh
 
Baotintuc.vn