Kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam:
“Tiếng nói đầu tiên về sự đổi đời”
(Dân trí) - Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đã ví von chương trình phát thanh đầu tiên trong ngày giải phóng Sài Gòn là “tiếng nói đầu tiên về sự đổi đời”; bởi mở đầu buổi phát thanh ấy là tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn ngày ấy.
TS Nguyễn Nhã từ trước 1975 đã nổi tiếng là 1 nhà nghiên cứu say mê lịch sử nước nhà. Ông là người sáng lập, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tập san Sử Địa (Đại học Sư phạm Sài Gòn). Ngay trước ngày giải phóng, ông cũng đã làm số chuyên đề đặc khảo về Hoàng Sa và tổ chức triển lãm tài liệu chứng minh chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa.
Là người nghiên cứu lịch sử nên ông rất chú ý đến những biến động trong những ngày tháng 4/1975, khi tin đoàn quân giải phóng đang thần tốc tiến về Sài Gòn. Sáng 29/4/1975, hỏa tiên rơi lạc vào nhà hàng xóm sát nhà ông nên ông phải tản cư ra trường học cạnh nhà thờ Tân Định. Với sự nhạy cảm của người nghiên cứu sử học, ông nhận ra thời khắc lịch sử đang tới gần.
TS Nguyễn Nhã hiểu đó là tư liệu vô cùng quý giá cho quá trình lao động nghiên cứu của mình sau này nên lúc nào cũng kè kè cái máy radio và máy ghi âm bên mình để chờ nghe tin kết thúc chiến tranh. 13h ngày 30/4/1975, khi sóng đài phát thanh Sài Gòn chợt ồ lên sau mấy ngày im lặng, ông xác định thời khắc lịch sử đã tới nên bật sẵn máy ghi âm thu lại buổi phát thanh đầu tiên này.
TS Nguyễn Nhã cho biết: “Cuốn băng ghi âm có chất lượng khá tốt, dài 30 phút, ghi lại lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh vào ngày 30/4/1975. Băng được trực tiếp thu bằng máy cassette Hitachi. Chính nhờ vậy toàn văn tuyên bố và diễn tiến phát thanh trên đài phát thanh được ghi lại hoàn toàn trung thực và chính xác”.
Phần đầu cuốn băng phát ra nhiều tạp âm, trong đó có tiếng vỗ tay, bàn luận to nhỏ, tiếng động của những chiếc ghế... Nguyên nhân là do các những người thực hiện buổi phát thanh đầu tiên này đều là “tay ngang” nên dù sóng đã phát nhưng chưa có nội dung gì. Hơn 2 phút sau thì lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh mới được phát.
Nguyên văn lời của tướng Dương Văn Minh: "Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam".
Sau đó, giáo sư Vũ Văn Mẫu phát biểu trực tiếp tiếp theo: "Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền Cách mạng".
Kế tiếp là lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi Văn Tùng: "Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn".
Các lời tuyên bố ấy cứ được phát đi phát lại nhiều lần, xen kẽ là những tiếng nhạc cải lương, nhạc cách mạng, tiếng người nói chuyện với nhau, có cả tiếng nước ngoài (phóng viên Tây Đức Borries Gallasch)…
Sau những lời tuyên bố đầu hàng của chính quyền Sài Gòn phát đi qua sóng phát thanh, nhiều giới chức Sài Gòn thân cách mạng đã kéo về đài phát thanh, tiếp tục lên tiếng trấn an người dân. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã đứng ra làm vai trò người dẫn chương trình với những lời tự phát biểu mộc mạc, không được sửa soạn trước.
Có lúc KTS Nguyễn Hữu Thái tự giới thiệu: “Chúng tôi là những người đại diện cho các Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này”.
Có lúc lại phát biểu: “Đây là tiếng nói của các Ủy ban Nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, chúng tôi yêu cầu tất cả các đồng bào và anh chị em nhất là các anh em nhân viên các nhà đèn và các nhà nước cùng các anh em sinh viên học sinh sẽ tụ họp lại mà có cuộc điều động của các Ủy ban Nhân dân cách mạng do Thành Đoàn chúng tôi điều khiển…”.
Hay là: “Chúng tôi là những đại diện của các Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi kêu gọi đại diện tất cả các đoàn thể nghề nghiệp, tôn giáo, sinh viên, học sinh, thanh niên, các công nhân, quân nhân sinh hoạt bình thường và xin các vị đó đến tất cả các nhiệm sở của mình để điều khiển công việc sinh hoạt bình thường, giúp đỡ cấp thời việc ổn định tình thế. Chúng tôi xin kêu gọi tất cả các đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định xin bình tĩnh và sinh hoạt bình thường”…
Sau đó, KTS Nguyễn Hữu Thái lần lượt giới thiệu từng người phát biểu trên Đài. Có đại diện các giới nhà báo (Kỳ Nhân), chuyên viên Đài phát thanh (Trần Văn Bảng), nghệ sĩ (Hữu Đức), lực lượng Cách mạng Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (Huỳnh Văn Tòng), công nhân (Nguyễn Văn Quang)…
TS Nguyễn Nhã cho rằng: “Những tiếng nói quen thuộc đối với dân Sài Gòn lúc ấy đang hoảng loạn, kêu gọi bình tĩnh, cuộc sống trở lại bình thường về mặt tâm lý có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Sài Gòn cũng như với dân ở Miền Nam lúc bấy giờ”.
Cuốn băng của TS Nguyễn Nhã cũng là tài liệu duy nhất ghi lại khách quan buổi phát thanh đầu tiên này, trở thành 1 cứ liệu lịch sử mạnh mẽ về thời điểm lịch sử của dân tộc.
Tùng Nguyên