1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chúng tôi tiến công giải phóng Sài Gòn từ hướng Tây-Tây Nam

Về ý định giải phóng miền Nam, tuy đã cùng tập thể Bộ Chính trị họp bàn và thống nhất là hai năm (1975-1976), nhưng anh Lê Duẩn vẫn băn khoăn và nói cố gắng làm sớm, giải phóng sớm miền Nam, để ngụy nó lại hồn thì khó. Tôi cho đây là một suy nghĩ sắc sảo của anh Lê Duẩn.

Sau khi Bộ chỉ huy Miền (gọi tắt là B2) đã thông qua “Kế hoạch quân sự mùa khô 1974-1975” rồi thì hai anh Phạm Hùng và Trần Văn Trà mới ra họp Trung ương. Trong khi hai anh đang họp ngoài đó thì trong này chúng tôi giải phóng Phước Long.

Thực tế sau khi giải phóng Phước Long (ngày 6-1-1975) và núi Bà Đen, Bộ chỉ huy Miền chúng tôi đã bắt tay ngay vào làm “Kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn”. Chúng tôi thảo phương án sử dụng lực lượng, lấy lực lượng tại chỗ là chủ yếu, tính toán kỹ thấy chỉ thiếu 1 quân đoàn. Anh Trần Văn Trà đi họp ngoài Bắc vào, anh nói “anh Ba" (tức Lê Duẩn) bảo sẽ làm sớm, để chậm sẽ khó khăn, phức tạp”. Anh Trà cho biết, sau khi ta đã có chiến thắng Phước Long thì mục tiêu đột phá mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên vẫn là Chi khu Đức Lập chứ không phải là Buôn Ma Thuột, lúc đầu ý kiến chọn đánh Buôn Ma Thuột còn ngang ngửa lắm, nhưng rồi cuối cùng, thực tiễn chiến trường đã cho phép ta chọn Buôn Ma Thuột. Anh Lê Duẩn nói “đánh Buôn Ma Thuột xong sẽ đánh Sài Gòn”. Khi anh Trà trở về, Bộ chỉ huy Miền chúng tôi họp bàn và thống nhất là điện xin Trung ương đưa ngay Quân đoàn 3 vào tăng cường cho B2. Cả Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền gần như thống nhất là sẽ tiến công và giải phóng Sài Gòn trong tháng 4, vì sang tháng 5 ở Nam Bộ đã vào mùa mưa, việc cơ động của ta, nhất là tăng, pháo và cơ giới sẽ khó khăn, mà khó khăn nhất là hướng Tây-Tây Nam Sài Gòn, vùng Long An mênh mông đồng nước, kênh rạch và sình lầy. Cùng với việc soạn thảo kế hoạch là xây dựng “Quyết tâm chiến đấu”, sơ đồ đã phác ra 5 hướng (Bắc, Tây Bắc, Tây-Tây Nam, Đông, Đông Bắc) tiến công vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền tay sai. Người trực tiếp vẽ sơ đồ là đồng chí Long, người của Bộ Tổng Tham mưu vào làm Trưởng phòng Tác chiến Sở Chỉ huy Miền nên tác nghiệp rất nhanh. Phải nói, Bộ chỉ huy Miền chúng tôi thời đó có được đội ngũ cán bộ tham mưu giúp việc đã giỏi chuyên môn lại vừa có kỷ luật và thái độ trách nhiệm rất cao, nên mọi việc được giao anh em thường hoàn thành trước thời gian, nhiều khi thấy anh em ham việc quên cả ăn và nghỉ chúng tôi nhắc nhở thì họ “cự” lại “Thủ trưởng nói nửa lời là làm chết bỏ!-xả thân không nề hà” khiến chúng tôi rất yên tâm.

Khi hai anh Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị cử vào (cùng với anh Phạm Hùng) làm đại diện Bộ Chính trị tại mặt trận, các anh xem và nói: “Kế hoạch làm tốt, nhưng phải thêm quân”. Và các anh cũng thấy nơi khó nhất là hướng Tây- Tây Nam, vì quá trình vận động và tiến công phải vượt qua địa hình nhiều sình lầy. Các anh cũng thống nhất với nhận định, phân tích của Bộ chỉ huy Miền, đây là một hướng tiến công rất quan trọng, vì có chiếm lĩnh và làm chủ lộ 4, ta mới cắt đứt được khả năng cơ động đường bộ của quân ngụy từ Quân đoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật (Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long) về ứng cứu cho Sài Gòn, hoặc ngược lại chúng tháo chạy từ Sài Gòn về Cần Thơ để cố thủ, như vậy đều sẽ gây thêm nhiều khó khăn và nhiều tổn thất cho ta trong trận đánh cuối cùng. Tôi lại được giao làm Phó tư lệnh Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-kiêm Tư lệnh cùng anh Lê Văn Tưởng (tức Hai Tưởng) làm Chính ủy của cánh quân tiến công từ hướng Tây-Tây Nam, một trong 5 hướng tiến công của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Quân giải phóng từ hướng Tây Nam Bộ tiến về Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Quân giải phóng từ hướng Tây Nam Bộ tiến về Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã quyết định rút hai anh, Nguyễn Minh Châu (tức Năm Ngà)-Tư lệnh và Văn Phác-Chính ủy Đoàn 232 về công tác ở Bộ chỉ huy Miền. Cánh quân hướng Tây-Tây Nam lúc này trên cơ sở Đoàn 232 và được bổ sung một số đơn vị, đội hình tiến công của hướng này gồm có: Ba sư đoàn bộ binh (3, 5 và 9), 4 trung đoàn bộ binh độc lập; 1 trung đoàn đặc công; được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng T54; 1 tiểu đoàn thiết giáp PT85; 1 tiểu đoàn pháo 130mm; 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn phòng không; Sư đoàn 8 Bộ binh của Quân khu 8. Như vậy, lực lượng của cánh quân hướng Tây-Tây Nam chúng tôi tương đương 1 quân đoàn tăng cường, cùng các LLVT và lực lượng chính trị của địa phương. Cánh quân này có nhiệm vụ: Cắt lộ 4 (đoạn Bến Lức đến Tân An), tiến công giải phóng Bến Lức và Tân An, cắt đứt sự liên hệ của địch giữa Sài Gòn và đồng bằng miền Tây, diệt địch ở Hậu Nghĩa, mở cửa tuyến sông Vàm Cỏ, tổ chức một lực lượng binh chủng hợp thành (cỡ sư đoàn tăng cường) tiến công Sài Gòn từ hướng Tây, chiếm Biệt khu Thủ đô, tổ chức một bộ phận hợp điểm tại Dinh Độc Lập; tổ chức một lực lượng từ phía Nam đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường, phát triển đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát, chiếm các quận 5, 6, 7 và Bình Chánh. Nói gọn lại thì chúng tôi được giao 3 mục tiêu rất quan trọng là: Cắt đứt lộ 4 (đoạn từ Long An đi Bến Lức), tiến công Tổng nha Cảnh sát và Biệt khu Thủ đô; sau đó chia làm hai mũi, một vào Dinh Độc Lập và một vào căn cứ Bộ tư lệnh Hải quân ngụy ở Ba Son và Bạch Đằng.

Khi nhận nhiệm vụ cùng tôi chỉ huy cánh quân trên hướng Tây-Tây Nam đánh vào Sài Gòn, anh Lê Văn Tưởng rất phấn khởi vì ở “thời điểm lịch sử” lại được cấp trên giao nhiệm vụ đúng với ước nguyện của mình “trận cuối cùng được trực tiếp về tham gia giải phóng quê hương", anh gốc người Long An. Tôi đã có dịp sát cánh cùng anh trong đợt hai của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, anh là một cán bộ trung thực, dễ gần, chu đáo và rất kiên cường, dũng cảm. Nhận nhiệm vụ xong, tôi bảo anh về trước chuẩn bị về tổ chức. Chiều 13-4-1975 anh đi, ngày 14-4 đã có mặt ở Sở Chỉ huy của cánh quân hướng Tây-Tây Nam bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc huyện Đức Huệ-Long An; còn tôi ở lại họp Bộ chỉ huy Chiến dịch, đến ngày 17-4 mới xuống Long An, chính thức cầm quân ở hướng này.

Anh Hai Tưởng trao đổi, chúng tôi đề xuất và được trên chấp thuận điều anh Lê Quốc Sản-Tư lệnh Khu 8 làm Phó chỉ huy, bổ nhiệm anh Hai Nghiêm-Phó chỉ huy Đoàn 232 làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh cánh quân hướng Tây-Tây Nam. Anh Nghiêm trước ở ngoài Bắc làm Trưởng phòng ở Cục Tác chiến, lúc mới vào cũng làm Trưởng phòng Tác chiến, sau làm Cục trưởng, là người có tác phong rất tỉ mỉ lại chịu khó, rất kiên định trong vấn đề đánh Mỹ.

Việc cắt lộ 4 (đánh chiếm, làm chủ đường số 4-đoạn từ Tân An đến Bến Lức, cắt đứt đường cơ động của ngụy từ Sài Gòn đi Cần Thơ) là nhiệm vụ rất khó khăn. Bộ Tư lệnh cánh quân hướng Tây-Tây Nam chúng tôi đã chọn và giao cho Sư đoàn 5 do đồng chí Út Liêm làm Sư trưởng, sau đó là đồng chí Vũ Thược (tức Năm Thược) thay thế; đồng chí Hòa làm Chính ủy (trước đó đồng chí Hòa làm Chánh Văn phòng Bộ chỉ huy Miền) thực hiện, với yêu cầu phải hoàn thành nhiệm vụ trước ngày N-3 (tức trước ngày toàn tuyến nổ súng tiến công 3 ngày), sau đó phối hợp với LLVT tại chỗ tiến công giải phóng Tân An và Bến Lức, giữ vững khu vực đã giải phóng. Quá trình cơ động đến các vị trí triển khai đội hình chiến đấu, Sư đoàn 5 gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của nhân dân và các LLVT địa phương, nên đơn vị đã vượt qua tất cả. Hình ảnh làm cán bộ, chiến sĩ chúng tôi ấn tượng mãi ở đây là cô du kích tên Sáu Sửa, khi cô dẫn đường cho một trung đoàn của Sư 5 cơ động, trên thì mưa như xối, dưới là sình lầy, có đoạn phải dầm mình dưới nước mà đi, đỉa thấy hơi người là bu vào cắn, nhiều trai tráng còn sợ, vậy mà cô rất bình tĩnh vừa lội vừa bắt từng con ném ra xa. Nhờ có cô dẫn đường và tham mưu (lúc đầu Sư đoàn 5 xác định tổ chức thành hai mũi tiến công. Mũi thứ nhất, lực lượng là một trung đoàn, giải phóng Thủ Thừa; mũi thứ hai, lực lượng là hai trung đoàn, tiến công giải phóng Bến Lức và thị xã Tân An cùng lộ 4, tổ chức giữ chắc địa bàn, sau đó cho một lực lượng phát triển chiến đấu vào thành phố, giải phóng được khu Phú Lâm. Nhưng cô Sáu Sửa góp ý: Chỉ cần tập trung đánh Bến Lức và thị xã Tân An thì quân ngụy ở Thủ Thừa sẽ rút chạy, Chỉ huy Sư đoàn 5 đã tiếp thu và tổ chức thực hiện theo phương án đó, kết quả đúng như nhận định của cô) nên Sư đoàn 5 vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ lại tránh được nhiều tổn thất hy sinh. Cùng với các ý kiến tham mưu có hiệu quả, cô Sáu Sửa được cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn suy tôn là Trung đoàn phó. Sau này, với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, cô Sáu Sửa đã được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, làm Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, rồi huyện Đức Huệ sau đó làm Phó chủ tịch tỉnh Long An.

Theo Đại tướng Lê Đức Anh

Quân đội Nhân dân